Hai người mẹ nông nổi

Vừa nghe đại diện Viện Kiểm sát đề nghị mức án từ 1 năm đến 1 năm 6 tháng tù, bị cáo N.T.V.T (sinh năm 1992, trú Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) run rẩy bật khóc...

1. Vừa nghe đại diện Viện Kiểm sát đề nghị mức án từ 1 năm đến 1 năm 6 tháng tù, bị cáo N.T.V.T (sinh năm 1992, trú Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) run rẩy bật khóc. Có lẽ, bị cáo chẳng ngờ chỉ trót dại trộm ví tiền, dù đã trả lại mà vẫn phải lãnh án tù giam. Đến khi tòa tuyên phạt 9 tháng tù, tổng hợp với 2 bản án chưa chấp hành thành tổng cộng 1 năm 5 tháng tù, V.T như muốn sụp xuống.

V.T trộm chiếc ví để trên xe đẩy hàng của một phụ nữ khi chị này đang mải lựa đồ trong siêu thị. Tận đến khi giấu được ví tiền vào người rồi ra chỗ khác lựa đồ để đợi cơ hội bỏ trốn, V.T vẫn chưa biết trong ví có 3 triệu đồng. V.T không hề nhận ra siêu thị luôn có camera giám sát, có thể dễ dàng phát hiện mọi hành vi, từ đó mau chóng tìm ra V.T, đưa về bộ phận an ninh và thu hồi lại tài sản trộm cắp.

V.T thanh minh, bản thân phạm tội do rơi vào hoàn cảnh trớ trêu. T. lấy chồng từ năm 15 tuổi, nhưng cuộc hôn nhân không hạnh phúc. V.T qua 2 đời chồng, kết quả có được 4 đứa con, lớn nhất 13 tuổi, nhỏ nhất 2 tuổi. Cuộc sống gia đình chẳng mấy hạnh phúc, V.T lại quyết định ôm con bỏ đi. Trước đó, V.T đã cẩn thận liên hệ với một người bạn ở Nha Trang và được hứa cho ở nhờ. Nhưng khi mẹ con V.T tới nơi thì người này lại đổi ý. Với vài trăm ngàn đồng mang theo, dự tính ở nhờ rồi đi xin việc nuôi con bất thành, V.T đành đi thuê tạm phòng trọ lấy chỗ che nắng che mưa rồi tính tiếp. Sáng đó, vào siêu thị mua tã, sữa cho con mà túi không có tiền, thấy chiếc ví để hờ hững trên xe đẩy, V.T không kìm được...

2. T.T.T.T (sinh năm 1990, trú Diên Khánh) lại khác. Biết rõ siêu thị có camera, nhưng T.T vẫn quyết tâm tới trộm cắp. Có chủ định sẵn nên trước khi vào siêu thị, T.T đã đeo khẩu trang kín mít. Vào trong, T.T lựa đúng góc khuất camera và sơ hở của nhân viên siêu thị để “chôm” một số hàng hóa bỏ vào ba lô, rồi vờ lấy mấy gói mì tôm ra quầy tính tiền. Nhưng kẻ gian nào cũng có sơ hở. Trong lúc đợi thanh toán, T.T giả bộ ra ngoài lấy áo mưa và mang theo ba lô định bỏ đi thì bị bảo vệ giữ lại.

Trước tòa, T.T, người phụ nữ 2 con (6 tuổi và 3 tuổi) bức bối cho biết, bị cáo trộm cắp không phải vì bản tính lười lao động hay thiếu thốn, mà đơn giản vì ấm ức. Khi còn làm việc tại đây, T.T thường xuyên bị quản lý o ép, liên tục phải đền tiền khi siêu thị mất hàng mà không được giải thích, thanh minh; rồi cuối cùng vẫn bị đuổi việc. Bây giờ, tuy đã có việc làm mới nhưng T.T vẫn không cam lòng, rắp tâm quay lại trộm đồ để trả thù, khiến siêu thị liêu xiêu!

Không hiểu 14 triệu đồng trị giá hàng hóa mà T.T trộm cắp có đủ làm chủ cũ phải điêu đứng, nhưng T.T đã bị bắt quả tang và phải hầu tòa. Tại sao đã ra đi và có công việc mới, T.T không thể buông bỏ, để rồi tuy được nhận án tù treo, nhưng với lý lịch tư pháp có “tì vết”, liệu bị cáo còn nhiều cơ hội có việc làm? Liệu những người tuyển dụng sau có thể tin tưởng bị cáo? Nghe hội đồng xét xử phân tích, bị cáo T.T khóc ròng, nhận ra mình quá dại dột. Còn V.T cũng rấm rứt khóc bởi không thể ngụy biện khi đã trộm cắp tới lần thứ ba, trong khi với số tiền trong túi, mấy mẹ con dư sức mua vé xe quay về nhà hoặc nương nhờ người thân, tìm cách tháo gỡ. Thực tế, không thể giải quyết dứt điểm mâu thuẫn gia đình bằng cách bỏ đi; người mẹ càng không nên dắt díu con nhỏ theo rồi lấy nhu cầu sống của con ra làm bình phong để phạm tội.

Hai người phụ nữ, hai người mẹ đều phạm tội trộm cắp sau khi rơi vào những hoàn cảnh đáng thương. Đáng tiếc, họ đã chọn cách ứng xử nông nổi!

TAM THUẬT

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/phap-luat/chuyen-ghi-o-toa/202003/hai-nguoi-me-nong-noi-8154884/