Hai năm dịch bệnh Covid-19, nước Mỹ chuyển mình thận trọng cho những hy vọng mới

Hai năm kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố đại dịch Covid-19, thế giới dường như đã bắt đầu từng bước mở cửa trở lại.

Số ca mắc Covid-19 gần đây đã giảm mạnh, Emily Safrin - một người dân sống ở thành phố Portland, bang Oregon (Mỹ) quyết định làm một điều mà cô phải trì hoãn trong suốt 2 năm qua: gạt nỗi sợ hãi sang một bên và đi xem một buổi hòa nhạc.

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Emily Safrin vẫn tiếp tục đeo khẩu trang khi xem hòa nhạc. Tuy nhiên, khi ngôi sao Bad Bunny xuất hiện trên sân khấu cùng với năng lượng tiếp sức từ đám đông, Emily Safrin quyết định cởi bỏ khẩu trang. Sau khi buổi hòa nhạc kết thúc, cô quyết định đi dạo trong khu phố đông đúc cùng bạn bè.

"Thành thật mà nói, cảm giác thật tuyệt vời khi cuộc sống đang trở lại bình thường", Safrin nói sau trải nghiệm ở buổi hòa nhạc.

Ở thành phố Portland, bang Oregon, người dân đã trở lại các rạp chiếu phim, tham gia các buổi hòa nhạc và phòng tập thể dục sau một mùa đông dài. Các quán bar và nhà hàng cũng đã kín chỗ. Safrin cho biết nhiều khách hàng nói rằng đây là lần đầu tiên họ dùng bữa sau nhiều tháng ở nhà.

Hai năm kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố đại dịch Covid-19, thế giới dường như đã bắt đầu từng bước mở cửa trở lại. Những hy vọng của người dân đang trở nên lạc quan hơn sau một thời gian dài đen tối mất mát vì dịch bệnh. Tất nhiên, nỗi sợ hãi và sự không chắc chắn về tương lai vẫn còn dư âm vào thời điểm hiện tại.

Thế giới đang từng bước trở lại trạng thái bình thường mới sau một mùa đông ảm đạm do ảnh hưởng của biến thể Omicron siêu lây nhiễm. Người dân trên toàn cầu cũng có thể đang cảm thấy nhẹ nhõm hơn sau hai dịch bệnh nặng nề.

Cách đây 2 năm trước

Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố mức độ nghiêm trọng của loại virus phát hiện đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc. Sau đó, dịch bệnh đã lây lan sang Italy, Mỹ và các nước khác. Những hệ lụy sau đó đã diễn ra là trường học đóng cửa, các kho dự trữ đầy ắp và người dân phải duy trì đeo khẩu trang.

Ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến hàng triệu người dân đã mất việc làm, học sinh phải nghỉ học liên tục. Cho đến tháng 12/2021, sự ra đời của vaccine đã cứu sống nhiều người nhưng các vấn đề nảy sinh từ sự do dự vaccine đến bất bình đẳng vaccine là một những nguyên nhân khiến cho đại dịch tiếp tục kéo dài.

Tuy nhiên, tình hình giờ đây đã cải thiện.

"Các ca nhập viện do Covid-19 đã giảm mạnh xuống 80% trong 6 tuần qua trên khắp nước Mỹ kể từ thời điểm đỉnh dịch giữa tháng 1/2022", Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ cho biết. Thống kê số ca tử vong cũng giảm đáng kể trong tháng trước.

Trong báo cáo đại dịch mới nhất, WHO cho biết số ca mắc và tử vong đang có xu hướng giảm trên toàn cầu. Hiện chỉ có khu vực Tây Thái Bình Dương vẫn thấy số ca mắc tăng. Tại Trung Đông và châu Phi, số ca mắc cũng đã giảm 46% và 40%.

"Ở khía cạnh tích cực khác, làn sóng Omicron và chương trình tiêm chủng đã giúp người dân bảo vệ sức khỏe trước nguy cơ bệnh nặng, và giảm số ca mắc hơn", các chuyên gia cho biết.

Chỉ cách đây vài tháng trước, các bệnh viện quốc gia, đặc biệt là các khu chăm sóc đặc biệt luôn trong tình trạng quá tải, trong đó nhiều bệnh nhân có triệu chứng nặng.

