Hai năm sau cuộc trở về của bé gái bị trao nhầm ở Bình Phước

5 năm trước, sự nhầm lẫn của hộ sinh đã khiến 2 bé gái ở Bình Phước lớn lên ở gia đình không phải cha mẹ ruột của mình. Hai năm sau cuộc hội ngộ, hai đứa trẻ đang sống như thế nào?

Căn nhà nhỏ đầy ắp tiếng cười của cặp “song sinh” khác cha, khác mẹ

Năm 2016, thông tin về hai bé gái ở Bình Phước bị trao nhầm khi mới chào đời tại bệnh viện đã tìm thấy cha mẹ ruột ngập tràn trên các mặt báo. Sự thật đã được tìm ra, nhưng làm thế nào để các con được sống hạnh phúc với gia đình của mình là vấn đề nan giải của những người trong cuộc.

Sự băn khoăn ấy lại một lần nữa trỗi dậy trong lòng tôi khi tại Hà Nội cũng vừa xảy ra một trường hợp tương tự: Hai bé trai bị trao nhầm 6 năm về trước khi được sinh ra tại Bệnh viện Đa khoa huyện Ba Vì.

Điều đó đã thôi thúc chúng tôi tìm lại anh Vũ Đình Khiên (40 tuổi, ngụ thị xã Bình Long, Bình Phước) - người cha trong câu chuyện “hai bé gái bị trao nhầm ở Bình Phước” năm nào.

Cuộc sống mới của hai bé từng bị hộ sinh trao nhầm ở Bình Phước Vị trí của các con đã được trở về đúng chỗ hai năm nay nhưng câu chuyện gian truân để hòa hợp hai gia đình cho đến nay vẫn không hề dễ dàng.

Chúng tôi đến gặp anh khi trời đã tối tại căn nhà nhỏ nằm nép cạnh bến xe thị xã Bình Long (Bình Phước). Đón chúng tôi không chỉ có vợ chồng anh Khiên, chị Trang mà còn là tiếng cười của hai bé gái bằng tuổi nhau. Thoạt nhìn, có lẽ chúng ta đều lầm tưởng, anh chị có hai đứa con gái song sinh. Nhưng cặp “song sinh” đáng yêu ấy lại khác cha, khác mẹ.

Lan Anh - cô bé nhẹ ký, nhưng đôi mắt sáng là con ruột của vợ chồng anh Khiên. Còn Ngọc Yến bụ bẫm hơn, nước da ngăm đen là con ruột của chị Thị Liên (người dân tộc S’tiêng). Sau hai năm sự thật được làm sáng tỏ, giờ đây, anh Khiên đang nuôi cả hai đứa trẻ: một đứa trẻ là con ruột của anh chị nhưng uống dòng sữa của người mẹ khác từ khi lọt lòng, một đứa trẻ đã được anh chị chăm bẵm, dành tình yêu thương trong suốt 3 năm đầu đời.

Vị trí của các con đã được trả về đúng chỗ nhưng câu chuyện gian truân để hòa hợp hai gia đình, để bảo vệ tuổi thơ non trẻ của hai bé đến hôm nay vẫn không hề dễ dàng.

Hai năm trôi qua, anh Khiên - chị Trang luôn dành biết bao tình yêu cho hai cô con gái, nhưng Lan Anh vẫn thương nhớ mẹ Liên rất nhiều.

Ở cùng với ba mẹ ruột nhưng những hồi ức đầu đời về Bản Sóc, vị ngọt của giọt sữa mẹ Liên vẫn chưa nguôi trong em. Bởi vậy, mỗi dịp cuối tuần anh chị vẫn dẫn hai đứa con về lại bản làng người S’tiêng thăm mẹ Liên và ông bà ngoại thứ hai.

Đi cùng với Lan Anh trong chuyến về thăm mẹ Liên lần này, cô bé trở thành người chỉ đường dẫn chúng tôi vào Bản Sóc. Dọc đường đi, Lan Anh thuộc từng khúc cua, đoạn đường, đi đến đoạn giao nhau là cô bé nhanh nhảu chỉ đường, khác hẳn vẻ rụt rè lúc ở nhà.

