Hai mươi hai năm cách xa và một lần gặp lại

Tháng 10 đối với tôi có nhiều duyên nợ: Ngày 17 tháng 10 năm 1970 tôi tựu trường, trở thành sinh viên khoa Ngữ văn đại học Tổng hợp Hà Nội. Đúng 10 năm sau cái ngày ấy tôi rời đất nước sang Liên Xô ăn học. Và ngày 17 tháng 10 năm nay, tôi lại có dịp sang Nga trong một chuyến công tác thông thường và có ý nghĩa tiền trạm cho những ngày văn hóa Hà Nội ở Maxcơva vào năm tới nhưng trong tôi ý nghĩ trở về chốn xưa cứ thầm thì mách bảo một cái gì đó mơ hồ, vừa bâng khuâng, vừa háo hức. Năm anh em chúng tôi đều đã có những năm tháng ăn học, làm việc ở Nga nên chuyến đi được chuẩn bị nhanh nhưng cũng khá đầy đủ.

Suốt chuyến đi, trừ những lúc ăn và chợp mắt đôi chút, lòng tôi luôn nhớ về những kỷ niệm êm đềm với mái trường xưa, với những người thầy và những người bạn một thời tôi yêu mến và ngưỡng mộ. Ngôi trường tôi học nằm ngay bên bờ Nhêva, chỉ cần đi bộ dăm phút qua một cây cầu là Cung điện Mùa Đông, nằm đối diện phía bên kia dòng Nhêva là Quảng trường tháng Chạp lịch sử và tượng Kỵ sĩ đồng nổi tiếng - pho tượng về vị vua khai sinh thành Sain-Pêterxburg đẹp như cổ tích: Vua Piôtr Đại đế. Thấp thoáng đâu đó trong mớ hồi ức đã ít nhiều được làm cho trở nên mờ ảo và hấp dẫn hơn lên là những năm tháng làm việc và học hành thực sự, khổ mà vui và hừng hực khát vọng. Những năm tháng ấy đất nước đã thắt lưng buộc bụng để dành cho nhiều thế hệ, trong đó có chúng tôi, những điều kiện thuận lợi nhất để học hành, để chuẩn bị cho công cuộc xây dựng đất nước sau này. Như lời của một anh bạn tôi thì những năm tháng ấy đất nước đã tiễn những người con ưu tú nhất của mình đi theo hai hướng khác nhau mà hướng nào cũng đặt trên vai họ những trọng trách: hướng ra trận là sự tồn tại của đất nước, sự sống còn của dân tộc, là cái đích giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước còn hướng ngược lại, ra nước ngoài là sứ mạng nhận lấy tri thức của nhân dân, bầu bạn anh em để sau này hết giặc trở về dựng xây đất nước. Nói cho hết lý và công bằng thì hướng ra nước ngoài là đồng nghĩa với an toàn, hạnh phúc còn đường ra trận, dù có nói bằng những lời hoa mỹ mấy chăng nữa cũng không thể tránh được những từ bom đạn, hy sinh, ít nghĩ tới ngày về…Biết là thế nhưng những năm tháng ấy có mấy ai thoái thác nhiệm vụ, chỉ lo cho cá nhân mình. Cái lớn lao, cái già dặn, sự trưởng thành của lớp thanh niên ngày ấy là như vậy và cũng nói cho công bằng thì hàng triệu người con ưu tú của đất nước đã trả nghĩa được cho nhân dân đất nước mình một cách xứng đáng.

Đã là cuối mùa thu nên Maxcơva se se lạnh. Có mưa và tuyết đã rơi. Những bông tuyết đầu mùa bay mịt mờ suốt hai ngày đã đem lại cho người dân Nga những dấu hiệu tốt lành: tuyết sớm và ẩm như thế sẽ hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Đất nước Nga rộng lớn và giàu tiềm lực nhưng không phải lúc nào cũng đủ lúa mì để nuôi sống dân họ và đủ cung cấp cho một phần thế giới. Vì thế mà tuyết rơi sớm và dày đã làm cho người ta hy vọng.

