Hai học sinh Quảng Ninh chế tạo thành công robot dò mìn

Robot tích hợp nhiều chương trình dò tìm kết hợp giữa âm thanh và độ nhạy dò nên có thể dò tìm ở nhiều chế độ. Đặc biệt là độ nhạy máy được điều chỉnh bằng chiết áp, giúp giảm thiểu nguy cơ gây nổ các loại mìn nhạy cảm với từ trường, đảm bảo an toàn cho người dò tìm.

Đó là hai em Nguyễn Đức Thành, Lê Phong Vũ, học sinh Trường THPT Uông Bí, Quảng Ninh. Các em là chủ nhân của mô hình “Robot tự hành phát hiện, định vị, dò mìn (RBC)” đoạt giải nhất cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên, nhi đồng (TTN, NĐ) tỉnh Quảng Ninh lần thứ IV-2018.

Tham dự cuộc thi, mô hình Robot do 2 học sinh thiết kế được đánh giá cao bởi sự mới mẻ, tính sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời đại công nghệ. Đồng thời thể hiện tinh thần nhân văn, phục vụ nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc phòng trong tình hình mới.

Em Nguyễn Đức Thành cho biết: Qua các bài học lịch sử, em biết rằng số lượng bom mìn mà chiến tranh để lại ở Việt Nam còn rất lớn. Mặc dù robot dò mìn trên thế giới đã được chế tạo từ lâu nhưng xét trên đặc tính địa hình, khí hậu của Việt Nam thì không dễ thích nghi. Mặt khác, giá thành của các robot này rất đắt.

Trong khi đó, số lượng bom mìn, vật nổ chưa nổ hiện còn nằm rải rác ở nhiều nơi, là mối nguy hiểm tiềm tàng, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, đời sống, trật tự an toàn xã hội nếu không may tác động phải. Để đảm bảo an toàn cho công việc này cần thiết phải có sự hỗ trợ của một hệ thống hoàn toàn tự động, vì vậy, nhóm chúng em đã quyết định lựa chọn nghiên cứu đề tài “Robot tự hành phát hiện, định vị, dò mìn (RBC)”. Chúng em mong muốn sản phẩm này sẽ góp một phần nhỏ bé trí tuệ, sức lực của mình vào công tác khắc phục hậu quả chiến tranh.

Hai học sinh chế tạo thành công robot dò mìn

Với phương pháp phát hiện bom mìn bằng từ trường giúp cho robot có độ nhạy dò tìm cao. Nhờ vậy, robot có thể dò tìm các loại bom mìn vỏ nhựa có kíp bằng kim loại hoặc vỏ kim loại; dò tìm được độ sâu 90cm. Robot tích hợp nhiều chương trình dò tìm kết hợp giữa âm thanh và độ nhạy dò nên có thể dò tìm ở nhiều chế độ.

Đặc biệt là độ nhạy máy được điều chỉnh bằng chiết áp, giúp giảm thiểu nguy cơ gây nổ các loại mìn nhạy cảm với từ trường, đảm bảo an toàn cho người dò tìm. Robot này có thể thay thế sức lao động của con người, nhất là hạn chế thương vong cho những người thực hiện nhiệm vụ và nhân dân nơi có bom mìn sót lại sau chiến tranh.

Sản phẩm này chỉ có trọng lượng 2kg, nhỏ gọn, nên rất phù hợp với những địa hình phức tạp. Để sáng chế robot, Thành và Vũ đã phải tìm kiếm những vật liệu tại các chợ trung tâm ở địa phương.

Một số thiết bị công nghệ đắt tiền khác, các em nhờ người thân đặt mua từ nước ngoài. Chưa hài lòng với robot của mình, Thành và Vũ cho biết đang cải tiến thiết bị này bằng hệ thống cảm biến va đập, camera lùi và khả năng chống lật ở địa hình khó.

Trần Huyền

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/hai-hoc-sinh-quang-ninh-che-tao-thanh-cong-robot-do-min-133360.html