Hai gia đình ở Nghệ An có 5 anh em ruột hoạt động cách mạng

Ngay từ khi các tổ chức cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ở Nghệ An có không ít gia đình có nhiều thành viên tham gia hoạt động cách mạng. Có những gia đình có 5 anh em ruột cùng tham gia đấu tranh cách mạng, bị địch bắt, tù đày.

Chuyện ở làng Nhân Hậu

Về xã Nam Sơn (Đô Lương), chúng tôi được bà con kể về tấm gương gia đình ông Nguyễn Văn Nhiêu (còn gọi Nguyễn Văn Hài) ở làng Nhân Hậu có tới 5 người con từng tham gia hoạt động cách mạng, trong đó 4 người được công nhận là lão thành cách mạng. Tìm hiểu từ công trình “Lịch sử Đảng bộ xã Nam Sơn” và Gia phả dòng họ Nguyễn Văn, chúng tôi được biết một ít thông tin về gia đình khá đặc biệt này.

Theo đó, ông Nguyễn Văn Nhiêu từng thi đỗ Tú tài khoa thi năm 1906, từng được cử giữ chức Bang tá nhưng ông không nhận lời. Vợ chồng ông Nhiêu có 5 người con đều học giỏi, đỗ đạt và tham gia hoạt động, đóng góp cho phong trào cách mạng trên mảnh đất quê hương.

Ông Nguyễn Văn Quỳ được công nhận lão thành cách mạng khi đã qua đời. Ảnh tư liệu

Ông Nguyễn Văn Quỳ được công nhận lão thành cách mạng khi đã qua đời. Ảnh tư liệu

Con trai cả là Nguyễn Văn Quỳ (SN 1887), năm Khải Định thứ 3 (1918) dự thi và đậu Tam trường; năm Bảo Đại thứ 3 (1927) được bổ làm quan ở Cát Ngạn. Đến năm 1929, bị tình nghi tham gia phong trào đấu tranh của tổ chức cộng sản nên bị kết 5 năm tù giam. Hết hạn giam giữ, ông trở về địa phương tiếp tục hoạt động.

Em trai ông Nguyễn Văn Quỳ là Nguyễn Văn Chuyên (SN 1889), thi đỗ Tú tài năm Thành Thái thứ 8 (1906). Theo bước chân người anh trai, ông Chuyên không ra làm quan mà mở lớp dạy học và tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương. Về sau, ông Nguyễn Văn Chuyên được Đảng và Nhà nước công nhận là lão thành cách mạng.

Người con thứ ba của ông Nguyễn Văn Nhiêu là ông Nguyễn Văn Luyện (SN 1908), là một thanh niên giàu nhiệt huyết, có tư tưởng tiến bộ và cùng nhân dân địa phương đứng lên đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng. Sớm được giác ngộ tinh thần yêu nước và cách mạng, năm 1925, Nguyễn Văn Luyện đã xuất dương sang Thái Lan hoạt động.

Ông Nguyễn Văn Luyện và Nguyễn Văn Chuyên được công nhận lão thành cách mạng khi còn sống. Ảnh tư liệu

Nhiệm vụ được giao là vừa học chính trị, vừa vận động Việt kiều ở Thái Lan phát triển kinh tế, làm chỗ dựa vững chắc cho cơ sở cách mạng của ta. Năm 1931, ông Nguyễn Văn Luyện được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Mấy năm sau, ông được điều về quê tiếp tục hoạt động, tham gia lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945 ở địa phương.

Cách mạng thành công, ông Nguyễn Văn Luyện tiếp tục hoạt động trong phong trào xây dựng hợp tác xã, được công nhận là lão thành cách mạng và qua đời năm 1991. Hiện nay, tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đang lưu giữ chiếc cặp da của đồng chí Nguyễn Văn Luyện dùng để đựng tài liệu trong quá trình hoạt động cách mạng ở Thái Lan.

Cây bàng cổ thụ ở làng Nhân Hậu, xã Nam Sơn (Đô Lương) - nơi từng treo cờ đỏ búa liềm trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930 - 1931). Ảnh tư liệu: Huy Thư

Nối tiếp truyền thống gia đình, ông Nguyễn Văn Uyển (SN 1911) sớm tham gia hoạt động cách mạng. Tham gia đấu tranh trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, ông bị địch bắt vào năm 1930 rồi lưu đày vào Quảng Ngãi và bị chết trong nhà lao khi mới 20 tuổi đời. Ông Uyển được công nhận là liệt sỹ 30 - 31 và cán bộ lão thành cách mạng.

Theo bước chân các anh, người em út là Nguyễn Văn Thành (SN 1912) cũng sớm tham gia hoạt động đấu tranh cách mạng và bị bắt cùng thời điểm với người anh thứ tư (Nguyễn Văn Uyển). Ông Thành bị giam giữ ở Nhà lao Vinh, hết hạn tù, trở về quê được mấy ngày thì qua đời khi chưa đầy 19 tuổi.