Quảng trường Hồ Chí Minh ở vào một khu phố vừa phải ở phía tây Maxcơva. Chúng tôi đến thăm nơi này với mấy người bạn Nga đã có vài chục năm làm việc với Việt Nam và yêu Việt Nam bằng một tình yêu sắt son đến cảm động. Ngồi trên xe, người phiên dịch Nga già kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm cảm động về những lần đến Việt Nam, những lần gặp Bác Hồ với một thái độ thành kính. Ông bảo tôi: “Long ơi, bọn Nga mới, bọn xã hội dân chủ ấy chửi bới cộng sản, đòi phá bỏ tượng đài Lênin, những tượng đài của thời xã hội chủ nghĩa nhưng chúng không dám đụng đến Bác Hồ. Nói thế để Long biết là Bác Hồ cũng được người Nga yêu mến lắm. Rồi tôi sẽ kể Long nghe những lần tôi dịch cho Bác và Bác đã hỏi chuyện, động viên tôi thế nào”.

Đoàn chúng tôi chuẩn bị những thủ tục thông thường cho một cuộc dâng hương. Tuyết vẫn bay mịt mờ. Những người dân Nga điềm nhiên đi qua chúng tôi. Ai cũng có công việc của mình. Mua một ít hoa cúc, hoa phăng, chúng tôi thành kính và lặng lẽ đặt dưới chân tượng đài. Tượng Bác ở đây được đúc bằng đồng, giống như phù điêu chân dung hơn là tượng đài nhưng vẫn gợi cảm. Tôi cứ miên man trong ý nghĩ về 83 năm trước, giữa mùa Đông nước Nga tang tóc và lạnh giá Người đã đến đây, đã đi trong tuyết lạnh nơi này, phong phanh áo mỏng, nhức nhối nỗi đau vì không gặp được người mình yêu mến và ngưỡng mộ, không được sẻ chia những tâm sự đang chất chồng về nỗi nhà, nỗi nước. Nỗi cô đơn và những nỗi đau nào đã làm Người không ngủ? Những bông tuyết lạnh nào đã vương trên má Người và băng giá của những ngày lạnh nhất nước Nga năm ấy đã để lại những tàn nhang trên gương mặt Người sau này. Những băng giá nào của người đời đã xát muối vào nỗi đau của Người khi ấy? Câu thơ của Chế Lan Viên “Maxcơva sáng ấy lạnh trăm lần. Trong tuyết trắng có rất nhiều nước mắt” chắc cũng có những giọt nước mắt của Người rơi xuống cùng nhân loại khi tiễn đưa người công dân vĩ đại ấy về nơi an nghỉ cuối cùng. Tôi hiểu thêm rằng vì sao lúc ấy có những người chỉ gặp Bác của chúng ta lần đầu, khi ấy Người mới chỉ là Văn Ba, là Vương, là một người yêu nước, nhưng đã nhận ra rằng con người ấy thuộc về tương lai, và sau này, ba tiếng Hồ Chí Minh lại được bạn bè khắp năm châu đón nhận như là biểu tượng của một dân tộc được tất cả những người dân có lương tri yêu mến và cảm phục.

