Hải Dương: Chung tay hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân

Trước sự khó khăn trong việc tiêu thụ nông sản khi bùng phát dịch COVID-19, những ngày qua, các đoàn thể, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã cùng vào cuộc hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân, góp phần giảm bớt thiệt hại. Đáng chú ý, giá nông sản của nông dân đã tăng lên từng ngày.

Chị Trịnh Ngọc Ánh – Phó Bí thư Tỉnh đoàn tỉnh Hải Dương cho biết, từ khi Hải Dương bùng phát dịch bệnh và thực hiện giãn cách toàn tỉnh, nông sản Hải Dương gặp nhiều khó khăn trong công tác tiêu thụ tại các địa phương khác. Trong khi đó, Hải Dương có khối lượng nông sản rau, củ, quả rất lớn đang vào kỳ thu hoạch nhưng không xuất đi được các tỉnh để tiêu thụ.

Tình hình trên đã khiến cho nhiều nông dân phải “bật khóc” trên đồng ruộng của mình khi nông sản đến lứa thu hoạch nhưng không thể bán đi, và nếu cứ để vậy thì cũng hỏng cả ruộng rau, củ, quả và còn ảnh hưởng tới cả mùa vụ sau.

Trước tình hình này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã có công văn gửi Bộ Công Thương và các địa phương xung quanh để hỗ trợ giải cứu, tiêu thụ nông sản. Đồng thời, chiến dịch hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho tỉnh Hải Dương đã nhận được sự hưởng ứng và tham gia tích cực của đông đảo các tổ chức, đoàn thể chính trị của tỉnh và đến các hội đồng hương, con em của tỉnh Hải Dương trên mọi miền của Tổ quốc. Chiến dịch giải cứu nông sản của tỉnh Hải Dương đã được các tỉnh, thành phố khác quan tâm, đặc biệt thành phố Hà Nội đã hỗ trợ Hải Dương rất nhiều trong công tác tiêu thụ.

Chị Trịnh Ngọc Ánh cho biết, Tỉnh đoàn Hải Dương đã phát động phong trào “Việc chúng tôi làm” để hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản. Theo chị Ánh, với phong trào “Việc chúng tôi làm” được phát động từ ngày 19/2, sau 3 ngày, nhiều nông sản của Hải Dương đã được tiêu thụ rất tốt, trong đó có thể kể đến một số mặt hàng như: ổi, ngô, củ đậu, cà chua, trứng,…

“Để hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân, Tỉnh đoàn đã thành lập số hotline chuyên nhận các cuộc điện thoại của các hộ nông dân, sau đó triển khai đến hệ thống đoàn cơ sở của Tỉnh đoàn. Mỗi đồng chí cán bộ đoàn cơ sở sẽ tập hợp nhu cầu của nhân dân cho Tỉnh đoàn, đồng thời ghi lại và sẽ tung ra trong chiến dịch để nhận các đơn đặt hàng của các tỉnh ngoài. Sau đó, Tỉnh đoàn sẽ cho người và cán bộ đoàn xuống địa phương thu hoạch giúp cho người dân” – chị Ánh chia sẻ.

Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn đã cùng phối hợp làm việc với Sở Công Thương, Sở NN&PTNT của tỉnh để cấp giấy thông hành, đi qua các chốt kiểm soát dịch bệnh COVID-19của tỉnh, do vậy, đã tạo thuận lợi cho các xe chở nông sản vận chuyển đi tiêu thụ.

Đáng chú ý, theo chị Ánh, qua từng ngày tiến hành thực hiện phong trào đã từng bước góp phần giúp giá nông sản của bà con nông dân được tăng lên. “Tiêu biểu như ổi tại Thanh Hà, với hơn 1.000 tấn ổi cần được giải cứu, mức giá mua ban đầu tại vườn là 2.000 đồng/kg, sau đó đã tăng lên ở mức 3.000-3.500 đồng/kg và đến thời điểm này, giá thu mua ổi tại Thanh Hà đã tới 5.000 đồng/kg” – chị Ánh thông tin thêm.