Xứng danh người Cát Ngạn

4 năm trước (2016), có dịp về xã Cát Văn (Thanh Chương) dự kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông Trần Hữu Doánh - nguyên Bí thư Huyện ủy Thanh Chương, chúng tôi thực sự ngưỡng mộ truyền thống cách mạng của gia đình. Bởi gia đình ông Trần Hữu Hoằng (thân sinh của ông Doánh) có tới 4 người con đứng vào hàng ngũ của Đảng ngay từ những ngày đầu thành lập.

Vợ chồng ông Trần Hữu Hoằng (thường gọi cố Mân) sinh được 5 người con (3 trai, 2 gái), gồm: Trần Thị Đích, Trần Hữu Oánh, Trần Thị Tuyết, Trần Hữu Doánh và Trần Hữu Quán. Trong 5 anh em, Trần Hữu Doánh học giỏi, thi đậu vào Trường Quốc học Vinh. Ông cùng các bạn đồng môn sớm được giác ngộ và tham gia đấu tranh cách mạng.

Bà Phạm Thị Đào (trái), con dâu ông Trần Hữu Doánh kể về truyền thống cách mạng của gia đình và vùng quê Cát Văn (Thanh Chương). Ảnh tư liệu Đào Tuấn

Ông Doánh cùng với những người bạn là Nguyễn Tiềm (sau này là Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An đầu tiên), Hoàng Trần Thâm thành lập ra tổ chức Sinh Đoàn Nghệ An để lãnh đạo phong trào đấu tranh của học sinh. Khi thực dân Pháp phát hiện, chúng đã đuổi những người tham gia hoạt động cách mạng khỏi trường học.

Trần Hữu Doánh về quê tập hợp được 30 thanh niên của tổng Cát Ngạn thành lập Trại Cày ở Khe Trường. Tháng 11/1929, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Cát Ngạn được thành lập, ông Doánh được bầu làm Bí thư chi bộ.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, gia đình cố Mân trở thành cơ sở hoạt động của cách mạng, là nơi hoạt động của nhiều cán bộ Xứ ủy, Tỉnh ủy lâm thời như: Nguyễn Phong Sắc, Lê Viết Thuật, Lê Xuân Đào, Nguyễn Liễn, Nguyễn Bình… Và cả 5 người con trong gia đình đều tham gia đấu tranh chống Pháp, 4 người trở thành đảng viên trong những năm 1930 - 1931.

Cán bộ và người dân xã Cát Văn (Thanh Chương) xem tư liệu trưng bày nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh ông Trần Hữu Doánh. Ảnh tư liệu: Đào Tuấn

Trần Hữu Doánh là một trong những đảng viên đầu tiên của huyện Thanh Chương, làm Bí thư Chi bộ tổng Cát Ngạn. Trần Hữu Oánh và Trần Hữu Quán phụ trách Đội Tự vệ đỏ. Trần Thị Tuyết là một trong những người phụ nữ đầu tiên của huyện Thanh Chương đứng vào hàng ngũ của Đảng, là người phụ nữ đã cầm cờ búa liềm dẫn đầu đoàn biểu tình của tổng Cát Ngạn trong cuộc biểu tình ngày 1/9/1930.

Sau cuộc biểu tình ngày 1/5/1930, gia đình cố Mân bị thực dân Pháp liệt vào đối tượng nguy hiểm và thường xuyên tìm mọi cách khủng bố. Tháng 1/1931, ông Trần Hữu Doánh được Tỉnh ủy Nghệ An chỉ định làm Bí thư Huyện ủy Thanh Chương, đến tháng 4/1931 được điều động lên Tỉnh ủy.

Tháng 6/1932, Trần Hữu Doánh bị địch bắt và tuyên mức án tù khổ sai chung thân, đày đi Nhà tù Lao Bảo. Thời điểm này, 2 người con trai khác của cố Mân là Trần Hữu Oánh và Trần Hữu Quán cũng đều bị kết án tù khổ sai chung thân và bị đày đi đến Nhà tù Buôn Ma Thuột. Còn bà Trần Thị Tuyết cũng bị bắt tại Đô Lương và bị kết án 15 năm tù giam.

Một góc xã Cát Văn (Thanh Chương) ngày nay. Ảnh: Viết Sơn

Đêm 5/12/1942, Trần Hữu Doánh cùng một số đồng chí của mình vượt ngục, tìm đường trở về quê gây dựng lại cơ sở cách mạng. Ngày 5/4/1945, đang trên đường từ cơ sở ở Vĩnh Giang đến Giang Sơn (Đô Lương), do đụng độ một toán lính Pháp, ông đã hy sinh khi nước nhà sắp giành được độc lập.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, các ông Trần Hữu Oánh và Trần Hữu Quán thoát khỏi tù ngục và tiếp tục hoạt động, tham gia bảo vệ và xây dựng quê hương, là những cán bộ lão thành cách mạng được đồng chí, đồng bào kính trọng.

Có thể nói gia đình ông Nguyễn Văn Nhiêu và gia đình ông Trần Hữu Hoằng đã góp phần tô đậm truyền thống yêu nước và cách mạng của quê hương Nghệ An, góp phần đi đến thắng lợi cho cách mạng, mang lại cuộc sống độc lập, tự do và hòa bình cho đất nước, nhân dân…

Công Khang

(Tổng hợp)

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/hai-gia-dinh-o-nghe-an-co-5-anh-em-ruot-hoat-dong-cach-mang-273368.html