Hải Dương đẩy mạnh xã hội hóa quản lý, bảo vệ đê điều

Công tác xã hội hóa về đê điều ở Hải Dương đang được khuyến khích và đẩy mạnh theo Điều 6 Luật Đê điều. Cùng với phong trào xây dựng các tuyến đê kiểu mẫu, nhiều tổ chức, cá nhân tự nguyện hiến đất và trực tiếp tham gia xây dựng các công trình đê điều, góp phần phát triển kinh tế xã hội và phòng, chống thiên tai (PCTT).

Học sinh các trường học ở xã Đức Chính không còn phải lên, xuống dốc đê.

Học sinh các trường học ở xã Đức Chính không còn phải lên, xuống dốc đê.

NDĐT - Công tác xã hội hóa về đê điều ở Hải Dương đang được khuyến khích và đẩy mạnh theo Điều 6 Luật Đê điều. Cùng với phong trào xây dựng các tuyến đê kiểu mẫu, nhiều tổ chức, cá nhân tự nguyện hiến đất và trực tiếp tham gia xây dựng các công trình đê điều, góp phần phát triển kinh tế xã hội và phòng, chống thiên tai (PCTT).

Theo ông Lương Văn Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống lụt bão tỉnh Hải Dương: Ba năm qua đã có rất nhiều địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân quan tâm đầu tư kinh phí tham gia tu bổ hệ thống đê, kè, cống, đường gom chân đê, góp phần quan trọng vào công tác bảo vệ đê điều, PCTT và phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh.

Từ năm 2016 tới nay, nhiều cá nhân, doanh nghiệp, địa phương đã đầu tư từ vài chục triệu đồng tới hàng tỷ đồng làm đường hành lang chân đê và đổ bê-tông mặt đê. TP Chí Linh đầu tư kinh phí đổ bê-tông mặt đê tả Kinh Thầy rộng 8m, dài 1074m. Cũng tại Chí Linh, Công ty cổ phần Việt Phát xây dựng điếm, kè đê và làm đường trên chiều dài 450m; Công ty thương mại và dịch vụ Mạnh Ngân đổ bê- tông 220m mặt đê; bà Nguyễn Thị Mai và bà Nguyễn Thị Nguyệt đổ bê-tông gần 600m mặt đê; ở huyện Tứ Kỳ, ông Đỗ Hữu Vang đã trải nhựa cơ đê tả sông Luộc trên chiều dài 688m. Tại huyện Nam Sách, bà Nguyễn Thị Mến đổ bê-tông 1040m mặt đê. Công ty vật liệu xây dựng Bình Dân cải tạo gần 1.100m mặt đê…

Đường hành lang chân đê được xã Đức Chính đầu tư xây dựng với kinh phí hơn một tỷ đồng.

Trong việc xã hội hóa làm đường hành lang chân đê trên địa bàn các huyện: Nam Sách, Thanh Hà, Cẩm Giàng, TP Chí Linh, nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến hàng trăm m2 đất thổ cư, đất vườn, tự tháo dỡ tường rào, công trình phụ để lấy mặt bằng làm đường giao thông, qua đó cũng chấm dứt tình trạng lấn chiếm hành lang và xâm hại thân đê.

Bí thư Đảng ủy xã Phượng Hoàng (huyện Thanh Hà) Phạm Hữu Thanh cho biết: Xã đang tập trung xây dựng gần 6km đê sông Thái Bình thành tuyến đê kiểu mẫu. 1300m mặt đê đã được thảm bê-tông. Vừa qua, 23 hộ dân thôn Phượng Đầu ở ven đê đã hiến hàng trăm m2 đất thổ cư, đất vườn, tự bỏ công sức dỡ bỏ tường bao, công trình phụ để làm đường hành lang ven đê. Ông Nguyễn Danh Thành, ở thôn Phượng Đầu, hỉ hả nói: Biết Nhà nước có chủ trương làm đường hành lang ven đê, bà con thôn Phượng Đầu rất đồng tình và phấn khởi. Không cần phải vận động, bà con bảo nhau hiến đất càng nhiều càng tốt, bởi con đường ven đê sẽ to hơn, đẹp hơn và sẽ rất thuận lợi cho phát triển kinh tế. Với quan niệm đó, gia đình ông Thành đã tự nguyện hiến hơn 100 m2 đất, tự tháo dỡ cổng và 50m tường bao. Đến nay, con đường hành lang dài hơn 400m đã hoàn thành, việc đi lại, sản xuất của bà con đã dễ dàng hơn rất nhiều, hàng chục dốc đê bà con tự tạo xâm hại thân đê đã được khắc phục.

Đường hành lang chân đê ở xã Phượng Hoàng đã thay thế những dốc đê khi xưa.

Anh Nguyễn Tiến Cường, Hạt phó Hạt Quản lý đê Thanh Hà cho biết: Huyện Thanh Hà có gần 72km đê, bao gồm ba tuyến đê chính là tả sông Thái Bình, hữu sông Rạng và tả sông Gùa. Hiện nay, toàn huyện đang đẩy mạnh xã hội hóa công tác quản lý đê điều, phấn đấu xây dựng ba tuyến đê trở thành các tuyến đê kiểu mẫu vào năm 2020. Trong đó, việc xây dựng các tuyến đường hành lang chân đê nhân dân hiến đất và tự giải phóng mặt bằng, kinh phí xây dựng ngoài phần cấp từ ngân sách được xã hội hóa. Việc trồng và bảo vệ hàng tre chắn sóng cũng đề nghị bà con có đất bãi tự nguyện chăm nom.

Trong công tác xã hội hóa đê điều ở Hải Dương, nổi bật là xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng. Vừa qua xã đã đầu tư kinh phí hơn một tỷ đồng để xây dựng đường cơ đê dài 1.032m ven sông Thái Bình. Chủ tịch UBND xã Đức Chính Hoàng Văn Chư hồ hởi: Chủ trương của xã rất hợp lòng dân, con đường hoàn thành đã đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi lưu thông hàng hóa, phát triển sản xuất và là một tiêu chí để xã Đức Chính xây dựng nông thôn mới nâng cao. Những người được hưởng lợi đầu tiên chính là hơn nghìn học sinh và các thầy cô giáo của hai trường THCS và tiểu học xã Đức Chính. Hằng ngày các em không còn phải dắt xe leo những dốc mòn lên hoặc xuống cơ đê rất dễ xảy ra trượt ngã, nhất là trong những ngày mưa.

Hàng tre chắn sóng ở xã Thanh Hải (huyện Thanh Hà) được chăm sóc bảo vệ tốt.

Ba năm gần đây, hàng tre chắn sóng với tổng chiều dài 293km được quan tâm bảo vệ, chăm sóc phát triển tốt; 115km trong tổng số 375 km đê đã được các địa phương tổ chức phát quang, trồng cỏ phù hợp thay thế, tạo ra những tuyến đê xanh - sạch - đẹp, tất cả đều từ nguồn kinh phí xã hội hóa. Những việc làm tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ đê điều, xây dựng các tuyến đê kiểu mẫu ở Hải Dương đã góp phần chống lấn chiếm vi phạm hệ thống đê, từ đó thúc đẩy kinh tế xã hội của địa phương phát triển và mang lại hiệu quả cao trong công tác PCTT.

QUỐC VINH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/40268502-h%E1%BA%A3i-duong-day-m%E1%BA%A1nh-x%C3%A3-h%E1%BB%8Di-hoa-qu%E1%BA%A3n-l%C3%BD-b%E1%BA%A3o-v%E1%BA%B9-de-di%C3%A8u.html