Hải Dương: Sẽ hoàn thành mục tiêu đô thị hóa vào năm 2020

Những tháng đầu năm 2019, trong lĩnh vực phát triển đô thị (PTĐT), tỉnh Hải Dương liên tiếp đón nhận những tin vui: TP Hải Dương được công nhận là đô thị loại I, đô thị Chí Linh được công nhận là thành phố trực thuộc tỉnh, thị trấn Kinh Môn mở rộng được thẩm định đạt tiêu chí đô thị loại IV… Đây là 3 đô thị hạt nhân và là 3 khu vực đô thị động lực phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh Hải Dương.

Hệ thống đô thị Hải Dương ngày càng lớn mạnh.

3 hạt nhân đô thị đồng thời được nâng hạng

Ngày 17/5/2019, tại Quyết định 580/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã công nhận TP Hải Dương mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh Hải Dương.

Thành phố có vị trí quan trọng, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và kề sát vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ.

Với các ngành chủ đạo là công nghiệp, dịch vụ, thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng trọng tâm ven sông Thái Bình... thành phố được xác định là trung tâm hành chính, văn hóa, du lịch, giáo dục, khoa học kỹ thuật, dịch vụ của tỉnh Hải Dương; trung tâm tăng trưởng kinh tế và đô thị có vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội đối với tỉnh, vùng tỉnh, vùng Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Đồng bằng sông Hồng.

Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hải Dương đã tập trung khai thác mọi nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng quy mô, chỉnh trang quản lý đô thị, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, chú trọng xây dựng văn hóa đô thị và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

TP Hải Dương đã hoàn thành mục tiêu tăng dần tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp, xây dựng và giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, thủy sản. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt 95,8%, riêng khu vực nội thị là 98,4%.

Theo lãnh đạo tỉnh Hải Dương, việc công nhận TP Hải Dương đạt tiêu chí đô thị loại I sẽ tác động mạnh mẽ đến quá trình đô thị hóa và phát triển công nghiệp các vùng lân cận trong tỉnh, đáp ứng vai trò là đô thị lớn trung tâm cấp vùng của vùng Thủ đô Hà Nội.

Đây cũng sẽ là bước đột phá, tạo điều kiện cho thành phố phát triển nhanh về mọi mặt, xứng đáng là thành phố có vai trò động lực phát triển đối với cả khu vực và vùng đồng bằng Bắc Bộ, trở thành đầu tàu kéo theo sự phát triển mọi mặt của cả khu vực và các đô thị lân cận.

Người dân TP Hải Dương cũng tin tưởng rằng việc nâng cấp lên đô thị loại I sẽ tạo thế và lực mới cho thành phố trong xu thế hội nhập và tác động tích cực đến sự phát triển của Hải Dương cũng như các địa phương khác trong vùng.

Trước đó, ngày 10/01/2019, Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH14 về việc sáp nhập 2 đơn vị hành chính cấp xã, thành lập 6 phường và thành lập TP Chí Linh… Theo đó, từ ngày 01/3/2019, Chí Linh chính thức trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Hải Dương.

Đánh giá cao những kết quả TP Chí Linh đã đạt được, tại Lễ công bố Nghị quyết số 623/NQ-UBTVQH14, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển nhận định: TP Chí Linh cùng với TP Hải Dương là hai địa phương đầu tiên của tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Cơ cấu kinh tế của Chí Linh chuyển dịch theo hướng tích cực, với tỷ trọng công nghiệp trên 57%; thương mại dịch vụ trên 32%; nông nghiệp giảm còn khoảng hơn 10%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt trên 75 triệu đồng/người/năm (cao hơn mức trung bình của tỉnh và cả nước).

Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo, thời gian tới, TP Chí Linh cần làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, định hướng xây dựng thành phố trở thành đô thị loại II, tiến tới là đô thị loại I, là trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch của tỉnh Hải Dương.

Chí Linh cần quan tâm bảo vệ môi trường, lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược để xây dựng thành phố phù hợp với quy hoạch; đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng du lịch, đưa Chí Linh trở thành vùng phát triển về du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, đồng thời quan tâm đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn…

Một đô thị đóng vai trò động lực phát triển của tỉnh Hải Dương nữa là đô thị Kinh Môn mở rộng cũng đã đạt bước tiến quan trọng trong PTĐT. Tháng 3/2019, đô thị Kinh Môn mở rộng đã được Hội đồng thẩm định Bộ Xây dựng công nhận đạt tiêu chí đô thị loại IV.

