Hãi hùng nữ sinh dùng dao lam tự cứa tay 16 vết vì không được đi du học

Do không thực hiện được mong muốn đi du học, nữ sinh viên 21 tuổi đã xuất hiện ý tưởng cứa tay. Sau đó, cô gái này đã có hành vi cứa tay bằng dao lam. Khi vào viện trên cổ tay BN có 16 vết cứa, nông, đủ rỉ máu.

Theo các bác sĩ, đây là hành vi tự ngược đãi bản thân. BN kể, mỗi lần cứa tay như vậy mà không thấy đau, ngược lại còn thấy trong lòng nhẹ nhàng hơn. Sau 3 tuần điều trị BN đã khỏe mạnh ra viện, tuy nhiên các bác sĩ cảnh báo, trong bối cảnh áp lực cuộc sống như hiện nay, đây là vấn đề rất đáng quan ngại.

Nhiều trẻ nhỏ đã hủy hoại cơ thể

TS.BS Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Điều trị rối loạn liên quan stress, Viện Sức khỏe Tâm thần, BV Bạch Mai cho biết, ngay trong sáng 9/8, bác sĩ vừa tiếp nhận một bệnh nhi 9 tuổi cũng có hành vi tự hủy hoại bản thân.

Đây là một bé gái học giỏi nhưng rất thích chơi điện thoại. Sau đó, trẻ bị bố mẹ cấm đoán nên có nhiều bức xúc trong lòng. BN cảm thấy khó chịu, bứt rứt, ngứa đầu mà cứ thế có thói quen bứt tóc, nhổ tóc và lột các mảng da dưới lòng bàn chân. Cha mẹ thấy vậy liền sợ hãi đưa con đến khám tại Viện Sức khỏe Tâm thần. Các bác sĩ xác định trẻ mắc hội chứng tự ngược đãi bản thân.

TS.BS Dương Minh Tâm.

TS. Tâm cảnh báo, trẻ vị thành niên là đối tượng hay tự ngược đãi bản thân nhất vì nhà trường chủ yếu là giáo dục tri thức và vẫn nặng về kỷ luật. Ở nhà thì cha mẹ dùng quyền uy gây sức ép, áp lực để uốn nắn con theo ý mình. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ tới sở thích, đam mê hoặc lối sống của trẻ vị thành niên với những suy nghĩ có phần lệch lạc, bi quan, bế tắc. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chứng/bệnh tự ngược đãi bản thân ở tuổi teen.

"Đáng ra người bệnh khi gặp vấn đề căng thẳng thì phải chia sẻ và tìm kiếm sự trợ giúp của người khác, nhưng thay vì làm như vậy người bệnh lại tìm cách loại bỏ bản thân vì không muốn người xung quanh biết. Hoặc ngược lại, họ làm vậy để gây sự chú ý của người khác"- vị Tiến sĩ này nói.

Liên quan nhiều đến stress

Về nguyên nhân gây ra các hành vi tự "hành xác" bản thân, TS. Tâm cho hay, đa số các hành vi tự ngược đãi bản thân là liên quan đến stress. Stress mạnh hoặc không mạnh nhưng trường diễn nên người bệnh thường trong trạng thái ức chế tâm lý kéo dài mà không được giải tỏa sẽ có xu thế muốn loại trừ.

U xơ tử cung - Một trong những nguyên nhân gây khó đậu thai, hiếm muộn

Phát hiện thảo dược "Đặc trị" Đờm Ho, Khó thở, Hen suyễn, COPD lâu năm

"Lẽ ra, BN loại trừ stress thì BN lại quay 180 độ để loại trừ bản thân mình, ngoài mục đích loại trừ còn có mục đích gây sự chú ý của những người xung quanh. Hoặc chỉ đơn giản là các vấn đề stress thường gặp như vấn đề đời sống, xã hội hoặc sự bất mãn bản thân, mâu thuẫn giữa mong muốn và được đáp ứng của cá nhân"- TS. Tâm cho biết.

