Hài hòa công nghệ đời cũ và đời mới mở ra nhiều cơ hội kinh doanh

Cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa mạnh mẽ nhưng không thể bỏ phí những công nghệ 'đời cũ', chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang nhấn mạnh.

Là người có kiến thức căn bản về công nghệ, anh nhận định thế nào tiềm năng của Việt Nam trong sản xuất nói riêng và công nghệ nói chung, ngay như ngành ô-tô mà trước đây chúng ta đã rất tự ti cho rằng Việt Nam không thể chạm tới?

Ông Võ Văn Quang.

Ông Võ Văn Quang.

Chuyên gia Võ Văn Quang: Bàn về lĩnh vực liên quan đến kỹ thuật, công nghệ, tôi vốn là kỹ sư hóa và vật liệu tốt nghiệp Đại học Bách Khoa, dù chuyển sang marketing nhưng luôn quan tâm đến công nghệ. Tôi hiểu ngành cơ khí Việt Nam có cơ hội lớn để phát triển nhất là lĩnh vực cơ khí chính xác, và cơ khí ô tô. VinFast mạnh dạn đầu tư tới đích, với hệ thống dập cao áp thành từng mảnh thân xe, dây chuyền hàn tự động hóa, nhúng sơn, ra khung sườn xe chuẩn. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang phải hợp tác quốc tế và tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài, nhưng với tư thế tự tin hơn và ngang hàng hơn.

Trong cơ giới hóa nông nghiệp, rất cần nhiều hệ điều khiển và hệ thống cơ khí để tăng năng suất. Nhiều nước đã đi vào tự động hóa hoàn toàn trong thu hoạch và trồng trọt, các ngành cơ khí điều khiển hệ thống thông minh. FPT liên minh với Fujitsu của Nhật Bản để đi vào hướng tự động hóa nông nghiệp ba năm nay và hy vọng họ sẽ gặt hái thành công trong rất nhiều hoạt động tự động hóa nông nghiệp.

Bên cạnh đó, về cơ khí công nghiệp nặng, những nhà máy thủy điện Việt Nam gần như nội địa hóa hết, như thủy điện Sơn La, Lai Châu… hàm lượng nội địa hóa rất sâu.

Để phát triển công nghệ cơ khí cần công nghệ vật liệu, các dòng thép cực nhẹ, cực bền trong ngành xe, hệ thống tưới rau củ quả cũng cần vật liệu cải tiến thêm. Chúng ta từng phát triển ngành vật liệu bốn mươi năm nay, lan tỏa vào các nhà máy, nhưng cả một thời gian dài bị bỏ quên. Nếu chịu khó phát triển sâu hơn về công nghệ vật liệu sẽ là tỏa nhiều lĩnh vực.

Chúng ta hay nói đến công nghệ cao, nhưng ít nhà đầu tư nào quan tâm đầu tư nghiên cứu công nghệ “đời cũ” trong sản xuất hóa chất, dược phẩm, hương liệu… một thế mạnh mà các nước khác vô cùng thèm muốn?

Chuyên gia Võ Văn Quang: Công nghệ “đời cũ” nói nôm na là công nghệ truyền thống và công nghệ 2.0, 3.0 như công nghệ cơ khí, công nghệ điều khiển, công nghệ vật liệu và hóa học. Những công nghệ cơ bản trong nông nghiệp và sản xuất sản phẩm tiêu dùng như trích ly, chưng cất, lên men, sấy khô, cấp đông, vô trùng… và rất nhiều công nghệ bao bì, bảo quản, vận chuyển, lưu kho… vẫn cần được nhìn nhận và ứng dụng đa dạng, hiệu quả trong đời sống, và là cơ hội kinh doanh lớn.

Việt Nam có nguồn nguyên liệu, nông nghiệp dược liệu vô cùng phong phú. Bộ Y tế những năm gần đây đã đổi mới phát triển dược liệu truyền thống để cân bằng dược liệu hóa chất. Tuy nhiên, chưa có những chiến lược hành động mạnh mẽ từ phía cộng đồng doanh nghiệp và khởi nghiệp.

Về phía quản lý nhà nước, dược truyền thống đang tồn tại những bất cập, cụ thể như một sản phẩm Đông dược đã qua kiểm chứng lâm sàng, nhưng vẫn phải đăng ký dưới dạng thực phẩm chức năng, và trên quảng cáo thì buộc phải ghi “sản phẩm này không phải là thuốc” (?).

