'Hai người lính' hội ngộ lịch sử sau 45 năm-Kỳ 1: Điểm hẹn: Quảng Trị

45 năm trước họ gặp nhau ở đất lửa Quảng Trị để có được bức ảnh độc đáo. Câu chuyện hội ngộ của họ một lần nữa gây xung động đặc biệt cho người chứng kiến, khiến phải thông tin đầy đủ đến bạn đọc. Bởi đó không còn là chuyện riêng của họ mà là chuyện lớn của đất nước này...

Giây phút hội ngộ ở sân bay Phú Bài của nhà báo Chu Chí Thành và “người mẫu ảnh” Bùi Trọng Nghĩa. Ảnh: Triệu Đô.

Giây phút hội ngộ ở sân bay Phú Bài của nhà báo Chu Chí Thành và “người mẫu ảnh” Bùi Trọng Nghĩa. Ảnh: Triệu Đô.

Một ngày đầu năm 2018 dương lịch, ông Bùi Trọng Nghĩa - người lính Sài Gòn trong ảnh Hai người lính mà tôi quan tâm viết không chỉ một bài, điện thoại cho tôi: “Đài Truyền hình Quảng Trị mời tôi dự giao lưu nhân 45 năm Hiệp định Paris, có cả anh Tạo anh Thành. Tôi có nên đi không?”.

“KHÚC CA HÒA BÌNH”- MỘT NGUYÊN CỚ

Tạo trong câu của ông Nghĩa tức Nguyễn Huy Tạo - anh bộ đội, người lính còn lại trong ảnh. Còn Thành là Chu Chí Thành - tác giả bức ảnh trứ danh đó, chụp cách nay tròn 45 năm.

Thực ra hồi tháng Năm năm ngoái, ngay khi người viết bài này tìm ra người lính Sài Gòn trong ảnh Hai người lính, báo Tiền Phong đã mong sớm tổ chức hội ngộ cho họ. (Xin đọc loạt bài Cuộc gặp người lính Sài Gòn trong ảnh Hai người lính, tháng 5/2017. Cuộc tìm ra người lính Hà Nội thì diễn ra trước đó một năm rưỡi). Báo muốn một cuộc hội ngộ đầy ý nghĩa sau chừng ấy dâu bể, can qua, sau thời gian dài không manh mối hoặc thông tin không chính xác rằng họ đều đã chết. Nhưng rồi vì lý do tôi sẽ đề cập sau, mà chuyện này chưa thể thực hiện sớm.

Thì bây giờ có cơ hội? Nhân một chương trình giao lưu nghệ thuật tên là Khúc ca hòa bình tối 26/1/2018.

Hai bức ảnh cách nhau 45 năm.

Ông Nghĩa nói trong điện thoại: “Do báo Tiền Phong, do cô mà mọi người biết tôi. Tôi nghĩ nay ai mời, muốn gặp thì tôi đều nên hỏi ý kiến cô, mới gọi là có trước có sau”.

Tôi động viên ông đi, vì nhiều lý do. Ông đã xuôi xuôi thì lại nảy mối lo để vợ đau yếu ở nhà không yên tâm. Họ có con trai 26 tuổi nhưng cậu này đi làm suốt ngày.

Phó Giám đốc Đài Truyền hình Quảng Trị - anh Võ Nguyên Thủy điện thoại nhờ tôi thuyết phục ông Nghĩa nhận lời vì “hai người lính” chính là điểm nhấn của chương trình Khúc ca hòa bình. (UBND tỉnh Quảng Trị phối hợp một số dơn vị tổ chức. Truyền hình Quảng Trị và VTV8 đồng sản xuất để phát sóng).

Sau cùng tôi cũng thuyết phục được ông Nghĩa sắm sửa bộ hành ra Quảng Trị một phen. Ở đó ít nhất ngoài Chu Chí Thành còn có tôi từ Hà Nội vào nên vợ con ông nói, thế thì họ hoàn toàn yên tâm. Chả là từ hồi tôi kết nối được hai vị Thành - Nghĩa, họ thỉnh thoảng chuyện trò, thăm hỏi nhau trên điện thoại.

BA NGƯỜI BA MŨI TIẾN VỀ THÀNH CỔ

11 giờ 10 phút trưa 25/1/2018, người Sài Gòn “gộc” Bùi Trọng Nghĩa đáp chuyến bay 1372 của Vietnam Airlines từ TPHCM ra Phú Bài, Huế. Theo kế hoạch, người của truyền hình Quảng Trị sẽ đón ông về Trung tâm Dịch vụ-Hội nghị tỉnh nghỉ ngơi trong khi chờ giao lưu tại Quảng trường Giải phóng.

