Hai 'gã khổng lồ' tên lửa Mỹ bắt tay xây dựng 'đế chế quốc phòng' lớn nhất thế giới

Ngày 10/6, hai nhà sản xuất tên lửa hàng đầu Mỹ là Raytheon và United Technologies sẽ hợp tác xây dựng công ty quốc phòng lớn nhất thế giới trị giá khoảng 121 tỷ USD.

Tàu khu trục tên lửa dẫn đường của Hải quân Mỹ đang phóng tên lửa Tomahawk. (Nguồn: AFP)

Tờ Washington Post đưa tin, công ty sáp nhập mới sẽ có tên Raytheon Technologies Corporation. Dự kiến, việc sáp nhập sẽ diễn ra vào nửa đầu năm 2020 thông qua hình thức trao đổi cổ phần. Giới phân tích đánh giá, Raytheon Technologies Corporation sẽ là công ty hàng không vũ trụ lớn thứ hai của Mỹ, sau Boeing.

Tuy hai, mà một

Trong một tuyên bố chung mới đây, đại diện hai nhà sản xuất tên lửa lớn nhất nước Mỹ khẳng định: “Việc hợp nhất hai công ty thông qua trao đổi cổ phần sẽ tạo ra một nhà cung cấp hàng đầu với các công nghệ tiên tiến để phục vụ các phân khúc đang phát triển nhanh chóng trong ngành hàng không vũ trụ và quốc phòng.”

Theo đó, Raytheon sẽ chế tạo tên lửa, bao gồm cả hệ thống tên lửa phòng không và các công cụ an ninh mạng, trong khi United Technologies đảm nhận nhiệm vụ sản xuất các sản phẩm cho ngành hàng không vũ trụ và xây dựng, trong đó có động cơ máy bay và thiết bị vũ trụ.

Lính Mỹ đứng cạnh tên lửa đất đối không. (Nguồn: Reuters)

Sau nhiều năm tồn tại trên thị trường Mỹ, Raytheon là nhà sản xuất đi đầu trong hệ thống tên lửa phòng không và tên lửa hành trình Tomahawk. Đây được cho là những loại vũ khí đầu tiên được bắn từ tàu Hải quân Mỹ gần đây. Còn United Technologies (UTC) là một công ty lớn trong ngành hàng không với động cơ Pratt và Whitney nổi tiếng được sử dụng trong máy bay dân dụng và quân sự.

Tạp chí Wall Street Journal cho hay, các cuộc đàm phán đã được tiến hành giữa hai trụ cột của ngành hàng không và công nghiệp quốc phòng xứ cờ hoa. Theo đó, “việc sáp nhập bình đẳng” này sẽ kết thúc sau khi United Technologies nhận bàn giao hệ thống thang máy Otis, cùng với hệ thống điều hòa không khí và xây dựng của Carrier. Dự kiến, việc phân chia các tài sản sẽ được hoàn thành vào nửa đầu năm 2020.

Tiên phong dẫn bước

Việc sáp nhập giữa UTC với Raytheon sẽ khiến công ty hợp nhất Raytheon Technologies Corporation trở thành tập đoàn sở hữu các thương hiệu hàng đầu và đa dạng nhất trên thế giới.

Trong một tuyên bố mới đây, Giám đốc điều hành của UTC Gregory Hayes sẽ đảm nhận vai trò lãnh đạo của tập đoàn mới, trong khi người đứng đầu của Raytheon Thomas Kennedy sẽ trở thành chủ tịch hội đồng quản trị. Hai năm sau khi quá trình sáp nhập hoàn tất, Giám đốc Hayes sẽ đảm nhiệm cả hai vị trí CEO và Chủ tịch hội đồng quản trị.

Thương vụ sáp nhập giữa Raytheon và United Technologies Corporation sẽ tạo ra một tập đoàn lớn sở hữu hệ thống điều khiển GPS hiện đại nhất thế giới. (Nguồn: Raytheon)

Giới quan sát nhận định, công ty Raytheon Technologies Corporation nhiều khả năng sẽ cạnh tranh với đối thủ đang tạm dẫn đầu là Lockheed Martin trong các chương trình tên lửa siêu thanh mới đây của Bộ Quốc phòng Mỹ. Giám đốc của Raytheon Kennedy tiết lộ, công ty mới sáp nhập này sẽ tiếp tục theo đuổi các hợp đồng an ninh mạng quân sự, dựa trên khoảng 16 thương vụ mua bán lại mà công ty đã thực hiện trong những thập kỷ gần đây.

Quan trọng hơn, thương vụ sáp nhập này cũng sẽ giúp Raytheon có chỗ đứng vững chắc trong thị trường hàng không vũ trụ thương mại tại cường quốc quân sự hàng đầu thế giới, khi đa số doanh thu của Raytheon đều đến từ Lầu Năm Góc và các cơ quan tình báo Mỹ. Sau khi sáp nhập, khoảng 50% doanh thu sẽ đến từ việc cung cấp các bộ phận và linh kiện cho thị trường hàng không thương mại.

Công ty con của United Technologies là Pratt & Whitney đã sản xuất các động cơ để cung cấp năng lượng cho máy bay thương mại Airbusline A220, A320neo và A380, đồng thời là nhà cung cấp hàng đầu động cơ phản lực quân sự, động cơ phản lực siêu thanh cho máy bay chiến đấu F-15, F-16 và F-35.

(theo AFP, The Washington Post)

Hải Yến

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hai-ga-khong-lo-ten-lua-my-bat-tay-xay-dung-de-che-quoc-phong-lon-nhat-the-gioi-95654.html