Hai người bạn

Sau hơn nửa thế kỉ phục vụ trong quân ngũ, nhà văn Huy Hà được nghỉ hưu. Hàng xóm chả ai biết ông cấp bậc gì, vì chưa bao giờ thấy ông mặc quân phục. Vợ chồng nhà văn Huy Hà chỉ có một con gái, tên Hoa. Sui gia với nhà văn Huy Hà là Trung tướng Vũ Kiên, cũng đã nghỉ hưu, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu.

Nhà văn Huy Hà và Tướng Vũ Kiên là đồng hương, là bạn thân, hơn nữa còn là sui gia, nên vẫn hay đi lại thăm nhau. Nhiều người bình phẩm, hiếm vị Tướng nào có tình bạn thân thiết, thủy chung như vậy. Một hôm Vũ Thịnh nói với ông ngoại - nhà văn Huy Hà - rằng ông nội ốm nặng phải đi nằm viện. Thùy Dung, vợ nhà văn Huy Hà nói, nên thu xếp đi thăm ngay.

Hôm sau nhà văn Huy Hà bắt taxi đến bệnh viện, được hướng dẫn lên khu đặc biệt dành cho cán bộ cấp cao. Phu nhân Tướng Vũ Kiên là Tâm Hằng đang ở ngoài hành lang. Vừa thấy nhà văn Huy Hà, bà đã ôm lấy ông, gục đầu vào vai, giọng tràn nước mắt, nói Vũ Kiên bị ung thư rồi.

Nhà văn Huy Hà đẩy cửa vào phòng bệnh, nhìn thấy Tướng Vũ Kiên gầy tọp, chìm lút giữa những chai lọ, dây nhợ lằng nhằng và chăn đệm trắng toát. Ông bước nhanh đến bên giường bệnh, cầm tay Tướng Vũ Kiên, nói "sao lại đến nông nỗi này?".

Tướng Vũ Kiên cất tiếng cười không còn lanh lảnh hào sảng như xưa, nhưng vẫn đầy lạc quan, nói: "Cỗ máy chạy ngót thế kỉ, mòn mỏi rồi, ọp ẹp rồi, giờ phải đại tu thôi". Nhà văn Huy Hà nhìn vị thủ trưởng cũ, cố hình dung cậu bé chăn trâu ngỗ nghịch tuổi mười ba, viên Tiểu đoàn trưởng trẻ tuổi dũng mãnh trong Chiến dịch Điên Biên Phủ và dáng bệ vệ oai hùng của vị Phó Tư lệnh, bất ngờ hai giọt nước mắt ứa ra.

Tướng Vũ Kiên không ngờ ông bạn nối khố lại yếu đuối thế, bèn cười nói: "Nằm bệnh viện dài ngày tôi mới có dịp ôn lại những bước thăng trầm của cuộc đời chúng mình. Ôi, sao mà nhớ những ngày chăn trâu ở đồng Mỏ Trang quê ta thế!".

*

Mỏ Trang là một đầm trũng lớn nhất làng Hạ Đan, ba bề bao bọc bởi những trái núi của dãy Xuyên Đan. Trên lưng chừng núi có một bản người Mán. Ngày đó Cu Gầy mới mười hai mười ba tuổi, vẫn được cha cho theo học chữ quốc ngữ ở chỗ thầy giáo Hương, buổi sáng đi học, buổi chiều đi thả (chăn) trâu, một con trâu cà to khỏe. Đi thả trâu, Cu Gầy kết thân với Thằng Rỗ, mồ côi bố từ sớm, chăn đàn trâu cho cụ Lý Đương. Thằng Rỗ mù chữ, những lúc cao hứng nó kêu Cu Gầy dạy bảng chữ cái, rồi tự học đánh vần. Tự viết được tên mình.

Nếu không có sự việc đột biến sau đây, cuộc đời của Gầy và Rỗ sẽ ra sao, chắc chỉ có trời biết. Hôm đó là chủ nhật, sáng sớm đã thấy Thằng Rỗ lùa đàn trâu năm con xuống Mỏ Trang. Đàn trâu năm con của cụ Lý Đương cũng có một con trâu cà.

