Hai giống lúa của Bạc Liêu thích nghi tốt vùng nhiễm mặn

Giống lúa BLR 103 và BLR 105 thích nghi cả vùng ngọt và vùng mặn, đặc biệt là thích nghi tốt trên nền đất lúa - tôm.

 Các giống lúa BLR 103 và BLR 105 được nhiều nông dân đánh giá cao về tính thích nghi với vùng mặn. Ảnh: Trọng Linh.

Các giống lúa BLR 103 và BLR 105 được nhiều nông dân đánh giá cao về tính thích nghi với vùng mặn. Ảnh: Trọng Linh.

Nhằm đáp ứng nhu cầu thực tế về nguồn giống lúa phục vụ sản xuất, xuất khẩu và thích ứng biến đổi khí hậu, đặc biệt là thích nghi vùng sản xuất tôm-lúa, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu (Trung tâm) thực hiện công tác lai tạo giống lúa chịu mặn, ngắn ngày, thích nghi với điều kiện canh tác của tỉnh.

Kỹ sư Dương Văn Ngô, Trưởng phòng Kỹ thuật thuộc Trung tâm Giống nông nghiệp Bạc Liêu cho biết: Trung tâm đã lai tạo và chọn lọc được 3 giống là BLR101, BLR103, BLR105 đáp ứng về khả năng chịu mặn, năng suất cao, thời gian sinh trưởng ngắn, chất lượng gạo khá.

Giống lúa BLR 103, được thử nghiệm tại ấp Ninh Thạnh Đông, xã Ninh Thạnh Lợi (Hồng Dân, Bạc Liêu). Ảnh: Trọng Linh.

Qua trình diễn thử nghiệm tại các vùng sinh thái khác nhau trên địa bàn tỉnh nhằm thanh lọc thực tế, ngành nông nghiệp đã quyết định loại bỏ giống BLR 101 (do yếu cây, dễ đổ ngã), còn giữ lại giống BLR 103 và BLR 105.

Các đặc tính sinh học của hai giống lúa BLR 103, BLR 105 khá nổi trội, có thời gian sinh trưởng từ 95 - 100 ngày. Đây là thành công bước đầu về mặt thời gian, so với giống bố mẹ là 135 ngày. Thứ hai là cây cứng không đổ ngã, thấp cây, đây cũng là khắc phục nhược điểm của cây bố mẹ (quá dài và cao cây, dễ đổ ngã). Thứ ba là năng suất rất cao, tại vùng sinh thái từ 6 - 7,5 tấn/ha. Tùy theo tính chất đất ở vùng lúa - tôm tốt hay xấu.

Theo kỹ sư Dương Văn Ngô, BLR 103 nằm trong bộ giống lúa chọn lọc theo hướng thích nghi với vùng đất nhiễm mặn, sản xuất tôm - lúa nên cũng có khả năng thích nghi với điều kiện phèn mặn cao. TGST từ 90-95 ngày đối với lúa sạ và 95-100 ngày đối với lúa cấy. Chiều cao cây từ 85 -90 cm, có khoảng 16 bông/bụi, trong lượng 1.000 hạt khoảng 22-23g. Hàm lượng protein rất cao trên 8.36 % đối với gạo trắng và 8.94% đối với gạo lức, hàm lượng amylose trung bình 23.2% , ngon cơm. Tuy nhiên, tỉ lệ gạo nguyên ở mức trung bình là 37%.

Đặc điểm nông học tốt, độ tàn lá muộn, thấp cây, cứng cây không đổ ngã, hạt gạo thon dài (trên 7,2 mm), vỏ trấu có sọc vàng nhạt đặc trưng giống hạt của giống lúa Một bụi đỏ. Ít sâu bệnh hại.

Tương tự, giống lúa BLR 105 cũng là giống thích nghi với vùng đất nhiễm mặn, sản xuất lúa - tôm. Đây là giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn (từ 90-100, tùy phương thức sạ hoặc cấy), bụi có nhiều bông trọng lượng 1.000 hạt khoảng 22-23g, chất lượng gạo tốt, ngon cơm. Giống lúa này cũng kháng sâu bệnh tốt, không phát hiện đạo ôn, rầy nâu, nhiễm sâu cuốn lá nhẹ.

So với Một bụi đỏ địa phương thì giống lúa BLR 103 và BLR 105 ngon hơn, mềm cơm hơn và dẻo hơn.

Ông Ngô cho biết, sau khi test mặn tại Trung tâm và đi thử mặn tại vùng sinh thái thì ở nồng độ mặn 5 phần ngàn, giống lúa BLR 103 và BLR 105 vẫn vô chắc hạt được. Cụ thể, vụ thu đông 2018 đem hai giống lúa này gieo trồng thử nghiệm tại các vùng sinh thái mặn tại huyện Phước Long và Hồng Dân (độ mặn trên dưới 4 phần ngàn), cây lúa phát tốt.