Trước đó, 19 giờ 30 tối 24/1, nhà báo Chu Chí Thành lên chuyến tàu SE1 khởi hành từ ga Hà Nội. Cũng từ Hà Nội, chiều 25/1 Nguyễn Huy Tạo lên tàu SE9 cùng thủ trưởng cũ - Đại tá Trần Long, sĩ quan tham mưu của Trung đoàn 48 tức Trung đoàn Thạch Hãn đóng tại Quảng Trị thời điểm 1973. Tôi đi ô tô vào.

Ba người ba mũi tiến về thành cổ. Nguyễn Huy Tạo vào muộn nhất do nhà có đại sự. Bùi Trọng Nghĩa lần đầu trở lại Quảng Trị sau 45 năm, chuyến đi mà về sau vợ ông thuật lại với tôi: “Ổng vui lắm”. Còn Chu Chí Thành thì mong cuộc hội ngộ này từ lâu, từ tháng Năm năm ngoái khi nghe thông báo về “đại chương trình, đại kế hoạch” của báo Tiền Phong.

Đến Quảng Trị tối hôm trước, ngay sáng sau tôi cùng mấy anh bạn trẻ quay phim, đạo diễn của Hà Nội và Đài Quảng Trị lên đường đi Huế đón Bùi Trọng Nghĩa. Bởi chúng tôi dự định ghi lại cuộc hội ngộ này một cách xứng đáng.

Muốn có sự đặc biệt, đón tại chân cầu thang máy bay chứ không chỉ ở sảnh, tôi phải nhờ Đình Thắng, Trưởng ban Kinh tế của báo. Thắng theo dõi ngành giao thông vận tải nhiều năm. Thế là chỉ ít phút đã thấy người có chức trách của Tổng Cty Cảng Hàng không Việt Nam ngoài Hà Nội điện thoại cho tôi nói đồng ý trợ giúp, đã liên hệ Cảng vụ Huế để chúng tôi có được sự đặc cách.

Tưởng được phép thì cứ thế phi thẳng ra máy bay, hóa ra chúng tôi phải qua kiểm tra an ninh ngặt nghèo trước khi được tổ an ninh hộ tống đến nơi cần đến. Nhờ ít phút thư giãn chờ máy bay hạ cánh mà lần đầu tiên trong đời có dịp ngắm nghía quang cảnh sân bay Phú Bài từng biết qua những trang sách chiến tranh đọc từ hồi bé.

Tiết trời Huế hôm ấy, 25/1/2018 se se lạnh. Nhà báo Chu Chí Thành mặc áo khoác màu xám còn tôi vận quần bò và áo khoác bò cho có vẻ dã chiến, năng động so với tuổi. Trên tay ông Thành khư khư chiếc áo khoác màu đen. Chả là trước đó, hỏi han hành trang của ông Nghĩa, được biết ông không hề có áo ấm do lâu lắm có đi xa đâu, tôi nói với ông Thành, có thể chuẩn bị món quà nhỏ này không. “Yên tâm, không chỉ áo ấm mà tôi sẽ mang vài chiếc sơ-mi tặng cậu ấy”. Bây giờ, sợ ông Thành cũng hay quên đồ như mình nên tôi khuyên cứ để áo trong ô-tô khỏi ôm ra máy bay cho khổ, tay ông còn bận máy ảnh, và chỉ lạnh ít phút thôi, từ máy bay bước xuống lại lên xe buýt ra sảnh luôn mà.

GẶP LẠI

Thế rồi chiếc máy bay màu xanh dương điểm họa tiết hoa sen cũng nhô lên khỏi ngọn cây, từ từ lăn bánh trên đường băng rồi quành về hướng chúng tôi đứng. Tổ an ninh nhắc chúng tôi không được nôn nóng. Sợ mất an toàn.

Được phép, mấy chàng quay phim lập tức cùng Chu Chí Thành áp sát cầu thang. Tôi nói, cứ túm tụm cửa trên thế này, nhỡ ông “hành khách đặc biệt” lại chọn cửa dưới thì sao. Nên là quyết định đi về phía ấy và dặn nhớ để ý, thấy tôi vẫy thì liệu mà chạy lại!

Cuối cùng cũng thấy người Sài Gòn bước xuống trong chiếc áo pul xanh quần tây thẫm. Bèn ra sức vẫy mấy ông trẻ nhưng họ chả thèm để mắt như đã hẹn! Quay với chả kiếc! Về sau họ kể: Đang mỏi cổ ngóng, với máy móc lỉnh kỉnh trên tay thì thấy một người đàn ông bước xuống hỏi Đón ông Nghĩa phải không? Đoán đây là ông Phú- thành viên ban tổ chức, người được Đài Quảng Trị thông báo sẽ bay cùng ông Nghĩa nên họ tưởng ông Nghĩa đi ngay sau. Ông Phú hóa ra là Trình Quang Phú, người nổi tiếng ở Phú Yên mà tôi từng gặp vài bận.