Hôm ấy, vào lúc mặt trời lưng lửng thì trên sườn đồi thoai thoải xuất hiện một con trâu cái rất đẹp mã. Thoạt đầu con trâu cà nhà Cu Gầy lao đến, làm các trò hít ngửi ve vãn. Ngay sau đó con trâu cà nhà cụ Lý Đương xông lên. Mắt hai con trâu cà vằn đỏ, lượn quanh con trâu cái, rồi lao vào nhau. Con trâu cái lảng ra xa. Hai con trâu cà dồn tất cả sức lực vào cuộc đấu. Chúng quần nhau từ trên sườn đồi, đẩy nhau xuống đến cánh ruộng. Quần nát cả cánh ruộng.

Cu Gầy nói: "Nhỡ một con chết thì sao nhỉ?". Thằng Rỗ bảo: "Tách chúng nó ra". Bất ngờ, hai con trâu cà ngã lăn ra đất, không động đậy. Thằng Rỗ kêu thất thanh: "Chết hết rồi!". Hai đứa trẻ chạy đến thấy con trâu nào cũng đẫm mồ hôi, nhưng đều đứt thở. Cu Gầy nói: "Bây giờ làm sao?". Thằng Rỗ ngẩng phắt đầu dứt khoát, buông cụt lủn: "Đi trốn".

*

Hai đứa nhằm phía bản Dao mà đi. Bỗng nghe tiếng bước chân gấp phía sau, sợ bị đuổi theo bắt lại, hai đứa liền bảo nhau cắm đầu chạy. Có tiếng gọi: "Hai cậu chớ sợ". Chớp mắt ba người đàn ông mặc áo chàm đã vây quanh. Một người lớn tuổi hơn, giọng miền trong nằng nặng, nhìn hai trẻ trâu với vẻ thân thiện, hỏi: "Các em đi đâu lên bản Mán vào giờ này?". Rằng: "Các cậu nên đi theo các anh, các cậu sẽ có tương lai". Hai đứa trẻ trâu vội gật đầu. Người đàn ông nói: "Tên anh là Hà Kiên, từ nay Cu Gầy là Huy Hà, Thằng Rỗ là Vũ Kiên, nhớ đấy".

*

Lên Chiến khu, Huy Hà và Vũ Kiên được phiên chế vào làm liên lạc ở đơn vị Vệ quốc quân của Hà Kiên. Hai cậu bé được phát quân trang, được học quân sự. Nhưng điều quan trọng hơn là được rèn dũa kỉ luật và luôn được ăn no. Hai cậu bé nhanh chóng làm quen với đời sống quân ngũ. Ít lâu sau đơn vị của Hà Kiên hành quân lên Việt Bắc, tham gia Chiến dịch Biên giới. Hai cậu liên lạc viên cùng được Hà Kiên đỡ đầu. Sau Chiến dịch Biên giới, một hôm Hà Kiên gọi Huy Hà và Vũ Kiên lên gặp, nói: "Các em phải đi học để sau này trở thành cán bộ nòng cốt xây dựng quân đội".

Minh họa: Tô Chiêm.

Minh họa: Tô Chiêm.

Hai cậu liên lạc viên khoác ba lô về Trường Quân chính. Trong khi chờ đợi học viên từ các đơn vị tập trung về, Huy Hà và Vũ Kiên được cử xuống bếp giúp anh nuôi làm cơm. Chỉ đạo viên thấy Huy Hà nói năng hoạt bát mới bảo: "Đồng chí thiếu sinh quân thử làm bài thơ ca ngợi anh nuôi, để động viên mọi người".

Nói rồi, bèn cấp cho một xấp giấy và cây bút chì. Huy Hà nhận nhiệm vụ làm thơ như nhiệm vụ chiến đấu. Đêm đêm nằm suy nghĩ, nhớ tới đận theo đơn vị Hà Kiên tham gia Chiến dịch Đông Khê, cuối cùng viết được một bài ca dao, nộp Chỉ đạo viên. Bài ca dao như sau: "Lâm thâm mưa phủ cánh rừng/ Ào ào gió cắt đứt từng đốt tay/ Anh nuôi thức suốt đêm nay/ Nấu cơm, vắt nắm chất đầy như non/ Ngày mai bộ đội đánh đồn/ Vắt cơm, trái pháo mở đòn tấn công/ Diệt thù thỏa nỗi dân mong/ cờ reo chiến thắng, tấm lòng anh nuôi".

