Hải Dương: Người dân 'khát' nước ngọt do xâm nhập mặn kéo dài
Dưới tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn trên nhiều lưu vực sông ngày càng gia tăng và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân. Điều đáng nói, năm nay không chỉ khu vực ĐBSCL ghi nhận xâm nhập mặn mức báo động mà ở một số tỉnh miền Bắc cũng đón đợt xâm nhập mặn dài và khắc nghiệt hiếm có. Ghi nhận thực tế của PV THQH tại Hải Dương.
Từ nhiều tháng nay, cuộc sống của tất cả hộ dân trong xã An Thanh bị đảo lộn nghiêm trọng. Như gia đình ông Kiên chỉ có thể dùng nguồn nước mưa tích trữ để nấu bếp, pha chè bởi nước từ vòi mặn chát không thể sử dụng.
Qua ghi nhận, đợt xâm nhập mặn kéo dài từ tháng 10 âm lịch năm ngoái cho đến nay đã khiến hàng chục ha lúa của bà con bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Mặc dù đã rửa mặn, gieo cấy lại đến lần 3 nhưng nhiều sào vẫn không nẩy mầm, sinh trưởng. Cuộc sống vốn đã khó khăn nay lại càng thêm vất vả, khi thu nhập chính của người dân nơi đây đến từ cấy lúa.
Nguyên nhân nhiễm mặn được cho là không có lũ thượng nguồn, nước biển xâm nhập sâu. Năm nay, số giờ dừng hoạt động lọc nước do độ mặn cao của nhà máy CTCP Nước sạch và Vệ sinh nông thôn Hải Dương đã là 170 giờ, cao hơn khoảng 15% so với năm ngoái.
Theo dự báo, hình thái thời tiết cực đoan vẫn có thể kéo dài trong thời gian tới. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh sẽ theo dõi chặt tình hình xâm nhập mặn, sớm đưa ra hướng dẫn sản xuất phù hợp với khả năng nguồn nước... để hạn chế tối đa thiệt hại cho bà con nông dân.
Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!