Hải Dương: Xử phạt doanh nghiệp ''lén'' đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài

Công ty TNHH Falcon Việt Nam tại Hải Dương vừa bị phạt 150 triệu đồng vì đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc mà không báo cáo, hoặc đã báo cáo nhưng chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Theo nguồn tin của PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương vừa ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Falcon Việt Nam (Đại An), trụ sở tại Lô XN 40, Khu Công nghiệp Đại An, phường Tứ Minh, TP. Hải Dương do vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo đó, Công ty TNHH Falcon Việt Nam bị phạt tiền 150 triệu đồng do đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính: Doanh nghiệp nhận thầu, trúng thầu, tổ chức đầu tư ra nước ngoài có hành vi đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc mà không báo cáo, hoặc đã báo cáo nhưng chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Hành vi vi phạm của Công ty TNHH Falcon Việt Nam được quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 30 Nghị định số 95/2013/NĐ_CP ngày 22/8/2013 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Mức tiền phạt từ 150 triệu đồng đến 180 triệu đồng.

Khu Công nghiệp Đại An, tỉnh Hải Dương.

Được biết, Công ty TNHH Falcon Việt Nam (Đại An) có ông Lim Kim Hong là người đại diện theo pháp luật, đảm nhiệm chức Tổng giám đốc. Ngành nghề sản xuất chủ yếu của Công ty là sản xuất kinh doanh đồ nội thất, các thiết bị liên quan đến trang trí nội thất.

Trong một diễn biến khác, theo tìm hiểu của PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), tính đến tháng 6/2018, cả nước có 335 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có 14 doanh nghiệp Nhà nước, 256 công ty cổ phần, 65 công ty trách nhiệm hữu hạn. Các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu ở Hà Nội (chiếm 60%), TP. HCM (20%) và 20% là tại các địa phương khác.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2018, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã trình Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp mới 20 giấy phép kinh doanh cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, đã nhận hồ sơ đề nghị đổi giấy phép của gần 80 doanh nghiệp. Qua theo dõi, quy mô và trách nhiệm hoạt động của các doanh nghiệp từng bước được cải thiện; có một số doanh nghiệp đưa được trên 500 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Cùng với đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã phối hợp với Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiến hành thanh tra tại 7 doanh nghiệp, trong đó thanh tra đột xuất 1 doanh nghiệp. Qua thanh tra, Cục đã ban hành 6 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 550 triệu đồng và thu hồi giấy phép của một doanh nghiệp. Trước đó, trong năm 2017, đã có 46 doanh nghiệp xuất khẩu lao động bị thu hồi giấy phép hoạt động.

Tính đến thời điểm hết tháng 6/2018, Đài Loan vẫn là thị trường dẫn đầu về số lao động đi làm việc ở nước ngoài với 30.882 người, nâng tổng số lao động Việt Nam đang làm việc tại nước này lên 213.000 lao động, mức thu nhập bình quân đạt khoảng 16 triệu đồng/tháng. Kế tiếp là các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc với mức thu nhập khoảng 26 triệu đồng/tháng, Ả rập Xê út với 9 triệu đồng/tháng…

Doãn Hưng - Văn Huy

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/hai-duong-xu-phat-doanh-nghiep-len-dua-lao-dong-viet-nam-ra-nuoc-ngoai-d2058986.html