Bài ca dao của Huy Hà được Chỉ đạo viên đọc cho Tổ Nuôi quân nghe, được nhiều người lính chép vào sổ tay. Khi nhập học, Chỉ đạo viên đã khen ngợi Huy Hà trước lớp. Vũ Kiên bảo: "Mày nổi tiếng rồi đấy. Nhưng tao sẽ nổi tiếng hơn mày cho xem".

Mùa thu năm ấy, kết thúc khóa học, trở lại đơn vị, Vũ Kiên được giao giữ chức Trung đội trưởng, còn Huy Hà được biên chế về Ban chính trị, được giao nhiệm vụ viết tin cho tờ báo in li tô Tin Trung đoàn. Ít lâu sau lại đến mùa chiến dịch. Cả hai hăng hái theo đơn vị lên đường. Đó là Chiến dịch Thu - Đông, mang theo sứ mệnh giải phóng Tây Bắc.

Đại quân vượt sông Thao qua bến Âu Lâu, tiến đánh phân khu Nghĩa Lộ, tiểu khu Phù Yên, giành thắng lợi lớn. Rồi được đà, những anh "vệ túm" năm nào tiếp tục tiến sang giải phóng Thuận Châu, Tuần Giáo, Điện Biên. Cuối tháng 11, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định tấn công cụm cứ điểm Nà Sản.

Sau chiến dịch, Trung đoàn rút về hậu phương tổng kết rút kinh nghiệm, bổ sung tân binh, củng cố lực lượng. Tổng biên tập tờ Tin trung đoàn giao nhiệm vụ cho Huy Hà xuống phân đội Vũ Kiên lấy tư liệu viết bài. Vũ Kiên nói với Huy Hà: "Trận Nà Sản ta thua, có gì mà viết". Huy Hà bảo: "Nhưng phân đội cậu đã thọc thẳng vào trái tim cứ điểm, trung đoàn chiếm được Pú Hồng. Thành tích không nhỏ. Đấy là điểm sáng. Tao sẽ viết cho mày thấy".

Bài viết của Huy Hà, lẽ dĩ nhiên có nhiều gia công của Tổng biên tập, được Bộ chỉ huy chiến dịch khen ngợi. Được Trung đoàn trưởng Hà Kiên ủng hộ, Vũ Kiên được chọn bồi dưỡng thành Chiến sĩ thi đua, được đề bạt giữ chức Tham mưu phó tiểu đoàn rồi nhanh chóng lên Tham mưu trưởng, nổi tiếng là một tài năng quân sự. Đến trước Chiến dịch Điện Biên thì Vũ Kiên đã được đề bạt Tiểu đoàn trưởng, có tiêu chuẩn cần vụ. Trong khi đó Huy Hà vẫn chỉ là một nhân viên lấy tin, viết những tin ngắn cho tờ Tin trung đoàn.

Sau Chiến dịch Tây Bắc, quân đội bước vào đợt rèn cán chỉnh quân. Một lần gặp Huy Hà trên đường lên trung đoàn, Vũ Kiên nói: "Sắp có chiến dịch lớn, rất lớn, hay mày chuyển qua bên quân sự đi?". Huy Hà nói: "Tao không có năng khiếu quân sự như mày. Tao quen sử dụng cây bút hơn". Huy Hà nói vậy vì ngày đó anh đã có một số kí sự, truyện ngắn đăng trên một số tờ báo, rất được chú ý.

*

Sau Chiến dịch Điện Biên, Hà Kiên được điều về Bộ Tổng tham mưu. Vũ Kiên lập công to, được đề bạt Sư đoàn phó. Huy Hà cũng được thăng chức Trưởng Đoàn Văn công sư đoàn. Đoàn Văn công có hai nữ diễn viên quê vùng tự do Phú Thọ. Một cô tên Lê Thị Lúa và một cô tên Đỗ Thị Gạo, những cái tên đặc sệt nhà nông. Bắt chước Hà Kiên, Huy Hà cũng đặt tên mới cho các nhân viên của mình. Cô Lúa nom thùy mị, có giọng hát xoan ghẹo mê mẩn hồn người, đặt là Tâm Hằng. Cô Gạo nhí nhảnh, hơi có chút đành hanh gọi là Thùy Dung.