Với việc tham gia hỗ trợ tiêu thụ nông sản, Tỉnh đoàn Hải Dương đã tiến hành giải cứu nông sản cho bà con tại nhiều huyện trong tỉnh. Trong đó, giải cứu ngô, bắp cải, cà chua ở Nam Sách, giải cứu cà rốt tại Cẩm Giàng, Chí Linh, và giải cứu gà, cà rốt, hoa tươi tại Chí Linh,…

Thông qua các kênh tiêu thụ, Tỉnh đoàn Hải Dương đã góp phần tiêu thụ được 525 tấn nông sản cho nông dân. Hiện nayvẫn đang được tiếp tục thực hiện, trong đó, hướng tới một số mặt hàng vẫn đang còn nguồn cung lớn như: su hào, bắp cải, cà rốt.

Triển khai phong trào tiêu thụ nông sản giúp nông dân, Tỉnh đoàn Hải Dương nhận được sự tham gia ủng hộ rất nhiều từ các đơn vị, tổ chức,… Tuy vậy, theo chị Ánh, để việc tổ chức hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân được tốt hơn, ngành Công Thương cần có cơ chế rõ ràng cho việc quy định giá từng loại nông sản của người dân, công bố một mức giá trung bình để đảm bảo với mức giá đó người dân vẫn có lãi và là cơ sở để các tổ chức, đơn vị đi “giải cứu” có mức giá bán phù hợp cho người dân thông qua các đơn đặt hàng, tránh giá tăng, giảm liên tục gây khó khăn cho người bán nông sản, đồng thời cũng nhằm tránh việc giá bán quá thấp hoặc quá cao. Đồng thời, ngành Nông nghiệp cần có quy chuẩn nhất định trong việc yêu cầu nông sản cần đảm bảo những tiêu chí chất lượng cụ thể để tránh tình trạng nông sản được đưa ồ ạt đi tiêu thụ nhưng không đạt yêu cầu.

Thông tin thêm về tình hình hỗ trợ tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Hải Dương, ông Vũ Việt Anh – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) của tỉnh cho biết, trước thời điểm Hải Dương bùng phát dịch bệnh COVID-19thì lượng rau, củ, quả của tỉnh đang đến thời điểm cần tiêu thụ khoảng 90 nghìn tấn, đồng thời, gà đồi Chí Linh có 1,6-1,7 triệu con cần xuất chuồng. Do vậy, Sở NN&PTNT đã tích cực tham mưu cho UBND tỉnh để kiến nghị với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương và các tỉnh tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn để lưu thông tiêu thụ hàng hóa.

Đáng chú ý, Sở NN&PTNT của địa phương đã chủ động, tích cực liên kết với các doanh nghiệp, đơn vị thu mua nông sản trong và ngoài tỉnh để làm cầu nối tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân. Tính đến thời điểm hiện nay, với gà, Sở NN&PTNT đã giúp kết nối tiêu thụ trên 1 triệu con trong toàn tỉnh. Ngoài ra, với các loại nông sản như rau, củ vụ Đông, mỗi ngày đã kết nối tiêu thụ được trên 1.000 tấn. Đặc biệt, với cà rốt – sản phẩm chủ yếu để xuất khẩu của tỉnh, đã bước đầu được tháo gỡ để cho ra cảng xuất khẩu, hiện lưu thông mỗi ngày từ 600-800 tấn.

Phản ánh về tình hình giá nông sản, ông Vũ Việt Anh cũng nhấn mạnh, qua việc đẩy mạnh kết nối sản phẩm của bà con nông dân, đến thời điểm này, giá của nhiều mặt hàng nông sản đã cao dần, trong đó, có những mặt hàng đang tiệm cận thời điểm bùng phát dịch bệnh. Riêng với mặt hàng su hào, bắp cải tính đến ngày 26/2 giá đã tăng thêm từ 40-50% so với thời điểm thấp nhất. Và với mặt hàng gà, hiện giá trong tỉnh ổn định ở mức 42-60 nghìn đồng/kg. Mặt hàng củ đậu giữ ở mức 6-7 nghìn đồng/kg; cà rốt bán ở ngoài thị trường từ 4,5-5,5 nghìn đồng/kg, giá đã cao trở lại.

