Hai lần địa ngục: Họ thoát ISIS để rồi bị lừa bán làm nô lệ tình dục

ISIS đã bị đánh bại ở Iraq, nhưng những ác quỷ khác lại xuất hiện. Đó là những kẻ buôn người, lừa gạt phụ nữ đã khốn cùng vì chiến tranh, loạn lạc, biến họ thành nô lệ tình dục.

Giọng Nadia run sợ khi cô kể lại những chi tiết đau đớn nhất của hành trình ngang trái. Cô đã thoát được sự tàn bạo của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) khi chúng bắt nhốt, bạo hành hàng nghìn phụ nữ dân tộc Yazidis ở Sinjar, phía bắc Iraq, vào năm 2014.

Nhưng khi đến Baghdad, cô lại bị lừa, rơi vào tay những kẻ buôn người hoạt động ngầm ở đây và bị ép làm nô lệ tình dục. Những bi kịch như cô quá phổ biến trên toàn Iraq, theo CNN.

Nadia rơi vào tay những kẻ buôn người sau khi đến Baghdad để gặp một tổ chức cứu trợ. Ảnh: Chụp màn hình.

Nadia rơi vào tay những kẻ buôn người sau khi đến Baghdad để gặp một tổ chức cứu trợ. Ảnh: Chụp màn hình.

Bị người thân tín lừa bán

Trước khi tới Baghdad, Nadia (CNN đổi tên để bảo vệ cô) chạy trốn ISIS tới một trại tị nạn ở vùng Kurdistan phía bắc Iraq. Bị ám ảnh bởi số phận những phụ nữ Yazidis giống cô còn mắc kẹt ở quê nhà, Nadia gửi tiền cho một người bạn. Người này nói đang tiếp nhận tiền viện trợ nhân đạo cho người Yazidis.

Nhận được thư từ tổ chức phi lợi nhuận muốn hỗ trợ cô làm đơn xin sang Mỹ tị nạn, Nadia nhờ người bạn đưa cô tới đại sứ quán Mỹ ở Baghdad. Nhưng trên đường, hắn dừng xe liên tục để nhắn tin, nói chuyện điện thoại, khiến Nadia nghi ngờ.

“Hắn nói ‘không sao đâu, đó là nhóm phụ nữ Yazidis mà tôi giải thoát từ Fallujah, đang đợi chúng ta ở Baghdad’”, Nadia kể lại. “Hắn biết điểm yếu của tôi. Tôi rất vui khi nghe thấy rằng các chị em tôi đã trốn được”.

Nhưng rồi điều không tưởng ập đến. Cô bị đưa đến một tòa nhà tồi tàn. “Bây giờ mi là của ta”, một gã đàn ông lớn tuổi nói. Hắn là kẻ cầm đầu một băng đảng buôn người.

Nadia kinh ngạc. Người bạn mà cô từng tin tưởng, gửi tiền quyên góp, đã bán cô làm nô lệ tình dục.

“Tôi bắt đầu chống lại... nhưng họ đánh tôi rất đau”, Nadia nói. Rồi mọi thứ tối đen. Chúng tiêm thuốc cô.

Khi mở mắt, xung quanh cô là chai lọ không, bát đĩa ăn dở. Cô bị lột trần, quằn quại nỗi đau của việc bị cưỡng hiếp bởi nhiều đàn ông. Nhìn vào đống đồ họ để lại, cô đoán phải tới 10 người.

“Tôi mất hết rồi, tôi bị hủy hoại”, Nadia nói. “Họ tra tấn tôi như vậy mỗi ngày, trong ba tháng”.

Cô cố gắng bỏ trốn nhưng đều bị bắt, bị đánh đập. Một lần cô bị đánh quá thậm tệ, bị chảy máu trong và phải nhập viện. Trong viện, kẻ cầm đầu băng nhóm ngồi cạnh giường, vuốt tóc cô, giả vờ như đang nói chuyện với con gái hắn. Hắn nói với bác sĩ cô bị tâm thần và ngã cầu thang.