Ngày đó Huy Hà đã tự nhủ, nếu lấy vợ thì phải lấy người thùy mị, kín đáo như Tâm Hằng. Đoàn trưởng Huy Hà chủ tâm bồi dưỡng để Tâm Hằng trở thành cây đơn ca của đoàn. Thùy Dung thì anh hướng cho đi sâu vào chèo, diễn những trích đoạn truyền thống.

*

Chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu. Chấm dứt chiến tranh. Sư đoàn được lệnh kéo quân về Phú Thọ, học tập chính trị, chuẩn bị tiếp quản Thủ đô. Một nhiệm vụ mới nặng nề. Đoàn Văn công của Huy Hà đóng trong một doanh trại cũ của quân đội Pháp, gấp rút dựng những tiết mục mới để không chỉ phục vụ bộ đội mà còn phục vụ nhân dân Thủ đô.

Một hôm Sư đoàn phó Vũ Kiên gọi điện cho Huy Hà, nói đưa văn công lên biểu diễn phục vụ lãnh đạo. Huy Hà tập họp đoàn văn công, quán triệt tư tưởng nhiệm vụ, lựa chọn những tiết mục tiêu biểu đưa lên sư trình diễn báo cáo. Vì là diễn hẹp, chỉ nội bộ Bộ Tư lệnh sư đoàn, lại biết Vũ Kiên rất thích chèo, nên Huy Hà cho tập thêm hai tiết mục Thị Kính và Thị Mầu.

Vai Thị Kính do Tâm Hằng đảm nhiệm, Thị Mầu thì dĩ nhiên thuộc vai của Thùy Dung. Đêm diễn ấy, Sư đoàn trưởng đi vắng, chỉ có Sư đoàn phó Vũ Kiên. Xem Thùy Dung diễn Thị Mầu lên chùa, Vũ Kiên không ngớt vỗ tay, luôn miệng khen, hay hơn văn công Trung ương. Đến lúc xem Tâm Hằng diễn Thị Kính, Sư đoàn phó ngồi lặng đi, giấu Huy Hà, lén lấy khăn tay lau nước mắt.

Một chủ nhật. Vũ Kiên ghé thăm đoàn văn công, không báo trước. Mọi người đều đi vắng, duy còn Huy Hà là đang ôm lấy bàn viết. Anh phải soạn một vở kịch tầm cỡ như "Đứng gác dưới đèn nê ông" của Trung Quốc. Vũ Kiên đón chén trà bốc khói từ tay Huy Hà, nói: "Hôm nay tớ đến thăm cậu, không phải cấp trên thăm cấp dưới mà là một thằng bạn chăn trâu thăm một thằng bạn chăn trâu".

Huy Hà mở tủ lấy một hộp trà được thửa đặc biệt, nói: "Trà này ông già tôi làm riêng cho tôi, để tặng người bạn nối khố". Vũ Kiên nhận hộp trà, nói: "Ông già cậu chỉ vẽ" - Rồi chẳng vòng vo tiếp luôn - "Tớ nhìn Tâm Hằng thấy rất ưa mắt, xem ra cô ấy điềm đạm, kín đáo, nên quyết định sẽ lấy làm vợ. Cậu là Thủ trưởng Tâm Hằng, giúp tớ, ngăn chặn những nhân tố bên ngoài, nói với Tâm Hằng rằng tớ để ý và sẽ lấy cô ấy".

Huy Hà lặng đi mấy giây vì chưa bao giờ nghĩ Vũ Kiên lại để ý đến Tâm Hằng, cố tìm cách trả lời, nhưng tìm mãi chưa ra, thì Vũ Kiên cười ha hả. Vũ Kiên nói: "Cậu cũng thích Tâm Hằng phải không? Đã ngỏ lời chưa? Chưa thì tốt". Rồi ra xe, phóng về sư đoàn.

*

Huy Hà biết, Tâm Hằng cũng thích anh, chỉ cần anh ngỏ lời là xong. Tâm Hằng thân với Thùy Dung, chơi với nhau như chị em sinh đôi. Mỗi lần gặp Huy Hà, Tâm Hằng cứ nói xa nói gần: "Thùy Dung nó quí anh lắm đấy, sao anh lại thờ ơ thế?". Huy Hà gạt đi: "Đừng có nói bậy nhé, anh em người ta lại dị nghị". Huy Hà biết Tâm Hằng nghĩ gì, tại sao lại nói thế.