Các nước đã nhận ra tiềm năng này từ lâu, trong đó Việt Nam có mấy ngàn năm kế thừa văn minh Thần Nông đang dần dần bị thất truyền, trong khi Trung Quốc khai thác rất tốt mà mình bỏ phí. Thương lái Trung Quốc qua Việt Nam thu mua rất nhiều sản phẩm nông dược và dược liệu mà Việt Nam không biết làm gì.

Hiện có nhiều doanh nghiệp Việt đã đầu tư vào lĩnh vực này rất thành công, như ADC khôi phục công nghệ truyền thống để trích ly tinh dầu khuynh diệp, xả… làm kẹo ngậm ho Codatux, sản lượng lợi nhuận ngang với thương hiệu nước ngoài là Strepsils.

Hay như Bảo Xuân của công ty Nam Dược tinh chất Estogen, doanh số ban đầu chỉ bằng một nửa Angela, thương hiệu từng chi quảng cáo khủng cho cuộc thi hoa hậu. Vậy mà ba năm sau doanh số trở thành số 1 Việt Nam, rất nhiều chị em phụ nữ từ 30 - 50 tuổi đều sử dụng.

Một loạt chế phẩm từ nọc rắn, tinh dầu chiết xuất từ cây cỏ như hoa hồi, sả, khuynh diệp, tràm… khi biến thành tinh dầu giá trị tính bằng vàng, dùng để chăm sóc sức khỏe, spa, xông hơi trong gia đình, nhưng hiện giờ ít ai khai thác, không có sản phẩm sẵn sàng, tiện dụng để dùng trong nhà.

Mình chưa có ý thức sản xuất ra sản phẩm cuối cùng. Người dân tộc Dao Đỏ vùng Tây Bắc mỗi người là một nhà lương y. Người Dao Đỏ vẫn lưu truyền những cuốn sách viết bằng chữ Nôm Dao cổ lưu lại rất nhiều phương thuốc quý. Một trong những đặc sản của Sapa là tắm thuốc lá của người Dao Đỏ có đến hơn bốn mươi thành phần thảo dược. Ngày xưa người dân lên rừng hái, giờ người ta đã trồng để khai thác, có cả những hợp tác xã triển khai sản xuất bền vững, chế phẩm thành từng gói bán cả nước.

Rất tiếc spa tắm thuốc, ngâm chân chưa đi vào hộ gia đình nhất là ở thành thị. Thói quen ngâm chân trước khi đi ngủ của ông bà xưa rất tốt, tiếc là mình đã đánh mất. Đây là cơ hội cho cả thế giới chứ không chỉ người Việt. Hàn Quốc, Nhật Bản rất mê mát-xa chân, ngâm chân. Mình nên đi theo hướng khai thác công nghệ hướng đến truyền thống, có chất xám trong đó, thay vì chỉ xuất khẩu lao động chân tay.

Thảo dược giờ chiếm tới 20- 30% của ngành dược, nhưng Bộ Y tế chưa khai thông, nhiều vị thuốc đã kiểm nghiệm lâm sàng nhưng vẫn bị cấp phép là thực phẩm chức năng, không phải thuốc. Bộ Y tế đã có chuyển hướng, nhưng vẫn còn nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, còn có một vấn nạn, Bắc Ninh là lò tiểu thủ công nghiệp rất tốt, nhưng cũng là lò làm hàng giả mà không ai kiểm soát, ăn theo, làm giả các sản phẩm có tên tuổi kể cả thực phẩm chức năng và thuốc đông dược, giết chết sản phẩm thật luôn.

Tôi tin đội ngũ chất xám ngành hóa dược không thua kém ai về trí tuệ, xứ mình là xứ thiên nhiên, bà con vùng Trà My, Yên Bái, những hộ gia đình chỉ cần một rừng quế vài sào tạm đủ sống. Người Hàn Quốc sau mỗi bữa ăn thường uống một chén quế, mà họ có quế đâu. Mọi bữa ăn người Nhật đều có gừng mà họ đâu có gừng! Đó chính là thị trường của chúng ta.

Đơn cử như đặc sản tỏi Lý Sơn, trước đây người trồng đã nâng giá trị bằng chế biến thành tỏi đen, rồi gần đây nhất là rượu tỏi đen, một sản phẩm công nghiệp cộng với truyền thống có thể đi rất xa.

Tỏi đen.

Tổng sản lượng chăn nuôi heo của Việt Nam rất lớn, nhưng vẫn chưa công nghiệp hóa được các khâu trong giống, thức ăn chăn nuôi… ảnh hưởng lớn đến chất lượng sản phẩm và rất khó kiểm soát khi có dịch bệnh xảy ra như vừa rồi?

