Hải Dương: Thêm một công ty có dấu hiệu lừa đảo xuất khẩu lao động

Qua môi giới và nghe những lời hứa hẹn một công việc tốt, lương cao nơi xứ người, 18 người dân đã nộp tiền và hồ sơ cá nhân bản gốc cho Công ty Vikor rồi nhận lại thông tin đơn vị này bỗng dưng dời đi không còn dấu vết.

Số nhà 283 đường Thanh Niên mà Công ty Vikor niêm yết địa chỉ đăng ký kinh doanh đã chuyển đổi cho 1 hộ kinh doanh khác làm chủ.Ảnh: Việt Phương

Phản ánh tới Công lý & Xã hội, anh Trần Đình G. (trú tại phường Việt Hòa, TP. Hải Dương) cho biết, vào tháng 6/2019, anh đến Công ty Vikor (số 283 đường Thanh Niên, phường Hải Tân, TP Hải Dương), để trao đổi về chương trình sang Úc làm việc theo diện visa 407 (visa thực tập cho phép người lao động học và thực tập tại nơi làm việc - PV) với mục đích phát triển chuyên môn, nâng cao tay nghề với Công ty CP Đầu tư quốc tế Vikor.

Ngày 04/6/2019, anh G. ký thỏa thuận tư vấn lao động với Công ty Vikor, người ký là bà Mạc Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty.

Theo thỏa thuận, Công ty Vikor tư vấn và cung cấp dịch vụ tổ chức chương trình lao động nông nghiệp tại Úc theo diện visa 407 cho G., chương trình này có thời hạn làm việc 2 năm, sau đó có thể gia hạn thêm 2 năm. Mức lương từ 60 - 80 triệu đồng/tháng, chưa bao gồm tăng ca. Sau 6 tháng, nếu thi tiếng Anh tốt, làm việc tốt thì có thể bảo lãnh người thân sang làm việc cùng.

Được một người môi giới dẫn đến Công ty Vikor, anh Nguyễn Lê V. (trú tại Duy Hòa, Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), được một người tên Dưng và tự xưng là nhân viên công ty đã tư vấn cho anh V. về chương trình xuất khẩu lao động theo diện visa 407 sang Úc làm thực tập sinh ngành điều dưỡng. Sau 2 năm làm việc có thể gia hạn thêm 1 lần (2 năm). Mức lương bảo đảm từ 80 - 90 triệu đồng/tháng. Ngày 01/7/2019, anh V. đã ký thỏa thuận tư vấn lao động với Công ty Vikor. Người ký cũng là bà Mạc Thị Hiền với các điều khoản tương tự như bản thỏa thuận của anh G.

Theo tài liệu từ người dân cung cấp, qua môi giới và tiếp xúc với những lời hứa hẹn một tương lai tươi sáng, trong khoảng tháng 6 và tháng7/2019, có 18 người đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau như: Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Trị, Nghệ An, Gia Lai, Thanh Hóa, Hà Tĩnh... tin tưởng ký thỏa thuận tư vấn lao động với Công ty Vikor.

Sau khi ký thỏa thuận tư vấn lao động, Công ty Vikor tổ chức cho những người này học tiếng Anh ở địa điểm công ty thuê là Cơ sở 2 Trường Đại học Sao Đỏ (TP. Chí Linh), tháng 12/2019, các học viên kết thúc khóa học. Tháng 2 và tháng 3/2020, tất cả 18 người ký kết với Công ty Vikor đều hết hạn thời gian sang Úc làm việc theo quy định trong thỏa thuận tư vấn lao động mà hai bên đã ký kết.

Từ khi ký thỏa thuận đến lúc hoàn thành khóa học tiếng Anh, mỗi người đều đã đóng cho Công ty Vikor 14.000 USD (tương đương khoảng 325 triệu đồng - PV) đồng thời nộp học bạ, bằng tốt nghiệp bản gốc cho công ty.

Mặc dù đã hết thời hạn theo thỏa thuận nhưng doanh nghiệp này không đưa được ai sang Úc làm việc và cũng không hoàn trả lại kinh phí, hồ sơ theo cam kết cho những người đã đăng ký. Mặt khác, doanh nghiệp liên tục khất lần, đưa ra các lý do thoái thác. Nghi vấn bị lừa, những người dân này đã tìm cách “gõ cửa” các cơ quan chức năng mong tìm lại số tiền đã mất và làm rõ dấu hiệu lừa đảo của Công ty Vikor.

Lần theo trụ sở các văn phòng làm việc theo thông tin đăng ký doanh nghiệp và theo thông tin người dân cung cấp, phóng viên phát hiện căn nhà tại địa chỉ đăng ký kinh doanh số 283 đường Thanh Niên (TP Hải Dương) không có biển hiệu của công ty này. Các biển hiệu, logo tại Cơ sở 2 Trường Đại học Sao Đỏ cũng bỗng dưng biến mất.

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với phóng viên, ông Vũ Hồng Khiêm - Giám đốc Sở Lao động Thương binh & Xã hội tỉnh Hải Dương cho biết, đơn vị chưa nhận được thông tin nào từ phía người dân về việc Công ty Vikor tại TP Hải Dương liên quan đến việc lừa dối người lao động.

Ông Khiêm cũng khẳng định, trên địa bàn tỉnh Hải Dương, không có Công ty nào tên Vikor được cấp phép hoạt động lĩnh vực đưa người lao động ra nước ngoài làm việc.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Huyền (SN 1977, trú thôn Bằng Giã, xã Tân Việt, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương), Giám đốc Công ty AEO, địa chỉ tại đường Trường Chinh, phường Tứ Minh, TP Hải Dương) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, số tiền chiếm đoạt lên tới hơn 1 tỷ đồng cũng với thủ đoạn đưa người đi xuất khẩu lao động nhưng sau khi nhận tiền thì “đánh bài chuồn”.

Đình Quế

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/hai-duong-them-mot-cong-ty-co-dau-hieu-lua-dao-xuat-khau-lao-dong-49236.html