Anh nhớ lần đi tuyển diễn viên, đến một làng ngoài bãi sông Thao. Lúa là người cuối cùng anh gặp. Vừa nhìn thấy cô gái dáng người mảnh mai, được hai ba người bạn gái đưa đến, anh đã thấy ưng. Anh bảo cô hát thử một đoạn Xoan. Cô gái ngước nhìn anh. Đôi mắt đen láy, long lanh với cái nhìn xuyên thấu. Anh thấy tim mình đập mạnh. Bạn cô gái giục: "Lúa ơi, hát đi". Tất cả chợt lắng xuống, khi Lúa mở giọng: "Đố ai quét sạch lá rừng…". Huy Hà thầm reo, đây rồi, người ta cần đây rồi.

Những lần xem Tâm Hằng dựng tiết mục, Huy Hà thường hay để ý đến dáng vẻ kiêu sang, đến giọng hát có nhiều nội lực vang xa. Khuôn mặt như khuôn trăng của nàng, bộ ngực tròn sung mãn sức sống, tấm lưng thon gọn, cặp mông nở hứa hẹn sẽ làm cho người chồng hạnh phúc. Những năm tháng chiến tranh, mùa mùa chiến dịch cuốn đi, Huy Hà chưa nghĩ đến chuyện lập gia đình. Ngày về Hà Nội, cấp trên khuyên, nhiệm vụ cách mạng trên hết. Vì thế Huy Hà lần lữa, chưa ngỏ lời cùng người mà trái tim anh đã lựa chọn.

Lúa ơi, anh nghĩ rồi, chúng ta vội gì, thóc chưa xay còn đấy. Em đang thì rất trẻ, cần phải phấn đấu, em sẽ phải sớm đi học. Giờ thì làm sao? Vũ Kiên là nhà quân sự, lại là cấp trên của Huy Hà, chọn lối đánh tốc chiến tốc thắng. Vũ Kiên cho liên lạc cầm thư tay xuống đoàn, hẹn chủ nhật sẽ đón Tâm Hằng đi chơi. Sau bữa ăn, Tâm Hằng nán lại chờ Huy Hà nói: "Sư đoàn phó gửi thư cho em". Huy Hà nghe rồi ừ hữ, không nói gì thêm. Tâm Hằng hất chiếc đuôi sam rất dài ra sau, bước vội về phòng, ôm gối khóc.

Huy Hà biết chẳng có cách chi lật ngược câu chuyện. Trước hết, Vũ Kiên là cán bộ cao cấp, là cấp trên của Huy Hà. Thứ nữa, há miệng mắc quai, khi nói chuyện với Vũ Kiên, Huy Hà đã tuyên bố Tâm Hằng là người tự do. Thứ ba, không hiểu sao Huy Hà lập tức nhớ lại chuyện cũ, thủa chăn trâu: Hai con trâu cà tranh nhau con cái, kết cục cả hai con cùng chết. Trong chuyện này, Huy Hà cảm thấy mình thật yếu thế. Anh không muốn đoạn kết xấu.

Ba tháng sau Vũ Kiên cưới Tâm Hằng. Một năm sau Huy Hà cưới Thùy Dung. Vũ Kiên và Tâm Hằng có con trai. Huy Hà và Thùy Dung sinh con gái. Hai nhà, dù người chủ gia đình ở địa vị khác nhau, nhưng vẫn thân thiết. Trong một bữa cơm thân thiết giữa hai gia đình, Vũ Kiên nói: "Đúng là trời sắp đặt, tôi với Huy Hà là bạn nối khố. Vợ chồng tôi có con trai. Vợ chồng ông bà có con gái. Sau này, ông bà cho con gái làm con dâu tôi. Con trai chúng tôi làm rể ông bà, thế mới là trọn vẹn".

Thời đó có đợt chỉnh huấn lớn. Giới văn nghệ sĩ đấu nhau. Nhiều người bị mất chức, phải đi cải tạo, bị treo bút. Huy Hà tự kiểm thảo, tự buộc tội chưa thấm nhuần đường lối văn hóa đại chúng, đã đưa lên sân khấu hình ảnh của bọn vua chúa phong kiến, phản động. Điển hình là hai trích đoạn "Thị Mầu lên chùa" và "Quan âm Thị Kính". Bản kiểm điểm của Huy Hà như đột phá khẩu, càng phê phán càng nghiêm trọng.