Trời lạnh, lại là ngày nghỉ nên chuyến đi thăm Bảo tàng Lênin ở Gorky của chúng tôi khá vất vả. Nhà Lênin ở Gorky. Tôi đã biết điều này và bao điều khác nữa về nước Nga Xô Viết chỉ từ sách vở nhưng sao những điều đó cứ găm mãi vào trí nhớ và tình yêu của mình mà năm tháng và những đổi thay của thời cuộc vẫn không sao xóa được. Cảnh vật nơi đây đẹp đến nao lòng. Vườn sên khi xưa vẫn còn, chiếc ghế sơn xanh Người thường ngồi nghỉ ngày nào cũng vẫn còn đây. Và gần như còn nguyên vẹn những đồ dùng của Lênin khi Người còn sống: chiếc gậy cầm tay vẫn gác cạnh bàn, chiếc mũ cát két vẫn nằm ở một góc bàn làm việc khiến tôi có cảm giác Người như đang dạo đâu đó dọc theo những con đường nhỏ, bản thảo trên bàn với những dòng chữ xiêu xiêu, khó đọc như xô nhau không theo kịp tốc độ tư duy của Người đang chờ Người về viết tiếp. Nhắm mắt lại, tôi cứ hình dung Lênin như trong câu thơ của Tố Hữu đẹp một cách dung dị mà sâu sắc: “như ba mươi bốn năm xưa, ngồi dưới mặt trời, viết những dòng Ánh sáng”. Ở đây tôi có cảm giác giữa Lênin và Hồ Chí Minh có sự gặp gỡ ở tính giản dị, gần gũi và giàu tính nhân văn. Đọc những dòng thư của những người nông dân gửi Người, những đồ vật của công nhân ở Đức, ở Mỹ biếu Người thấy toát lên một sự yêu mến đến không cùng của những người lao động đối với vị lãnh tụ của họ. Thế, nên tôi lại có cảm giác bồi hồi khi nhớ lại Lênin hay Hồ Chí Minh lúc sinh thời, mỗi khi xuất hiện thì mọi người dân, nhất là công nông lại thể hiện một sự nồng nhiệt đến thế, một sự tin cậy đến thế. Không có khoảng cách giữa họ vì lãnh tụ sống trước hết là cho nhân dân, người mà họ yêu mến thật sự, đấu tranh vì quyền lợi của nhân dân một cách thực sự, dù phải đánh đổi cả sự sống của mình cho dân, họ cũng không từ. Dấn thân như thế nên họ cũng nhận được những yêu thương, trân trọng hết mình từ người dân. Cho và nhận - sòng phẳng mà thấm đẫm nghĩa tình. Toàn bộ những hiện vật nơi này, theo như vị phụ trách bảo tàng là hiện vật gốc, sau khi Lênin qua đời, được vợ, hai người em của Lênin trông nom, bảo quản và thể theo ý nguyện của gia đình, TW Đảng Cộng sản Liên Xô trước đây đã giữ y nguyên như lúc Người còn sống. Bức chân dung Sêkhôp trên bìa lịch và ngày 21 tháng 4 năm 1924 vẫn lặng lẽ trên tường như từ trước đến nay vẫn thế như nhắc nhủ: lịch sử không thể bị lãng quên vì lịch sử là máu và nước mắt, lãng quên bất cứ điều gì đều là có tội vì lịch sử không phải chỉ thuộc về một người, của một người dù người đó là vĩ nhân. Không hiểu sao, nhìn chân dung nhà văn Nga, tôi cứ nhớ mãi câu nói của một nhà văn Nga khác: “Nếu còn sống đến ngày hôm nay chắc Sêkhôp đau lòng lắm khi chứng kiến những lớp người mới nổi chỉ muốn lật nhào, xóa sạch hình ảnh của quá khứ để họ rảnh tay làm tất cả những việc họ muốn làm. Thượng đế đã chết, họ đâu còn sợ ai phán xét nữa!”

Không, Chúa trời không chết. Tôi đã chứng kiến điều này trong lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập của Nhà văn hóa Zôtchi. Cha xứ đến chúc mừng và phát biểu rất dài. Ông nói đến những việc làm tốt của Nhà văn hóa như làm phòng đọc sách cho người khiếm thị, làm thư viện trên những chiếc ô tô lưu động có đủ các phương tiện cho những người bị tàn tật, về những sinh hoạt tinh thần làm cho người dân trở về với cái gốc nhân bản là thương yêu lẫn nhau, hòa hợp cùng nhau chống lại cái xấu, cái ác, hòa hợp theo tinh thần Phúc âm… Trong cái hỗn mang của thời cuộc, trong sự đổi thay không lý giải được, có người chỉ được nhận 4000 rup/tháng (tương đương 160 USD, trong khi một cái áo sơmi mặc được giá 200USD) nhưng cũng có người nhận vài nghìn USD/tháng, sự phân hóa giàu, nghèo ở đây đã trở lên rất sâu sắc. Các cửa hàng đầy rẫy hàng hóa đủ loại nhưng cái gì cũng đắt kinh khủng. Người nhiều tiền có rất nhiều nơi và nhiều việc để tiêu tiền: xây nhà đẹp, mua xe hơi đời mới, tiệm ăn hạng sang, đồ dùng hàng hiệu, sòng bạc có ở mọi khách sạn… Còn những người nghèo, nhất là những người hưởng lương thấp thì vẫn tồn tại nhưng đó là cuộc sống “không quá khứ, không hiện tại, không tương lai. Sống không hơn chết mấy tí” (Sêkhôp). Nỗi bất bình của họ về sự bất công mà tôi gặp trong các cuộc chuyện trò ở nhà hát, trên tàu hỏa vừa dữ dội, vừa bất lực vì họ tuy cũng khá đông đảo nhưng cũng thuộc về lớp người sắp về với chúa trời cả rồi. Sức tàn, lực kiệt và ý chí cũng thui chột vì tuổi tác và những mệt mỏi mưu sinh.