Vừa tới cổng cô bé chạy thẳng vào nhà sà vào lòng ngoại hỏi mẹ Liên đâu. Em thoáng buồn khi biết mẹ Liên đi làm công nhân chưa về. Như "cá gặp nước" Lan Anh lại chạy thẳng vào nhà ôm con gấu bông mẹ mua hòa vào đám trẻ ở bản.

Trái ngược, cô bé Yến lại rụt rè lúc trở về căn nhà mẹ ruột, khác vẻ lanh lẹ khi ở nhà ba Khiên. Đó là khoảng trống mênh mông mà cả hai gia đình ròng rã suốt hai năm vun đắp nhưng vẫn chưa thể nào khỏa lấp.

Giờ đây, anh Khiên được coi như đứa con trai trong nhà bà Thị Út, bà ngoại bé Yến, anh thường tới lui đưa các con về thăm, thi thoảng đỡ đần thêm vật chất lẫn tinh thần cho gia đình bên này.

Ngọc Yến (trái) và Lan Anh.

Ngọc Yến (trái) và Lan Anh.

Bé Lan Anh - con ruột anh Khiên.

Bé Ngọc Yến - con ruột chị Liên.

Hai đứa trẻ được dịp chạy nhảy thỏa thích ở vườn cao su của ông bà ngoại, rồi đến ôm hôn bà để trở về lại thị xã kịp đón chị hai đi học về. Bà Thị Út rưng rưng xúc động: “Hai cháu đến ta vui lắm, giờ nó về ta lại buồn. Trời ơi, đứa nào ta cũng thương, nhưng có lẽ ta thương con bé Lan Anh hơn, nó ở với ta suốt ba năm mà. Ta giờ già rồi, đâu đi đâu xa được, cứ cuối tuần là ra ngõ ngóng các cháu được thằng Khiên dẫn về thăm”.

Nhìn các con của hiện tại, người đàn ông nước da mặn mòi, ngăm đen vì trải nhiều sương gió bắt đầu câu chuyện bằng một nụ cười. Anh Khiên bảo: “Thôi chuyện quá khứ nên khép lại, hướng đến tương lai. Tôi sẽ kể cho các anh câu chuyện 2 năm nay từ khi nhận lại các con về nuôi”.

Khoa Sản, Trung tâm y tế thị xã Bình Long, nơi xảy ra vụ việc trao nhầm con.

Không để tuổi thơ con trẻ đứt gãy

Ngày 24/7/2016, tại Bệnh viện đa khoa Bình Long, hai gia đình được chính quyền, bác sĩ làm chứng kí vào biên bản trao đổi con sau sự cố nhầm lẫn vào năm 2013. Niềm vui vỡ òa với anh Khiên sau hai năm tìm kiếm con, bao khúc mắc trong lòng đã được cởi trói.

Tưởng chừng con ai về nhà nấy theo một cái kết có hậu như chuyện cổ tích, nào ngờ hai bé đã quá yêu thương ba mẹ nuôi, môi trường sống thay đổi đột ngột khiến hai con đều sốc.

Bé Lan Anh, con anh Khiên, quấy khóc buồn rầu, bỏ ăn đòi về Bản Sóc ở với mẹ Liên, ông bà ngoại. Bé Ngọc Yến thì ôm trụ cây, khóc lủi thủi chơi một mình đòi về nhà mẹ Nga với bố Khiên ngoài thị xã.

Thời gian đầu, bé Ngọc Yến chỉ muốn ở nhà bố Khiên ngoài thị xã còn bé Lan Anh lại đòi về Bản Sóc ở với mẹ Liên, ông bà ngoại.

Những tổn thương con trẻ làm đau lòng biết bao người lớn. Bà Nguyễn Thị Hồng Tươi, mẹ vợ anh Khiên, nhớ lại: “Biết là cháu ruột về với mình mà thương con bé Yến về trong Bản Sóc thiếu thốn đủ điều, rồi nó sống ra sao, đứt ruột lắm cháu ơi. Mình nuôi nấng chăm bú cho nó 3 năm trời chứ ít gì, lúc đó ba mẹ nuôi, ông bà ngoại nuôi khóc suốt ngày vì nhớ nó”. Bên kia cũng thế, một kịch bản chẳng khác nào gia đình anh Khiên, chị Liên đang nuôi con ruột mà ngày ngày vẫn nước mắt dài nhớ con gái mình ẵm bồng suốt 3 năm trời.

