Hải Dương: Có nên khởi động lại dự án 'đắp chiếu' 10 năm?

Sau nhiều năm không thể triển khai được, tưởng chừng chủ đầu tư xin rút lui, nhưng mới đây, Sở Kế hoạch & Đầu tư Hải Dương lại có tờ trình tham mưu cho UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận gia hạn thực hiện Dự án cầu cảng đã 'đắp chiếu' 10 năm của Cty TNHH sản xuất và kinh doanh thương mại Thế Anh (Cty Thế Anh). Điều này khiến cho nhiều người dân cũng như các ban ngành lo lắng. Liệu có xuất hiện một đợt tranh chấp, khiếu kiện mới xảy ra.

Gần đây dư luận lại tiếp tục dậy sóng bởi UBND tỉnh Hải Dương ban hành các quyết định cấp phép dự án chồng chéo và không đúng thẩm quyền đối với dự án của Cty Thế Anh, cũng như việc ký quyết định thu đất và cho thuê đất đối với Cty Thế Anh gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Trong phạm vi Cảng thủy nội địa Phú Thái, gia đình ông Đặng Đức Chúc đã tiến hành đầu tư, đã và đang quản lý, khai thác một cách liên tục và có hiệu quả.

Tìm hiểu được biết, ngày 15/9/2003, UBND huyện Kim Thành đã ký Văn bản số 224/VB-UB chấp thuận cho ông Đặng Đức Chúc đầu tư Dự án Xây dựng cơ sở sửa chữa và đóng mới phương tiện thủy tàu tại thị trấn Phú Thái với tổng diện tích 44.000m2 đất bãi ngoài đê sông hữu Kinh Môn với thời hạn thuê đất là 30 năm.

Chưa đến một năm sau đó, ông ông Đặng Đức Chúc (có hộ khẩu thường trú tại thị trấn Phú Thái, huyện Kim Thành) lại được Phó Chủ tịch tỉnh Hải Dương ký quyết định cho phép lập mặt bằng để trung chuyển vật liệu và sửa chữa tàu thuyền tại bãi ngoài sông hữu Kinh Môn, huyện Kim Thành tại Văn bản số 162/QĐ-UBND ngày 13/01/2004. Vị trí mặt bằng ngoài bãi sông tương ứng K16+150 – K16+450 đê hữu Kinh Môn, dài 300m; rộng trung bình 150m; cách chân đê phía đông 40m; cách cầu An Thái 100m; cách vở sông ít nhất 15m.

Trên diện tích đất theo dự án đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận và trong phạm vi Cảng thủy nội địa Phú Thái đã được cơ quan có thẩm quyền công bố, gia đình ông Đặng Đức Chúc đã tiến hành đầu tư, đã và đang quản lý, khai thác một cách liên tục và có hiệu quả.

Tuy nhiên, trong cuộc họp ngày 08/02/2017 do Sở Giao thông vận tải tỉnh Hải Dương chủ trì có sự tham gia của nhiều thành phần, đã tiến hành thảo luận việc xem xét điều chỉnh cắt bớt, rút ngắn vùng nước của Cảng thủy nội địa Phú Thái do ông Đặng Đức Chúc làm chủ để giao cho Cty Thế Anh. Với mục đích cho Cty Thế Anh đủ điều kiện chuyển nhượng Dự án đầu tư cơ sở sữa chữa, đóng mới phương tiện thủy và kinh doanh cầu cảng.

Ngay sau khi nhận được thông tin, ông Đặng Đức Chúc bức xúc cho rằng: “Cty Thế Anh nếu muốn điều chỉnh được vùng nước của Cảng thủy nội địa Phú Thái thì trước hết phải có sự đồng ý của tôi về hai nội dung: Thu hẹp diện tích đất thuộc Dự án cơ quan có thẩm quyền đã phê duyệt cho gia đình tôi (tương ứng với phần diện tích và vị trí đất cơ quan Nhà nước cho Cty Thế Anh thuê chồng chéo lên dự án của gia đình tôi) và thu hẹp/rút ngắn vùng nước của Cảng thủy nội địa Phú Thái. Vì hai nội dung này có liên quan chặt chẽ với nhau…. Chỉ khi tôi đã đồng ý bằng văn bản thì sau đó mới tiến hành hỏi ý kiến cơ quan chức năng quản lý đường thủy nội địa về việc điều chỉnh thu hẹp vùng nước Cảng thủy nội địa Phú Thái trên sơ sở sự thống nhất của gia đình tôi và Cty Thế Anh. Nếu không yêu cầu Cty Thế Anh phải hỏi ý kiến tôi trước thì chí ít cơ quan Nhà nước cũng phải có văn bản thông báo cho tôi biết về đề nghị của Cty Thế Anh và hỏi quan điểm của tôi về đề nghị này”.

Cần nhắc lại rằng, Dự án cơ sở sửa chữa, đóng mới phương tiện thủy và kinh doanh cầu cảng của Cty Thế Anh được UBND tỉnh Hải Dương cấp Giấy chứng nhận đầu tư năm 2008. Sau gần 10 năm, dự án này vẫn chưa thể triển khai bởi vấp phải sự phản đối của nhân dân địa phương.

