Hai nguyên cán bộ công an 'mê' siêu xe

Hai nguyên cán bộ công an trực tiếp thực hiện, tiếp tay 'bùa phép' nhiều hồ sơ nhập khẩu siêu xe, trục lợi hàng trăm tỉ đồng.

Sáng 7-9, TAND TP HCM mở phiên xét xử sơ thẩm các bị cáo trong đường dây buôn lậu "núp bóng" Việt kiều hồi hương.

Hai bị cáo từng công tác trong ngành công an, gồm: Nguyễn Giang Lam (SN 1975, thường trú tại quận 7, TP HCM) bị truy tố tội danh "Buôn lậu"; Bùi Khắc Hà (SN 1975, thường trú tại quận 6, TP HCM) hầu tòa về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

"Núp bóng" Việt kiều hồi hương

Bên cạnh đó, VKSND TP HCM truy tố tội danh "Buôn lậu" đối với Nguyễn Quang Vinh (SN 1982, thường trú tại quận 7, TP HCM), Trần Phước Thạnh (SN 1967, thường trú tại quận Bình Thạnh, TP HCM) và Trần Thái Nguyên (SN 1972, thường trú tại TP Đà Lạt).

Theo cơ quan công tố, từ năm 2011, Vinh, Nguyên, Thạnh móc nối với Lam (khi đó làm việc tại Phòng Quản lý xuất nhập cảnh - Công an TP HCM) để mua tiêu chuẩn nhập khẩu ôtô theo diện Việt kiều hồi hương.

Cả nhóm nhờ cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an đóng dấu xuất nhập cảnh khống vào hộ chiếu Việt kiều.

Trong hai năm, đường dây này lo hồ sơ nhập khẩu đủ loại "siêu xe" (mô tô lẫn ô tô) đứng tên 64 Việt kiều hồi hương. Trong đó, 54 trường hợp được thuê đứng tên hồ sơ với giá 10.000 USD/hồ sơ.

Do mang danh xe của Việt kiều hồi hương nên các đối tượng "né" thành công hàng trăm tỉ đồng tiền thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng.

Các bị cáo tại phiên tòa sáng 7-9

Nguyên cán bộ công an thiếu thành khẩn vì… tình nghĩa

Cơ quan công tố cáo buộc Bùi Khắc Hà - nguyên cán bộ công an Đồn cửa khẩu Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đóng dấu kiểm chứng xuất nhập khẩu vào hộ chiếu của 16 Việt kiều.Trong khi, 16 người này không mua vé máy bay, không đi nước ngoài. Từ đó, Giang, Vinh cùng đồng phạm hợp thức hóa hồ sơ và thực hiện trót lọt hành vi buôn lậu, trục lợi bất chính.

Trước đó, tại cơ quan điều tra, Hà chối bỏ hành vi phạm tội. Sau đó, Hà thay đổi toàn bộ lời khai, thừa nhận mình tham gia đường dây. Hà giải thích vì muốn giữ chữ tín, giữ tình nghĩa với Lam nên không khai báo. Sau khi nhận thức rõ, Hà cảm thấy cần khai báo đúng sự thật để hưởng hoa hồng.

Hà khai nhận mình quen Lam từ năm 2009. Sau một thời gian quen biết, Lam nhờ Hà đóng dấu khống vào một số hộ chiếu của Việt kiều. Nhờ đó, Lam và đồng phạm vận chuyển 16 ôtô, mô tô về Việt Nam. Hà khẳng định mình làm giúp vì tin bạn chứ không hề biết việc Lam tổ chức buôn lậu. Đồng thời, Hà không nhận bất kỳ lợi ích vật chất nào từ đường dây này.

Ngoài ra, cơ quan pháp luật xác định không đủ căn cứ xử lý hình sự các Việt kiều cũng như một loạt cán bộ Đồn cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất có liên quan trong vụ án.

Đối với cán bộ công an, Bộ Công an có hình thức xử lý kỷ luật theo quy định.

Bài và ảnh: Di Lâm

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/phap-luat/hai-nguyen-can-bo-cong-an-me-sieu-xe-20180907113704645.htm