Bi kịch tiếp tục đến với hai gia đình khi con cái không chịu nhận máu mủ ruột thịt. Những sang chấn tâm lý bắt đầu xuất hiện, tuổi thơ hai bé có thể bị đứt gãy dù đã trở về đúng vị trí. Tình huống này khiến hai gia đình rối lại thêm rối. Không đứa bé nào chịu ở nhà của mình.

“Lúc đó, hai con đau khổ, đòi về với ba mẹ nuôi khiến chúng tôi xót xa, đau lòng. Nếu tình trạng này kéo dài, tuổi thơ các con sẽ bị tổn thương, đứt gãy. Chúng tôi không thể kìm lòng”, anh Khiên nhớ lại.

Thời gian đầu, Ngọc Yến và Lan Anh chỉ xem ngôi nhà mình đã lớn lên trong suốt 3 năm đầu đời thật sự là nhà của mình, rành rẽ mọi đường đi nước bước.

Thời gian đầu, bà Nguyễn Thị Hồng Tươi (mẹ vợ anh Khiên) xót xa khi nhìn đứa cháu mình nuôi nấng suốt 3 năm phải về với bản Sóc thiếu thốn điều kiện.

Một phương án để dung hòa cho các con được hai gia đình ngồi lại bàn tính. Họ thống nhất cho hai đứa bé nhận làm chị em và sống cùng nhau. Lan Anh là chị và Ngọc Yến là em được đưa về cùng chung sống với mỗi gia đình luân phiên nhau mỗi tuần. Đây là phương án tạm thời giúp các bé vượt qua nghịch cảnh, ổn định tâm lý.

“Con đẻ ra cũng là con, con mình nuôi nấng lên cũng là con. Giờ không gia đình nào phân biệt con nuôi, con ruột nữa, tất cả đều là con, tất cả vì con. Bây giờ tôi coi như có 2 đứa con sinh đôi”, anh Khiên nói.

Phương án cho hai bé ở chung luân phiên từng nhà bắt đầu phát huy tác dụng. Các bé bắt đầu ngưng khóc, chịu nghe lời, chịu ăn, biết đùa giỡn vui chơi trở lại. Đó là những tín hiệu hạnh phúc mới khởi đầu.

Gồng gánh nuôi con

Hạnh phúc chỉ mới chớm nở, song vợ chồng anh Khiên trong lòng còn chất chứa trăm nỗi âu lo về hai đứa con.

Lan Anh lúc về với gia đình suy dinh dưỡng, gầy còi xanh xao khiến anh rất đau xót. “Nhận lại con, tôi đau lòng lắm. Đưa con xuống Sài Gòn, bác sĩ khám lắc đầu bảo: “Con bé 4 tuổi, nặng chỉ 10 kg, thể trạng và tâm hồn chỉ bằng một đứa 1,5 tuổi. Anh nghĩ thử xem, cho con về nhà mẹ Liên ở thì thiếu thốn, con không lớn, cho về nhà mình chăm sóc thì con chưa quen với tình thương”, anh Khiên rưng rưng nhớ lại.

Nghịch cảnh lại thử thách thêm một lần nữa với vợ chồng anh Khiên. Chị Liên - mẹ bé Yến - mang bầu đứa thứ hai, gia cảnh khó khăn khi người chồng bỏ đi chỉ vì đòi hỏi tiền đền bù của bệnh viện không thỏa đáng. Người phụ nữ ấy sắp sinh song mỗi tuần phải lo cho hai cô con gái nhỏ lại thêm nhiều gánh nặng.

Tình thế lúc này khiến vợ chồng anh Khiên không thể nào để con cái về sống luân phiên một tuần nhà chị Liên được nữa. Anh đề xuất cả gia đình, làm thủ tục nhận bé Yến làm con nuôi, đồng thời đưa bé về nhà chăm sóc, lo ăn học. Mặc dù, nhiều người chòm xóm góp ý can ngăn, song tình thương nuôi nấng với bé Yến suốt 3 năm khiến anh ray rứt.

