Hải Dương: Dự án 'đắp chiếu' 10 năm ai là người gây khó?

Các quyết định cấp đất/dự án đầu tư trên địa bàn thị trấn Phú Thái chồng chéo khiến khiếu kiện kéo dài hàng thập kỉ, mặc dù doanh nghiệp nhiều lần kiến nghị nhưng kết quả hồi âm thì không bao giờ nhận được.

Khúc cua của sông Kinh Môn phía trước cảng Phú Thái.

Tùy tiện cấp và thu hồi đất?

Theo ông Đặng Đức Chúc (cư trú tại thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành, Hải Dương) hiện đang là chủ quản lý khu vực cảng nội địa Phú Thái, Quyết định số 162/QĐ-CĐTNĐ ngày 13/01/2004 ban hành bởi UBND tỉnh Hải Dương thì cảng Phú Thái do gia đình ông quản lý đã hoạt động ổn định lâu nay, giải quyết việc làm cho gần hơn 100 lao động trên địa bàn.

Điều khiến cho gia đình ông Chúc bức xúc là Sở Kế hoạch và Đầu tư đã ký Tờ trình số 1064/TTr-SKHĐT ngày 02/7/2018 về việc “Điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án Cơ sở sửa chữa, đóng mới phương tiện thủy và kinh doanh cầu cảng của Cty TNHH sản xuất và thương mại Thế Anh (Cty Thế Anh) - điều chỉnh lần thứ nhất”.

Đồng thời, ông Nguyễn Hữu Lộc – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cũng ký Giấy mời số 365/GM-STNMT ngày 13/7/2018 về việc “Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức xác định, cắm mốc ranh giới khu đất cho Cty Thế Anh thuê trên thực địa theo Quyết định số 4778/QĐ-UBND ngày 16/12/2008 của UBND tỉnh Hải Dương”.

Các phương tiện vào cảng Phú Thái xếp hàng chật kín.

Nguồn cơn của những Quyết định trên là do đâu? Theo tìm hiểu, ngày 25/9/2003 UBND huyện Kim Thành ban hành Văn bản số 224/VB-UB chấp thuận Dự án đầu tư xây dựng cơ sở sửa chữa và đóng mới phương tiện tàu thủy trên diện tích 44.000m2 đất bãi ngoài đê sông hữu Kinh Môn, từ Km16 + 150 ÷ Km16 + 450 thuộc địa phận thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương cho hộ gia đình ông Chúc.

Ngày 13/01/2004, UBND tỉnh Hải Dương ban hành Quyết định số 162/QĐ-UBND cho phép ông Chúc được lập mặt bằng bến bãi để trung chuyển vật liệu và sửa chữa tàu thuyền. Ngày 11/10/2005, Đoạn quản lý đường sông số 7 cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa cho cơ sở sửa chữa, đóng mới phương tiện của gia đình ông Chúc, với chiều dài của bến là 250m cách cầu An Thái 150m về phía hạ lưu.

Ngày 07/4/2008, Cục Đường sông Việt Nam (nay là Cục Đường thủy nội địa Việt Nam) ban hành Quyết định số 211/QĐ-CĐS về việc công bố cảng thủy nội địa Phú Thái (nâng cấp từ bến thủy nội địa lên thành cảng để đóng tàu biển) do ông Chúc làm chủ sở hữu cảng. Sau đó cảng thủy nội địa đã được Cục Đường thủy nội địa Việt Nam công bố lại nhiều lần theo quy định (Quyết định số 31/QĐ-CĐTNĐ ngày 13/01/2011; quyết định số 506/QĐ-CĐTNĐ ngày 09/5/2016), theo các quyết định đã công bố, vùng đất của cảng (Quyết định số 162/QĐ-UBND ngày 13/01/2004 của UBND tỉnh Hải Dương), gồm vùng nước trước cảng: “Có chiều dài 300m chạy dọc bờ, chiều rộng 25m tính từ mép bờ trở ra phía sông”, vùng nước neo chờ: “Có chiều dài 300m chạy dọc theo bờ”.