Sau đó, đến vụ thu đông 2019, tiếp tục thử nghiệm tại phường 1, TX. Giá Rai (Bạc Liêu) thuộc vùng mặn của Nam Quốc lộ. Tại đây đã triển khai thử nghiệm 15 ha (trước đó những giống lúa khác đã được thử nghiệm và đều chết hết). Qua đó, cho thấy giống lúa BLR103 và BLR 105 vẫn sống được và trổ bông, nhưng năng suất không cao (năng suất từ 2 - 3 tấn).

Kết quả này là tin vui cho nhiều bà con nông dân sản xuất theo mô hình lúa - tôm tại đây. Một số nông dân cho biết, đối với vụ lúa thu đông, chỉ cần có gốc rạ làm môi trường cho tôm nuôi trú ngụ, sinh trưởng là quý lắm rồi, chứ đừng nghĩ đến việc cho năng suất cao.

Anh Diệp Minh Thành, nông dân ngụ tại phường 1, (TX.Giá Rai) cho biết: “Tôi thật sự bất ngờ khi hai giống lúa này vẫn phát triển và trổ bông, cho năng suất 2 - 3 tấn/ha. Có lúa ăn như vậy là quý lắm rồi, trước đó, tôi đã thử nghiệm rất nhiều giống nhưng đều chết hết”.

Tại ấp 8, xã Phong Thạnh (Giá Rai) trước đây cả vùng này điều bỏ hết, không ai chịu trồng lúa. Sau đó, Trung tâm đã đem hai giống lúa BLR103 và BLR 105 xuống thử nghiệm trên diện tích 20 ha. Kết quả cuối vụ năng suất trung bình đạt khoảng 6 tấn/ha. Nhiều nông dân cho biết, lúa ít nhiễm bệnh, phát triển bình thường, chỉ cần chịu khó chăm sóc theo đúng quy trình là có thu hoạch.

Nông dân Trần Văn Hoài, ngụ xã Phong Thạnh cho biết, gia đình tôi đã sử dụng nhiều giống lúa, nhưng năng suất không cao, lúa bị nhiễm bệnh. Sau đó được Trung tâm Giống nông nghiệp Bạc Liêu giới thiệu giống lúa BLR 103 và BLR 105, vụ đầu đạt năng suất 6,2 tấn/ha, lúa ít nhiễm bệnh, gạo ngon cơm. Từ đó đến nay, gia đình tôi chỉ sạ giống BLR 103 và BLR 105.

Giống lúa BLR 103 và BLR 105 điều cho năng suất rất cao. Ảnh: Trọng Linh.

Xã Vĩnh Phú Tây (huyện Phước Long) được xem là điểm nóng về chuyển đổi vùng lúa tôm của tỉnh Bạc Liêu, sau khi thử nghiệm BLR 103 và BLR 105 cho năng suất đạt gần 7 tấn/ha. Lý Văn Thao, nông dân xã Vĩnh Phú Tây cho biết, đặc điểm của giống BLR 103 và BLR 105 là thích ứng tốt với vùng nhiễm mặn, cây lúa ít bị nhiễm bệnh, năng suất cao.

Ông Trương Phước Hiền, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phước Long cho biết: Vụ ĐX và vụ mùa 2019 - 2020, toàn huyện thử nghiệm 200 ha giống BLR103 và BLR105, thu hoạch cho năng suất rất cao, từ 7 - 7,5 tấn/ha. Ưu điểm của BLR 103 và BLR 105 là thích nghi tốt cả vùng ngọt và vùng mặn. Đặc biệt, đối với vùng mặn, lúa ít bị nhiễm bệnh, ít tốn phân thuốc, nông dân trồng lúa được lãi cao.

Dự kiến kế hoạch năm 2020, tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục triển khai xây dựng thêm 10 cánh đồng lớn, nâng tổng số toàn tỉnh lên 38 cánh đồng lớn, với tổng diện tích liên kết sản xuất, bao tiêu là 76.000ha lúa. Tỉnh sẽ ưu tiên sản xuất các giống lúa thơm chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng và thích ứng với biến đổi khí hậu như: Nàng Hoa 9, Đài Thơm 8, RVT, OM 5451, OM 7347, DS 1, Lộc Trời 1, Lộc Trời 18, hay các giống lúa thích ứng với hạn mặn như ST 24, ST 25 và giống BLR 103 và BLR 105… Đồng thời, duy trì phát triển lúa mùa đặc sản địa phương như Tài nguyên, Một bụi đỏ…

Ông Lưu Hoàng Ly - Giám đốc Sở NN-PNTN tỉnh Bạc Liêu: Phải chủ động chuyển đổi cơ cấu giống cho phù hợp điều kiện tự nhiên, lịch thời vụ sản xuất, trước khi quá muộn. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng ngày càng rõ nét, nước biển dâng, độ mặn cao, xâm nhập sớm và sâu vào nội địa; mưa nắng bất thường, có lúc mưa nhiều tập trung gây ngập úng, có lúc nắng hạn kéo dài, thiếu nước ngọt để sản xuất; nhiệt độ tăng cao làm cho dịch bệnh trên cây trồng diễn biến bất thường và phức tạp.

TRỌNG LINH

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/hai-giong-lua-cua-bac-lieu-thich-nghi-tot-vung-nhiem-man-d267861.html