Hai lớp khinh hạm Nga phù hợp với Việt Nam và các nước ĐNÁ

Các tàu khinh hạm của Nga với lợi thế cấu hình vũ khí hiện đại, kèm theo đó là giá thành phải chăng, phù hợp với nhiều kiểu nhiệm vụ khác nhau, luôn là sự lựa chọn cho những quốc gia có lực lượng hải quân vừa và nhỏ.

Hải quân Nhân dân Việt Nam luôn là một trong những bạn hàng thân thiết của Moscow, hiện tại chúng ta đang sở hữu 4 hộ vệ hạm Gepard 3.9 với hai kiểu cấu hình vũ khí khác nhau, được đặt mua từ Nga trong vài năm gần đây.

Hải quân Nhân dân Việt Nam luôn là một trong những bạn hàng thân thiết của Moscow, hiện tại chúng ta đang sở hữu 4 hộ vệ hạm Gepard 3.9 với hai kiểu cấu hình vũ khí khác nhau, được đặt mua từ Nga trong vài năm gần đây.

Ngoài ra, một vài loại tàu chiến khác của Nga được cho là cũng phù hợp với lực lượng HQVN, trong đó bao gồm khinh hạm lớp Đô đốc Grigorovich (Đề án 11356 hay Krivak IV) của Hải quân Nga và cả khinh hạm lớp Đô đốc Gorshkov (thuộc Đề án 22356). Cả hai thiết kế này đều lớn hơn và tính năng chiến đấu mạnh hơn so với lớp Gepard 3.9.

Cả hai lớp khinh hạm trên, được thiết kế với nhiệm vụ tìm kiếm, tiêu diệt tàu nổi, tàu ngầm; tiêu diệt các mục tiêu trên bộ nằm sâu trong lãnh thổ đối phương, trên bờ biển và các đảo; bảo đảm phòng không hạm đội; hỗ trợ hỏa lực cho các lực lượng tấn công đổ bộ và các hoạt động của binh lính mặt đất, ở các khu vực ven biển.

Hiện tàu thuộc Đề án 11356 đã được xuất khẩu sang Ấn Độ, với 2 tàu được đóng tại Nga, được bàn giao cho Hải quân Ấn Độ; đồng thời cấp phép sản xuất để sản xuất thêm 2 khinh hạm ở Ấn Độ.

Tàu chiến Đề án 11356 có chiều dài 125 mét, trọng lượng choán nước toàn bộ 4.000 tấn, tốc độ tối đa 30 hải lý/giờ; động cơ của tàu là 4 động cơ tuốc bin khí kiểu hỗn hợp khí (COGAG). Tầm hoạt động liên tục trên biển 30 ngày.

Còn tàu thuộc “Đề án 22356”, là phiên bản xuất khẩu của lớp tàu thuộc Đề án 22350, đang được Hải quân Nga sử dụng. Tàu có chiều dài 135 mét, lượng choán nước toàn bộ 4.750 tấn và tốc độ tối đa 30 hải lý/giờ; chạy bằng 2 động cơ diesel và 2 tua-bin khí, ở cấu hình kết hợp diesel và khí (CODAG).

Cả hai thiết kế tàu đều có thể được cấu hình theo yêu cầu của khách hàng, cấu hình vũ khí cơ bản cho tàu của Đề án 11356 bao gồm một khẩu pháo hải quân A-190 100mm; hai cụm phóng thẳng đứng đa năng UKSK VLS (4 ô/cụm), dùng cho tên lửa hành trình chống hạm Yakhont hoặc tên lửa tiến công mặt đất Kalibr.

Về vũ khí phòng không gồm hai cụm ống phóng thẳng đứng VLS (12 giếng/cụm), dùng cho tên lửa đất đối không 9M317M; hai hệ thống pháo phòng thủ tầm gần AK-630, một bệ phóng cho 8 tên lửa Igla-S hoặc Verba VSHORAD.

Về vũ khí chống ngầm và chống tàu nổi, còn có hai cụm ống phóng ngư lôi 533mm (đôi) và một bệ phóng tên lửa tác chiến chống ngầm RBU-6000. Một sàn đáp cho trực thăng săn ngầm Ka-28, hoặc trực thăng cảnh báo sớm trên không Ka-31.

