Hai lần Người về Việt Bắc

Suốt cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh hiến dâng cho nhân dân, cho đất nước. Hình ảnh của vị lãnh tụ giản dị, gần dân mãi mãi khắc sâu trong tâm trí các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số dự Kỳ họp lần thứ I, Quốc hội khóa III tại Hà Nội. Ảnh tư liệu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số dự Kỳ họp lần thứ I, Quốc hội khóa III tại Hà Nội. Ảnh tư liệu.

Kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2021). Suốt cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh hiến dâng cho nhân dân, cho đất nước. Mỗi năm, dịp này người dân Việt Nam lại càng nhớ Bác, nhớ vị lãnh tụ vĩ đại đã lập ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng vô cùng phong phú của mình, Người đã có những tháng năm ở vùng rừng núi Việt Bắc. Hình ảnh của vị lãnh tụ giản dị, gần dân mãi mãi khắc sâu trong tâm trí các dân tộc thiểu số Việt Nam.

1. Ngày 28/1/1941, sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước, Bác Hồ về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đó là cuộc trở về đón trước thời cơ lịch sử. Nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Ôi sáng xuân nay, Xuân 41/Trắng rừng biên giới nở hoa mơ/ Bác về... Im lặng. Con chim hót/Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ...”.

Một ngày tháng 2/1941, người dân Pác Bó thấy “già Thu” làm việc bên dòng suối nhỏ trong xanh. Khi đó đồng bào không thể biết được rằng “già Thu” chính là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Trong những năm tháng ấy, Người đã có hai bài thơ vịnh cảnh Pác Bó với khung cảnh nước non hùng vĩ và cuộc sống giản dị đơn sơ nhưng đầy hùng khí của người chiến sĩ cách mạng.

Trong bài “Tức cảnh Pác Bó”, Người viết:

Sáng ra bờ suối, tối vào hang

Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng

Cuộc đời cách mạng thật là sang

Còn trong bài “Pác Bó hùng vĩ”, Người viết:

Non xa xa, nước xa xa

Nào phải thênh thang mới gọi là

Đây suối Lênin, kia núi Mác

Hai tay xây dựng một sơn hà

Ngày 19/5/1941, giữa vùng núi rừng Pác Bó, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh ra đời, tập hợp đông đảo nhân dân trong những Hội Cứu quốc. Các Hội Cứu quốc hoạt động dưới sự lãnh đạo của Tổng bộ Việt Minh. Thông qua Mặt trận Việt Minh, với những Hội Cứu quốc đông đảo và rộng khắp, Đảng gắn bó chặt chẽ với nhân dân. Và cũng qua Mặt trận Việt Minh, những chủ trương của Đảng đã nhanh chóng đi vào phong trào quần chúng. Mặt trận Việt Minh là sợi dây nối liền mối quan hệ chặt chẽ dân - Đảng, Đảng - dân, để ý Đảng thấm tới lòng dân, để Đảng có thể phát động một cuộc tổng khởi nghĩa toàn dân trên địa bàn cả nước.

Cuối năm 1944, Người đã chỉ đạo trực tiếp việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Đây là đội quân chính quy đầu tiên của cách mạng, đánh dấu mở đầu lịch sử vinh quang của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tháng 8 năm 1945, dưới sự lãnh đạo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn thể nhân dân Việt Nam nhất tề đứng dậy đập tan xiềng gông nô lệ của thực dân phong kiến, xây dựng nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở châu Á, “một nước Việt Nam mới chưa có tiền lệ trong lịch sử” - đó là nhận định của giới sử học cả trong và ngoài nước.

Núi Các Mác, suối Lênin.

2. Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng rời chiến khu Việt Bắc về Thủ đô Hà Nội. Nhưng rồi, trong lúc chính quyền non trẻ đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn thì thực dân Pháp lại rắp tâm cướp nước ta một lần nữa, buộc nhân dân ta phải cầm vũ khí đứng lên giữ vững nền độc lập tự do vừa giành được. Những thỏa thuận ngừng bắn trong Tạm ước 14/9 không được phía Pháp tôn trọng. Trung tuần tháng 11/1946, sau một buổi làm việc của Hội đồng Chính phủ, Bác Hồ quyết định trở lại Tân Trào.

Trước đó, nhận định và chuẩn bị mọi tình huống, ngay sau khi Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Phạm Văn Đồng cùng một số cán bộ ở lại một thời gian để củng cố khu căn cứ.

Cuối tháng 10/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử đồng chí Nguyễn Lương Bằng lên Việt Bắc để chỉ đạo việc chuẩn bị mọi mặt cho kháng chiến, đặc biệt là vận chuyển hàng chục nghìn tấn muối từ Nam Định lên chiến khu. Tháng 11/1946, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập đội công tác đặc biệt do đồng chí Trần Đăng Ninh phụ trách, nghiên cứu di chuyển và chọn địa điểm an toàn đặt các cơ quan Trung ương trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Sau đó, đội công tác của đồng chí Trần Đăng Ninh đã lên Việt Bắc, chuẩn bị lập An toàn khu (ATK).

Việt Bắc là một vùng núi hiểm trở gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, trong đó các huyện Sơn Dương, Chiêm Hóa, Na Hang, Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương, Chợ Đồn, Chợ Rã đã được chọn làm ATK.

Với chỉ đạo nhanh chóng rút lực lượng lên ATK của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho đến đầu tháng 4/1947, việc dời chuyển các cơ quan Đảng và Chính phủ lên Việt Bắc đã hoàn thành. Ngày 1/4/1947, Bác Hồ rời Phú Thọ, tới làng Xảo, Hợp Thành, Sơn Dương (Tuyên Quang), bắt đầu những năm tháng chỉ đạo cách mạng ở Thủ đô kháng chiến. Tại Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng về kháng chiến kiến quốc.

Trong những năm kháng chiến gian khổ, nhân dân Việt Bắc cùng với bộ đội đã hết lòng bảo vệ chiến khu, anh dũng chiến đấu với quân thù. Mỗi tên bản, tên núi, tên sông nơi đây đều gắn liền với những sự kiện, những chiến công. Với sự lựa chọn Việt Bắc làm căn cứ địa, cuộc kháng chiến chống Pháp của ta đã xây dựng được chỗ đứng chân vững chắc.

Đó cũng là một trong những cơ sở quan trọng để Đảng ta thực hiện đường lối “Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính”. Vì thế, từ núi rừng Việt Bắc, ta càng đánh càng mạnh, càng thắng lớn và từng bước giành quyền chủ động; còn địch ngày càng bị động đối phó và càng thất bại. Sau 9 năm, cuộc kháng chiến đã kết thúc bằng trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”, ngày 7/5/1954…

Những ngày này, càng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Bắc Phong

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/hai-lan-nguoi-ve-viet-bac-5642497.html