Ở quê nhà, ông thân sinh Huy Hà bị quy địa chủ. Thế là Huy Hà bị cách chức Trưởng đoàn Văn công, đưa về làm thủ thư ở Thư viện Trường quân chính. Vũ Kiên với tư cách Sư đoàn phó, bất chấp can ngăn, đã làm giấy bảo lãnh, chạy đến các cửa tìm cách cứu Huy Hà thoát khỏi cải tạo. Sau đó Vũ Kiên lại tìm cách nói khó với Hà Kiên, đưa Huy Hà về làm cán bộ sáng tác ở trên cơ quan Bộ. Vũ Kiên cũng sắp xếp để Tâm Hằng và Thùy Dung chuyển ngành ra Thương nghiệp Hà Nội.

*

Năm 1958, phong quân hàm. Vũ Kiên giữ chức Sư phó, được phong hàm thượng tá. Huy Hà trước khi về làm cán bộ sáng tác giữ chức Trưởng đoàn Văn công sư đoàn, tương đương Đại đội trưởng, được phong thượng úy. Hai người tuy cấp bậc khác nhau, nhưng cấp bậc không ngăn được tình bạn của họ thêm khăng khít.

Vậy là Tâm Hằng và Thùy Dung chuyển ngành. Tâm Hằng ra ty thương nghiệp, được bố trí làm Trưởng cửa hàng chuyên cung cấp hàng hóa, lương thực, thực phẩm cho cán bộ cao cấp. Thùy Dung làm nhân viên thu ngân ở một cửa hàng bách hóa tổng hợp. Vũ Kiên được cấp một căn hộ rộng rãi thuộc Khu tập thể quân đội. Vũ Kiên cũng can thiệp để Huy Hà được cấp một căn hộ cùng trong khu. Sư đoàn của Vũ Kiên đóng quân xa nhà, vì thế thi thoảng mới về. Nhưng lần nào về xe ôtô cũng chở đầy hàng. Lần nào Tâm Hằng cũng đem quà cho vợ chồng Huy Hà, cười cười nói: "Là tôi cho con dâu tôi đấy nhé". Khi Tâm Hằng về rồi, Thùy Dung chép miệng nói: "Số cái con Lúa lúc nào thảnh thơi, sung sướng".

*

Thời chiến tranh chống Mỹ, Vũ Kiên vào chiến trường sớm. Sau Chiến dịch Tây Nguyên, ông bị thương được đưa ra Bắc, được phong Thiếu tướng, được bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh một quân khu. Huy Hà đi mặt trận muộn hơn, nhưng được điều vào hút miền Tây Nam Bộ, cho đến sau năm 1975 mới về Hà Nội. Khi đi, Huy Hà mang quân hàm đại úy.

Ở miền Tây Nam Bộ mười năm, khi trở về Hà Nội, anh lại được phong quân hàm đại úy. Vũ Kiên bảo sao có chuyện nực cười vậy? Nhưng ông cũng chẳng làm gì được cho bạn mình. Tuy nhiên hai gia đình cũng có niềm vui. Vũ Hưng học trường quân sự, tốt nghiệp được phong trung úy, rồi được cử đi Liên Xô làm nghiên cứu sinh. Hồng Hoa học sư phạm văn, tốt nghiệp được phân công về dạy trường cấp 3 gần nhà.

Trong bữa liên hoan gia đình chuẩn bị chia tay để Vũ Hưng đi làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô, Vũ Hưng cầm tay Hồng Hoa đến trước hai bên bố mẹ, trịnh trọng nói: "Xin phép hai bên bố mẹ cho chúng con yêu nhau". Vũ Kiên vỗ đùi cười to, nói: "Ý trời ý trời, ngày xưa chúng ta có nói đến việc này, nhưng sau nghĩ lại, hôn nhân tự do, bố mẹ không nên áp đặt, nên chúng ta đã không nhắc lại. Giờ các con yêu nhau, thì còn gì phải nói nữa" - Rồi Vũ Kiên quay sang Huy Hà - "Chắc ông cũng nghĩ như tôi, đúng không". Huy Hà nhìn con gái, rồi nhìn Tâm Hằng. Sau, ông quay qua nắm tay Thùy Dung nói: "Cũng là tâm nguyện của vợ chồng chúng tôi".