Nhiều người tìm đến hành vi tự ngược đãi bản thân vì không thực hiện được mong muốn cá nhân.

Tuy nhiên, nó khác với trầm cảm ở chỗ nếu trầm cảm diễn ra trong thời gian dài và có xu hướng tăng nặng thì hội chứng tự ngược đãi bản thân thường không ổn định, có lúc tăng lúc lại giảm, BN tự làm “đau” về cả thể chất và/hoặc tinh thần với mục đích loại trừ bản thân hay loại trừ những bất toại…

Nếu một ai đó dùng dao lam, mảnh sành, sứ tự rạch vào da thịt cho chảy máu, giật tóc, tát vào má mình để được thỏa mãn là một trong nhiều biểu hiện của hội chứng ngược đãi bản thân. Hoặc một người nào đó tự đặt ra những hình phạt không phù hợp cho mình… đó đều là các hành vi tự ngược đãi bản thân...

Các dấu hiệu nhận biết người tự ngược đãi bản thân

TS.BS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, BV Bạch Mai cảnh báo, dấu hiệu hay gặp nhất là hành vi tự gây đau như cắt tay, cắt cổ tay với những nhát sắc, nông đủ gây rỉ máu nhưng không gây tổn hại đến tính mạng, BN có thể cắt ở nhiều vị trí khác. Có BN lại có các hành vi lao đầu vào tường, tự đánh, tát; nhổ tóc, cầu rách da; hành hạ bản thân bằng nhịn ăn.

Ngoài tự gây đau về thể xác, người tự ngược đãi bản thân còn tự gây tổn hại về tinh thần. Họ tự ngược đãi về tinh thần đưa mình vào nhiều hoàn cảnh cấm đoán, để chịu khổ sở. Điều đáng chú ý là sau mỗi lần làm tổn hại bản thân bệnh nhân thấy tâm trạng thoải mái hơn, nên có xu thế tái diễn hành động để giải phóng sự ức chế.

Người bệnh thường có cảm giác buồn, chán nản; mệt mỏi; dễ cáu giận; rối loạn giấc ngủ. Cảm xúc ức chế hầu như chiếm hết thời gian của bệnh, đôi khi có thể kèm trạng thái lo âu. Các triệu chứng cơ thể như: Tim không đều, nhanh, hoặc đánh trống ngực, cảm thấy căng tức ở bầu ngực trái, tăng huyết áp. Run, mỏi đầu gối,bức rức, căng cơ, cảm giác liệt, đau ở khớp, tay và chân, cảm giác kiến bò và tê. Tăng thông khí, cảm thấy thở khó và nông, sợ chết ngạt. Có cục ở họng, và khó nuốt, buồn nôn, đau dạ dày, tiêu chảy. Vã mồ hôi, đồng tử giãn, tiểu nhiều lần. Chóng mặt, cảm giác ruồi bay trước mắt, nhìn khó, nhìn đôi, đau đầu, mất ngủ, tập trung kém, mệt, yếu...

Bên cạnh đó, hành vi tự ngược đãi bản thân cũng hay gặp ở những người có nét nhân cách dễ bị tổn thương, và phô trương như: nhân cách nghệ sỹ yếu. Người cầu toàn hay đòi hỏi. Nét nhân cách phô trương. Những người hay lo lắng cũng là những đối tượng dễ có hành vi tự ngược đãi bản thân.

Để điều trị và phòng ngừa Hội chứng tự ngược đãi bản thân, TS.BS. Nguyễn Doãn Phương khuyến cáo, mỗi người cần xây dựng, bồi dưỡng và có một lối sống tích cực. Khi có những buồn phiền, khúc mắc có thể chia sẻ với người thân, bạn bè và gia đình. Người thân và bạn bè là một trong những yếu tố hàng đầu trong việc chữa trị cho bệnh nhân khỏi hội chứng tự ngược đãi bản thân.

Dương Hải

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/hai-hung-nu-sinh-dung-dao-lam-tu-cua-tay-16-vet-vi-khong-duoc-di-du-hoc-n135022.html