Còn khinh hạm của Đề án 22356 về vũ khí tiến công có một pháo hải quân 130mm A-192M, 16 tên lửa tiến công mặt đất Kalibr-NKE, tầm bắn 220 km với mục tiêu mặt nước và 300 km mục tiêu trên bờ; tổ hợp Kalibr-NKE có các loại tên lửa dùng chống ngầm và tên lửa hành trình đối đất, qua bệ phóng đa năng UKSK.

Hỏa lực phòng không của khinh hạm Đề án 22356 có sẵn hai phương án cho khách hàng lựa chọn gồm, tổ hợp tên lửa tầm trung Shtil-1, với 36 đạn đánh chặn 9M317ME, tầm xa 50 km; hoặc hệ thống Rif-M (phiên bản hải quân của S-300F nâng cấp) với 32 tên lửa 48N6E2 tầm xa 195 km, tạo ra ô phòng không cực kỳ tin cậy cùng hai hệ thống phòng thủ cực gần (CIWS) Kashtan.

Về vũ khí chống hạm hoặc chống ngầm, khinh hạm thuộc Đề án 22356 được trang bị 8 tên lửa chống hạm siêu thanh Yakhont, được phóng qua hệ thống phóng thẳng đứng đa năng (UKSK) và bốn ống phóng ngư lôi 330mm.

Hệ thống điện tử có thể bao gồm radar trinh sát đường không Fregat-M2EM hoặc Fregat-MAE-3, radar điều khiển hỏa lực là Mineral-ME, hệ thống quản lý chiến đấu Sigma-E22356 hoặc Trebovanie-M, đi kèm hệ thống đối kháng điện tử TK-25E hoặc KT-308-05.

Cả hai lớp tàu trên đều có sàn đáp và nhà chứa máy bay ở đuôi tàu, cho phép mang theo một trực thăng săn ngầm Ka-28, hoặc trực thăng cảnh báo sớm trên không Ka-31. Tầm hoạt động 4.500 hải lý, thời gian đi biển liên tục 30 ngày.

Cả hai lớp tàu chiến Đề án 22356 và Đề án 11356 đều có khả năng phòng không tốt, có thể yểm trợ cho các đảo, giàn khoan dầu xa đất liền, đóng vai trò phòng không hạm đội, bảo vệ các tàu tên lửa trong biên đội chiến đấu đi kèm

Đánh giá chung, cả hai lớp khinh hạm Đề án 22356 và Đề án 11356 đều là những chiến hạm mạnh và hiện đại, nếu Việt Nam chọn bất cứ lớp tàu nào cũng sẽ đưa lực lượng hải quân của chúng ta lên một tầm cao mới.

Hiện nay Nga đã hoàn toàn tự chủ được thiết bị cho hai lớp tàu này, nhất là phần động cơ tua-bin khí, trước kia phải nhập từ Ukraine; thời gian thi công tàu này là 2 năm. Giá ước tính khoảng 500 triệu USD/chiếc. Ảnh: Phái đoàn Việt Nam thăm quan tàu khinh hạm Nga trong triển lãm IDMS năm 2019.

Hiện nay thực hiện chiến lược phòng thủ biển, đảo, HQVN đã thành lập những Vùng hải quân, thực hiện như một hướng chiến lược; tuy nhiên trong xu thế phát triển, chúng ta phải tiến hành thành lập hạm đội, để tăng tính cơ động, kịp thời ứng phó trước những tình huống bất ngờ.

Và trong chiến lược như vậy, hai khinh hạm của Nga đều có thể được lựa chọn để làm soái hạm, kết hợp với các tàu tên lửa, tàu pháo, sẵn sàng cơ động bảo vệ chủ quyền biển đảo của chúng ta, trong bối cảnh mới. Nguồn ảnh: TTXVN/Pinterest.

Cận cảnh Hộ vệ hạm Quang Trung hiện đang phục vụ trong biên chế Hải quân Nhân dân Việt Nam. Nguồn: VTV1.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/hai-lop-khinh-ham-nga-phu-hop-voi-viet-nam-va-cac-nuoc-dna-1562664.html