Huy Hà viết một cuốn tiểu thuyết về đề tài chiến tranh, gây xôn xao dư luận. Trên các diễn đàn chính thức, người ta buộc tội ông có cái nhìn sai lệch, méo mó về chiến tranh nhân dân. Lãnh đạo yêu cầu dừng phát hành. Chi bộ kiểm điểm, khai trừ đảng Huy Hà. Vũ Kiên thông cảm với Huy Hà, nói: "Ông viết đúng nhưng chưa đúng lúc".

Để an ủi bạn, thi thoảng Vũ Kiên lại đánh xe đón Huy Hà đi thăm một địa phương hoặc một đơn vị nào đó trong quân khu. Năm nào mùa hè, vợ chồng Vũ Kiên cũng được đi nghỉ theo chế độ của cán bộ cao cấp. Năm nào Vũ Kiên cũng kiếm được phiếu nghỉ cho vợ chồng Huy Hà cùng đi.

Hồng Hoa vào đảng, sau đó được đề bạt Hiệu trưởng. Tuy nhiên, mỗi lần về nhà, gặp mặt bố mẹ, cô đều cúi mặt không dám nhìn thẳng. Vì thế, cô thưa dần về nhà. Bố mẹ cô buồn, nhưng chả hiểu lí do vì sao.

*

Đúng lời hứa, hôm nào nhà văn Huy Hà cũng thu xếp được thời gian để vào thăm Tướng Vũ Kiên. Vị Tướng mỗi lần thấy bạn vào thăm đều nhỏm dậy, tỏ ra vô cùng vui vẻ. Một hôm, khi Huy Hà vào thăm đã thấy Vũ Kiên được giải phóng khỏi những dây nhợ lòng thòng, đang ngồi tựa vào ghế, đọc báo. Bà Tâm Hằng thấy Huy Hà từ cầu thang máy bước ra đã reo lên: "Sức khỏe ông Vũ Kiên hôm nay khá rồi. Ông ấy muốn cùng ông đi dạo".

Không đợi bà Tâm Hằng đỡ dậy, Tướng Vũ Kiên vịn vào vai bạn đứng lên, nói: "Bệnh tật dù sao cũng phải kiêng nể chúng ta chứ". Họ xuống tầng một, chậm chạp tiến ra khu vườn có bóng cây xanh che rợp, tìm một chiếc ghế đá ngồi xuống. Một làn gió thổi nhẹ qua, thoảng hương cây hương lá. Trên vòm cao nghe có tiếng chim. Tướng Vũ Kiên cất lời trước, nói: "Lâu quá mới được thở hít không khí tươi như thế này". Bà Tâm Hằng bất giác sa lệ.

Nhà văn Huy Hà khẽ khàng tiếp lời: "Cuộc sống không bao giờ ngừng nghỉ tranh đấu. Chúng ta, những đứa trẻ chăn trâu, đang tiệm cận chân lí". Bà Tâm Hằng ngồi im, lắng nghe câu chuyện rời rạc của hai người, bất chợt nhớ lại buổi đầu gặp nhà văn Huy Hà tại buổi tuyển người đi văn công, trái tim bỗng đập dồn.

Nhà văn Huy Hà không còn nhớ gì đến buổi đầu ấy nữa. Ông đã chôn sâu tận đáy lòng. Tướng Vũ Kiên dường như không biết đến cái buổi đầu của hai người. Ông không bị những kỉ niệm ban đầu ấy quấy rầy. Nhưng linh cảm khiến ông như nhìn thấy rõ đoạn cuối con đường mà mình sắp đi qua. Ông nói với Huy Hà, chậm rãi và tự tin vào nhưng điều mình nói: "Bạn ơi, tôi biết chắc bạn còn sống lâu hơn tôi. Bạn lại là nhà văn, bạn phải viết về chúng ta. Mà này, viết ngay về bạn, vì trong bạn có người nông dân, có người lính, người trí thức. Đêm qua tôi có một giấc mơ, tôi nhìn thấy rõ… ".

Truyện ngắn của Hà Phạm Phú

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/truyen/hai-nguoi-ban-567940/