Cũng theo ông Vũ Việt Anh, để kết nối và hỗ trợ các đơn vị thu mua nông sản, Sở NN&PTNT đã hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19. Trong đó, Sở đã bố trí lực lượng chuyên môn để tăng cường hỗ trợ phun sát trùng khử khuẩn các phương tiện vận chuyển hàng hóa đảm bảo theo yêu cầu phòng chống dịch của tỉnh và Trung ương. Bên cạnh đó, tăng cường kết nối để hướng dẫn các cung tuyến đường cho các xe vận chuyển. Sở NN&PTPT đã cùng phối hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan chủ trì trong phòng chống dịch để cùng trao đổi làm sao giúp cho các xe đi tiêu thụ nông sản được đảm bảo nghiêm ngặt trong công tác phòng chống dịch.

Để công tác hỗ trợ tiêu thụ nông sản của bà con nông dân trên địa bàn tỉnh được tốt hơn, theo ông Vũ Việt Anh, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương cần quan tâm tạo điều kiện để có các đơn vị, doanh nghiệp lớn quan tâm tiêu thụ nông sản cho bà con. Đồng thời, cần có sự kết nối với các địa phương khác nhằm tạo điều kiện cho nông sản tỉnh Hải Dương được vận chuyển thuận lợi.

Đặc biệt, ông Vũ Việt Anh cho rằng, Bộ Công Thương cần phối hợp với Bộ NN&PTNT để có những kế hoạch mang tính tổng quan, không chỉ riêng cho tỉnh Hải Dương mà còn cho các địa phương khác về vấn đề tiêu thụ nông sản bởi diễn biến dịch COVID-19 đang còn rất phức tạp. Do vậy, cần có kế hoạch tổng thể với các biện pháp bài bản, chủ động để nếu xảy ra tình trạng tương tự sẽ có giải pháp ứng phó và giải quyết kịp thời khâu tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân khi nông sản đang ở thời kỳ cao điểm của vụ thu hoạch.

Dưới đây là một số hình ảnh hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Hải Dương:

 Hưởng ứng phong trào "Việc chúng tôi làm", các đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã cùng chung tay giúp bà con nông dân thu hoạch nông sản

Hưởng ứng phong trào "Việc chúng tôi làm", các đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã cùng chung tay giúp bà con nông dân thu hoạch nông sản

Chị Trịnh Ngọc Ánh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn tỉnh Hải Dương tích cực tham gia phong trào, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản

Với sự chung sức của các đoàn viên thanh niên, rất nhiều nông sản đã được thu gom để chuẩn bị đưa đi tiêu thụ...

Vận chuyển nông sản lên xe.

Mặt hàng cà chua được các đoàn viên thanh niên kiểm đếm và ghi chép lại cụ thể sản lượng thu hoạch để đi phân phối tại các nơi.

Nông sản được tập kết để chuẩn bị đưa đi tiêu thụ.

Thông qua phong trào "Việc chúng tôi làm", Tỉnh đoàn Hải Dương đã tặng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hải Dương nông sản để phục vụ cho khu vực bếp ăn.

Cùng với các đơn vị khác tham gia chiến dịch "giải cứu" nông sản, Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương đã hỗ trợ trong công tác khử khuẩn cho các phương tiện vận chuyển nông sản đi tiêu thụ

Những chuyến xe thu mua nông sản của nông dân từ sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương

Điểm phát rau miễn phí tại xã Định Sơn, huyện Cẩm Giàng.

Nông sản của tỉnh Hải Dương tiêu thụ tại tỉnh Hưng Yên.

Bùi Thủy - CTV

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/thoi-su/hai-duong-chung-tay-ho-tro-tieu-thu-nong-san-cho-nong-dan-575402.html