Hãi hùng với đường đi của bạch tuộc 'bẩn'

Như ANTĐ đã đưa tin về vụ phát hiện cơ sở kinh doanh hải sản ở ngõ 124, Phúc Xá (Ba Đình) Hà Nội có dấu hiệu vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, chiều 26-7, lực lượng chức năng đã xét nghiệm nhanh tại cơ sở này bằng xe kiểm nghiệm an toàn thực phẩm. Kết quả là mẫu bạch tuộc tại đây có dư lượng chất cấm Chloramphenicol. Điều đáng nói, ngoài chất cấm trên ra, thì mẫu bạch tuộc cùng dung dịch dùng để tẩy bạch tuộc mang đi kiểm nghiệm còn chứa nhiều chất hóa học nguy hiểm khác.

Giá rẻ bằng nửa so với thị trường

Nằm phía sau chợ hải sản Long Biên, không số nhà, nhưng vỉa hè trước cửa cơ sở này lúc nào cũng đầy ắp những thùng xốp đựng mực và bạch tuộc. Túi nilon to đựng bạch tuộc được người công nhân đổ thẳng ra vỉa hè, thậm chí còn dùng chân dẫm lên.

Số bạch tuộc trên được rửa qua ngay trên vỉa hè, sau đó được phân loại dựa trên kích cỡ, trọng lượng từng con. Dù kích thước khá lớn, nhưng giá bạch tuộc ở đây chỉ rẻ bằng 1 nửa so với giá trên thị trường. Chỉ vào đống bạch tuộc đang để dưới nền đất, phóng viên hỏi về giá cả, người bán mời chào khách: "Loại to thì 160 nghìn đồng/kg, nhỏ thì 120 nghìn đồng/kg, tùy loại". Cũng theo lời người bán, số bạch tuộc này đang được nhặt để phân loại, rồi đem đi tẩy trắng.

Công nhân tại cơ sở ngâm bạch tuộc trong chậu inox chứa dung dịch

Sau khi rửa qua, bạch tuộc được đổ vào 2 khay inox chứa một loại dung dịch màu nâu, sủi bọt trắng. 30 phút sau, bạch tuộc trở nên trắng tinh, cứng giòn, rồi được đóng vào những thùng xốp. Đều đặn vào đúng 8h30 hàng ngày, công nhân của cơ sở chở hàng ra khỏi khu vực chợ Long Biên và điểm đến là các nhà hàng lớn, trung tâm thương mại ở nội thành Hà Nội.

Bạch tuộc ngâm chất cấm

Để tiếp cận cơ sở, nhóm phóng viên đã phải giả làm khách mua hàng nhiều lần mới có thể nắm bắt được quy trình tẩy rửa bạch tuộc tại đây.

Trong vai một người khách mua hàng, phóng viên đã mua 3kg bạch tuộc trong thùng inox rồi cho vào 2 hộp bảo quản và chuyển đến khoa xét nghiệm và phân tích của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường thuộc Bộ Y tế vào cuộc.

Bạch tuộc được phân loại ngay trên nền đất

Ngay sau khi được cung cấp thông tin trên, lực lượng liên ngành của TP Hà Nội gồm Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường và các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra cơ sở này. Kết quả kiểm tra nhanh của xe kiểm nghiệm an toàn thực phẩm cho thấy, số bạch tuộc thu giữ tại cơ sở này có chứa chất cấm chloramphenicol, một loại chất kháng sinh cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thủy sản.

Chị Chu Thị Hạnh Ngân, kiểm nghiệm viên của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội, người trực tiếp làm các xét nghiệm nhanh tại cơ sở này cho biết: "Đối với chỉ tiêu phóc môn, thì ra kết quả âm tính nhưng chỉ tiêu chloramphenicol, thì kết quả là dương tính. Đây là chất kháng sinh cấm sử dụng đối với thủy sản".

Dung dịch ngâm bạch tuộc chứa nhiều hóa chất độc hại

Bên cạnh đó, kết quả kiểm nghiệm của Bộ Y tế đối với mẫu dung dịch màu nâu ngâm bạch tuộc cũng cho thấy, trong 1 lít dung dịch này có chứa tới 1046 mg oxi già, 665 mg natri hydrosulfite, 0,385 mg Asen. Kết quả kiểm nghiệm trên 1kg bạch tuộc cũng tồn dư nhiều hóa chất chất công nghiệp như 959,8 mg oxi già, 377,8 mg natri hydrosulfit.

Công nhân của cơ sở dùng chân để gạt bạch tuộc trên vỉa hè

Theo bà Lê Thái Hà – Trưởng khoa xét nghiệm và phân tích – Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường: “2 chất này đều được quy vào chất khử trùng và tẩy trắng, trong nước sinh hoạt không có hóa chất như vậy. Giới hạn cho phép của chất Natri hydrosulfit trong các nhuyễn thể là 100mg/kg, thì trong trường hợp này chúng tôi phát hiện ra lên tới 377,8 mg, tức là cao gần 4 lần so với quy định tại Thông tư 27”.

Lực lượng liên ngành Hà Nội kiểm tra cơ sở

Trong khi đó, theo PGS. TS Trần Đáng – Nguyên Cục trưởng cục vệ sinh an toàn thực phẩm – Bộ Y tế, đây là hành vi vi phạm an toàn thực phẩm nghiêm trọng. “Việc làm này hết sức vi phạm tiêu chuẩn, vi phạm pháp luật. Pháp luật không cho phép để liều cao như thế, ngâm dài như thế. H2O2 nếu không phân hủy hết sẽ gây ra viêm loét dạ dày, chảy máu dạ dày. Thậm chí liều cao có thể tử vong. Cái thứ 2 là Natri hydrosulfit gây ra phá hủy các vitamin B1 trong cơ thể, thiếu vitamin B1 gây ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa”, PGS. TS Trần Đáng cảnh báo.

Tại cuộc kiểm tra, chủ của cơ sở này là chị Đỗ Minh Hằng, SN 1976, trú tại phường Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội cho biết, sau khi thu mua bạch tuộc, sơ chế rồi đem đến các nhà hàng lớn tại Hà Nội như nhà hàng K. B; H. P; V. C...

Thực tế, người tiêu dùng khó có thể phân biệt được đâu là bạch tuộc "sạch" hay "bẩn", và cũng không ai biết được những con bạch tuộc trắng giòn được cắt từng phần trên bàn lẩu nướng ẩn chứa chất độc hại gì bên trong. Trong khi tiểu thương thì vẫn chỉ vì lợi nhuận, bất chấp quy định của pháp luật, đánh đổi sức khỏe của cộng đồng nhằm thu lợi bất chính.

Minh Khánh

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/phap-luat/hai-hung-voi-duong-di-cua-bach-tuoc-ban/776424.antd