Trước tình hình trên, ngày 06/06/2016, UBND tỉnh Hải Dương đã có Thông báo số 92/TB-VP, trong đó đồng ý chấm dứt hoạt động dự án và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp cho dự án này của Cty Thế Anh trước thời hạn. Đồng thời, chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án sửa chữa, đóng mới phương tiện thủy và kinh doanh cầu cảng của Cty TNHH Quyền Phúc thay thế cho Cty Thế Anh tại vị trí trên. Như vậy, việc làm này đồng nghĩa với việc UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận cho Cty Thế Anh được chuyển nhượng dự án cho Cty TNHH Quyền Phúc.

Ngày 16/12/2008, tại Văn bản số 4778/QĐ-UBND, tỉnh Hải Dương đã ký quyết định thu hồi và cho Cty Thế Anh thuê đất. Cụ thể, thu hồi 18.228m2 đất do UBND thị trấn Phú Thái và UBND xã Kim Lương, huyện Kim Thành đang quản lý, sử dụng để dùng vào các mục đích sau đây: Cho Cty Thế Anh thuê để đầu tư xây dựng cơ sở sửa chữa, đóng mới phương tiện thủy và kinh doanh cầu cảng.

Tại Kết luận số 334-TB/HU của Ban thường vụ Huyện ủy về việc kiểm tra đối với Đảng ủy – UBND thị trấn Phú Thái ban hành ngày 14/10/2009 ghi rõ: Ngày 01/4/2007, UBND thị trấn ký hợp đồng kinh tế cho Cty Thế Anh thuê 11.800m2 đất khu vực bãi bồi ngoài đê hữu sông Kinh Môn thuộc nhóm đất phi nông nghiệp; thời gian hợp đồng là 5 năm; như vậy là sai thẩm quyền vì Cty Thế Anh là một tổ chức kinh tế, theo quy định tại Điều 37 Luật Đất đai năm 2003: Việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với Cty này thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Hải Dương.

Bên cạnh đó, Kết luận số 334 cũng nêu rõ: Việc Cty Thế Anh đang thực hiện dự án thuê bến bãi tập kết và kinh doanh vật liệu tạm thời (trong thời hạn 5 năm), chuyển sang thuê đất đầu tư xây dựng cơ sở sửa chữa đóng mới phương tiện thủy và kinh doanh cầu cảng (với thời gian thuê đất 50 năm) là thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Tuy nhiên, Cty Thế Anh khi lập dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sửa chữa và đóng mới phương tiện tàu thủy, kinh doanh cầu cảng trên diện tích đang thực hiện hợp đồng thuê lập bến bãi tạm thời với UBND thị trấn Phú Thái chuyển sang thuê đất sử dụng vào mục đích khác, với thời hạn 50 năm mà không báo cáo, không xin ý kiến cấp ủy, chính quyền địa phương và vi phạm quy chế làm việc của BCH Đảng bộ huyện Kim Thành khóa XXII, vi phạm quy chế làm việc của Đảng ủy thị trấn Phú Thái khóa III.

Hiện nay, Cảng thủy nội địa Phú Thái chỉ chứa được 3 con tàu vào lấy hàng mỗi đợt.

Chưa dừng lại ở đó, việc UBND tỉnh Hải Dương chấp thuận cho Cty Thế Anh được chuyển nhượng dự án cho Cty TNHH Quyền Phúc cũng bộc lộ những điều bất hợp lý. Cụ thể, theo quy định của Luật Đất đai 2013 và quy định về thu hồi, chuyển nhượng, góp vốn, chia tách, sáp nhập, hợp nhất chuyển đổi đối với đất và tài sản gắn liền với đất được Nhà nước giao, cho thuê để sản xuất trên địa bàn tỉnh Hải Dương, kèm theo Quyết định số 21/QĐ-UBND ban hành ngày 23/12/2012 của UBND tỉnh Hải Dương thì chỉ những dự án mà Nhà nước thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê thì mới được chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Còn đối với những doanh nghiệp trả tiền thuê đất hàng năm thì chỉ được bán tài sản thuộc sở hữu gắn liền với thuê đất khi thỏa mãn điều kiện tài sản được tạo lập hợp pháp và đã hoàn thành xây dựng theo đúng quy hoạch được cho phép.

Như vậy, việc thuê đất của Cty Thế Anh thuộc diện trả tiền hàng năm và doanh nghiệp này cũng chưa được bàn giao đất, chưa hoàn thành việc xây dựng theo quy hoạch được phê duyệt. Tức là Cty Thế Anh chưa có bất cứ tài sản nào thì việc chuyển nhượng dự án là trái quy định của pháp luật.

Trong thời gian thuê đất lập bến bãi tạm thời, Cty Thế Anh có nhiều việc làm vi phạm Luật Xây dựng, Luật đê điều…. gây bức xúc trong một bộ phận cán bộ, Đảng viên và nhân dân thôn An Thái, thị trấn Phú Thái nhưng chưa tích cực khắc phục.

Điển hình mới đây, ngày 8/5/2018, Cty Thế Anh đã có văn bản gửi UBND tỉnh Hải Dương xin tái khởi động thực hiện dự án (đã chuyển nhượng cho Cty TNHH Quyền Phúc trước đó) với lý do đã đủ khả năng thực hiện. Ngày 22/5/2018, Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương có văn bản gửi các Sở Kế hoạch đầu tư, Tài nguyên & Môi trường, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn lấy ý kiến tham mưu để gia hạn tiến độ dự án, bàn giao mốc giới thực địa, hoàn thiện thủ tục pháp lý đê điều.

Song Nguyên

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/hoi-_-dap/hai-duong-co-nen-khoi-dong-lai-du-an-dap-chieu-10-nam.html