Đoàn chúng tôi đi xem hai buổi biểu diễn tuyệt vời ở hai nhà hát nổi tiếng: Nhà hát Lớn và Nhà hát dành cho thanh niên. Hoàng Dũng và Trọng Đài cứ xuýt xoa vì khán phòng mênh mông, gần nghìn người mà không có ghế nào bỏ trống. Vé xem đắt kinh khủng: Giá vé là 100USSD/vé nhưng vị cán bộ Nhà văn hóa cho biết họ phải mua cho chúng tôi theo giá chợ đen gấp hơn 2 lần. Tôi cứ loanh quanh nơi sảnh để quan sát những người xem thuộc dạng nào nhưng không sao đoán ra được. Vẫn lịch sự như hơn hai mươi năm trước tôi đã thấy. Vẫn có không ít người đứng tuổi nhưng nhìn gương mặt, dáng đi thì đoán mò là họ thuộc giới có tiền. Ít người nước ngoài hơn trước nhiều. Trọng Đài bỏ chỗ ngồi của mình để đi khảo sát cách bố trí các thiết bị kỹ thuật. Thúy Mùi thì mê mẩn vì hệ thống chiếu sáng vừa hiện đại, vừa tiện lợi. Hoàng Dũng cứ nhắc đi nhắc lại hệ thống âm thanh và micrô của họ sao hiện đại thế, diễn viên của họ sao xinh thế và tính chuyên nghiệp của diễn viên sao tuyệt vời thế. Bao nhiêu câu hỏi vì sao được đặt ra và chúng tôi cứ nói với nhau mãi về điều này: dân Nga mới rất giàu nhưng cứ nhìn cái cung cách họ thưởng thức nghệ thuật, cách họ làm nghệ thuật mà giật mình. Cái lãnh địa ấy không có đất sống cho những gì nhợt nhạt, dối trá, làm chơi, ăn thật. Hoàng Dũng cứ nói mãi với tôi một câu: “giá như dân mình cũng có cái “máu” ấy thì dân nghệ sĩ dám “chơi” đến tận cùng”. Tôi cũng chỉ mong điều đó sẽ trở lại như đã từng xuất hiện ở Hà Nội trong nhiều năm trước. Cái thời ấy tiền ít hơn nhưng người ta làm nghệ thuật với một tình yêu nồng nhiệt hơn, một thái độ nghiêm túc hơn vì tư tưởng “hành đạo” cũng đậm nét hơn. Bây giờ tiền nhiều hơn nhưng cách làm lại không được như xưa nữa. Trách ai đây?

