Hãi hùng cho vay 'cắt cổ'

Trên nhiều đường phố, ngay cả trước các khách sạn, trường học, trạm biến áp, cột điện... ở trung tâm TP Huế và các huyện, thị trên địa bàn tỉnh TT - Huế xuất hiện nhan nhản những mẩu quảng cáo: “Cho vay trả góp thủ tục đơn giản, nhận tiền trong ngày; Cho vay tiêu dùng; Cho vay lãi thấp, không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, nhanh gọn...”. Hoạt động tín dụng “biến tướng” này nguy cơ gây ra những hệ lụy đối với trật tự an toàn xã hội.

Các tờ rơi quảng cáo cho vay tiền được dán ở trạm biến áp nằm trên đường Hùng Vương.

Các tờ rơi quảng cáo cho vay tiền được dán ở trạm biến áp nằm trên đường Hùng Vương.

Vay 20 triệu, trả 24 triệu trong 40 ngày

Bà Trần Thị Mến, một tiểu thương chợ An Cựu, TP Huế cho biết, đầu tháng 3-2018, do cần tiền gấp để mua cho con chiếc xe máy đi làm nên bà M. thấy một tờ giấy dán bên ngoài khu vực chợ về việc cho vay. Lần theo số điện thoại, bà Mến gọi điện thì đầu dây bên kia là một giọng nam thanh niên. Khi bà Mến hỏi thủ tục vay tiền thì người này yêu cầu, 1 giấy chứng minh, sổ hộ khẩu và hóa đơn tiền điện của tháng gần đây nhất. Chỉ sau chưa đầy 5 phút “giao dịch”, nam thanh niên đến gặp trực tiếp bà Mến và xem hóa đơn tiền điện xong thì đồng ý cho bà Mến vay 20 triệu đồng. Bà Mến nói: Trong 2 tháng thì sẽ trả lại tiền gốc, lãi suất bao nhiêu. Lúc này, thanh niên cho biết, tiền lãi 3 triệu đồng/tháng (có nghĩa 10 triệu 1 tháng 1,5 triệu đồng). “Số tiền lãi quá cao nhưng do cần tiền gấp quá nên tôi đành bấm bụng vay”. Bà Mến cho biết, theo thanh niên này, tiền lãi sẽ được trả hàng tháng. Nếu trả chậm sẽ cộng dồn vào rồi tính thêm lãi suất.

Chị Nguyễn Thị Th. bán shop áo quần ở đường Bà Triệu, TPHuế - một trong những nạn nhân vay vốn cho biết: Lần theo một số điện thoại cho vay tiền ở trên đường Bà Triệu, tôi gọi điện và họ đồng ý cho vay 50 triệu đồng mà không cần thế chấp tài sản. Theo đó, mỗi tháng tôi phải trả 7,5 triệu đồng tiền lãi. “Thế nhưng, vì kẹt tiền có tháng chưa trả kịp tiền lãi nên bị dồn vào tiền gốc rồi tính lãi thêm. Lúc này, tôi mới biết đây là chỗ cho vay giá “cắt cổ” nên cầu cứu người thân giúp đỡ để trả dứt điểm”- chị Th. kể.

Trong vai người cần đi vay tiền, lần theo một số điện thoại được dán trên đường Hùng Vương, TP Huế chúng tôi gọi điện vào số 09815... Đầu dây điện thoại là giọng một nam thanh niên. Khi chúng tôi giới thiệu, muốn tìm hiểu vay tiền thì thanh niên này mời chúng tôi đến địa chỉ giao dịch nằm ở vị trí mặt tiền của P.Thuận Thành, TP Huế. Thanh niên này lưu ý với chúng tôi, khi đi cầm theo hộ khẩu, chứng minh thư. Khi chúng tôi nói đang gấp việc nên muốn trao đổi, thỏa thuận lãi suất qua điện thoại trước thì nam thanh niên đồng ý. Khi ngỏ ý muốn vay 20 triệu đồng thì nam thanh niên này nói: Bên em cho vay theo hình thức trả góp. Nếu vay 20 triệu, mỗi ngày góp 600 ngàn đồng. Góp trong vòng 40 ngày là 24 triệu đồng”. Lúc này, chúng tôi nói, lãi suất quá cao, có thể giảm xuống được không thì nam thanh niên này đáp: Cao gì mà cao. Đang mùa World Cup, nhiều người đến năn nỉ cũng chưa được vay với giá đó nữa, rồi cúp máy. Như vậy, chỉ vay 20 triệu đồng trong vòng 40 ngày, người vay phải trả lãi 4 triệu đồng.

