Hai ngày cuối tuần, Bắc Bộ rét đậm, rét hại, Nam Bộ triều cường đạt đỉnh

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, ngày 7-12, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến hầu hết khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một số nơi ở Trung Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh cho nên ở các tỉnh Bắc Bộ xảy ra rét đậm, vùng núi có nơi rét hại.

Đợt rét đậm này có khả năng kéo dài hai đến ba ngày. Các tỉnh khu vực Nam Trung Bộ có mưa, mưa vừa, lượng mưa phổ biến 5 đến 30 mm. Một số trạm có lượng mưa lớn hơn: Lý Sơn (Quảng Ngãi) 59 mm; Hoài Nhơn (Bình Định) 60 mm; Phú Lâm (Phú Yên) 41 mm.

* Nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho đàn gia súc gần 370 nghìn con, trước những đợt rét đậm, rét hại, tỉnh Lai Châu đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tích cực tuyên truyền vận động người dân thay đổi thói quen chăn thả; chủ động dự trữ thức ăn bảo đảm đủ về số lượng, chất lượng; gia cố, che chắn chuồng trại tránh để gia súc bị chết vì đói, rét.

* Ngày 7-12, Ban Chỉ đạo (BCĐ) T.Ư về Phòng, chống thiên tai (PCTT) cho biết, mực nước các trạm hạ lưu sông Sài Gòn, sông Cửu Long tiếp tục lên theo kỳ triều và có khả năng đạt mức cao nhất vào ngày hôm nay (8-12) với mực nước trên sông Tiền, sông Hậu ở mức báo động 1 - báo động 2, riêng trên sông Sài Gòn tại trạm Phú An ở mức trên báo động 3 từ 0,1 đến 0,15 m. Cấp độ rủi ro thiên tai ngập lụt do triều cường thuộc khu vực TP Hồ Chí Minh là cấp 3, Vĩnh Long, Cần Thơ: cấp 1.

* Để ứng phó nguy cơ xảy ra ngập lụt do triều cường ở các vùng trũng thấp thuộc khu vực TP Hồ Chí Minh, BCĐ T.Ư về PCTT đề nghị Ban Chỉ huy PCTT thành phố Hồ Chí Minh theo dõi chặt chẽ diễn biến của triều cường, kịp thời thông tin đến các cấp chính quyền và người dân, nhất là vùng trũng, thấp ven sông, kênh rạch để chủ động các biện pháp phòng tránh; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng người dân, phòng, chống điện giật, đuối nước…, tránh tình trạng chủ quan, nhất là khu vực đông dân cư bị ngập nước.

* Qua kiểm tra, các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh phát hiện nhiều hạng mục của hồ Kẻ Gỗ đang có dấu hiệu xuống cấp. Đáng chú ý, tại cao trình từ +24,5 m xuống cao trình +17 m, các tấm lát bê-tông đã bị hư hỏng, gãy vỡ, gây sụt lún không còn khả năng giữ đất chân thượng lưu mái đập chính. Để bảo đảm an toàn hồ chứa, Hà Tĩnh đang tính toán bố trí kinh phí khắc phục tạm thời nhằm xử lý phần tiếp giáp giữa bê-tông cũ và bê-tông mới, tránh phát sinh thêm các điểm hư hỏng mới gây mất an toàn công trình.

* Để chủ động đói phó tình trạng thiếu nước trong mùa khô 2018 - 2019, tỉnh Bình Thuận vừa ký công văn yêu cầu các sở, ban, ngành và các địa phương chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn. Hiện nay, tổng lượng nước trữ trong các công trình thủy lợi trên toàn tỉnh là 230,52 triệu m3 trong số 258,99 triệu m3 dung tích hữu ích thiết kế, đạt 89%, trong đó có sáu hồ tích nước chưa đạt dung tích thiết kế, gồm: Suối Đá, Ba Bàu, Đu Đủ, Sông Phan, Sông Dinh 3, Núi Đất.

* Theo báo cáo của Trạm Thú y huyện Ba Vì (Hà Nội), từ ngày 8-11 đến 5-12, đã có 261 con lợn của 19 hộ tại sáu xã của huyện Ba Vì bị bệnh lở mồm long móng. Các cơ quan của địa phương đã tiến hành tiêu hủy 268 con gia súc, tổ chức chống dịch như: Tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng bằng hóa chất và sử dụng vôi bột tại các xã có dịch; tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch cho 12.275 con lợn. Hiện nay, cả nước có sáu ổ dịch lở mồm long móng tại sáu xã gồm: Cam Thượng, Đông Quang, Chu Minh, Phú Phương, Cẩm Lĩnh và Vật Lại thuộc huyện Ba Vì.

* Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Ninh Thuận, toàn tỉnh đã có hơn 80 ha lúa ở các huyện Ninh Phước, Ninh Sơn, Ninh Hải, Bác Ái và TP Phan Rang - Tháp Chàm bị sâu đục thân, sâu cuốn lá gây hại làm dảnh lúa bị héo. Ngoài ra, không ít diện tích còn bị các bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn gây hại. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra ở vụ mùa 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khuyến cáo người dân thường xuyên thăm đồng; tăng cường biện pháp phòng trừ sâu bệnh có nguy cơ phát sinh thành dịch gây hại trên diện rộng.

Lai dắt an toàn tàu cá trôi tự do trên biển

Ngày 7-12, Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển 2 cho biết, vừa lai dắt một tàu cá trôi tự do trên biển vào bờ an toàn. Trước đó, khoảng 12 giờ ngày 5-12, tàu cá ĐNa-90917TS (công suất 360 CV), do ông Nguyễn Văn Độ (sinh năm 1976, trú tại xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) làm thuyền trưởng, khi đang đánh bắt hải sản thì bị hỏng máy chính, trôi dạt ở ngoài khơi vùng biển Quảng Bình, cách bờ khoảng 80 hải lý. Vị trí tàu gặp nạn có gió cấp 5, trên tàu có tám thuyền viên.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/38504502-hai-ngay-cuoi-tuan-bac-bo-ret-dam-ret-hai-nam-bo-trieu-cuong-dat-dinh.html