Trong nhiều băn khoăn và háo hức đan xen, chúng tôi có cuộc tham quan Sain-Pêterxburg trong một ngày. Con tàu tốc hành đưa chúng tôi đến thành phố bên bờ Nhêva vẫn như xưa nhưng tiện nghi đã tốt hơn rất nhiều. Cách thành phố gần 30 km tôi đã dậy ra hành lang ngắm nhìn cảnh vật, hy vọng gặp lại những cảnh cũ. Đã cuối thu nên những cây bạch dương đã trở nên tiêu điều còn những cây phong thì đã bớt đi cái màu vàng rực, tươi tắn đầy quyến rũ. Những bà già Nga tay kéo những chiếc xe dùng đi chợ từ thời Xô Viết cũ kỹ, già nua và mỏi mệt đi chợ sớm, những ông già hai tay thu vào ngực nhưng không biết có giấu chai Vodka nào không? Những cô gái Nga chắc đi làm sớm vẫn với những bước đi như chạy. Trang phục, cách thức đi lại của họ gợi sự thân thuộc, gần gũi nhưng sao trong ánh nhìn của họ cứ có cái gì lạnh lẽo, xa lạ, điều trước đây tôi không hề thấy. Cảm giác ấy cứ mơ hồ lớn dần trong tôi, làm cho khao khát ban đầu bớt hẳn nhiệt tình.

Đây rồi cái sân ga quen thuộc đã đưa tôi đến với thành phố này, đã chứng kiến bao lần tôi đón và tiễn bạn, đã ghi dấu ấn về những kỷ niệm ngày nào của tôi. Khung cảnh đã thay đổi hẳn. Không còn dãy ki ốt ở sân ga và cái ki ốt có cửa sổ bị sứt và bà trung niên khó tính bán hàng nhưng tuần nào tôi cũng ghé mua một thanh sôcôla hiệu Hoa hồng để đi Petergôp thăm bạn gái. Cái bến xe buyt ngay bên cạnh cũng đã chuyển vị trí sang phía đối diện. Chúng tôi đi dọc theo đại lộ Nhepxki về phía cầu Bốn ngựa, về sông Môika, hướng về phía Quảng trường Cung điện Mùa Đông. Không có nắng nên những nóc dát vàng của nhà thờ Kandan và Ixakiep không rực lên nhưng vẫn đẹp lạ lùng. Các bạn tôi không ngớt lời khen thành phố đẹp và luôn nhắc tôi kể chuyện năm xưa. Vâng, chính ở thành phố này tôi đã có hơn 4 năm ăn học với bao kỷ niệm êm đềm có, cay đắng có nhưng cái chính là tôi đã học được nhiều điều. Những năm tháng ấy, tuy không đi nhiều nhưng ở những nơi tôi đến, những con người tôi gặp, dù là người Nga, Ucraina, Belarux, Kadắc, Udơbếc…đều thể hiện sự nhân ái, sẻ chia và sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi với một tinh thần hào hiệp. Tôi nghĩ rằng giáo dục cho cả một đất nước tinh thần nhân văn như thế là một thành quả vĩ đại, không phải nơi nào, chính thể nào cũng làm được. Bây giờ, những người Nga thế hệ 70 tuổi vẫn mang tinh thần ấy nhưng tiếc rằng họ không thể làm cho thế hệ trẻ hiểu được điều này. Thời thế đổi thay, lòng người nghĩ khác, ai cũng có những quan tâm của riêng mình nhưng sự cách bức giữa người với người thì không bao giờ tốt cả.

