Hai kịch bản dự báo kinh tế Việt Nam năm 2020

Theo nghiên cứu của CIEM về triển vọng kinh tế 2020, có 2 kịch bản dự báo cho kinh tế Việt Nam năm 2020. Theo đó, tăng trưởng có thể đạt mức 2,1% theo Kịch bản 1 và 2,6% trong Kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo giảm 3,1% trong Kịch bản 1 và giảm 1,9% trong Kịch bản 2 (so với năm 2019).

Sáng ngày 10/7/2020 trong khuôn khổ chương trình “Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform)”, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã tổ chức buổi hội thảo với nội dung “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020 – Tinh thần kiến tạo trong bối cảnh bình thường mới”.

TS.Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Trung ương (CIEM) phát biểu khai mạc hội thảo

TS.Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Trung ương (CIEM) phát biểu khai mạc hội thảo

Tại hội thảo, bà Trần Thị Hồng Minh (Viện trưởng CIEM) cho biết, kề kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ đã thể hiện cố gắng của tất cả Bộ, ban, ngành. Tăng trưởng GDP 1,81%, tuy là thấp nhất trong hơn 10 năm qua nhưng cũng thể hiện được những cố gắng, nỗ lực và sự bắt đầu phục hồi của nền kinh tế trong giai đoạn sắp tới.

Bên cạnh đó bà Minh cũng nhấn mạnh, tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm có thể còn diễn biến phức tạp và khó khăn hơn. Vì vậy chúng ta cần phải có những kế hoạch cụ thể để có thể duy trì và phục hồi sự phát triển của nền kinh tế, cứu doanh nghiệp khỏi khó khăn. Bên cạnh đó cần triển khai những giải pháp dài hơi hơn liên quan đến tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng hay đẩy mạnh các mô hình kinh tế mới, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn cũng như tận dung những cơ hội trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp của CIEM nêu ra các yêu cầu cũng như định hướng phát triển hậu Covid-19. theo nghiên cứu của CIEM về triển vọng kinh tế 2020 rằng: Có 2 kịch bản dự báo cho kinh tế Việt Nam năm 2020. Theo đó, tăng trưởng có thể đạt mức 2,1% theo Kịch bản 1 và 2,6% trong Kịch bản 2. Xuất khẩu cả năm dự báo giảm 3,1% trong Kịch bản 1 và giảm 1,9% trong Kịch bản 2 (so với năm 2019). Thặng dư thương mại dự báo tương ứng ở các mức 1,7 tỷ USD và 2,1 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2020 lần lượt đạt 4,3% và 4,5%.

Ông Nguyễn Anh Dương – Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung (CIEM)

Ông Dương lưu ý, dù kì vọng nhiều vào tác động tích cực của hiệp định EVFTA, nhưng Việt Nam có thể đối mặt với những vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ… ở một số thị trường. Nghiên cứu cũng nhấn mạnh tới tinh thần kiến tạo trong bối cảnh bình thường mới qua 4 khía cạnh. Bớt sợ trách nhiệm thể hiện ở việc khó có thể giải ngân hết đầu tư công nếu không khơi thông được trách nhiệm. Bớt sốt ruột trong các biện pháp hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, đừng vội vã thực hiện ở quy mô lớn chỉ vì các nước khác đang thực hiện như thế. Bớt dè dặt với các “cuộc chơi” mới. Bớt sợ thiếu việc, vấn đề nằm ở khả năng phản ứng linh hoạt của bộ máy, phải thích ứng được với môi trường mới, thích ứng kịp với bối cảnh mới.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cũng phân tích những điểm mới đáng chú ý trong luật doanh nghiệp 2020

Cũng tại hội thảo, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cũng phân tích những điểm mới đáng chú ý trong luật doanh nghiệp 2020 tác động tích cực đến thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và thu hút vốn đầu tư. Cụ thể:

Thứ nhất, cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho đăng ký doanh nghiệp, gia nhập thị trường;

Thứ hai, nâng cao khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp và nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt và phổ biến;

Thứ ba, nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có sở hữu nhà nước;

Thứ tư, thúc đẩy phát triển thị trường vốn nhằm đa dạng hóa nguồn vốn cho sản xuất, đầu tư kinh doanh;

Thứ năm, tạo thuận lợi hơn cho tổ chức lại và mua bán doanh nghiệp.

Huyền Phạm

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/hai-kich-ban-du-bao-kinh-te-viet-nam-nam-2020/20200710105920283