Hai nền tảng sách nói triển vọng ở Việt Nam

Fonos và Voiz FM là hai nền tảng sách nói bản quyền, thực hiện bài bản, được nhiều người hưởng ứng.

Audiobook (sách nói) đã phát triển tại Việt Nam từ nhiều năm, đa phần là các nội dung không bản quyền được chia sẻ trên kho ứng dụng hoặc mạng xã hội.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, thị trường audiobook Việt Nam chứng kiến sự tham gia của những công ty còn trẻ, nhưng đầy tham vọng, mong muốn phát triển nền tảng audiobook tiếng Việt bản quyền.

 Sách nói trên Voiz FM đều là nội dung có bản quyền. Ảnh: FB Voiz FM.

Sách nói trên Voiz FM đều là nội dung có bản quyền. Ảnh: FB Voiz FM.

Đầu năm 2020, nền tảng Voiz FM ra đời. Được xây dựng bởi công ty cổ phần công nghệ WeWe, Voiz FM hướng tới thị trường 2 tỷ USD tại Đông Nam Á. Voiz FM nhận đầu tư từ quỹ 500 Startup Vietnam, và có sự hợp tác bản quyền từ các công ty sách như First News - Trí Việt, Bách Việt, SaigonBooks...

Tính đến nay, Voiz FM có khoảng gần 180 nghìn người đăng ký, một mức tăng trưởng ấn tượng so với con số 100 nghìn người dùng được công bố vào cuối năm 2020. Tổng số đầu sách trên hệ thống này gồm khoảng 230 sách hư cấu, khoảng 600 sách phi hư cấu cùng nhiều nội dung podcast.

Bên cạnh Voiz FM, khoảng tháng 4/2020, một ứng dụng audiobook nữa đã tham gia thị trường. Tên ứng dụng là Fonos, do quỹ Hustle Fund đầu tư, cùng sự đồng hành của Shark Thái Vân Linh.

Không kém cạnh Voiz FM, Fonos nhanh chóng ký độc quyền với loạt công ty sách lớn như Nhã Nam, Alphabooks, Thái Hà... để chuyển thể nội dung của họ lên nền tảng.

Hình ảnh quảng bá sách nói Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ. Ảnh: FB Fonos.

Tính đến nay, Fonos có khoảng 100 nghìn người dùng, cùng kho dữ liệu nội dung hơn 150 đầu sách đến từ các công ty sách lớn trong nước. Sách trên Fonos đều được các voice-talent (phát thanh viên) có uy tín, có kinh nghiệm đọc.

Không khó để thấy các nội dung trên Fonos và Voiz FM đều độc quyền, không có sự giao thoa. Nếu là một người yêu thích nghe sách nói ở Việt Nam, bạn sẽ cần đăng ký tài khoản ở cả hai nền tảng đề có thể thưởng thức trọn vẹn các nội dung này.

Phát triển nội dung số bản quyền là tương lai của ngành công nghiệp xuất bản trên thế giới, và Việt Nam chắc chắn cũng sẽ phải đi theo con đường này. Ở Việt Nam, còn rất khó khăn để thuyết phục độc giả bỏ tiền cho các nội dung audiobook nói riêng, và nội dung số nói chung, do quá dễ dàng có thể tiếp cận với nguồn nội dung lậu.

Hy vọng trong tương lai, sẽ có thêm nhiều sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý để thúc đẩy các đơn vị trẻ, như Fonos, Voiz FM có thể vững tin trên con đường hoạt động của mình.

Nam Phong

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hai-nen-tang-sach-noi-trien-vong-o-viet-nam-post1220737.html