Từ bậc cầu thang cao cao, hành khách Nghĩa nhận ra tôi, có vẻ ngỡ ngàng xong cũng nở nụ cười ấm áp bước xuống đường băng. Muốn nhường giây phút quan trọng cho hai nhân vật chính với sự chứng kiến của các loại ống kính nên tôi lui đi, chả nói gì mấy chỉ cười chào là chính.

Sau này vợ ông Nghĩa kể, ông cực bất ngờ khi thấy hai “đại nhà báo” hiện ra ở Phú Bài. Ông cứ tưởng về đến Quảng Trị chúng tôi mới gặp nhau!

Trên xe buýt ra sảnh sân bay.

Nhìn thấy người nổi tiếng Chu Chí Thành, ông Nghĩa cười tươi tiến đến, tay chỉ vào ông Thành rồi ra dấu với tôi, ý là nhận ra ai đây rồi! Ông Thành cũng nhanh nhẹn tiến lại ôm vai người quen cũ, tíu tít: “Nhận ra anh à? Qua ảnh hay thấy động tác thì nhận ra? Em ra được đây là mừng quá rồi. Khỏe nhỉ, tốt quá. Ôi trời, bốn nhăm năm rồi...”.

Ông Nghĩa nói nhận ra ông Thành nhờ ảnh (in báo). Nom ông xúc động ra mặt. Ông Thành chủ động ôm vai, bắt tay còn ông Nghĩa dùng cả hai tay để bắt lại tay ông Thành. Có lúc, hai người đồng thời chỉ sang tôi theo một cách mà tôi hiểu vì sao. Đúng là cơ duyên đã khiến tôi gặp được từng người- Thành, Nghĩa để rồi hôm nay lại được chứng kiến cảnh ngộ cảm động này.

Ông Thành ôm vai ông Nghĩa trước, chìa tay ra trước còn ông Nghĩa dùng cả hai tay để bắt (lại) tay ông Thành. Về sau ông Thành kể lại với tôi: “Nghĩa siết tay tôi rất chặt”.

Xe bon trên đường phố Huế bình yên. Người Sài Gòn càng lúc càng phấn khích, cứ quay trái quay phải, nhấp nhổm chỉ nơi đó nơi kia, ôn lại kỷ niệm tới Huế hồi trai trẻ, đi chơi với bạn bè ở sân banh Tự Do, cửa Thuận An, Mang Cá; đá bóng phía An Hòa, An Cựu...Sân bay Phú Bài thì ra vô thường xuyên nhưng đều trước 1975 chứ từ đó tới nay, tịnh không trở lại Huế lần nào.

Bữa cơm hội ngộ của chúng tôi diễn ra ở 38 Nguyễn Lương Bằng cắt phố Tố Hữu. Nghe các ông trẻ quay phim và Chu Chí Thành kể lại lý do không thể “túm” được ông Nghĩa đi từ cầu thang máy bay xuống để mà ghi hình, tôi kết luận: “Cuối cùng tôi vẫn có duyên với chàng Nghĩa nhất!”.

Với anh bộ đội Tạo thì lại không duyên được bằng.

Được biết tàu của ông Tạo sẽ vào ga Đông Hà tờ mờ sáng 26/1, tôi không cần để chuông báo thức cũng vùng dậy rất sớm, rồi 3h kém 15 sang gõ cửa phòng ông Thành- Nghĩa. Ông Thành nhổm dậy bảo: Tàu đến muộn 1 tiếng nên cứ nghỉ ngơi thêm đi. Đúng một tiếng sau lại sang thì gọi không được. Ngạc nhiên xuống sảnh đợi đến 20 phút mới biết tất cả họ- đạo diễn, quay phim đã lẳng lặng đi không gọi mình như đã hẹn, còn ông Thành và Nghĩa nghe ai đó giải thích linh tinh thế nào mà tưởng tôi tự dưng lại chọn ngồi nhà, khiến ông muốn lộn lên phòng tìm tôi đành thôi. Tôi cáu quá. Đánh đường vào đây có phải để ngủ đâu, đi chơi đi bời đâu. Tôi đã đi Huế đón ông thủy quân lục chiến thì đương nhiên với ông bộ đội cũng vậy, vả lại chúng tôi đã mong chờ cuộc này từ năm ngoái!

(còn nữa)

Kỳ 2: CHUYỆN Ở CHỐT LONG QUANG

Dương Phương Vinh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi-phong-su/hai-nguoi-linh-hoi-ngo-lich-su-sau-45-namky-1-diem-hen-quang-tri-1256798.tpo