Ông Julie Kim, Giám đốc điều dưỡng tại Trung tâm y tế Providence St. Jude ở Fullerton, California xúc động nhớ lại những ngày ảm đạm nhất của đại dịch khi các bác sĩ và y tá làm việc suốt ngày đêm và không thể về nhà vì sợ mang virus cho người thân.

Thời điểm đỉnh dịch vào mùa hè năm 2020, số giường bệnh không đủ cho bệnh nhân mắc Covid-19. Tuy nhiên, số ca mắc đã giảm hơn kể từ ngày 8/3 khi hiện tại bệnh viện chỉ phải tiếp nhận 4 bệnh nhân nhập viện, ông Kim nói.

"Thật khó để có thể sử dụng từ "bình thường" bởi vì tôi không nghĩ chúng ta sẽ trở lại trạng thái giống như trước Covid-19. Thế giới đang cố gắng thích nghi và tiến về phía trước, trong đó rất nhiều vấn đề khó khăn mà chúng ta phải giải quyết vào thời điểm hiện tại", ông Kim nhấn mạnh.

Các quy định đeo khẩu trang, bắt buộc tiêm vaccine và các biện pháp phòng chống Covid-19 khác đang từng bước nới lỏng. Yêu cầu đeo khẩu trang ở tiểu bang cuối cùng của Mỹ -Hawaii cũng sẽ chấm dứt trong hai tuần tới.

Từng bước thận trọng trở về trạng thái bình thường mới

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế trên thế giới vẫn cảnh báo thận trọng trước diễn biến dịch bệnh.

Tiến sĩ Albert Ko, một bác sĩ bệnh truyền nhiễm và là nhà dịch tễ học tại Trường y tế công cộng Yale cho biết, chắc chắn đây là tin tốt cho Mỹ khi đang ở thời kỳ cuối của đỉnh dịch. Tuy nhiên, ông Ko vẫn cảnh báo thận trọng trước bất kỳ tuyên bố chiến thắng nào, đặc biệt nguy cơ một biến thể khác có thể ẩn nấp đâu đó.

"Chúng ta có thể phát hiện một biến thể mới nào đó và những biến thể này sẽ tạo ra làn sóng lây nhiễm mới. Câu hỏi là biến thể mới sẽ nhẹ hay ít nghiêm trọng hơn Omicron? Hay có khả năng nghiêm trọng hơn? Thật không may, tôi không thể đoán trước được điều này", ông Ko nhấn mạnh.

Kalani Pa, ông chủ chuỗi phòng tập Anytime Fitness nói rằng, đôi khi mọi thứ sẽ rất tồi tệ trước khi trở nên tốt hơn.

Jaclyn Chavira nhớ lại những gương mặt sợ hãi của người dân khi xếp hàng dài chờ xét nghiệm ở Los Angeles (Mỹ) khi số ca mắc tăng đột biến vào cuối năm 2020. Tình trạng siêu lây nhiễm ngoài tầm kiểm soát diễn ra trong nhiều tuần. Các xe ô tô xét nghiệm di động dừng lại ở sân vận động Dodger để thực hiện xét nghiệm cho người dân.

Vào thời điểm số ca mắc mang biến thể Omicron tăng mạnh, tổ chức phi lợi nhuận của ông Chavira mang tên CORE đã thực hiện 94.000 xét nghiệm/tuần cho người dân tại 10 điểm ở Los Angeles. Tuần trước, tổ chức của ông cũng đã thực hiện 3400 xét nghiệm nhưng không phải cho người ốm mà yêu cầu cho công việc hoặc đi lại.

"Vào thời điểm hiện tại, chúng ta có thể cảm thấy nhẹ nhõm hơn", ông Chavira nhấn mạnh.

Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều sẵn sàng quay trở lại cuộc sống bình thường mới. Amber Pierce đã phải nghỉ việc gần một năm do bị sa thải vì nhà hàng đóng cửa. Và hiện tại, Amber Pierce vẫn tiếp tục đeo khẩu trang khi ra ngoài.

"Tôi phải chắc chắn không có bất kỳ làn sóng lây nhiễm nào diễn ra và tiếp tục đeo khẩu trang cho đến khi cảm thấy đã thoải mái nhất. Hiện tại, tôi vẫn thực sự lo lắng vì không thể biết khi nào mình mắc bệnh", Amber Pierce nói./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/hai-nam-dich-benh-covid-19-nuoc-my-chuyen-minh-than-trong-cho-nhung-hy-vong-moi-20220311163347753.htm