Hải Dương: Lợi dụng dồn điền, đổi thửa bán đất nông nghiệp cho lò gạch

Hàng nghìn khối đất nông nghiệp của người dân đang canh tác bị bán cho nhà máy gạch. Chuyện thật như đùa này đang xảy ra tại thôn Mỹ Hảo, xã Ngọc Liên, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

Thời gian qua, báo Tuổi trẻ Thủ đô nhận được đơn thư tố cáo của người dân tại thôn Mỹ Hảo, xã Ngọc Liên, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương tố cáo chính quyền địa phương lợi dụng việc dồn điền, đổi thửa để lấy hàng trăm mẫu ruộng đất màu đem bán cho các nhà máy gạch nhằm thu lợi bất chính.

Đơn tố cáo của người dân phản ánh về việc chính quyền địa phương lợi dụng dồn điền đổi thử để bán đất màu trái phép

Theo đó, thực hiện chủ trương của Nhà nước trong công tác dồn điền, đổi thửa, xã Ngọc Liên đã tổ chức họp bàn người dân để thống nhất việc dồn điền ở 2 thôn trong xã và lập ra các tiểu ban đại diện chính quyền, trong đó có thôn Mỹ Hảo.

Trong quá trình họp bàn, ông Hoàng Kim Nghị - Bí thư chi bộ thôn được bầu làm trưởng tiểu ban, ông Hoàng Kim Diệu - trưởng thôn được bầu làm phó tiểu ban. Trải qua nhiều cuộc họp với dân, các lãnh đạo địa phương mới chỉ vận động được khoảng 70% người dân trong thôn Mỹ Hảo đồng thuận, số còn lại vẫn chưa chấp nhận chủ trương dồn điền đổi thửa nhưng vẫn cho tiến hành san gạt đất ruộng của người dân.

Đất màu bị đào bới nham nhở để đem đi bán khiến người dân bức xúc

Theo người dân, việc triển khai dồn điền đổi thửa của lãnh đạo thôn tồn tại rất nhiều bất cập như: Lẽ ra san chỗ cao xuống chỗ trũng cho bằng phẳng thì địa phương lại cho làm ngược lại. Không những thế, địa phương còn thuê máy xúc, xe tải lấy đất sâu 70 cm để bán cho Công ty gạch Hùng Hằng tại địa phương.

Bức xúc việc chính quyền lấy hết lớp đất màu của hàng trăm mẫu ruộng tại địa phương, ông Nguyễn Văn Tình, thôn Mỹ Hảo cho biết: "Chúng tôi nhận thấy việc thôn, xã lợi dụng việc dồn điền, đổi thửa để bán đất cho công ty gạch đã khiến cánh đồng mất hết lớp đất màu mỡ, giờ chỉ còn trơ lại đất củ, đất chua thì người dân chúng tôi làm sao canh tác nông nghiệp được? Cấy lúa bao giờ mới lên thành cây? Nông nghiệp là nguồn thu chính của người dân, vì thôn không có nghề phụ."

Những chiếc xe tải chở đất bán về Công ty gạch Hùng Hằng

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Quang Tư ở thôn Mỹ Hảo cũng bức xúc: Chủ trương dồn điền, đổi thửa của Đảng và Nhà nước, người dân chúng tôi đều ủng hộ nhất chí. Nhưng lãnh đạo thôn, xã lại tự ý làm khi chưa được sự đồng thuận 100% người dân, hơn nữa còn đưa máy móc về lấy hết phần đất màu mỡ đem bán cho nhà máy gạch đóng trên địa bàn xã.

“Chúng tôi sẽ bỏ hoang vụ mùa tới đây, nếu như những tiêu cực trong việc phân bổ lại đất ruộng theo chủ trương dồn điền, đổi thửa, việc bán đất ruộng trái phép… không được giải quyết dứt điểm. Người nông dân quý đất như máu thịt của mình” - rất nhiều hộ dân gay gắt lên tiếng.

