Hải Dương sắp xếp, tinh gọn các đơn vị sự nghiệp

* Hậu Giang phấn đấu không còn hộ người có công trong diện nghèoThực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW (khóa XII) của Đảng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Tỉnh ủy Hải Dương đã tích cực rà soát, xây dựng đề án và khẩn trương sắp xếp các đơn vị sự nghiệp trong tỉnh theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Long Mỹ (Hậu Giang) giúp nhiều lao động nông thôn có thu nhập ổn định. Ảnh: AN NHIÊN

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Long Mỹ (Hậu Giang) giúp nhiều lao động nông thôn có thu nhập ổn định. Ảnh: AN NHIÊN

Tháng 1-2019, Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Hải Dương thành lập, trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Văn hóa tỉnh, Trung tâm Nghệ thuật, Tổ chức biểu diễn và Tạp chí Văn hóa, Thể thao, Du lịch. Việc sáp nhập đã giảm đầu mối, giảm chi phí quản lý hành chính, tận dụng được cơ sở vật chất và thuận lợi khi huy động nhân lực tham gia những hoạt động cần nhiều người. Đầu tháng 8, Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hải Dương thành lập từ việc hợp nhất ba trung tâm. Trung tâm mới hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập, tự bảo đảm một phần kinh phí hoạt động. Việc sáp nhập sáu đơn vị sự nghiệp thành hai đơn vị góp phần thống nhất đầu mối quản lý, đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập; bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lặp; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức. Cùng với đó, việc sáp nhập góp phần đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực tham gia phát triển văn hóa, thể thao thành tích cao.

* Tỉnh Hậu Giang đặt mục tiêu đến năm 2020 không còn hộ nghèo là người có công. Tỉnh hiện có 274 hộ nghèo là chủ hộ hoặc có thành viên hưởng chính sách ưu đãi người có công, chiếm 1,89% tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Để thực hiện mục tiêu nêu trên, Hậu Giang yêu cầu các sở, ban, ngành chủ động đề ra giải pháp phù hợp hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo nói chung và hộ nghèo có thành viên hưởng ưu đãi chính sách người có công. Đối với nhóm hộ thiếu vốn, đất canh tác, thiếu phương tiện sản xuất, cần nghiên cứu hỗ trợ phát triển, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo, ưu tiên vay vốn. Với nhóm hộ thiếu việc làm, ưu tiên hỗ trợ học nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ xuất khẩu lao động; tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ để gia đình mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, tự tạo việc làm, chủ động tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để vươn lên thoát nghèo… Những hộ có đất sản xuất nhưng không biết cách làm ăn, sẽ tập trung hỗ trợ, định hướng sản xuất gắn với tập huấn chuyển giao kỹ thuật…

Cấp ủy và đoàn thể chính trị - xã hội các đơn vị, địa phương tăng cường vận động nhân dân tham gia đóng góp, nhận đỡ đầu, trợ giúp hộ nghèo có thành viên thuộc diện hưởng chính sách ưu đãi người có công. Các địa phương phân công đơn vị ở cơ sở có năng lực, trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo thuộc chính sách người có công. Các đơn vị, tổ chức đảng, đoàn thể từ huyện đến cơ sở chịu trách nhiệm hỗ trợ từng hộ nghèo có thành viên là người có công trên địa bàn. Nhiệm vụ hỗ trợ người có công thoát nghèo là một nội dung quan trọng để đánh giá kết quả hoạt động của các đơn vị, tổ chức trong năm 2019 - 2020.

PV và TTXVN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/41250402-hai-duong-sap-xep-tinh-gon-cac-don-vi-su-nghiep.html