Lúc mới về gia đình bố mẹ ruột, Lan Anh bị suy dinh dưỡng, chỉ nặng 10 kg dù đã 4 tuổi.

“Liên giờ bụng mang bầu sắp đẻ, có làm gì ra tiền để nuôi các con đâu. Dù sao vợ chồng con cũng 2 người phải đỡ hơn nó. Bây giờ nuôi cả hai đứa, mai mốt lớn lên có nhận cha mẹ là quyền các con. Đời cha mẹ khổ thì phải ráng địu con lên để hơn cha hơn mẹ, để bé Yến về Bản Sóc thì xót xa hơn khi con không có tương lai. Người đồng bào S’tiêng học đến lớp 6, 7 là cho con gái đi lấy chồng. Con không muốn đời nó khổ như mẹ nó”, anh Khiên thuyết phục ba mẹ vợ.

Anh Khiên thuyết phục ba mẹ vợ để mang bé Ngọc Yến về làm con nuôi, ăn ngủ và đi học ở nhà anh.

Được hai gia đình đồng ý theo phương án đưa hẳn hai con về nhà mình cho ăn học, nuôi dạy song lòng anh Kiên mừng ít, lo nhiều.

Lo là bởi nuôi một thêm một đứa con không hề đơn giản, bây giờ vợ chồng anh lại gồng gánh 3 cô con gái cùng lúc là cả một vấn đề về kinh tế. Chuyện nằm ngoài kịch bản vợ chồng anh dự liệu.

Để có tiền nuôi ba đứa con ăn học, cả gia đình anh Khiên đều phải lao động để trang trải kinh phí. Bố vợ anh Khiên buôn bánh mì mỗi sáng, mẹ vợ bán nước mía, anh Khiên cưa gỗ bán củi và vợ anh đi hát cho các đám ma, đám cưới.

Hoàn cảnh vợ chồng anh Khiên không mấy khả giả. Hai năm ròng rã kiếm con, gia đình anh dường như kiệt quệ kinh tế. Bây giờ, thu nhập chính chỉ trông chờ vào tiệm nước mía, bán vài đồ tạp hóa của ba mẹ vợ gần bến xe Bình Long.

Để có tiền học cho 3 cô con gái hơn 3 triệu đồng, anh Khiên làm đủ nghề từ cưa gỗ, buôn củi, miễn công việc đó có tiền nuôi con. Vợ anh Khiên nội trợ phụ giúp chăm sóc 3 cô con gái hàng ngày. May thay, nhờ có giọng ca trời phú, thỉnh thoảng chị Trang lại được mời đi hát đám cưới, được trả dăm đồng cát xê chị gom góp vào nuôi các con.

Mỗi khi được dịp về bản Sóc, Lan Anh tỏ ra hiếu động, trái ngược với Ngọc Yến có chút rụt rè. Tuy nhiên, sau 2 năm, hai bé đã quen thuộc, vui thích chơi đùa ở đây và còn lấy cây son của mẹ Liên để trang điểm cho nhau.

Cuộc mưu sinh oằn lên đôi vai anh chị, nhưng khi chúng tôi đến thăm vẫn thấy khuôn mặt vợ chồng ấy ánh lên niềm hạnh phúc, không bao giờ buông lời thở than. Cô bé Lan Anh gầy nhom ngày nào nay đã được 15,5 kg là cả nổ lực chăm sóc ba mẹ ruột. Còn cô em Ngọc Yến vẫn ngày ngày ríu rít quấn lấy ba Khiên, miệng líu lo như chú chim. Căn nhà nhỏ ấy vẫn đầy ắp tiếng cười.

Anh Khiên lạc quan bảo mình hạnh phúc và may mắn vì có "cặp công chúa sinh đôi". Tưởng chừng bi kịch nhầm con cách đây 5 năm sẽ làm rạn nứt tình cảm gia đình hai bên, song đến hôm nay tất cả đều đã tìm thấy hạnh phúc nhờ vào sự bao dung, hi sinh dành hết tình yêu cho con cái.

Liêu Lãm - Phan Nhơn

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/hai-nam-sau-cuoc-tro-ve-cua-be-gai-bi-trao-nham-o-binh-phuoc-post860440.html