Theo quan sát của PV, cả khu cánh đồng hàng trăm mẫu đang bị đào xới nham nhở, máy xúc, máy ủi, xe tải hoạt động nhộn nhịp. Đường bê tông nội đồng cũng đang có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng. Những thửa ruộng bẳng phẳng bị khoét sâu ít nhất 50 cm, nếu như mưa xuống chắc sẽ thành những hố nước sâu "bẫy" người.

Hàng nghìn m3 khối đất màu đem bán cho lò gạch thì ai sẽ hưởng lợi?

Trả lời báo chí về phản ánh của người dân và thực trạng tại thôn Mỹ Hảo, ông Nguyễn Văn Tân – Chủ tịch UBND xã Ngọc Liên cho biết: "Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ đơn thư phản ánh về việc dồn điền, đổi thửa của người dân trong thôn Mỹ Hảo. Còn việc dồn điền, đổi thửa, xã đã giao cho ông Nguyễn Đình Khắc – Bí thư của xã làm trưởng ban dồn điền đổi thửa, nội dung về việc dồn điền đổi thửa của xã, đồng chí Khắc sẽ trả lời."

Theo ông Nguyễn Đình Khắc, thực hiện chủ trương của tỉnh về dồn điền, đổi thửa, Ngọc Liên là 1 trong 5 xã trong huyện chưa hoàn thiện xong trong năm 2017 nên hiện tại xã đang gấp rút tiến hành cho kịp mùa vụ sắp tới.

Ông Khắc cho biết, xã đã giao cho các thôn thành lập các tiểu ban, thực hiện công tác chỉnh trang trước, dồn điền sau, theo nguyên tắc: Gạt đất màu lên thành đống sau đó lại san ra cho đều, nếu chỗ nào dư thừa thì chuyển đi.

Khi PV đề cập đến việc có được phép tận dụng đất trong quá trình dồn điền, đổi thửa đem bán hay không thì ông Khắc khẳng định chắc nịch là: “Theo luật thì không được phép, thế nhưng ở đây chúng ta không bàn đến luật, anh em phải thực sự chia sẻ cho địa phương. Trước đó, xã cũng không nắm được thông tin tại khu cánh đồng thôn Mỹ Hảo đang xảy ra tình trạng khai thác đất ruộng đem bán cho công ty gạch, đến lúc đào rồi mới biết nhưng số lượng không nhiều”.

Liên quan đến nghi vấn xã Ngọc Liên cùng chi bộ thôn Mỹ Hảo tạo điều kiện cho Công ty gạch Hùng Hằng mua lớp đất màu mỡ của hàng trăm mẫu ruộng, lợi dụng việc dồn điền, đổi thửa, Đại diện công ty gạch Hùng Hằng cho biết: "Người ta thành lập ban, có cả ban mặt trận, qua quá trình họp bàn tại nhà văn hóa thôn, chúng tôi được chính quyền địa phương chấp thuận cho khai thác đất để sản xuất gạch, tiền mua đất sẽ san bằng sang số tiền đào đất đắp bờ cho thôn, mỗi hôm được có mấy nghìn khối. Chắc sang mùng 5 đến mùng 10 tháng sau người ta đổ ải thì chúng tôi dừng."

Rõ ràng, ông Khắc khẳng định theo Luật không được đem bán đất ruộng của người dân cho công ty gạch trên địa bàn xã, vậy tại sao công ty gạch Hùng Hằng lại nói "được chính quyền địa phương chấp thuận" và tự ý quy đổi "tiền mua đất bằng tiền đào đất đắp bờ cho thôn"?

Mất đi hàng ngàn khối đất màu để canh tác, người dân thôn Mỹ Hảo, xã Ngọc Liên không biết kêu ai, điều này chính quyền huyện Cẩm Giang có biết?

(Còn nữa)

Vi Hải - Đức Vinh

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/hai-duong-loi-dung-don-dien-doi-thua-ban-dat-nong-nghiep-cho-lo-gach-d2061427.html