Hai lần may áo tặng Bác Hồ

Thấy bộ quần áo Bác mặc đã sờn dần theo năm tháng, ông Trần Mịch, nguyên Giám đốc đầu tiên của Xí nghiệp May X10 cùng anh em bàn nhau may một bộ quần áo khác biếu Bác, nhưng Người đều không nhận…

Tấm ảnh "Bác Hồ về thăm Xí nghiệp May X10" được treo trang trọng trong căn phòng khách nhỏ của gia đình ông Trần Mịch (trong ảnh: Ông Trần Mịch đang giới thiệu với Bác về hoạt động của Xí nghiệp).

Tấm ảnh "Bác Hồ về thăm Xí nghiệp May X10" được treo trang trọng trong căn phòng khách nhỏ của gia đình ông Trần Mịch (trong ảnh: Ông Trần Mịch đang giới thiệu với Bác về hoạt động của Xí nghiệp).

Ông Trần Mịch (năm nay 95 tuổi), nguyên Giám đốc đầu tiên của Xí nghiệp May X10 (thuộc Tổng Cục Hậu cần, tiền thân của Công ty May 10) dù sức đã yếu nhiều theo năm tháng nhưng hồi ức về những lần gặp Bác Hồ vẫn in sâu trong lòng hai vợ chồng ông.

Từ những ngày đầu khởi nghĩa 1945, chàng trai Trần Mịch đã tham gia cách mạng ở quê nhà Thăng Bình (Quảng Nam). Năm 1947, dù mới chỉ 24 tuổi, ông đã trở thành Bí thư Ban cán sự của huyện. 25 tuổi, ông là Bí thư Huyện ủy đầu tiên của huyện miền núi Trà My (Quảng Nam). Năm 1950, được sự điều động của Khu ủy bổ sung cán bộ cho Trung ương, ông vượt Trường Sơn ra Bắc, rồi bén duyên với ngành hậu cần may mặc, gốm sứ.

Là đơn vị thi đua dẫn đầu, vào dịp cận Tết năm 1959, Xí nghiệp May X10 của ông vinh dự đón Bác về thăm. Do không được báo trước nên ai cũng bất ngờ. Khi thấy Bác, anh em công nhân mới vỡ òa xúc động gọi: “Bác ơi, Bác ơi!”.

Xuống đến nơi, Bác đi một vòng thăm nhà trẻ, bếp ăn, khu vực vệ sinh, các phân xưởng… Sau đó, Người đi dọc các dãy máy may vừa hỏi han vừa động viên mọi người làm việc thật tốt.

Có dịp đứng gần Bác Hồ để giới thiệu về các hoạt động của Xưởng, ông Trần Mịch nhận thấy bộ quần áo khaki của Bác màu đã bạc nhiều. Trước khi Bác rời Xí nghiệp, ông Mịch đã “níu” ông Vũ Kỳ, thư ký của Bác, để bày tỏ nguyện vọng được may tặng Bác một bộ đồ mới.

Một tuần sau, bộ đồ mới được gửi đến Bác, Bác vui vẻ nhận rồi “trả về” Xí nghiệp. Bác bảo, dân mình nghèo, không phải ai cũng có áo quần. Bộ đồ của Bác vẫn còn tốt, tại sao lại bỏ đi? Hãy để bộ đồ này làm phần thưởng cho người giành được nhiều “cờ đỏ” (năng suất cao) nhất.

Người vinh dự được nhận bộ quần áo ấy là anh Nguyễn Quốc Nguyên - chiến sĩ thi đua giỏi nhất năm đó. Về sau, bộ đồ được ông Nguyên gửi tặng trưng bày ở phòng truyền thống của Xí nghiệp May 10 và hiện nay đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Thấy việc may đồ mới Bác không nhận mà bộ đồ Bác mặc đã cũ, trong khi Bác sắp sang thăm Indonesia, ông Trần Mịch lại “âm thầm” cùng anh em công nhân Xí nghiệp may bộ thứ 2 cho Bác.

Để thực hiện việc này, ông Vũ Kỳ đã đem bộ áo quần khaki khác của Bác (là bộ mà Người đã mặc trong buổi lễ đọc Tuyên ngôn độc lập năm 1945) làm mẫu. Nguyên do là vì bộ đồ này được phía Bảo tàng Cách mạng muốn xin lại để lưu giữ.

Được gợi ý, anh em công nhân đã kỳ công tìm được loại vải, cúc áo cũ giống y bộ quần áo nguyên mẫu rồi cắt may theo và sau đó giặt đi giặt lại nhiều lần để “làm cũ’ bộ quần áo ấy.

“Vậy mà Bác vẫn nhận ra”, ông Trần Mịch nhớ lại. Ông kể, khi ông Vũ Kỳ “đánh tráo” bộ đồ trong chuyến sang thăm Indonesia, khi thay, Bác đã nói ngay: “Chú Kỳ, bộ quần áo này không phải của Bác”.

Lúc ấy, ông Vũ Kỳ mới nói mọi chuyện về việc anh em công nhân Xưởng may đã “kỳ công” như thế nào để may bộ đồ tặng Bác, Bác mới vui vẻ mặc nhưng vẫn không quên dặn: “Mình khó có thể thi sang với người ta. Dân mình đang còn nghèo lắm nên phải thật tiết kiệm”.

Ông Mịch nói rằng: “Qua tấm áo nhỏ ấy, chúng tôi thật thấm thía gương tiết kiệm, lòng thương yêu đồng bào của Bác Hồ và đã nguyện làm theo Người”.

Năm 1969, khi Bác Hồ mất, Xí nghiệp May X10 được giao nhiệm vụ may bộ quần áo cho Bác và may cờ phục vụ lễ tang Người. Ông Trần Mịch cùng công nhân trong Xí nghiệp đã lấy lại số đo cũ, trực tiếp chọn vải để may bộ quần áo cho Bác.

Hồng Hạnh

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/van-hoa/hai-lan-may-ao-tang-bac-ho/306496.vgp