Như vậy về mặt pháp lý, theo các quyết định của các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành nêu trên thì diện tích 44.000m2 đất bãi ngoài đê sông hữu Kinh Môn là đất dự án UBND huyện Kim Thành đã chấp thuận cho gia đình ông Chúc. Do vậy gia đình ông Chúc có quyền đầu tư, sử dụng và thực tế đã đầu tư, dự án đã đi vào hoạt động ổn định, có hiệu quả.

Thế nhưng thật bất ngờ, ngày 20/6/2008 UBND tỉnh Hải Dương lại cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 04121000106 cho phép Cty Thế Anh được thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cơ sở sửa chữa, đóng mới phương tiện thủy và kinh doanh cầu cảng tại bãi ngoài đê thuộc thị trấn Phú Thái và xã Kim Lương, huyện Kim Thành.

Ngày 16/12/2008, ông Hoàng Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương ký cho phép Cty Thế Anh được thuê 16.185m2 để thực hiện dự án nêu trên, trong đó có 12.404m2 đất đang trong đất dự án của gia đình ông Chúc và 3.781m2 đất ở xã Kim Lương. Điều đáng nói, dự án của Cty Thế Anh được triển khai ở 2 nơi, không liền nhau.

Có ưu ái?

Việc UBND tỉnh Hải Dương cấp phép dự án cho Cty Thế Anh chồng chéo lên đất dự án của gia đình ông Chúc không chỉ xâm phạm đến quyền lợi đầu tư của gia đình ông ở vị trí diện tích 12.404m2, mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động dự án của gia đình ông Chúc và xâm phạm đến quyền lợi của gia đình ông tại cảng thủy nội địa Phú Thái. Vì để thực hiện được nội dung của dự án thì bắt buộc Cty Thế Anh phải sử dụng đến vùng nước của cảng thủy nội địa Phú Thái trong khi phạm vi vùng nước của cảng quá hẹp và ngắn, một đầu đã bị giới hạn bởi cầu An Thái, các phương tiện ra vào cảng đều có trọng tải lớn.

Trước năm 2016 Cty Thế Anh và UBND tỉnh Hải Dương đã nhiều lần đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét điều chỉnh vùng nước của cảng thủy nội địa Phú Thái để cho Cty Thế Anh sử dụng nhưng đều không được chấp nhận từ phía cơ quan quản lý đường sông.

Cụ thể, ngày 5/5/2008, Đoạn quản lý đường sông số 7 có Văn bản số 205/DD7 – QLĐS phúc đáp đề nghị của Cty Thế Anh về việc xin thỏa thuận vùng nước tại km 25 + 400 (trong phạm vi cảng thủy nội địa Phú Thái). Đoạn quản lý đường sông số 7 đã khẳng định: “Vùng nước mà quý Cty xin thỏa thuận nằm trong phạm vi vùng nước của cảng nội địa Phú Thái đã được công bố. Do vậy cần có sự thỏa thuận đồng ý của chủ cảng nội địa Phú Thái với Cty về việc chuyển nhượng vùng nước nói trên”.

Như vậy, sau 8 năm kể từ ngày được chấp thuận đầu tư nhưng không thể thực hiện được dự án đầu tư, đầu năm 2016 Cty Thế Anh đã đề nghị UBND tỉnh Hải Dương cho Cty được chấm dứt hoạt động dự án theo quy định của Luật Đầu tư, trả lại đất thuê và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư số 04121000106 cấp ngày 20/6/2008, đề xuất cho Cty TNHH Quyền Phúc ở xã Cao An, huyện Cẩm Giàng được thuê đất để thực hiện nội dung đầu tư tương tự.

Tại Văn bản số 92/TB-VP ngày 06/6/2016, Chủ tịch UBND tỉnh đã đồng ý cho Cty Thế Anh được chấm dứt hoạt động dự án trước thời hạn, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp ngày 20/6/2008 và giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các đơn vị liên quan làm việc với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam điều chỉnh lại vùng nước của cảng thủy nội địa Phú Thái làm cơ sở để chấp thuận dự án đầu tư của Cty TNHH Quyền Phúc thay cho dự án của Cty Thế Anh.