Chuyên gia Võ Văn Quang: Việc chế biến thực phẩm từ hải sản, nông sản như cá basa, tôm và năm qua là sự trỗi dậy của chăn nuôi heo cho thấy tiềm năng rất lớn của nông nghiệp. Sản phẩm ẩm thực nổi tiếng của Tây Ban Nha là thịt heo muối thậm chí có giá trị cao ngang với xúc xích Đức, đó là gợi ý cho những sản phẩm chế biến hoàn chỉnh vươn ra thị trường thế giới. Kinh tế nông nghiệp hộ gia đình rất phù hợp với sản xuất chế biến theo quy mô nhỏ của Việt Nam, nhưng cần phải vượt qua thách thức về ứng dụng công nghệ phù hợp.

Xu hướng tiêu dùng sản phẩm đặc sản địa phương ví dụ như thịt lợn thảo mộc thì nhìn thấy cơ hội. Phải định nghĩa lại hai chữ công nghiệp trong nông nghiệp, không phải nấu nổi cám lợn hay ngược lại là sử dụng 100% thức ăn công nghiệp, mà công nghiệp hóa nồi cám lợn đó, và kiểm tra bằng máy móc quy trình, đóng nhãn mác đàng hoàng cho con gà, con vịt, con heo. Con gà mình ăn khác gà Mỹ, phải duy trì được thế mạnh đó chứ không theo người ta sản xuất gà công nghiệp.

Công nghiệp gỗ của mình cũng rất sáng sủa. Nhà thiết kế nội thất Asley của Mỹ đã hợp tác với Phố Xinh, nếu các tập đoàn bất động sản như Vinhome có hợp đồng bao tiêu nội thất với các công ty nội thất thì trị giá thị trường nội thất cả tỷ USD là điều hoàn toàn có thể. Gỗ cũng cần thiết bị cơ khí, hệ thống lập trình 2/3 tự động, cuối cùng mới làm bằng tay để trau chuốt lại sản phẩm.

Cơ hội lớn nhưng cũng tạo thách thức để doanh nghiệp phải vượt qua. Đặc biệt, công nghệ thông tin, số hóa, điều khiển tự động, trí tuệ nhân tạo… phải nhìn theo liên kết ngang với tất cả các ngành kia.

Ví dụ như Nano, cùng loại dược liệu với công nghệ nano nâng lên gấp nhiều lần, như Nano Cucumin chẳng hạn. Nano đi vào cả thức ăn cho nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi heo, bò gà… Anh Nguyễn Thanh Mỹ dưới Trà Vinh đã làm ra phân bón thông minh tan chậm Rynan Smart Fertilizers bón một lần cho cả vụ, gúp giải quyết thất thoát, hạn chế hiệu ứng nhà kính. Sản phẩm đã bắt đầu nhân rộng các tỉnh miền Tây.

Đó là sứ mệnh, cần sự đóng góp thiết thực của trí thức Việt Nam. Trí thức Việt kiều có mong muốn trở về đóng góp cho đất nước. Một số doanh nghiệp đã có cơ chế ban cố vấn, mời các chuyên gia công nghệ từ các nước về cố vấn cho chiến lược phát triển. Ông Phan Văn Trường, giáo sư, một công thần của nước Pháp, đã tích cực gầy dựng cộng đồng minh bạch cho nông nghiệp Việt Nam thông qua các dự án, thông tin về đầu ra của thị trường các nước châu Âu, châu Á, từ đó tạo ra ý tưởng, sự học hỏi, liên kết, lan tỏa ra cộng đồng.

Ông đánh giá thế nào về khả năng của công nghệ truyền thống kết hợp với công nghệ cao trong điều kiện chất xám còn có hạn ở Việt Nam?

Chuyên gia Võ Văn Quang: Rất nhiều cơ hội đang mở ra những luồng đầu tư nếu mình biết nắm bắt, nhưng phải chào mời, quảng bá để tạo làn sóng dịch chuyển đầu tư. Có một nghịch lý là xưa nay người Việt mình không coi trọng công nghệ truyền thống, kể cả công nghệ trong ngành giải trí, truyền thông. Tập đoàn CJ làm từ thức ăn chăn nuôi đến truyền hình, phim ảnh, doanh nghiệp mình có nghĩ đến điều đó không?

