Hai học sinh bản Mông và ý tưởng chiết xuất lá đào thành cao chữa ghẻ

Bước đầu sản phẩm cho kết quả tốt và có các đặc điểm tối ưu như dễ dàng sản xuất, dễ tìm kiếm và dễ dàng sử dụng...

Dự án chiết xuất lá đào thành cao chữa ghẻ của Sùng A Dềnh (lớp 9) và Hờ A Chông (lớp 8) cùng sự hướng dẫn đầy tâm huyết, trách nhiệm của thầy giáo Phạm Quang Sơn trường PTDTBT TH&THCS Tà Xi Láng (Trạm Tấu - Yên Bái) đoạt giải Ba tại Hội thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm học 2022 -2023

Dự án chiết xuất lá đào thành cao chữa ghẻ của Sùng A Dềnh (lớp 9) và Hờ A Chông (lớp 8) cùng sự hướng dẫn đầy tâm huyết, trách nhiệm của thầy giáo Phạm Quang Sơn trường PTDTBT TH&THCS Tà Xi Láng (Trạm Tấu - Yên Bái) đoạt giải Ba tại Hội thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm học 2022 -2023

Từ ý tưởng chiết xuất lá đào thành cao chữa ghẻ phục vụ bà con địa phương của 2 học sinh dân tộc Mông trường PTDTBT TH&THCS Tà Xi Láng (Trạm Tấu - Yên Bái), cùng với sự hướng dẫn đầy tâm huyết, trách nhiệm của thầy giáo Phạm Quang Sơn (SN 1997, dự án đã thành công và được Sở Giáo dục& Đào tạo tỉnh tặng giải Ba tại Hội thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh năm học 2022 -2023 và giành giải Nhất cuộc thi cấp huyện dành cho học sinh trung học cơ sở.

Ý tưởng xuất phát từ chính cuộc sống hàng ngày

Chúng tôi về Tà Xi Láng vào một ngày cận Tết, trời rét đậm và mịt mù sương. Tuy là lần thứ 3 lên Tà Xi Láng, nhưng lần nào chúng tôi cũng thấy ớn lạnh và chỉ thở phào nhẹ nhõm khi vượt qua những con dốc hẹp dài hun hút không chỉ như dựng đứng trước mặt mà còn cua gấp tay áo, một bên là vách núi đá, một bên là vực sâu thăm thẳm.

Ngoài ra xã Tà Xi Láng còn là xã vùng cao, đặc biệt khó khăn và là xã xa nhất cách trung tâm huyện với 100% là người dân tộc Mông sinh sống. Nhưng bù lại, Tà Xi Láng đang trở thành điểm hấp dẫn khách du lịch thích thử thách mạo hiểm, thích săn mây và thích săn những cành đào rừng độc đáo tràn đầy sức sống ở giữa núi rừng lạnh giá…

Hai học sinh bản Mông thuyết minh Dự án tại Hội thi.

Đón chúng tôi tại trường, Hiệu trưởng Nguyễn Bá Ngọc phân trần: "Học sinh mới về nghỉ Tết nên hôm nay nhà báo chỉ gặp được thầy Sơn và em Hờ A Chông (tác giả của dự án) còn em Sùng A Dềnh ở cách trường xa quá (khoảng 35 km) không tới kịp.

Sau phút đầu rụt rè, Hờ A Chông tâm sự: Khi học lớp 4 em bị ghẻ làm ngứa ngáy khó chịu, ông bà bố mẹ lấy lá đào đun cho tắm thấy khỏi nên từ đó em biết được công dụng của lá đào. “Vào mùa đông do thời tiết ẩm ướt và ít được tắm giặt nên trẻ em và người lớn ở bản bị ghẻ lở rất nhiều, lúc này cây đào rụng lá nên không còn lá để tắm, nhiều người phải đi mấy chục cây để mua thuốc chữa, rất bất tiện và tốn kém” – A Chông chia sẻ.

Hờ A Chông kể tiếp: "Vào các buổi tối, thấy thầy Sơn cũng ở nội trú trong trường lại gần gũi, cởi mở và thường xuyên trò chuyện với các bạn học sinh, nên em cùng bạn Sùng A Dềnh (học sinh lớp 9) và nhiều bạn học sinh khác trong trường đã đem những băn khoăn trên ra kể với thầy và em rất vui khi được thầy gợi ý, chọn tham gia dự án “Nghiên cứu thành phần hóa học, hoạt tính sinh học và chế tạo thành phẩm thảo dược từ cao chiết lá cây đào (Prunus persica) thu hái tại huyện Trạm Tấu - tỉnh Yên Bái”.

