Hai hội nghị song song về Trung Đông: Rõ phe Nga-Mỹ

Trong khi Mỹ tổ chức cuộc họp với các đồng minh về Trung Đông, ba nước Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran cũng tiến hành một cuộc họp tương tự.

Ngày 14/2, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chủ trì hội nghị quốc tế về Trung Đông tại thủ đô Warsaw (Ba Lan). Có khoảng 60 quốc gia tham gia hội nghị này với Mỹ.

Tại đây, ông Pompeo nhấn mạnh “một kỷ nguyên hợp tác mới” nhằm giải quyết những thách thức của Trung Đông, đồng thời khẳng định không có nước nào có thể trụ vững nếu “đứng ngoài lề."

Ông Pompeo kêu gọi các nước trong khu vực cần gia tăng gắn kết, hợp tác với nhau nhằm đảm bảo an ninh, cho rằng các vấn đề ở Trung Đông sẽ không như Syria, Yemen, hòa bình Palestine-Israel là rất phức tạp và cần có một sự phối hợp cao độ giữa tất cả các quốc gia.

Trong cuộc họp này, kẻ thù chung được Mỹ đưa ra là Iran, và giới phân tích cho rằng Washington đang tổ chức một cuộc gặp mặt đồng minh và kiểm tra về quan điểm chống Iran của tất cả những quốc gia Trung Đông đang có mặt tại đây.

Dù mang tính chất là cuộc họp giải quyết các vấn đề về Trung Đông, tuy nhiên, những người trong cuộc, đóng góp vai trò quan trọng để giải quyết các bất ổn lại không xuất hiện. Cụ thể, các quốc gia được cho là đối thủ của Mỹ như Iran, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức riêng một cuộc họp thượng đỉnh.

Ngoại trưởng Pompeo chủ trì cuộc họp tại Ba Lan

Ngoại trưởng Pompeo chủ trì cuộc họp tại Ba Lan

Tại thành phố Sochi bên bờ Biển Đen của Nga, các lãnh đạo Vladimir Putin,, Recep Tayyip Erdogan và Hassan Rouhani đã tiến hành cuộc họp liên quan đến các vấn đề mà Mỹ cũng đang bàn bạc ở Trung Đông, đặc biệt trong đó là cuộc khủng hoảng Syria.

Có thể thấy rằng khi hai hội nghị này được song song tổ chức, và cùng nói về các vấn đề như nhau, với các cách tiếp cận vấn đề khác nhau, đã cho thấy những sự kiện ở Trung Đông đã hình thành rõ nét hai thái cực đối đầu nhau gay gắt.

Đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đang tiến hành rút quân khỏi một loạt các quốc gia như Syria, Afghanistan, chấm dứt hỗ trợ quân sự liên quân Arab ở Yemen, người ta đã kỳ vọng vào việc Mỹ có một lộ trình Trung Đông thân thiện và hòa bình hơn.

Nhưng thực tế, những gì thể hiện ở hội nghị về Trung Đông này chỉ cho thấy Washington đang nỗ lực sốc lại tinh thần đồng minh và siết lại quan điểm chính trị của họ. Đã có những nghi kỵ giữa những đồng minh của Mỹ với nhau, và với hệ thống ấy với Washington.

Có thể kể đến trong đó việc Israel đã nổi giận khi Mỹ quyết định rút quân khỏi Syria, hay việc các quốc gia Ả Rập đối đầu công khai với Tel Aviv về quan điểm của chính quyền này với Palestine. Ngoài ra, việc Mỹ trừng phạt Arab Saudi về vấn đề sát hại nhà báo Khasogghi cũng dẫn đến những rạn nứt...

Đáng chú ý nhất, việc Nga xuất hiện ở Syria và đang nổi lên, thách thức vai trò ảnh hưởng địa chính trị trong vài năm qua đã cho thấy Mỹ cần phải có một cách tiếp cận vấn đề rất khác. Đó có thể là lý do thay vì tiếp tục duy trì quân đội ở một số quốc gia để tranh giành ảnh hưởng và thế cục với Nga, Mỹ quyết định rút quân về và thay vào đó là các hành động củng cố lòng tin của đồng minh.

Mỹ đã buộc phải nhìn nhận đồng minh đã không còn là chư hầu, Washington cần chắc chân tại những quốc gia này, thay vì để kinh nghiệm Thổ Nhĩ Kỳ một lần nữa lặp lại, đó là lý do vì sao mà Washington nhắc tới một "kỷ nguyên hợp tác mới", có thể, sau đây sẽ là những cuộc chơi mới, nhưng trước khi chia ván bài, Mỹ cần phải xem có bao nhiêu người chơi.

Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran tiến hành họp riêng tại Sochi

Việc các quốc gia được mời và tới tham dự sự kiện của Mỹ như một cách kiểm soát, thống kê lại lượng "khán giả" có thái độ tích cực, ủng hộ cho mình với các vấn đề Trung Đông sắp tới đây.

Ngược lại, đối thủ của Mỹ cũng bắt đầu hành động. Họ cũng tổ chức một hội nghị cách đó không xa về địa lý và trung khớp với thời gian tổ chức. Không có nhiều nước tham gia, nhưng những người có mặt tại thượng đỉnh Sochi đều là nhân vật phản diện mà Mỹ nhắc đến trong hội nghị của mình: Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Iran.

Nga là nước thách thức vai trò trực tiếp của Mỹ ở Trung Đông, Iran là kẻ thù và cũng là nhân vật chính để Washington triển khai các kế hoạch mới, còn Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh đã trở giáo thành đối thủ với Mỹ.

3 nhà lãnh đạo của các nước này không đưa ra chiến lược hay thông báo về sự thay đổi chính sách nào ở Trung Đông như Mỹ. Họ tiếp tục bàn về các vấn đề đang nổi cộm và phương pháp giải quyết chúng. Khác với Mỹ đang phải siết lại tinh thần đồng minh và tự kiểm tra sự tin tưởng vào các đồng minh của mình, Nga đã có cho mình một hệ thống vận hành trơn tru, cùng nhau giải quyết các vấn đề, cùng bảo vệ lợi ích.

Giá trị của hai hội nghị này hoàn toàn khác nhau, nhưng nó cũng cho thấy sự chủ động trên bàn cờ địa chính trị Trung Đông của Nga và Mỹ là hoàn toàn khác biệt. Cũng tại hai hội nghị song song này, thế giới đơn cực dưới sự lãnh đạo và thao túng của Mỹ đã chính thức bị đập bỏ, ít nhất ở Trung Đông - khu vực của Hồi giáo và dầu mỏ.

Đỗ Tú

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/hai-hoi-nghi-song-song-ve-trung-dong-ro-phe-nga-my-3374606/