Hải Dương hoàn thành thi lớp 10, Đà Nẵng nới lỏng hoạt động giáo dục

Trong tình hình COVID-19 vẫn đang phức tạp. các địa phương Hải Dương và Đà Nẵng đã tiến hành các biện pháp cần thiết vừa đảm bảo các kỳ thi diễn ra an toàn, vừa không gián đoạn hoạt động giáo dục.

Thí sinh kết thúc môn thi tại điểm thi trường THPT Nguyễn Văn Cừ, thành phố Hải Dương. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)

Thí sinh kết thúc môn thi tại điểm thi trường THPT Nguyễn Văn Cừ, thành phố Hải Dương. (Ảnh: Mạnh Minh/TTXVN)

Trong tình hình COVID-19 vẫn đang phức tạp. các địa phương Hải Dương và Đà Nẵng đã tiến hành các biện pháp cần thiết vừa đảm bảo các kỳ thi diễn ra an toàn, vừa không gián đoạn hoạt động giáo dục.

Hải Dương: Gần 20.000 thí sinh hoàn thành kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông

Ngày 15/6, hơn 19.900 thí sinh Hải Dương đã hoàn thành kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2021-2022.

Buổi sáng, thí sinh làm bài thi hai môn Ngữ văn và Tiếng Anh, buổi chiều thi môn Toán. Trong đó, 19.963 thí sinh dự thi môn Toán và 19.965 thí sinh thi môn Ngữ văn và môn Tiếng Anh.

Có 17 thí sinh bỏ thi môn Toán, 16 thí sinh bỏ thi môn Ngữ văn và Tiếng Anh, trong đó 1 thí sinh bỏ thi có lý do bị tai nạn trước ngày diễn ra kỳ thi.

Theo đánh giá của thí sinh, đề thi các môn cơ bản sát với chương trình ôn tập.

Trong kỳ thi năm nay tỉnh Hải Dương có 41 Hội đồng thi với 735 phòng thi, trên 2.000 giáo viên coi thi. So với năm trước, kỳ thi tuyển sinh năm nay có một số điểm mới nhằm đảm bảo công tác tuyển sinh khoa học, phù hợp với thực tế. Theo đó, môn thi thứ ba thay vì là tổ hợp có từ 2 đến 3 môn trong đó có môn Tiếng Anh thì chỉ chọn 1 môn Tiếng Anh.

Về tiêu chí để công nhận trúng tuyển, căn cứ điểm thi và chỉ tiêu được giao, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương xác định, điểm chuẩn nguyện vọng 1 đảm bảo xét tuyển ít nhất 80% chỉ tiêu của trường.

Thí sinh không được điều chỉnh nguyện vọng 2 sau khi Sở Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi. Điều kiện để thí sinh được xét nguyện vọng 2 là khi có tổng điểm thi đã nhân hệ số và điểm ưu tiên cao hơn 0,5 điểm so với điểm chuẩn nguyện vọng 1 của trường đăng ký nguyện vọng 2.

Để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, toàn bộ giáo viên và lực lượng phục vụ thi đã được xét nghiệm COVID-19. Các hội đồng thi đều đảm bảo có 10% phòng thi dự phòng, 10% cán bộ coi thi dự phòng. Mỗi huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị 1 điểm thi dự phòng. Trong ngày thi, thí sinh đều đeo khẩu trang, sát khuẩn và được đo nhiệt độ trước khi vào phòng thi…

Ngày 16/6, các thí sinh sẽ thi môn chuyên.

Đà Nẵng xem xét cho phép các cơ sở giáo dục hoạt động trở lại

Ngày 15/6, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố Đà Nẵng họp bàn về biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng Phan Văn Sơn cho biết, đến nay, thành phố đã trải qua 28 ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng, 14 ngày không có ca mới mắc COVID-19.

Liên quan đến việc nới lỏng biện pháp phòng dịch, ông Sơn đề xuất, cho phép hoạt động dạy và học tại trường mầm non, các cơ sở giáo dục, dạy nghề, đại học, cao đẳng. Với điều kiện tổ sắp xếp phòng học, bàn ghế giãn cách, đảm bảo không quá 50% số lượng, kết hợp song song với việc dạy học trực tuyến, không tổ chức các hoạt động ngoại khóa, giao lưu, tập trung đông người.

Thành phố cho phép hoạt động vận chuyển hành khách xe du lịch, xe taxi, vận tải từ tỉnh Quảng Nam đến Đà Nẵng và ngược lại; với điều kiện chở không quá 50 % số khách và thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, phòng dịch COVID-19. Đồng thời, điều chỉnh thời gian hoạt động nhà hàng, quán ăn phải dừng hoạt động từ 21 giờ đến 4 giờ sáng hôm sau.

Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố đề nghị các địa phương, đơn vị tự kiểm tra đánh giá trên bản đồ an toàn COVID-19. Các cơ quan chức năng rà soát thường xuyên các cơ sở không được đánh giá trên bản đồ. Ngoài ra, các địa phương cũng phải đánh giá mức độ nguy cơ định kỳ.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh, Đà Nẵng đã qua 28 ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng, tuy nhiên không được chủ quan.

Qua báo cáo của các đơn vị chức năng, khi Đà Nẵng nới lỏng một số biện pháp, vẫn còn nhiều hạn chế trong quá trình tổ chức, thực hiện, cũng như quá trình kiểm tra xử lý.

Vẫn có hiện tượng người dân và một số cơ sở kinh doanh không thực hiện đầy đủ các yêu cầu phòng dịch. Số liệu xử lý vi phạm hàng ngày còn thấp trên tình hình thực tế. Điều này cho thấy công tác kiểm tra, giám sát vẫn chưa thực hiện tích cực.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đề nghị Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 thành phố chỉ đạo quyết liệt về biện pháp phòng, chống dịch, nâng cao ý thức cho người dân và cơ sở sản xuất kinh doanh tuân thủ nghiêm các điều kiện. Đồng thời các cơ quan chức năng cần làm tốt công tác kiểm tra, xử lý vi phạm phòng dịch.

Theo thống kê, Đà Nẵng có 12.988 cơ sở chưa được đánh giá trên bản đồ an toàn COVID-19. Nguyên nhân, có thể các cơ sở này không cập nhật thông tin trên hệ thống. Đặc biệt, có 101 cơ sở bị đánh giá không an toàn trên bản đồ phòng, chống dịch của Bộ Y tế.

Ông Quảng đề nghị cơ quan xử lý, quán triệt các cơ sở kinh doanh không an toàn thì nhất quyết không được hoạt động; khắc phục các cơ sở không an toàn trên bản đồ phòng, chống dịch của Bộ Y tế.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng thống nhất đề xuất nới lỏng biện pháp phòng dịch như đề xuất của Ủy ban Nhân dân thành phố. Đồng thời, Ủy ban Nhân dân thành phố phải kèm theo điều kiện kiểm soát chặt.

Cụ thể như để mở lại tuyến vận tải Quảng Nam-Đà Nẵng thì cơ quan chức năng phải có điều kiện, hướng dẫn cụ thể; đơn vị vận tải phải chịu trách nhiệm phòng dịch, yêu cầu người dân khai báo y tế đầy đủ.

Còn đối với việc cho phép các trường mầm non hoạt động trở lại phải thực hiện xét nghiệm cho giáo viên, khi có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2 mới cho phép hoạt động. Các cơ sở mầm non này cũng phải được an toàn trên bản đồ phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/hai-duong-hoan-thanh-thi-lop-10-da-nang-noi-long-hoat-dong-giao-duc/720243.vnp