Khi ra viện, một phụ nữ khác, cũng bị ép làm nô lệ tình dục, tới chăm sóc cho cô. Trên bụng của cô gái đó có vết sẹo sau khi bị chúng cắt mất một quả thận. “Tôi có hai đứa nhỏ, bị chúng lấy đi và bán rồi”, cô gái nói với Nadia. “Cô cũng sẽ bị nhốt ở đây, sẽ quen thôi, tất cả những điều này sẽ xảy đến với cô”.

Bị bạo hành như vậy trong nhiều tháng, đến lúc Nadia tưởng mình sẽ phải chết thì cô được giải cứu. Cô không rõ ai đã cứu cô, nhưng họ đưa cô đến một khách sạn của chủ người Yazidis và từ đó cô liên lạc được với gia đình.

Giờ đây, Nadia quyết đòi công lý. “Tôi sẽ dùng chút hơi thở còn lại để là tiếng nói cho tất cả chúng tôi, để không ai bị như tôi nữa”, Nadia nói với CNN.

Nhìn đâu cũng thấy nạn nhân”

Theo CNN, Iraq gần như không thống kê số nạn nhân bị buôn bán. Nhưng các ghi nhận cho thấy buôn người quá phổ biến trong các trại tị nạn trên khắp nước này. Mạng lưới nô lệ tình dục ngày càng lớn, lừa đảo dân tị nạn và đưa họ vào các nhà thổ ở các thành phố lớn như Baghdad, Basrah, theo các báo cáo của SEED, tổ chức phi lợi nhuận ở Kurdistan, và của Bộ Ngoại giao Mỹ.

“Nhìn đâu cũng thấy nạn nhân”, tiến sĩ Ali Akram al-Bayati nói với CNN. Ông cho rằng xã hội Iraq có quá ít nhận thức về thế giới rùng rợn của những kẻ buôn người.

Ủy ban Nhân quyền Iraq, nơi ông làm việc, không đủ nguồn lực để hoàn thành sứ mệnh chống buôn người.

Người dân Iraq có quá ít nhận thức về nạn buôn người. Ảnh: AP.

Trên giấy tờ, chính phủ Iraq có vẻ gia tăng các nỗ lực truy tố tội phạm buôn người, nhưng chúng vẫn ở khắp nơi. Báo cáo về buôn người của Bộ Ngoại giao Mỹ mang tên “Trafficking in Persons report” năm 2019 nói Iraq “tăng cường thực thi pháp luật, nhưng không truy cứu các quan chức đồng lõa, làm ngơ cho nạn buôn người”.

Ngoài ra, Iraq cũng không thông tin thêm gì về các cáo buộc rằng binh lính, cảnh sát trong các trại tị nạn tiếp tay cho nạn bóc lột, buôn bán phụ nữ và trẻ em gái vào các đường dây mại dâm.

Ông al-Bayati từ chối nêu tên các quan chức. Họ quá quyền lực còn ủy ban của ông quá yếu, ông nói với CNN. Ông đã phải chịu những đe dọa úp mở, nhưng không thể chia sẻ thêm vì lo sợ cho tính mạng của mình.

Các trung tâm bảo vệ nạn nhân bị buôn bán ở Baghdad (do nhà nước vận hành) gần như không có người trong cả năm 2017 do thiếu vắng các quy trình tiếp cận nạn nhân cần trợ giúp. Ông al-Bayati biết khoảng 150 trường hợp bị ép làm nô lệ tình dục vào năm 2018, nhưng chỉ 4-5 người được đưa về trung tâm.

Ông cho biết năm ngoái có 426 người bị bắt do dính líu đến buôn người, nhưng chỉ có 53 người phải vào tù.

Những con số trên còn rất nhỏ so với quy mô thực của tội phạm buôn người. Nỗi sợ bị trả thù, cảm giác xấu hổ, mất niềm tin vào chính quyền buộc vô số nạn nhân chịu đựng trong im lặng.

Nhưng vẫn có những người quyết tâm giúp đỡ họ, bất chấp rủi ro rất lớn.

“Chân rết” khắp nơi

Ahlam (CNN đổi tên) ngồi trên ghế nhựa, tấm khăn màu đen choàng kín người. Không thể nhìn rõ dáng người cũng như khuôn mặt vì cô muốn giữ kín danh tính tuyệt đối. Nhưng có thể thấy bàn tay cô nắm chặt, khiến tấm khăn choàng run rẩy khi cô kể lại cái ngày kinh hoàng rơi vào tay kẻ buôn người.

