Báo chí Nga đưa tin về thành công của cuộc bầu cử tại Việt Nam

Mở đầu bài viết, tác giả nhấn mạnh sự thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vừa qua, khẳng định đây là một sự kiện quan trọng đối với đất nước bởi Quốc hội Việt Nam.

Báo “Đại châu Á” Nga (Bigasia) ngày 30/5, đăng bài viết với tiêu đề “Hợp tác liên nghị viện Liên bang Nga và Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ” của Tiến sỹ Alexander Korolev - chuyên gia nghiên cứu Đông Nam Á, Trung tâm nghiên cứu châu Âu và quốc tế, Trường Kinh tế cao cấp. Bài báo nêu bật vai trò, thành công của Quốc hội Việt Nam trong thời gian qua trong chính sách đối nội, đối ngoại và triển vọng hợp tác giữa LB Nga và Việt Nam theo kênh Quốc hội.

Bài viết trên báo Nga nhận định về hợp tác liên nghị viện giữa Việt Nam và LB Nga.

Bài viết trên báo Nga nhận định về hợp tác liên nghị viện giữa Việt Nam và LB Nga.

Mở đầu bài viết, tác giả nhấn mạnh sự thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vừa qua, khẳng định đây là một sự kiện quan trọng đối với đất nước bởi Quốc hội Việt Nam là cơ quan hoạch định các định hướng chiến lược chính về phát triển của đất nước cả trong chính sách đối nội và đối ngoại.

Điểm lại những thành công của Quốc hội Việt Nam, tác giả bài viết nhấn mạnh Việt Nam là thành viên tích cực tham gia hợp tác liên nghị viện khu vực và toàn cầu, bao gồm AIPA, APA và APPF, đồng thời đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động của các cơ chế an ninh lấy ASEAN làm trung tâm. Quốc hội Việt Nam đã nhiều lần vận động thành công cho chương trình an ninh quốc tế tại các cuộc họp của AIPA.

Trong kỳ họp thứ 36 của Đại hội đồng AIPA, hai nghị quyết quan trọng theo sáng kiến của Việt Nam đã được thông qua. Đặc biệt, đây là những nghị quyết mới nhất được thông qua về vấn đề chính trị và an ninh, là minh chứng rõ ràng cho uy tín và sự vận động hiệu quả của Việt Nam.

Theo bài viết, Quốc hội Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chương trình nghị sự khu vực về hợp tác an ninh và nhân đạo trong khuôn khổ Liên minh Nghị viện và LHQ. Trong thời gian Việt Nam làm Chủ tịch APPF, Quốc hội Việt Nam đã thành công trong việc thúc đẩy Tuyên bố Hà Nội, trong đó nêu ra các ưu tiên và phương hướng phát triển chính của Diễn đàn đến năm 2030. Tuyên bố này là một trong 6 văn kiện chính của APPF được thông qua kể từ khi diễn đàn thành lập năm 1993.

Quốc hội Việt Nam cũng đang theo đuổi chính sách tích cực nhằm tăng cường hợp tác với các thành viên hàng đầu trên trường thế giới. Ngoại giao nghị viện Việt Nam giúp xây dựng các hình thức hợp tác đa phương như ASEM, đối tác đối thoại ASEAN-EU.

Bài viết nhấn mạnh, Quốc hội Việt Nam không chỉ thực hiện chức năng lập pháp thuần túy mà còn thường xuyên đóng vai trò là đầu tàu trí tuệ trong việc thúc đẩy một chương trình nghị sự quốc tế, từ chống buôn bán ma túy và đảm bảo an ninh ở Biển Đông, đến phát triển thương mại tự do với các tổ chức, liên minh hội nhập.

Đánh giá về hợp tác liên nghị viện giữa Liên bang Nga và Việt Nam trong những năm gần đây, bài viết cho rằng quan hệ hợp tác theo kênh nghị viện được đánh giá là rất năng động. Các bên đã xây dựng các cơ chế đối thoại, cụ thể đã thành lập Nhóm nghị sỹ Quốc hội với Việt Nam đang hoạt động và Ủy ban Liên Nghị viện cấp cao Việt-Nga. Cơ quan lập pháp của cả hai nước thường xuyên tổ chức các cuộc họp song phương, cũng như gặp bên lề các diễn đàn quốc tế.

Ở cấp độ song phương, các bên thảo luận những vấn đề quan trọng nhất trong lĩnh vực kinh tế, an ninh và đề xuất các sáng kiến chung như việc thúc đẩy chuyển đổi thanh toán bằng đồng nội tệ, sử dụng hiệu quả hơn nữa tiềm năng của Ngân hàng Nga-Việt. Ngoài ra, các bên cũng sẵn sàng thành lập các nhóm công tác mới trong khuôn khổ đối thoại nghị viện Nga-Việt nhằm tạo động lực cho các khía cạnh hợp tác thương mại, kinh tế, đầu tư và nhân đạo song phương.

Tác giả kết luận, ngoại giao nghị viện song phương đã và đang phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây. Điều này được thúc đẩy bởi bầu không khí tích cực trong tổng thể quan hệ giữa Nga và Việt Nam, phát triển các cơ chế hợp tác, mở rộng các chương trình nghị sự. Ngoài ra, các bên thường phối hợp hoạt động trong khuôn khổ các cơ chế hợp tác liên nghị viện đa phương và các diễn đàn khác.

Bài báo nhận định, hợp tác giữa Quốc hội LB Nga và Quốc hội Việt Nam có tiềm năng to lớn cả ở cấp độ hợp tác song phương Nga-Việt, và ở cấp độ đa phương trong khuôn khổ thúc đẩy sáng kiến "Đại Á- Âu" và cấp độ toàn cầu trong khuôn khổ các hiệp hội liên nghị viện quốc tế.

Để làm sâu sắc hơn quan hệ ngoại giao liên nghị viện song phương và nâng cao vị thế của cả hai nước trên trường thế giới, cần tập trung sử dụng các nguồn lực của ngoại giao nghị viện. Theo đó, cần tổ chức các cuộc hội thảo chung theo kênh liên nghị viện với sự tham gia của đại diện các ban ngành, hình thành cơ chế giám sát việc thực hiện các nghị quyết được thông qua tại các cuộc họp của các tổ chức liên nghị viện; xây dựng chương trình hành động chống khủng hoảng ở cấp độ các tổ chức liên nghị viện, tiến hành các cuộc hội thảo khu vực thường xuyên để thảo luận về các vấn đề an ninh cấp bách nhất, về các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống hiện nay. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh những thách thức và mối đe dọa mới đang hiện hữu, như thảm họa môi trường, nhân tạo và dịch bệnh./.

PV/VOV-Moscow

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi/bao-chi-nga-dua-tin-ve-thanh-cong-cua-cuoc-bau-cu-tai-viet-nam-862225.vov