Theo nhận định của Hội đồng, đô thị Kinh Môn đã tập trung phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và nhiều dự án, công trình nhằm nâng cao chất lượng sống người dân đô thị, thu hút nhiều dự án đầu tư...

Việc công nhận Kinh Môn đạt tiêu chí đô thị loại IV là rất cần thiết, tạo tiền đề nâng cấp Kinh Môn thành thị xã trước năm 2020. Kinh Môn sẽ tiếp tục được định hướng phát triển và đầu tư nâng cấp theo các tiêu chí cao hơn, phát huy mạnh mẽ vai trò chức năng là trung tâm tổng hợp về hành chính, chính trị, kinh tế... thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Bắc tỉnh Hải Dương và khu vực lân cận.

Cùng với việc nâng cấp, nâng loại 3 đô thị hạt nhân, Hải Dương cũng đã nâng cấp từ đô thị loại V lên đô thị loại IV cho thị trấn Kẻ Sặt, thị trấn Gia Lộc và thành lập mới một số đô thị loại V.

Những thành quả quan trọng trong PTĐT nói trên đã giúp Hải Dương đang tiến gần tới việc hoàn thành mục tiêu được đặt ra trong Chương trình PTĐT toàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là nâng tỷ lệ đô thị hóa đạt 33,98% vào năm 2020.

Hệ thống đô thị Hải Dương ngày càng lớn mạnh

Chương trình PTĐT toàn tỉnh Hải Dương đến năm 2020, định hướng phát triển đến năm 2030 được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt tại Quyết định số 3962/QĐ-UBND, ngày 19/12/2017. Theo đó, Hải Dương tập trung nâng cấp các đô thị và thành lập mới thị trấn, mở rộng ranh giới hành chính đô thị theo 3 giai đoạn. Trong giai đoạn (các năm) 2017 – 2020, Hải Dương sẽ có 20 đô thị, trong đó nâng cấp TP Hải Dương lên đô thị loại I, nâng cấp lên đô thị loại IV cho 2 đô thị, thành lập mới 7 đô thị loại V, nâng tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 33,98%.

Trong giai đoạn 2021 – 2025, Hải Dương có 40 đô thị, trong đó, nâng cấp đô thị Kinh Môn thành đô thị loại III và nâng cấp đô thị loại IV cho 5 đô thị, thành lập mới 20 đô thị loại V và nâng tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh lên 46,13%.

Trong giai đoạn 2026 – 2030, Hải Dương sẽ có 58 đô thị, trong đó nâng cấp đô thị Chí Linh lên đô thị loại II, nâng cấp lên đô thị loại IV cho 3 đô thị, thành lập mới 18 đô thị loại V và nâng tỷ lệ dân số đô thị toàn tỉnh đạt 51,84%.

Giám đốc Sở Xây dựng Hải Dương Nguyễn Văn Đoàn cho biết: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Dương lần thứ 16 và Chương trình PTĐT toàn tỉnh, thời gian qua, Hải Dương đã chú trọng quy hoạch, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội các đô thị đồng bộ, hiện đại, đồng thời mở rộng quy mô, chỉnh trang, nâng cấp hệ thống đô thị theo hướng có sắc thái kiến trúc đô thị riêng…

Bước đầu, Hải Dương đạt được những thành quả khả quan. Hiện hệ thống đô thị Hải Dương có 15 đô thị, với 3 hạt nhân là TP Hải Dương (đô thị loại I), TP Chí Linh (đô thị loại III), thị trấn Kinh Môn mở rộng (đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV).

Hải Dương đã nâng tỷ lệ đô thị hóa từ hơn 28% vào cuối năm 2018 lên đến gần 32% vào giữa năm 2019 và vẫn đang tiếp tục đầu tư nâng cấp, thành lập mới 1 số đô thị khác.

Cùng với phát triển không gian đô thị, Hải Dương tiếp tục quan tâm nâng cao điều kiện sống của người dân đô thị thông qua đầu tư cải thiện các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và môi trường đô thị…

Ông Nguyễn Văn Đoàn nhận định: Với những nỗ lực không ngừng, Hải Dương hoàn toàn có thể hoàn thành mục tiêu của Chương trình PTĐT toàn tỉnh là nâng tỷ lệ đô thị hóa lên 33,98% vào năm 2020.

Thành Luân

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/quy-hoach-kien-truc/hai-duong-se-hoan-thanh-muc-tieu-do-thi-hoa-vao-nam-2020.html