Hai lần đối đầu trên biển

Với tinh thần quả cảm, mưu trí và sáng tạo, những chiến sĩ tham gia đường Hồ Chí Minh trên biển với đoàn tàu không số đã lập nhiều chiến công xuất sắc, đưa được hàng trăm lượt con tàu, chở hàng ngàn tấn vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam.

Nhân kỷ niệm 48 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23.10.1961 - 23.10.2009), Thanh Niên ghi lại hai lần đối đầu thắng lợi của các chiến sĩ đoàn tàu không số với quân thù từ lời kể của thuyền trưởng Nguyễn Xuân Thơm và một số thủy thủ tàu không số năm xưa.

Một chiếc tàu không số đang chở vũ khí chi viện cho miền Nam - Ảnh tư liệu

Tàu gỗ "thi gan" với máy bay

Đêm 26.9.1963, chiếc tàu gỗ số hiệu 41 chở 18 tấn vũ khí xuất phát từ cảng Bình Động, Thủy Nguyên, Hải Phòng. Để nghi binh và tránh sự theo dõi của địch, ra tới phao số không, tàu chạy ngược lên phía Bắc sau đó quay mũi hướng vào miền Nam. Đến vĩ tuyến 17 thì tàu gặp sóng to, gió lớn, hầu hết mọi người đều say sóng. Tàu lắc lư chòng chành. Để nấu được cháo ăn, các thủy thủ phải bỏ vào một chiếc màn để cháo khỏi sánh. Nồi cháo nấu từ 7 giờ sáng đến 1 giờ chiều mới chín.

Ngày 30.9, tàu đến đảo Phú Quý và chuyển hướng vào hải phận miền Nam. Vào lúc 7 giờ sáng ngày 1.10, tàu 41 hạ bớt buồm để tránh địch không phát hiện ra là tàu quá lớn, sau đó giảm tốc độ len lỏi theo tàu đánh cá của dân để vào bờ. Đến 1 giờ sáng ngày 2.10, tàu 41 đã vào đến sông Ray, Phước Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu) và chạy sát bờ 50 mét, cố theo dõi tín hiệu của bến nhưng không thấy nên chỉ huy tàu cho 2 thủy thủ là Nam và Thiện lội vào bờ bắt liên lạc.

Bằng lòng dũng cảm, mưu trí và linh hoạt, chính trị viên Đặng Văn Thanh và thợ máy Huỳnh Văn Sao đã góp phần lớn vào thắng lợi của chuyến đi mở đường, mở bến mới để chi viện vũ khí cho chiến trường miền Đông Nam Bộ. Cùng với nhiều chiến công khác, vào năm 1967, chính trị viên Đặng Văn Thanh đã được phong tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Mãi đến 2 giờ sáng, người của bến mới ra và cho biết hơn 2 tiểu đoàn đã chờ sẵn để nhận hàng. Lúc này, nước bắt đầu xuống nên tàu bị mắc cạn. Trước mặt, cách đó không xa là đồn Phước Hải của địch, con tàu đã rơi vào tình thế gay go. Chỉ huy bến nhận hàng lúc bấy giờ là ông Ba Nam còn cho biết, mấy ngày nay địch huy động 27 xe M113 để càn vào vùng này và ông đề xuất cho đánh bộc phá hủy tàu càng sớm càng tốt.

Lãnh đạo tàu 41 nhận định: "Mặc dù bị mắc cạn trước mũi địch nhưng tàu chưa lộ. Hơn nữa tàu 41 lại cùng hình dáng với tàu đánh cá địa phương. Nếu hủy tàu lúc này nghĩa là đánh động cho địch biết và chắc chắn rằng con đường vào bến mới Bà Rịa sẽ khó có thời cơ thực hiện".

Lúc 3 giờ sáng, tàu cho chuyển vũ khí vào bờ. Đến gần sáng, dù vũ khí chưa hết nhưng cũng đành dừng lại. Thuyền trưởng Lê Văn Một dẫn thủy thủ lên bờ phòng trường hợp xấu cùng với địa phương chiến đấu bảo vệ vũ khí.