Tôi bồi hồi đi dọc “con đường của tôi” xưa. Tôi gọi thế vì từ nhà tôi đến trường có mấy lối đi và phần lớn sinh viên đi bằng xe buyt hoặc tàu điện. Còn tôi chỉ đi bộ dọc theo bờ sông, dù là mùa đông rét buốt hay mùa xuân đẹp mê hồn cũng vậy, qua mấy gốc sồi, qua mấy ngọn đèn đường chẳng biết làm từ hồi nào nhưng mang dáng dấp của những ngọn đèn dầu từ thời Piôt Đại đế. Tôi chỉ cho Thúy Mùi và My Anh lối tôi đi ngày xưa, dẫn họ đi qua lối vườn trường, qua những dãy hành lang cổ, tối, dài hun hút về nơi tôi học. Hỏi qua bao nhiêu người mới tìm được nơi thầy giáo của tôi đang làm việc. Thời cuộc đã khác nên ông cũng không còn làm việc ở bộ môn xưa. Qua khuôn cửa, thấy ông đang giảng bài mà ngực tôi như hẫng đi, một cảm xúc lạ lùng lần đầu tôi mới gặp. Ông chỉ nhỉnh hơn tôi dăm tuổi nhưng tôi đã học được ở ông nhiều điều: thái độ đối với công việc, không được nản lòng trước khó khăn ở đời. Khi biết tôi có ý định bỏ dở công việc đang làm vì thất vọng cũng có, khó khăn cũng có, ông đã nói với tôi rất nghiêm túc nhưng giản dị: “nước anh đã thắng Mỹ thì anh cũng phải thắng trong trận chiến đấu của riêng anh này. Tôi sẽ giúp anh. Tôi tin là anh sẽ đến đích. Tôi là đảng viên cộng sản, tôi sẽ giúp anh theo tinh thần cộng sản. Chỉ cần anh có quyết tâm, anh sẽ thắng”. Chính ông đã làm cho tôi tin vào mình, đã giúp tôi vượt qua được chính mình ở những giờ phút khủng hoảng. Tôi biết ơn ông còn vì thế.

Hai thầy trò tôi ôm lấy nhau. Cả hai cùng rưng rưng vì cuộc gặp không ngờ. Giọng ông ngàn ngạt: “Vợ con anh thế nào? Vẫn là cô gái đeo kính ấy đấy chứ? Tôi biết đất nước anh đã thay đổi theo chiều hướng tốt lên còn nước tôi thì không được như thế. Biết làm thế nào được? Vẫn cứ phải sống thôi .Gắng sống đến bình minh”.

Tôi cũng rưng rưng: “Vâng, gắng sống. Không được tin thầy nhưng trong tôi… “Ông cướp lời: “Tôi luôn nhớ đến anh và những người bạn Việt Nam. Họ luôn ở trong tim tôi. Tôi nhớ”. Và giọng ông trở nên xa xăm: “Anh còn 3 tiếng ở đây nữa à? Tôi thì đang dạy, không bỏ được. Biết đến bao giờ ta lại gặp nhau…”

Tôi và ông trao đổi với nhau vài thông tin nữa rồi đành chia tay. Tôi biết, vì là đảng viên nên sau năm 1991 ông gặp nhiều khó khăn. Phải chuyển bộ môn, đổi việc. Thế rồi, ông đã vượt qua được những năm tháng ấy và đã đứng vững. Biết thế nhưng vẫn cứ có cảm giác nuối tiếc, xót xa, thấy như mất đi một cái gì. Cái gì, không chỉ ra được nhưng cứ man mác, thấm thía buồn.

Hai mươi hai năm cách xa mới có một lần trở lại. May mắn thì đã đành rồi nhưng sao tôi không có được cái thỏa mãn lúc trở về mà cứ bâng khuâng như vừa đánh mất một vật gì. Công việc chung đã hoàn thành. Việc riêng cũng đã mãn nguyện. Vậy mà cứ có cái gì đó không yên. Không phải vì giọt nước mắt của những người bạn Nga hôm đưa tiễn. Cũng không phải vì những thông tin không vui tôi lượm lặt được qua cộng đồng người Việt ở Maxcơva. Lại càng không phải vì tận mắt thấy những khốn khó đến trớ trêu về cuộc sống của những người bạn một thời mà có lẽ vì một cái gì đó đang bị rỡ ra, đang sắp xếp lại nhưng chưa phải đã hòa hợp, ổn định như nó phải thế. Bao nhiêu cái bị bỏ đi đâu phải đều là đồ bỏ và bao nhiêu cái mới đang ngự trị đâu phải vì nó tốt mà chỉ vì nó thắng. Cuộc sống này rồi sẽ ra sao đây? cứ ám ảnh tôi như câu kết trong truyện ngắn nổi tiếng của Sêkhôp vậy.

Maxcơva - Hà Nội

(Đây là bài viết được giải với tên gọi ĐIỀU CÒN LẠI Ở NƯỚC NGA)

Phạm Quang Long

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/hai-muoi-hai-nam-cach-xa-va-mot-lan-gap-lai-81987