Hai mặt của nông sản nhập theo CPTPP

Khi nhiều ngành hàng chủ lực còn phụ thuộc nguyên liệu nông sản nhập cũng chính là cơ hội để các nhà cung cấp từ các quốc gia trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) gia tăng thâm nhập vào Việt Nam.

Trái cây nhập khẩu đang là thách thức lớn cho nông sản Việt. Nguồn: Internet

Trái cây nhập khẩu đang là thách thức lớn cho nông sản Việt. Nguồn: Internet

Một phái đoàn doanh nghiệp (DN) sản xuất và xuất khẩu (XK) đậu nành cùng với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Thực phẩm Canada – ông Chris Forbes, đã đến TP. Hồ Chí Minh hôm 28/2 để giới thiệu về ngành công nghiệp đậu nành và kết nối với các nhà nhập khẩu (NK) Việt Nam.

Đậu nành "bắt sóng"

Ông Chris Forbes đánh giá Việt Nam là thị trường lớn rất tiềm năng trong thời gian tới đối với ngành sản xuất đậu nành Canada, nhất là khi CPTPP có hiệu lực, những chi phí liên quan xuất nhập khẩu như thuế NK cho cả hai chiều đã được giảm đi.

"Điều đó có nghĩa khả năng XK đậu nành của chúng tôi vào Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Ngoài ra, còn có cơ hội để cho thương mại giữa hai nước phát triển mạnh với những mặt hàng nông sản như sản phẩm thịt, các loại hạt, hải sản, trái cây…", ông Chris Forbes bày tỏ sự lạc quan.

XK đậu nành Canada sang Việt Nam tăng trưởng liên tục và đến năm 2018 đã tăng gấp đôi năm 2012, đạt 103,568 tấn. Nông sản (với các sản phẩm chủ lực gồm lúa mì, dầu hạt, thịt, trái cây, sản phẩm sữa) và thủy hải sản chiếm hơn một nửa mặt hàng XK của quốc gia Bắc Mỹ này đến Việt Nam.

Giới chuyên gia cho biết Hiệp định CPTPP (có hiệu lực tại Canada từ ngày 30/12/2018 và tại Việt Nam từ ngày 14/1/2019) sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng giao thương giữa hai nước. Sau khi Hiệp định hoàn tất lộ trình cắt giảm thuế, 94% sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm của Canada sẽ có lợi thế trong việc XK đến thị trường các nước trong khối, bao gồm Việt Nam.

Các sản phẩm của Canada được cắt giảm thuế nhiều nhất và hiện được quan tâm nhiều nhất tại thị trường Việt Nam là thủy hải sản, thịt bò, trái cây, lúa mì và thực phẩm chế biến.

Với việc tận dụng cơ hội từ CPTPP, ông Andrew Jones, Giám đốc phụ trách quan hệ DN thuộc Hiệp hội Đậu nành Canada, bày tỏ niềm tin rằng trong những năm tới, việc XK đậu nành Canada vào Việt Nam sẽ tăng trưởng rõ rệt, xu hướng của đường đi lên rất rõ về sản lượng. Hiện tại, Việt Nam đang xếp thứ 4 về kim ngạch trong số 51 quốc gia mà Canada XK đậu nành không biến đổi gen.

Trao đổi với Thời báo Kinh Doanh dưới góc nhìn của một DN Việt NK đậu nành để phục vụ cho chế biến dòng sữa đậu nành, ông Trương Hùng, Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm dinh dưỡng Nutifood, cho biết công ty có một bộ phận chuyên nghiên cứu về ưu đãi thuế quan trong CPTPP đối với việc NK nguyên liệu nông sản và sẽ tận dụng những ưu đãi này để nhập được với giá tốt nhất.

Không thể chủ quan

Theo ông Hùng, vẫn có một sự chênh lệch về mức giá giữa nguồn nguyên liệu đậu nành trong nước so với đậu nành NK. Vấn đề là sản lượng đậu nành trong nước vẫn chưa thể đáp ứng một cách đầy đủ về sản lượng và chất lượng theo nhu cầu nên các DN buộc vẫn phải nhập thêm nguồn nguyên liệu tốt để dự trữ (với ưu thế về chất lượng, giúp DN bớt đi rất nhiều những công đoạn xử lý).

Với việc một thứ trưởng ngành nông nghiệp cùng đầy đủ đại diện các cơ quan của Chính phủ Canada cũng như các cơ quan nghiên cứu tham gia phái đoàn DN XK đậu nành để giải đáp các thắc mắc, hỗ trợ kết nối với các nhà NK nông sản của Việt Nam nhằm đón "sóng" CPTPP, ông Hùng cho rằng đây là bài học bổ ích cho các nhà quản lý của Việt Nam trong xúc tiến thương mại XK nông sản tại các thị trường trong CPTPP.

Còn với góc nhìn của một DN 100% vốn đầu tư nước ngoài đang đầu tư chế biến nông sản thực phẩm tại tỉnh Bình Dương nhiều năm nay, ông Alex Do, Giám đốc kinh doanh và marketing công ty TNHH thực phẩm Dan On Food, cho biết từ việc tận dụng ưu đãi thuế quan trong CPTPP, sản lượng NK nguồn nguyên liệu đậu nành của công ty sẽ tăng lên 20% trong thời gian tới, có thể góp phần tăng 20 – 30% lợi nhuận.

Tuy nhiên, việc gia tăng lợi nhuận này còn phụ thuộc vào khả năng tăng trưởng của thị trường Trung Quốc - thị trường tiêu thụ chính của Dan On Food. Theo ông Alex Do, trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, hiện nay Trung Quốc không còn sử dụng nguồn đậu nành từ Mỹ mà chuyển sang sử dụng đậu nành Canada. Công ty Dan On Food sẽ tận dụng ưu đãi thuế quan trong CPTPP để nhập đậu nành từ Canada về Việt Nam để gia công chế biến rồi xuất sang Trung Quốc.

Đánh giá từ giới chuyên gia cho thấy, khi các hàng rào thuế quan được dỡ bỏ trong CPTPP, nông sản Việt Nam sẽ vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt hơn nữa ngay trên "sân nhà" từ nguồn nông sản NK.

Theo đó, khi các DN chế biến của Việt Nam trong những ngành hàng chủ lực vẫn còn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nông sản ngoại (việc NK đậu nành là một điển hình) chính là cơ hội để các nhà cung cấp nguyên liệu nông sản từ các quốc gia trong CPTPP gia tăng thâm nhập vào Việt Nam.

Trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu về nông sản trong năm 2019 tiếp tục tăng mạnh, nhiều quốc gia trong CPTPP cũng tham gia cung ứng nông sản và thị trường đầy tiềm năng như Việt Nam là nơi mà họ nhắm đến, nông sản Việt không thể chủ quan trước nhiều thách thức lớn trong thời gian tới.

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu-trao-doi/hai-mat-cua-nong-san-nhap-theo-cptpp-303829.html