Chính trị viên Đặng Văn Thanh cùng với bác thợ máy Huỳnh Văn Sao tình nguyện ở lại, sẵn sàng phá hủy tàu khi cần thiết. Ngồi đến 11 giờ trưa, có tiếng động cơ máy bay. Hai người ngẩng lên thấy 1 chiếc máy bay trinh sát từ phía bờ bay ra. Đến chỗ con tàu mắc cạn, nó nghiêng cánh đảo một vòng thăm dò. Hai người vẫn tỉnh bơ cùng nhau lấy lưới ra vá. Ngay lúc đó, có hai người trong bờ chèo xuồng ra và bảo: Đã lộ rồi. Đề nghị các anh cho hủy tàu ngay. Chính trị viên Đặng Văn Thanh và thợ máy Huỳnh Văn Sao không chấp nhận.

Ông Nguyễn Xuân Thơm

Ngay sau đó, 2 chiếc khu trục từ bờ lao ra và sà xuống thấp. Chính trị viên Thanh kín đáo cầm khẩu súng. Chiếc đi đầu bổ nhào... Ngay sau đó, chiếc thứ 2 lại bổ nhào... "Có thể chúng nhận ra điều gì đó khác thường nhưng chưa khẳng định. Nếu trên tàu tỏ ra bối rối, chúng sẽ xả đạn", nghĩ vậy nên chính trị viên Thanh bảo thợ máy Sao: "Chú cứ vá lưới bình thường, đừng tỏ ra hốt hoảng". Bác Sao rót hai chén rượu, đưa cho chính trị viên Thanh và nói: "Ta thi gan với chúng nghe!".

Hai chiếc khu trục sà xuống thêm một vòng nữa. Khi không thấy điều gì khả nghi, chúng bay đi... Nước bắt đầu lên. Đến 14 giờ cùng ngày, con tàu nổi dần. Hai người cho nổ máy rời khỏi bãi cạn. Đến 17 giờ, tàu 41 lẫn vào tàu đánh cá của ngư dân vào bến. Số hàng còn lại đã được bốc hết lên bờ. Đêm đó, tàu 41 ra khơi trở lại miền Bắc...

Đối đầu trên hải phận quốc tế

Một ngày đầu năm 1972, tàu 653 do Nguyễn Xuân Thơm làm thuyền trưởng được Tư lệnh Hải quân lúc bấy giờ là Nguyễn Bá Phát giao nhiệm vụ vận chuyển 60 tấn vũ khí và đồ dùng quân sự vào chiến trường. Một điều đặc biệt là tàu 653 được Bộ tư lệnh Hải quân chọn thí điểm hoạt động theo phương án mới, tìm đường đi mới, áp dụng phương pháp thông tin mới và sẵn sàng đưa tàu vào bến Vàm Lũng, Cà Mau.

"Khi nhận nhiệm vụ, tôi (thuyền trưởng Nguyễn Xuân Thơm - PV) vô cùng phấn khởi và tự hào...". Ngồi với chúng tôi trong căn hộ nhỏ gọn gàng ở Q.4, TP.HCM, cựu thuyền trưởng tàu 653, thuộc đoàn tàu không số nhớ lại: Theo kế hoạch, ngày 12.2.1972, tàu 653 xuất phát nhằm thẳng hướng 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thẳng tiến. Trong 3 ngày hành trình, mọi chuyện diễn ra bình thường, không gặp máy bay và tàu chiến địch bám theo, tàu cứ lặng lẽ, âm thầm vượt biển. Đúng 0 giờ ngày 15.2.1972, tức giao thừa năm Nhâm Tý, tàu nhận được bức điện: "Những ngày vừa qua các đồng chí hoàn thành xuất sắc được nửa chặng đường. Giờ giao thừa đã đến, năm mới chúc tất cả sức khỏe, hoàn thành tốt đẹp nửa chặng đường còn lại - Ký tên: Tư lệnh Nguyễn Bá Phát".