Ahlam choàng khăn kín người khi kể lại cái ngày cô rơi vào địa ngục của những kẻ buôn người. Ảnh: CNN.

Năm 2014, anh trai của Ahlam gia nhập ISIS ở tỉnh Diyala phía bắc thủ đô Baghdad. Hắn gả Ahlam cho một chiến binh ISIS, nhưng sau khi người này bị bắt, cô chuyển về sống với anh trai, vốn đã cực đoan và độc ác hơn vì tư tưởng của ISIS. Cô bị nhốt, bị bỏ đói, bị hắn dọa giết.

Một người họ hàng giúp Ahlam trốn đến Baghdad, nhưng khi đến đây, cô lại bơ vơ một mình. “Tôi cứ thế đi lạc trên phố. Baghdad quá lớn và đông đúc”, cô kể lại.

Cô bắt một chiếc taxi trong tình trạng hoảng sợ, mất phương hướng. Cô dốc bầu tâm sự với tài xế, người đã tỏ ra cảm thông, muốn giúp đỡ cô.

“Tôi tưởng đó là vị cứu tinh của mình, cuối cùng cũng có người tốt trên đời. Hắn nói sẽ nhờ họ hàng giúp tôi”, cô kể lại với CNN. “Tôi hỏi ‘ở đâu?’ thì hắn nói ‘rồi sẽ biết’”.

Hắn đưa cô đến nhà chứa.

Mạng lưới buôn người thường hoạt động giữa ban ngày, dùng “chân rết” là các tài xế taxi để tìm kiếm, lừa gạt phụ nữ. Ảnh: CNN.

Đến đó, cô bị “tú bà” đánh, đập vỡ điện thoại và bán đi. Ahlam bị ép bán thân cho khách trong nhiều tháng trước khi chớp cơ hội chạy thoát.

Cô kể lại câu chuyện trong tiếng khóc nghẹn tại văn phòng của một tổ chức phi lợi nhuận không có địa chỉ, không có biển hiệu. CNN không nêu tên để bảo vệ tổ chức khỏi các băng đảng hay phiến quân vốn vẫn lộng hành bên dưới bề ngoài tưởng chừng yên bình, đảm bảo an ninh của thủ đô Baghdad chỉ mới ngưng tiếng súng đầu năm nay.

Tổ chức này tập trung vào việc tìm đến những người dễ rơi vào bẫy của kẻ buôn người, trước khi họ trở thành nạn nhân. Các tình nguyện viên trên cả nước cố giúp đỡ các cộng đồng dễ bị tổn thương, như những người tha hương sống trong trại tị nạn hay trẻ em đường phố, cảnh báo họ về các dấu hiệu khả nghi.

Nhưng Giám đốc tổ chức Iman al-Silawi cho biết có những nơi nguy hiểm tới mức họ không dám đến.

Có những nơi ở thủ đô Baghdad nguy hiểm tới mức các tổ chức phi lợi nhuận không dám đến. Ảnh: CNN.

Theo họ, câu chuyện của Ahlam nói lên tất cả về tội phạm buôn người: chúng hoạt động giữa “thanh thiên bạch nhật”. “Chân rết” của chúng, như tài xế taxi, luôn tìm kiếm phụ nữ để lừa gạt.

ISIS đã đẩy vô số phụ nữ vào cảnh khốn cùng, vì vậy mạng lưới buôn người coi đó là cơ hội và càng lớn mạnh, mua chuộc được cả những nhân vật cao cấp nhất trong chính phủ.

“Tôi đã làm gì để bị như thế này”, Ahlam tự hỏi. "Tương lai tôi sẽ ra sao. Tôi không thể lập gia đình. Còn ai muốn lấy tôi nữa đây".

Ước mơ tuổi thơ của cô - cuộc sống hạnh phúc, lập gia đình với người chồng thương yêu - đã bị đánh cắp bởi ISIS, những kẻ buôn người, và sau cùng là một chính quyền bất lực.

Chỉ còn lại nỗi đau dai dẳng.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/hai-lan-dia-nguc-ho-thoat-isis-de-roi-bi-lua-ban-lam-no-le-tinh-duc-post963604.html