Ngày 08/02/2017, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Hải Dương tổ chức cuộc họp có sự tham dự của tất cả đại diện các cơ quan chức năng và các cấp chính quyền địa phương huyện Kim Thành có liên quan (Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Chi Cục đường thủy nội địa phía Bắc, Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực II, UBND huyện Kim Thành, UBND thị trấn Phú Thái, UBND xã Kim Lương). Tại cuộc họp, sau khi phân tích các yếu tố về quy hoạch cảng, kỹ thuật cảng, an toàn đường thủy… tất cả đều thống nhất là đề nghị không điều chỉnh vùng nước của cảng thủy nội địa Phú Thái.

Mặc dù Sở Giao thông Vận tải tỉnh đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh không đề nghị xem xét điều chỉnh vùng nước của cảng thủy nội địa Phú Thái. Tuy nhiên, không hiểu sao, tháng 9/2017 Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương lại tiếp tục yêu cầu Sở Giao thông Vận tải tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản gửi các cơ quan có thẩm quyền đề nghị xem xét điều chỉnh vùng nước của cảng thủy nội địa Phú Thái.

Có điều khó hiểu là đầu năm 2016, Cty Thế Anh đã đề nghị UBND tỉnh Hải Dương cho chấm dứt hoạt động dự án và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp ngày 20/6/2008, thì ngày 23/5/2016 Chủ tịch UBND tỉnh đã đồng ý cho Cty Thế Anh được chấp dứt hoạt động dự án, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp. Thế nhưng vào ngày 05/7/2018 UBND tỉnh Hải Dương lại ban hành Văn bản số 101/TB-UBND về việc thông báo điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án của Cty Thế Anh: Xây dựng hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động đồng bộ trước ngày 30/6/2019.

Như vậy sau 10 năm kể từ ngày dự án được chấp thuận, nhưng không thể thực hiện đầu tư được và sau hơn 2 năm quyết định chấm dứt hoạt động dự án và đã được chính Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận, dự án của Cty Thế Anh lại được UBND tỉnh giãn tiến độ đầu tư. Đây tiếp tục là quyết định bất thường trong một loạt các quyết định bất thường của UBND tỉnh dành cho Cty Thế Anh.

Luật sư Nguyễn Kiều Đông (Đoàn Luật sư tỉnh Hải Dương) cho rằng: Xét về mặt pháp lý, việc giãn tiến độ đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư được áp dụng đối với những trường hợp dự án chưa chấm dứt hoạt động, vì lý do khách quan hoặc chủ quan hoặc cả hai nên tiến độ đầu tư thực hiện dự án chậm so với tiến độ trong giấy phép đầu tư. Giãn tiến độ đầu tư quy định tại Điều 46 khác với chấm dứt hoạt động dự án quy định tại Đều 48 Luật Đầu tư; điểm a khoản 1 Điều 48 Luật đầu tư quy định: “Dự án đầu tư bị chấm dứt hoạt động trong các trường hợp sau đây: Nhà đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án”. Cty Thế Anh đã quyết định chấm dứt hoạt động dự án (không cần xét vì lý do gì), Cty Thế Anh có quyết định thì mới đề nghị UBND tỉnh cho chấm dứt hoạt động dự án. Do vậy, Cty Thế Anh không thuộc trường hợp được giãn tiến độ đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư nhất là khi tính từ thời điểm quyết định chấm dứt thực hiện dự án đến thời điểm được giãn tiến độ thời gian đã hơn 02 năm. Đúng luật, Cty Thế Anh không tự chấm dứt hoạt động dự án thì cũng thuộc trường hợp phải thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư. UBND tỉnh Hải Dương không những không thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho Cty Thế Anh, ngược lại còn đồng ý cho Cty Thế Anh giãn tiến độ đầu tư sau hơn 02 năm chủ đầu tư đã tự quyết định chấm dứt hoạt động dự án là quyết định không theo quy định của Luật Đầu tư.

Song Nguyên

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/hoi-_-dap/hai-duong-du-an-dap-chieu-10-nam-ai-la-nguoi-gay-kho.html