Hải Hà: Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển nông nghiệp toàn diện

Huyện Hải Hà luôn xác định phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp, sản phẩm OCOP trong xây dựng nông thôn mới (NTM), quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững... Báo Quảng Ninh điện tử, Cơ quan của Đảng Bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Vùng sản xuất chè tập trung tại xã Quảng Long là một trong số những vùng sản xuất tập trung được huyện Hải Hà quy hoạch và triển khai thực hiện thành công.

Vùng sản xuất chè tập trung tại xã Quảng Long là một trong số những vùng sản xuất tập trung được huyện Hải Hà quy hoạch và triển khai thực hiện thành công.

Phấn đấu năm 2020 hoàn thành chương trình xây dựng NTM, trong thời gian qua, huyện Hải Hà luôn xác định xây dựng NTM là chương trình liên tục, phát triển bền vững, không chạy theo thành tích, hướng tới xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu. Trong đó quan điểm xuyên suốt xây dựng NTM là căn bản; quy hoạch vùng sản xuất tập trung, tái cơ cấu ngành nông nghiệp cùng với thực hiện chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm là then chốt. Người nông dân là chủ thể để triển khai thực hiện.

Từ các nguồn lực, huyện dành nguồn vốn lớn cho đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, người nông dân tại vùng sản xuất tập trung được thuận tiện trong việc đi lại, thu hoạch sản phẩm, giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập.

Trong phát triển vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, huyện đã lập và phê duyệt các quy hoạch, như: Quy hoạch ngành trồng trọt và vùng sản xuất tập trung giai đoạn 2013-2020, định hướng 2030; Quy hoạch ngành chăn nuôi và cơ sở giết mổ tập trung giai đoạn 2013-2020, định hướng 2030; Quy hoạch ngành lâm nghiệp và cơ sở chế biến lâm sản tập trung giai đoạn 2013-2020, định hướng 2030; Quy hoạch ngành thủy sản và vùng nuôi trồng tập trung giai đoạn 2013-2020, định hướng 2030... Tập trung vào 4 lĩnh vực: Trồng trọt (trồng lúa chất lượng, mía tím thâm canh, chè, cây ăn quả, cây dược liệu...), chăn nuôi (bò chất lượng cao, gia súc, gia cầm), lâm nghiệp (cây nguyên liệu gỗ, lâm sản ngoài gỗ), thủy sản (tôm, nhuyễn thể, vùng nuôi lồng bè, thủy sản nước ngọt...).

Chủ trương của huyện trong thực hiện quy hoạch là phải khai thác, sử dụng hợp lý đất nông nghiệp, ứng dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xúc tiến thương mại để tạo thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định. Đến nay, đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung với quy mô diện tích lớn như: Vùng 700ha trồng chè, vùng 30ha trồng cam, vùng 150ha trồng mía tím, vùng 440ha nuôi tôm và nhuyễn thể...

Việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Hải Hà theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, qua đó sản xuất nông, lâm, thủy sản chuyển dịch theo đúng định hướng tái cơ cấu của ngành. Trồng trọt chuyển đổi từ đất trồng lúa, màu kém hiệu quả sang trồng ngô cao sản, cây ăn quả chất lượng cao, trồng ngô sinh khối, cỏ sinh khối. Chăn nuôi phát triển ổn định chuyển dịch theo hướng tập trung, toàn huyện hiện có 20 trang trại với tổng quy mô 136,7ha. Ngành lâm nghiệp chuyển dịch sang kinh doanh rừng cây gỗ lớn, cây dược liệu, sản xuất hàng hóa tập trung (cây quế, cây dược liệu). Ngành thủy sản tập trung triển khai hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, cấp điện, cấp nước...), từng bước chủ động về giống, kiểm soát dịch bệnh thủy sản cho nhân dân, góp phần tạo điều kiện phát triển nuôi trồng thủy sản.

Mô hình trồng cam Canh của gia đình chị Nguyễn Thị Nam, thôn Hải Đông, xã Quảng Thành.

Song song với đó, Hải Hà cũng tập trung hỗ trợ sản xuất, tạo điều kiện nguồn lực để nhân dân phát triển kinh tế. Tập trung phát triển các sản phẩm OCOP cả về số lượng và chất lượng, đến nay quy mô sản lượng, trữ lượng lưu trữ được duy trì ổn định. Tiêu biểu như: Hỗ trợ triển khai Đề án chè (gồm hỗ trợ giống trồng mới, trồng thay thế 92,4ha chè, hỗ trợ phân bón, nhà xưởng, áp dụng quy trình VietGAP trong chăm sóc cây chè) với tổng kinh phí 4,968 tỷ đồng; hỗ trợ thành lập mới 4 hợp tác xã và 12 tổ hợp tác liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm với tổng kinh phí 220 triệu đồng, triển khai hỗ trợ áp dụng quy trình VietGAP trên cây cam (20ha) và cây rau (13ha)... Đến nay, trên địa bàn huyện có 6 doanh nghiệp, 18 HTX đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là dự án liên kết trồng ngô, cỏ sinh khối cho Công ty Phú Lâm chăn nuôi bò. Toàn huyện có tổng số 37 sản phẩm của 28 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP.

Để đảm bảo khâu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp địa phương, huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp các xã, thị trấn thực hiện chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ đối với các sản phẩm OCOP. Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đã góp phần tích cực vào nhiệm vụ giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống người dân vùng nông thôn trên địa bàn, hướng đến sự phát triển nông nghiệp toàn diện của Hải Hà.

Thái Cảnh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202002/hai-ha-xay-dung-nong-thon-moi-gan-voi-phat-trien-nong-nghiep-toan-dien-2472227/