Để làm được điều đó, họ cử hàng ngàn sinh viên sang Hollywood học hỏi bài bản, từ đạo diễn, quay phim, viết kịch bản… Từ đó Hàn Quốc mới có nền giải trí phát triển vượt bậc, hình ảnh được cải thiện cực kỳ lớn, tạo nên sự yêu mến ngưỡng mộ của cả thế giới trong lúc chiến tranh còn chưa kết thúc, kéo theo sự phát triển kinh tế trong ba thập niên qua, từ ngành ô tô đến ngành giải trí.

Hơn nữa, Việt Nam quan niệm cổ hủ, cứ xem công nghệ là máy móc, trong khi công nghiệp âm nhạc thế giới mang lại giá trị thương mại lên đến ba trăm tỷ USD, một ngôi sao âm nhạc giá trị thương hiệu lên đến cả trăm triệu USD. Ở Việt Nam, ca sĩ Hồ Ngọc Hà năm 2018 đã công bố giá trị thương mại lên đến ba mươi tỷ đồng. Đàm Vĩnh Hưng, Tóc Tiên, Sơn Tùng…một khi trên mạng có hơn 100 triệu lượt xem đã chạm ngưỡng sao Hàn Quốc rồi. Trình độ tiếng Anh của ca sĩ Việt còn hơn cả ngôi sao Hàn Quốc…như Phạm Quỳnh Anh (với Bonjour Vietnam) chẳng hạn, hay gần đây nhất là Myra Trần. Đó là ngành công nghiệp không khói.

Rất nhiều doanh nghiệp không biết để có một tấm ảnh đẹp về xe hơi, nếu thuê nhiếp ảnh chuyên nghiệp phải tốn từ 150 đến 200 triệu đồng. Nhiều CEO không đánh được giá trị hình ảnh, dẫn đến hậu quả doanh nghiệp không đầu tư xứng tầm về hình ảnh thương hiệu và sản phẩm, cứ thế bỏ mặc, bị lệ thuộc về thương hiệu.

Cũng có một số CEO mới với tâm thế chuyên nghiệp, như Bamboo Airways vừa ra mắt đã đầu tư tầm cỡ từ chọn sản phẩm, hình ảnh tiếp viên 50% là Tây. Hoặc những CEO là con cháu trong gia đình, học từ nước ngoài về làm marketing, đã có những sáng tạo mang tầm quốc tế như nhà Bitis’, Tân Hiệp Phát… Đó là cái nhìn tích cực.

Cộng đồng khoa học của mình được đào tạo khá vững, giao thoa các trường phái công nghệ của Nga, Đông Đức, Tây Đức, Pháp, Mỹ, giờ là Hàn Quốc, Nhật Bản…

Nhưng với các CEO trẻ, khi nói đến công nghệ họ chỉ nghĩ đến số hóa mà quên công nghệ truyền thống. Thành ra phong trào khởi nghiệp nhiều khi chỉ “trà chanh chém gió”, nói phớt phớt không đi vào thực tế. Chỉ cần các bạn ấy xách ba lô về miền quê, sẽ thấy nhiều điều khác lạ.

Phải hài hòa giữa công nghệ truyền thống và công nghệ mới trong cả sản xuất và marketing, nghiên cứu và phát triển. Kết hợp thế mạnh của từng người trong mỗi lĩnh vực mới khả thi, vì bạn nghiên cứu suốt ngày ngồi trong phòng thí nghiệm, còn bạn marketing thì suốt ngày ngoài đường cũng hỏng, cần phải ghép đôi lại.

Hệ thống đại học cũng phải thay đổi theo hướng đó, khởi nghiệp từ năm đại học thứ ba, tạo đội nhóm từ các đại học khác nhau để có thể ra để tài thực tiễn hơn. Nên nhớ khi sở hữu ý tưởng, bạn đã có thể đăng ký và kêu gọi vốn chứ không ngồi đó chờ có tiền mới khởi nghiệp.

Xu hướng công nghệ đang lan tỏa mạnh mẽ vào cuộc sống, mang đến rất nhiều cơ hội nếu biết kết hợp công nghệ hiện đại vào bối cảnh sản phẩm truyền thống. Tiềm năng sản phẩm truyền thống của Việt Nam còn rất nhiều, rất cần sự khai thác của công nghiệp và các nhà doanh nghiệp dấn thân, nhất là những công ty khởi nghiệp.

Kim Yến

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/hai-hoa-cong-nghe-doi-cu-va-doi-moi-mo-ra-nhieu-co-hoi-kinh-doanh-1552547215898.htm