Hai năm 'Cô Vy' và câu chuyện tự hào ẩm thực Việt

(SGTT) – Vậy là năm mới đã đến, nhìn lại hai năm qua, dịch Covid-19 đã gây ra biết bao “sóng gió” cho không chỉ Việt Nam mà còn là thế giới. Thế nhưng, đời sống văn hóa ẩm thực Việt vẫn vươn lên mạnh mẽ với những tín hiệu lạc quan, được thế giới ghi nhận.

Điểm lại năm 2020, bánh mì được Google Doodle (tính năng biểu tượng của Google nhằm chào mừng các sự kiện, lễ hội, con người trên thế giới) tôn vinh vào ngày 24-3 cũng là cột mốc đánh dấu gần 10 năm danh từ “banh mi” được đưa vào từ điển Oxford.

Bánh mì, món ăn có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi tại Việt Nam được Google Doodle tôn vinh vào ngày 24-3-2020. Ảnh: Google Doodle

Bánh mì, món ăn có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi tại Việt Nam được Google Doodle tôn vinh vào ngày 24-3-2020. Ảnh: Google Doodle

Rồi sau đó, cuối tháng 8 cùng năm, Việt Nam lại được Tổ chức Kỷ lục Thế giới (WorldKings) vinh danh là quốc gia đạt năm kỷ lục thế giới về ẩm thực. Đó là những kỷ lục như quốc gia sở hữu nhiều món sợi và nước dùng nhất thế giới; quốc gia có nhiều món mắm và các món chế biến từ mắm với hương vị đặc trưng nhất thế giới; quốc gia có nhiều món ăn được chế biến từ nhiều loài hoa nhất thế giới; quốc gia có nhiều món cuốn đặc sắc nhất thế giới và cũng là quốc gia có nhiều món bánh làm từ bột gạo hấp dẫn nhất thế giới.

Có thể thấy, tuy Việt Nam nằm trong khu vực Đông Nam Á nói riêng hay châu Á nói chung, bên cạnh những quốc gia có nền văn hóa ẩm thực lâu đời nhưng với những gì tinh hoa nhất của con người Việt Nam tạo ra để xây dựng bản sắc văn hóa ẩm thực dân tộc thì việc đạt được năm kỷ lục này cũng là điều tất yếu.

Qua đến năm 2021, một năm mà dịch Covid-19 thật sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến Việt Nam với liên tục các ca bệnh và tử vong. Thế nhưng, trong những nỗi buồn ấy thì văn hóa ẩm thực Việt Nam lại có những cột mốc đáng nhớ trên thế giới.

Đó là vào tháng 3, món phở Việt Nam được tạp chí du lịch CNN Travel xếp thứ 2 trong danh sách 20 món súp ngon nhất thế giới. Theo tạp chí này mô tả nước dùng phở, một trong những món ăn đặc trưng của Việt Nam, được ninh trong nhiều giờ với quế, hoa hồi và các loại gia vị nóng khác đã tạo nên hương vị đặc biệt cho món ăn này.

Phở bò Việt Nam được vinh danh là một trong 20 món súp ngon nhất thế giới do CNN Travel ghi nhận. Ảnh minh họa: Shutterstock

Rồi đến tháng 5, cẩm nang du lịch nổi tiếng thế giới – Lonely Planet – phát hành cuốn sách Eat Vietnam với nội dung liên quan đến ẩm thực vùng miền của Việt Nam. Trong đó, họ đưa ra gợi ý 13 món ăn đường phố ngon nhất Việt Nam mà du khách không nên bỏ lỡ. Đó là bánh bao, bánh bèo, bánh căn, bánh tráng trộn, bắp xào, bò bía, bột chiên, xôi, chim cút quay, gỏi đu đủ, há cảo, súp cua và cơm nướng ống tre. Đối với người viết, các món ăn này đã có dịp thưởng thức qua trong những chuyến du lịch trải nghiệm ẩm thực vùng miền.

Bột chiên, một trong 13 món ăn đường phố đáng thử khi du lịch tại Việt Nam. Ảnh: Phúc An

Ngoài gợi ý trên, Eat Vietnam còn đưa người đọc đến những câu chuyện văn hóa, cách thưởng thức hay những trải nghiệm thực tế mà khi du lịch đến Việt Nam du khách cần tham khảo.

Gần cuối năm vẫn là câu chuyện bánh mì nhưng đó không phải lùm xùm “nội bộ” của bánh mì Huynh Hoa (TPHCM) hay bánh mì Phượng (Hội An), mà đó là câu chuyện vang danh của món ăn này tại trời Tây.

Cụ thể, món bánh mì của tiệm ăn Duck Duck Goose Eatery (Auckland, New Zealand) mà hai vợ chồng anh Willie Nguyễn (đầu bếp gốc Việt) nghĩ ra đã được công nhận là một trong 100 món ăn tiêu biểu của thành phố này.

Thông tin trên báo đài, chị Yessika Lim, 31 tuổi, vợ anh Willie Nguyễn, cho hay tiệm đã thử nghiệm hơn 50 lần với rất nhiều gia vị, nguyên liệu thực phẩm để cuối cùng mới chọn ra được ổ bánh mì được vinh dự xếp hạng như trên.

Món bánh mì của tiệm ăn Duck Duck Goose Eatery do đầu bếp gốc Việt nghĩ ra nằm trong danh sách 100 món ăn tiêu biểu của thành phố Auckland, New Zealand. Ảnh: Nzherald

Được biết, điểm nhấn của món bánh mì này là phần vỏ bánh giòn, mỏng trong khi phần ruột lại mềm thơm. Nhân bánh thì đa dạng với các loại thịt, từ thịt heo đến thịt gà kèm thêm rau thơm, sốt, đồ chua… Ngoài ra, tiệm ăn của cặp vợ chồng này còn xếp hạng hai trong danh sách những quán ăn được mong đợi nhất tại Auckland.

Quay lại tính năng Google Doodle, người viết có một thống kê những sự kiện ẩm thực được tôn vinh trong năm 2021 thì rất hãnh diện khi trong năm món ăn xuất hiện trên nền tảng này có món phở của Việt Nam vào ngày 12-12-2021. Và ngày này cũng chính là ngày của Phở mà cách đây năm năm (2017) nó đã chính thức được ghi nhận là một sự ẩm thực lớn trong năm của Việt Nam nhằm tôn vinh món ăn này.

Món phở Việt Nam được Google Doodle tôn vinh vào ngày 12-12-2021. Ảnh: Google Doodle

Tóm lại, trong hai năm qua, người viết cũng như những người dân Việt Nam phải oằn mình chịu sự tàn phá của đại dịch Covid-19. Mất mát, đau thương vẫn còn đó nhưng với những gì mà ẩm thực Việt được ghi nhận trong hai năm qua cũng là điểm sáng để truyền tải văn hóa ẩm thực Việt Nam đến mọi nơi trên thế giới. Hay nói một cách khác là tiếp thêm “sức mạnh” để người Việt chúng ta sớm chiến thắng Covid-19.

Phúc An

Nguồn Sài Gòn Tiếp Thị: https://www.sgtiepthi.vn/hai-nam-co-vy-va-cau-chuyen-tu-hao-am-thuc-viet/