Hai loại virus trong một trận chiến

Những ngày này, trên các mạng xã hội, người ta bàn tán rất nhiều về dịch viêm phổi cấp do virus corona mới gây ra. Thế nhưng, có một sự thật mà không phải ai cũng biết, đó là virus corona khiến cả thế giới hoang mang không chỉ vì tốc độ lây lan của nó, mà còn bởi những thông tin thất thiệt liên quan tới loại virus này.

Theo BBC, trong tuần qua, trên các nền tảng mạng xã hội khác nhau xuất hiện một video có tựa đề "Y tá Trung Quốc ở bệnh viện Vũ Hán tiết lộ sự thật về virus corona". Người phụ nữ xuất hiện trong video này nói rằng, ca nhiễm bệnh thực tế ở Trung Quốc là 90.000 người, vượt xa con số gần 8.000 người mà chính phủ đưa ra, và còn cho biết virus corona mới mang “đột biến thứ hai", khiến một người có thể lây cho 14 người. Các ý kiến phân tích sau đó đều cho rằng, những tuyên bố mà người phụ nữ này đưa ra trong video đều không có căn cứ, và bản thân cô ta cũng không có vẻ gì là một y tá hay nhân viên y tế. Thế nhưng, video vẫn thu hút tới hàng triệu lượt xem trên mạng xã hội.

Tượng tự, trên YouTube cũng có một đoạn video dài 11 phút, thu hút hàng chục nghìn lượt xem, trong đó tung tin rằng virus corona mới đã khiến 180.000 người tử vong tại Trung Quốc, đồng thời đưa ra những phương pháp điều trị sai cách.

 Bệnh nhân nghi nhiễm virus corona được điều trị tại một bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc). Ảnh: The New York Times.

Bệnh nhân nghi nhiễm virus corona được điều trị tại một bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc). Ảnh: The New York Times.

Cũng liên quan tới dịch viêm phổi cấp đang bùng phát tại Trung Quốc, hãng tin AFP cho biết, trên Facebook vừa qua đã xuất hiện nhiều bài đăng về danh sách các địa điểm và một số loại thực phẩm như gạo, bánh quy và hành tây ở Sydney (Australia) bị nhiễm virus corona mới. Tuy nhiên, cơ quan y tế của Sydney sau đó khẳng định rằng các địa điểm và thực phẩm này không hề gây rủi ro cho người dân cũng như du khách.

Rõ ràng, dịch viêm phổi cấp do virus corona đang kéo theo một làn sóng tin giả đáng báo động, lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội mà nếu không biết chắt lọc, những thông tin này hoàn toàn có thể gây tác động xấu tới hình ảnh của các cá nhân, tổ chức và thậm chí là của một quốc gia nào đó, dẫn tới những hành động phân biệt, kỳ thị. Không khó để tìm thấy trên mạng xã hội những thông tin dạng như: Virus corona mới là sản phẩm mà các quan chức Mỹ hoặc một số nước khác đã bí mật tạo ra, hay virus này là một một phần trong "chương trình vũ khí sinh học bí mật" của Trung Quốc bị rò rỉ… Diễn viên hài người Mỹ Sam Hyde thì hiện đang lâm vào tình trạng dở khóc dở cười khi một tài khoản Facebook đưa tin rằng, anh chính là kẻ khiến virus corona lây lan và gọi Sam Hyde là “tên khủng bố trong cuộc chiến tranh hóa học thế giới”.

Theo Giáo sư Alfred Hermida tại Đại học British Columbia (Canada), việc thiếu thông tin về loại virus corona mới, cộng với nỗi sợ hãi khiến người ta có xu hướng nhạy cảm hơn với những thông tin thất thiệt trên mạng xã hội. Giáo sư xã hội học Fuyuki Kurasawa tại Đại học York (Canada) thì nhận định rằng, trong thời điểm khủng hoảng vì bệnh dịch, mạng xã hội có thể làm gia tăng nỗi sợ của người dân và làm khả năng sàng lọc thông tin của họ bị suy giảm.

Trước tình hình trên, một số quốc gia khác ở châu Á, như: Hàn Quốc, Việt Nam, Phillipines, Malaysia... cảnh báo sẽ xử lý mạnh tay đối với hành vi phát tán tin giả về virus corona. Tờ Malay Mail cho biết, Ủy ban Thông tin và truyền thông đa phương tiện Malaysia cùng lực lượng cảnh sát nước này tuyên bố sẽ giám sát chặt chẽ việc tung tin thất thiệt liên quan tới virus corona mới. Theo đó, những người bị phát hiện tung tin giả khiến dư luận và người dân hoang mang, bất ổn có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù. Đến nay, Malaysia cũng đã bắt giữ một số đối tượng phát tán tin giả về virus corona và những người này có thể sẽ phải đối mặt với bản án nghiêm khắc. “Những hành động nghiêm khắc này là để bảo đảm các thông tin giả về loại virus mới không bị những cá nhân vô trách nhiệm phát tán, làm mất trật tự xã hội”, Ủy ban Thông tin và truyền thông đa phương tiện Malaysia khẳng định trong một tuyên bố.

Cùng với đó, các hãng công nghệ, mạng xã hội lớn của thế giới cũng tìm mọi cách ngăn chặn những thông tin giả hoặc bóp méo sự thật về dịch bệnh do virus corona phát tán trên mạng xã hội.

Trung Quốc cũng như toàn cầu đang nỗ lực hết sức để vượt qua “cơn bão” mang tên virus corona và một loại virus khác cũng hết sức nguy hiểm: Virus gây xói mòn niềm tin và làm gia tăng nỗi sợ hãi, hoang mang trong công chúng!

ANH VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/hai-loai-virus-trong-mot-tran-chien-608840