Nhận điện, ban chỉ huy tàu vừa mừng vừa lo. Mừng vì cấp trên rất quan tâm. Lo vì sợ bị lộ thông tin. Những năm này, mạng lưới trinh sát thông tin điện tử của hải quân Mỹ rất tối tân, nhiều tàu của ta trên đường đi đều bị phát hiện phải quay về.

Tiếp tục hành trình theo kế hoạch, tàu 653 hướng về phía Nam Côn Đảo. Ngay trong đêm 18.2.1972, chúng tôi nhận được một bức điện từ Sở chỉ huy Đoàn 125 với nội dung như sau: Tàu HQ 05 của Hải quân Sài Gòn đang tuần tra tuyến Hòn Khoai - Côn Sơn. Nó được lệnh kiểm tra tàu 653 vào lúc 6 giờ. Đề nghị cho tàu chuyển hướng đi về hướng bắc, ngụy trang chu đáo, đối sách cẩn thận...

Sau khi nhận lệnh, chúng tôi tăng cường ngụy trang tàu và triển khai công tác sẵn sàng chiến đấu. Tất cả các loại súng DKZ, B41, AK, 12,7 ly đều lắp sẵn đạn và bố trí sẵn. Lúc 5 giờ 30, ngày 18.2.1972, nhìn sau lái tàu, tôi phát hiện tàu địch tăng tốc độ, nhả khói đen ngòm để tiếp cận tàu ta. Lệnh báo động chiến đấu được phát ra, tất cả chạy về vị trí đã được phân công. Lúc 5 giờ 50 phút, tàu HQ 05 phát tín hiệu hỏi: "Tàu anh từ đâu đến?". Tàu chúng tôi phát tín hiệu trả lời: "Anh nói gì tôi không hiểu?". Nghe trả lời thế, tàu HQ 05 liền đâm thẳng vào tàu 653, khi chỉ cách chừng 50 mét thì bẻ lái chạy song song với tàu chúng tôi và bắt loa kêu gọi "đầu hàng". Vừa kêu gọi, chúng huy động tất cả các loại súng pháo chĩa thẳng vào tàu ta. Tuy nhiên, qua loa phóng thanh, chúng tôi còn nghe rõ chúng nói với nhau: "Đại úy Ba. Không được manh động. Chờ lệnh thượng cấp!".

Lúc đó, là thuyền trưởng, tôi đã nghĩ đến phương án đánh giáp lá cà. Nếu địch liều lĩnh cập mạn, nhảy qua để bắt sống tàu ta thì tôi sẽ cho lệnh điểm hỏa bộc phá nổ tàu sẵn sàng hy sinh và tiêu diệt kẻ thù. Sau hơn 30 phút chạy song song và phát loa gọi hàng, thấy tàu ta không động tĩnh gì mà cứ thẳng tiến ra Bắc theo kế hoạch, tàu HQ 05 bèn thay đổi hướng đi bằng cách chặn đầu ép tàu ta đi theo chúng. Thấy thế, tôi ra lệnh cứ cho tàu thẳng tiến vì nếu bị chặn đầu, tàu 653 sẽ đâm thẳng vào mạn tàu chúng.

Đúng như dự đoán, khi chỉ cách hơn 30 mét, tàu HQ 05 vội vàng tăng tốc độ vọt qua tránh cho tàu ta đi. Cứ như thế, trong vòng hơn 2 giờ đồng hồ, đã có 10 lần đối đầu nhau như thế trong gang tấc. Thấy không ăn hiếp được chúng tôi, hơn nữa lại đang ở hải phận quốc tế nên tàu HQ 05 đành chịu thua và quay mũi chạy song song cùng chúng tôi trong suốt 3 ngày, sau đó quay đầu trở lại...

Đến trưa ngày 25.2.1972, tàu về cập cảng an toàn, kết thúc chuyến đi đầy cam go, thử thách.

Tấn Tú (ghi)

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/gioi-tre/hai-lan-doi-dau-tren-bien-143597.html