Hải Dương huy động 700 người dập tắt đám cháy rừng núi An Phụ
Chiều 6/10, các cơ quan chức năng thị xã Kinh Môn (Hải Dương) cho biết, đã khống chế và dập tắt hoàn toàn đám cháy rừng tại khu vực gần đền Cao An Phụ, núi An Phụ.
Việc khống chế kịp thời vụ cháy đã ngăn chặn, không để lửa lan rộng tại khu vực gần đền Cao An Phụ - di tích quốc gia đặc biệt, nơi thờ An Sinh Vương Trần Liễu, thân phụ của Trần Hưng Đạo.
Sau khi dập tắt đám cháy, các lực lượng chức năng cùng chính quyền địa phương kiểm soát chặt chẽ các vị trí trọng yếu, không để ngọn lửa bùng phát trở lại.
Vụ cháy xảy ra vào khoảng 17h ngày 5/10 tại cánh rừng phía sau chùa Gạo, hướng lên tượng đài Trần Hưng Đạo thuộc khu vực núi An Phụ.
Sau khi phát hiện đám cháy, lãnh đạo thị xã Kinh Môn đã có mặt tại hiện trường huy động các lực lượng với khoảng 700 người tham gia chữa cháy gồm công an, quân đội, ban quản lý rừng, chính quyền thị xã Kinh Môn và nhân dân các xã, phường. Các lực lượng chức năng đã huy động 2 xe cứu hỏa, đồng thời, tiến hành phát quang cây và dọn thực bì để tạo đường băng cản lửa.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của bão số 3 khiến nhiều cây cối đổ ngã, kết hợp với thời tiết hanh khô. nên công tác chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn.
Ngọn lửa được khống chế vào khoảng 23h ngày 5/10 nhưng lại bùng phát trở lại vào sáng 6/10. Với sự nỗ lực của lực lượng chức năng, đám cháy đã được dập tắt hoàn toàn vào khoảng 8h sáng 6/10.
Một nguồn tin cho biết, diện tích rừng bị ảnh hưởng do vụ cháy khoảng 5 đến 6ha. Nguyên nhân vụ việc đang được cơ quan chức năng làm rõ.
Trao đổi với báo chí, đại diện Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hải Dương cho biết, dự báo cháy rừng trên địa bàn thành phố Chí Linh và thị xã Kinh Môn đang ở cấp IV- cấp nguy hiểm, nguy cơ cháy rừng lớn, nếu xảy ra cháy tốc độ lửa lan tràn nhanh.
Chi cục đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm, nhất là hạt kiểm lâm thị xã Kinh Môn và thành phố Chí Linh tham mưu cho UBND các cấp rà soát kế hoạch, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng với phương châm “4 tại chỗ”; bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Cơ quan kiểm lâm cũng đã kiểm tra, đôn đốc, kiểm soát chặt chẽ việc dùng lửa trong rừng và gần rừng, không dùng lửa để xử lý thực bì; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi dùng lửa có nguy cơ gây cháy rừng trong suốt thời kỳ cao điểm cháy rừng.
Trước đó, ngày 2/10, UBND tỉnh Hải Dương có văn bản 3600 tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC trong mùa hanh khô trên địa bàn tỉnh này.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nghiêm công tác đảm bảo an toàn PCCC trong mùa hanh khô.
Công an tỉnh Hải Dương được giao chủ động nắm chắc tình hình, triển khai lực lượng khảo sát địa bàn, khu vực, cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao; tuyến đường, nguồn nước, bến lấy nước chữa cháy để phối hợp các ngành, các cấp, các lực lượng chức năng triển khai các phương án đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH) trên địa bàn.
Tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH, tập trung vào các địa bàn, cơ sở nguy hiểm cháy, nổ như chợ, trung tâm thương mại, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư kinh doanh tập trung có nhiều hàng hóa dễ cháy, các điểm vui chơi, giải trí tập trung đông người, chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng. Duy trì nghiêm túc chế độ thường trực chiến đấu 24/24 giờ; bảo đảm sẵn sàng lực lượng, phương tiện chữa cháy kịp thời, hiệu quả các tình huống cháy, nổ xảy ra.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng phối hợp chặt chẽ với Công an tỉnh và chính quyền địa phương trong việc rà soát, xây dựng phương án, kế hoạch, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm, kiểm tra an toàn PCCC đối với các khu rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao để trên địa bàn tỉnh.
Các sở Xây dựng, sở Công Thương, sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh phối hợp thực hiện.
UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Công an tỉnh thực hiện nghiêm túc công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH trên địa bàn, cơ sở theo quy định của pháp luật; kiên quyết thu hồi giấy phép kinh doanh, rút giấy phép xây dựng đối với cơ sở không đảm bảo an toàn về PCCC và CNCH theo thẩm quyền. Chỉ đạo UBND cấp xã, các lực lượng Công an, Kiểm lâm, chủ rừng rà soát, kiểm tra toàn bộ các khu rừng trên địa bàn quản lý để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục các tồn tại, vi phạm về an toàn PCCC; đồng thời tham mưu đề xuất các giải pháp khắc phục triệt để, hiệu quả đối với từng khu rừng.
UBND thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả công tác PCCC và CNCH tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, Khu di tích Quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương, tuyệt đối không để xảy ra cháy, nổ.
Mời độc giả xem thêm video Ô tô điện bốc cháy sau va chạm, 3 người thoát chết