Trao đổi với phóng viên, thầy giáo trẻ cho biết: Vào thời gian nghỉ ngơi của các em sau khi ăn tối, tôi thường hay trò chuyện cùng học sinh của mình. Các em kể về phong tục tập quán, hỏi tôi về kiến thức và những câu chuyện thực tế… Trong đó, tôi đặc biệt chú ý tới câu chuyện của hai em học sinh là Sùng A Dềnh (lớp 9) và Hờ A Chông (lớp 8). Hai em học sinh này ở cùng phòng và trong phòng có các bạn học sinh bị ghẻ nên có hỏi tôi về cách chữa trị bệnh ghẻ bằng lá cây đào theo tập quán của bà con địa phương.

Các em chia sẻ rằng, khi ở nhà thường thấy bố mẹ hái lá cây đào đun lên chữa ghẻ nhưng phương thức này chỉ hữu hiệu khi cây đào chưa rụng lá, còn khi rụng lá vào mùa đông thì không còn cách chữa trị nào khác ngoài việc phải di chuyển 20-30km mới mua được thuốc tân dược về điều trị.

Nguồn nguyên liệu lá đào tại xã Tà Xi Láng rất dồi dào.

Biến ý tưởng thành sản phẩm sử dụng rộng rãi tại trường

Từ ý tưởng và suy nghĩ của học trò, tôi đã nghiên cứu tài liệu và bắt tay vào hướng dẫn hai em học sinh bước đầu giải quyết được ý tưởng chữa trị bệnh ghẻ và các bệnh ngoài da khác bằng cách chế tạo ra các sản phẩm thảo dược từ cao chiết lá đào.

Được biết, dự án “Nghiên cứu thành phần hóa học, hoạt tính sinh học và chế tạo thành phẩm thảo dược từ cao chiết lá cây đào (Prunus persica) thu hái tại huyện Trạm Tấu - tỉnh Yên Bái” của 2 học sinh dân tộc Mông dưới sự hướng dẫn của thầy giáo Sơn được thực hiện theo 4 bước.

Theo thầy Sơn, với đặc điểm của địa phương có nguồn dược liệu là lá đào rất nhiều nên việc thu hái lá đào thì tương đối dễ dàng, tuy nhiên ở công đoạn ngâm, chiết để tạo dịch chiết ethanol lá đào thì còn gặp nhiều khó khăn và cần có sự nỗ lực cố gắng của thầy và trò. Để có được dụng cụ ngâm, chiết thầy Sơn đã di chuyển về thành phố Yên Bái để tìm được dụng cụ chiết phù hợp và tuân thủ theo phương pháp chiết xuất dược liệu và tạo cao chiết, sau đó thầy đã tự vận chuyển dụng cụ bằng xe máy vượt chặng đường hơn 100km từ TP Yên Bái lên trường.

Sản phẩm cao được sử dụng rộng rãi trong trường, cho hiệu quả chữa trị khả quan.

Đồng thời, để có được cơ sở khoa học về dược tính của cao chiết lá đào, thầy giáo trẻ và học sinh đã tiến hành gửi mẫu cao chiết về phòng thí nghiệm vi sinh vật (Khoa Sinh học – Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên) xác định tính các nhóm chất và thử nghiệm hoạt tính kháng khuẩn của sản phẩm. Từ kết quả gửi về cho thấy cao chiết lá đào có khả năng kháng khuẩn tốt nên thầy Sơn và học sinh đã bước đầu tiến hành chế tạo được sản phẩm từ cao chiết lá đào trong đó có sản phẩm “Xà bông tắm từ cao chiết lá đào” được sử dụng rộng rãi trong trường. Bước đầu sản phẩm cho kết quả tốt và có các đặc điểm tối ưu như dễ dàng sản xuất, dễ tìm kiếm và dễ dàng sử dụng, tuy nhiên để hoàn thiện hơn nữa thì cần có thời gian để khảo sát tính kháng viêm và kháng oxi hóa của sản phẩm….

“Đây chính là thành quả tuyệt vời mà các em học sinh đã được, ý tưởng sáng kiến của các em đã được ghi nhận và bản thân tôi cảm thấy rất vinh dự khi được là người hướng dẫn cho dự án do học sinh mình thực hiện” – thầy Sơn tự hào nói.

Thầy giáo trẻ 26 tuổi nhận bằng Thạc sỹ Sinh học cách đây 2 năm trước bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới tiếp tục cùng học sinh của mình hoàn thiện dự án để có những hướng nghiên cứu sâu hơn, có nhiều hàm lượng khoa học hơn. Đặc biệt, mong muốn hơn cả là có thể chia sẻ quy trình chế tạo các sản phẩm thảo dược từ cao chiết lá cây đào đến các đơn vị trường bạn trong huyện, trong tỉnh để có được phương thức chữa trị bệnh ghẻ hoặc các bệnh ngoài da khác cho học sinh.

Phạm Quỳnh

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/suc-khoe-doi-song/hai-hoc-sinh-ban-mong-va-y-tuong-chiet-xuat-la-dao-thanh-cao-chua-ghe-d189804.html