Hai người trẻ 'đình đám' lập quỹ hỗ trợ sinh viên nghèo

7 năm qua, đã có hàng trăm sinh viên được hỗ trợ từ quỹ học bổng VietSeeds.

Lập ra dự án xã hội này là hai người trẻ Việt Nam nổi tiếng ở Mỹ: Vũ Duy Thức (34 tuổi, TP.HCM, tiến sĩ chuyên ngành trí tuệ nhân tạo, Trường ĐH Stanford, đồng sáng lập Công ty OhmniLabs, Mỹ) và Văn Đinh Hồng Vũ (34 tuổi, TP.HCM, thạc sĩ giáo dục, Trường ĐH Stanford, người sáng lập và giám đốc điều hành Công ty ELSA).

Đã có hàng trăm sinh viên nhận được học bổng từ VietSeeds

Vũ Duy Thức chia sẻ: “Tôi luôn cảm thấy mình rất may mắn đã được nhiều người giúp đỡ để có được ngày hôm nay. Cho nên VietSeeds là một trong những dự án xã hội của tôi như là một cách tri ân cuộc đời. Đây là một quỹ học bổng do tôi lập ra từ năm 2011 với Hồng Vũ, để trao học bổng cho các sinh viên nghèo vượt khó. Chúng tôi đã từng tiếp xúc với rất nhiều em sinh viên tuy học rất giỏi và rất chăm chỉ, nhưng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên đành phải bỏ dở ước mơ đại học của mình. VietSeeds được lập ra với mong ước là trong tương lai sẽ không còn những hoàn cảnh như vậy tại Việt Nam nữa”.

Vũ Duy Thức

Còn Văn Đinh Hồng Vũ thì cho biết, từng được hỗ trợ, nhận nhiều sự giúp đỡ của mọi người trong suốt quá trình học tập. Thế nên bản thân cô luôn tâm niệm “đã nhận thì phải có trách nhiệm cho lại”. Và VietSeeds là nơi cô bắt đầu hành trình hỗ trợ những bạn trẻ khó khăn. “Quỹ học bổng này với sứ mệnh tiếp sức ước mơ đại học của các học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong nước”, Hồng Vũ nói.

Văn Đinh Hồng Vũ

Năm đầu tiên quỹ học bổng ra đời chỉ với 10 suất khiêm tốn. Nhưng sau đó, Duy Thức và Hồng Vũ đã cùng bạn bè ở cả Việt Nam và Mỹ cố gắng xoay sở kiếm tiền tài trợ, lo xét duyệt hồ sơ, đi tìm kiếm ứng viên thích hợp bên cạnh đó còn tìm kiếm chuyên gia tham gia các khóa đào tạo. VietSeeds đã thu hút nhiều nhà tài trợ. Từ đó số học bổng chương trình bắt đầu nhích lên dần... Tính đến nay, VietSeeds đã trao hơn 300 suất học bổng toàn phần cho hàng trăm sinh viên Việt Nam.

Năm 2014, Quỹ VietSeeds cũng chính thức được cấp phép hoạt động tại Việt Nam. Bên cạnh số tiền học bổng cho các bạn sinh viên nghèo (4.000 USD/suất cho 4 năm học), nhóm còn cung cấp chương trình training (đào tạo kỹ năng mềm) và mentor (cố vấn chuyên môn một kèm một) hoàn toàn miễn phí cho những bạn trẻ được chọn.

“Cái hay của tổ chức này nằm ở chỗ sinh viên không phải chỉ nhận được giúp đỡ về mặt tiền bạc, mà còn được nhận sự hướng dẫn hỗ trợ về mặt tinh thần lẫn kỹ năng. Mục đích là giúp các em phát huy hết tiềm năng thực sự của mình”, Hồng Vũ nói.

Duy Thức chia sẻ thêm, thành tựu lớn nhất mà VietSeeds đã đạt được đó là kết quả học tập của các em rất tốt. Phần lớn các em nhận học bổng của VietSeeds là những em học sinh khá giỏi. Có nhiều em kết quả học tập đứng đầu khoa, nhiều bạn đã xin được học bổng đi du học nước ngoài và gặt hái một số phần thưởng trong nước và quốc tế khác. Bên cạnh việc trao học bổng hỗ trợ tài chính cho các em, VietSeeds còn tổ chức các khóa kỹ năng mềm, có giáo viên hướng dẫn các bạn để giúp các bạn nâng cao kỹ năng của mình.

Làm thế nào để sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có thể biết và tiếp cận quỹ VietSeeds? Duy Thức cho biết: “Chúng tôi có hai nguồn để tiếp cận các em sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Đó là các sinh viên hiện tại của VietSeeds, các bạn đến từ vùng sâu vùng xa sẽ trở thành đại sứ, giúp kết nối VietSeeds với các em học sinh cấp ba ở địa phương mình. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có các tình nguyện viên tổ chức các chuyến đi đến vùng sâu vùng xa, sau đó liên hệ với các trường học, đưa thông tin về quỹ VietSeeds đến các trường này”.

Mặc dù khá bận bịu với công việc ở Mỹ, nhưng cả hai cho biết sẽ cân đối thời gian để duy trì, phát triển hoạt động này. Ngoài việc hỗ trợ sinh viên nghèo, cả hai còn mong muốn nâng mô hình này lên thành vườn ươm lãnh đạo tương lai. “Hy vọng rằng với sự có mặt của VietSeeds sẽ thúc đẩy tương lai thế hệ trẻ Việt Nam trở nên tươi sáng hơn và giúp ích cho sự phát triển đất nước”, Duy Thức nói.

Xuân Phương - Xuân Phương

Nguồn Thanh Niên: https://thanhnien.vn/gioi-tre/hai-nguoi-tre-dinh-dam-lap-quy-ho-tro-sinh-vien-ngheo-907170.html