Card visit mà nhân viên cho vay tiền phát cho người khi dừng xe ở đường Bà Triệu.

Loạn “tín dụng đen”

Theo các chuyên gia ngân hàng, hiện nay có 2 hình thức vay phổ biến đó là vay tín chấp và vay thế chấp. Vay tín chấp thì người vay cần chứng minh thu nhập, xác nhận nơi công tác và vay thế chấp thì người vay phải có tài sản cố định để đảm bảo. Còn với hình thức vay nhanh rồi góp theo ngày, đó là vay “nóng”. Kiểu cho vay này nằm ngoài khuôn khổ hoạt động hệ thống ngân hàng và không tuân theo quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng và ngân hàng. Khác với những công ty tài chính cho vay tín chấp với lãi suất cao nhưng có những ràng buộc nhất định như có công việc ổn định, có mục đích sử dụng nguồn vốn, chứng minh được thu nhập thì tín dụng đen chỉ cần thỏa thuận miệng, không thể hiện rõ lãi suất, không giấy tờ... nên có khả năng người vay gặp rất nhiều nguy cơ rủi ro.

Tại TT-Huế, nếu những năm trước, hình thức cho vay “tín dụng đen” diễn ra khá kín đáo thì 2 năm trở lại đây, hình thức cho vay này còn nở rộ theo kiểu cho vay tài chính. Các cá nhân, công ty, trung tâm cho vay ra sức mời chào, quảng cáo, các tờ rơi dán khắp trên nhiều tuyến đường từ phố về làng. Điều khiến nhiều người tham gia giao thông bức xúc là khi đi qua khu vực ngã tư đèn đỏ thì có một số cô gái đến đưa card visit. Nhiều người lướt qua tấm card, không có nhu cầu vay tiền đã vô tình vứt tấm card này ngay trên đường phố khiến du khách đi bộ nhìn vào đường phố không mấy thiện cảm…Điều đáng nói, một số địa điểm cho vay tài chính được công khai địa chỉ, có trụ sở giao dịch; một số khác chỉ có số điện thoại khi khách hàng cần gọi điện thì sẽ cung cấp địa chỉ đến để giao dịch hoặc có nơi, chỉ cần khách hàng nói đang ở địa điểm nào thì một lát sau sẽ có nhân viên cho vay đến gặp.

Theo một cán bộ của Đội CSHS CATP Huế, mặc dù cho vay với lãi suất “cắt cổ” nhưng nghịch lý là hình thức cho vay này lại đang ngày càng phát triển. Nguyên nhân xuất phát từ quy định và thủ tục cho vay. Vay vốn “tín dụng đen” không cần thế chấp cũng như linh hoạt về thời gian cho vay, số tiền cho vay…Những yêu cầu này vô hình chung đáp ứng được công việc đặc thù của những người bán buôn nhỏ, tiểu thương ở chợ, những người đam mê đánh bạc... Thượng tá Đinh Xuân Đại- Trưởng phòng CSHS CA tỉnh TT-Huế, các đối tượng cho vay “nóng” khi thu hồi nợ nếu gặp phải khó khăn họ sẵn sàng sử dụng những áp lực như: siết tài sản, đe dọa, xâm hại tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người vay vốn.

Theo Đại tá Đặng Ngọc Sơn- Phó Giám đốc CA tỉnh TT-Huế, thời gian qua, không ít người đã trở thành “con nợ” khi trót vay tiền của các đối tượng cho vay nặng lãi núp bóng dưới loại hình cho vay không cần thế chấp. “Lãi mẹ đẻ lãi con”, nhiều người phải bán nhà để trả nợ. Đây là hoạt động “tín dụng đen” vi phạm pháp luật cần được xử lý nghiêm. Mặc dù CA tỉnh chủ động tuyên truyền và lập kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm này nhưng tình hình ngày càng có chiều hướng diễn biến phức tạp. Thực tế trên địa bàn thời gian qua chủ yếu xảy ra tranh chấp dân sự do thường thỏa thuận lãi suất bằng lời nói, không ghi trong giấy tờ nên cơ quan chức năng rất khó để củng cố, xử lý. CA tỉnh đã chỉ đạo CA các địa phương, đơn vị tổ chức rà soát băng nhóm cho vay gây mất an ninh trật tự để phòng ngừa, đấu tranh triệt phá nếu có.

H.LAN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/62_191904_hai-hung-cho-vay-cat-co-.aspx