Hải Dương: Cần sớm xem xét giải quyết việc suy tôn 36 liệt sỹ ở huyện Tứ Kỳ

20 năm kể từ khi hoàn thành hồ sơ đề nghị suy tôn người thân của mình đã hy sinh vì Tổ quốc là liệt sỹ thời kỳ 1947 - 1954, 36 hộ dân xã Quang Khải (Tứ Kỳ, Hải Dương) có người thân là đảng viên, dân quân, du kích có đơn gửi các ban ngành tỉnh Hải Dương đề nghị xem xét giải quyết…

Chờ 20 năm

Năm 1998, thực hiện việc lập danh sách kê khai các đối tượng tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp chưa được suy tôn liệt sỹ, UBND xã Quang Khải đã có giấy gửi 40 gia đình có người thân tham gia hoạt động cách mạng thời kỳ 1947 – 1954 chưa được suy tôn liệt sỹ về làm hồ sơ và xin giấy xác nhận của những người tham gia cùng thời điểm đó. Sau đó, có hai trường hợp là ông Nguyễn Văn Dịp, ông Vũ Văn Thuận có đủ hồ sơ, có người xác nhận giao nhiệm vụ và một trường hợp là ông Nguyễn Văn Trúc có tên trong lịch sử Đảng bộ ngành Bưu điện được suy tôn liệt sỹ. Còn trường hợp ông Ngô Đình Dược gia đình có đơn gửi các cấp ngành tỉnh Hải Dương xem xét và Thanh tra tỉnh Hải Dương đã tiến hành xác minh có kết quả, đến năm 2008 thì ông Dược được suy tôn liệt sỹ.

Còn 36 trường hợp khác (có 1 hồ sơ bổ sung), sau khi hồ sơ được hoàn thành, được gửi Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện Tứ Kỳ đề nghị Nhà nước suy tôn liệt sỹ. Tuy nhiên, viện dẫn nội dung trong Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ra ngày 12/10/2013 hướng dẫn xác nhận liệt sỹ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh trong chiến tranh không còn giấy tờ, Phòng LĐTB&XH Tứ Kỳ trả lời: 35 hồ sơ không đủ điều kiện để làm căn cứ xác nhận, đồng thời có văn bản báo cáo Sở LĐTB&XH Hải Dương.

Sau khi nhận được chỉ đạo của Sở LĐTB&XH, Đảng ủy, UBND và các ban ngành đoàn thể xã Quang Khải đã tiến hành xác minh từng trường hợp cụ thể, lập biên bản đến tháng 8/2015 thì hoàn thành 35 hồ sơ đề nghị suy tôn liệt sỹ gửi lên trên. Năm 2016, Sở LĐTB&XH và Phòng LĐTB&XH có văn yêu cầu UBND xã Quang Khải đối chiếu quy định của Pháp lệnh số 04/2012/PL-UBTVQH13, Nghị định số 31/2013/NĐ-CP, Thông tư liên tịch số 28/2013TTLT-BLĐTBXH-BQP, trường hợp nào đủ điều kiện xác nhận liệt sỹ, UBND xã Quang Khải hướng dẫn lập hồ sơ theo quy định để trình cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết. “Đến nay, UBND huyện Tứ Kỳ chưa nhận được hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sỹ theo quy định trên do UBND xã Quang Khải chuyển đến, do đó, chưa có cơ sở đề nghị cấp có thẩm quyền xác nhận liệt sỹ đối với 35 trường hợp của xã” – Văn bản 751/UBND-LĐTBXH do Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Bột ký ngày 12/10/2016 nêu.

Tuy nhiên, ông Vũ Văn Nhuần, Chủ tịch UBND xã Quang Khải cho biết, cá nhân ông đã 3 lần ký văn bản xác minh gửi Sở LĐTB&XH tỉnh Hải Dương, UBND, Phòng LĐTB&XH huyện Tứ Kỳ; trong đó, mới nhất là ngày 15/02/2017, có văn bản số 04/CV-UBND đề nghị suy tôn cho 35 trường hợp đã được xã xác minh hoạt động cách mạng, bị địch bắt và giết tại địa phương và đưa ra căn cứ xác nhận cụ thể.

36 hộ dân xã Quang Khải (Tứ Kỳ, Hải Dương) có người thân là Đảng viên, dân quân, du kích tha thiết mong ban ngành tỉnh Hải Dương nhanh chóng xem xét giải quyết…

Có căn cứ tháo gỡ vụ việc

Trong số những Đảng viên, du kích thời kỳ (1945-1954) bị Pháp vây bắt, bị bắn chết có tên trong danh sách cuốn “Tư liệu lịch sử tổ chức nhân sự trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược” có ông Vũ Đình Khắc, Đảng viên 1947-1954. Ngoài ông Vũ Đình Khắc, còn có ông Nguyễn Văn Nhưỡng và nhiều người khác là du kích của xã Quang Khải.

Biên bản xác minh tại hồ sơ đề nghị suy tôn liệt sỹ đối với ông Vũ Ngọc Khắc (Còn có tên khác là Vũ Đình Khắc) ghi rõ: Ông Vũ Ngọc Khắc sinh năm 1928. Sinh quán và trú quán thôn Tân Quang, xã Quang Khải, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Ông Khắc tham gia du kích đánh Pháp từ năm
1948-1951, được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 2/9/1951, giặc đóng ở bốt Quàn xã Minh Đức về vây cán bộ đảng viên du kích. Do có tên Nhân phản bội đầu hàng địch đã chỉ điểm cho địch bắt ông Khắc và các đồng đội của ông. Giặc Pháp mang ông về bốt tra tấn đánh đập dã man. Đến đêm ngày 4/9/1951, chúng bắt các ông ra đống Cao Tông, thôn Vũ Xá, bắn chết và vứt xác xuống sông. Năm 1966 ông được Nhà nước tặng Huy chương Kháng chiến hạng nhất.

Ngoài ra, trong hồ sơ còn có xác nhận của 3 người khác hoạt động cùng thời kỳ với ông Khắc trong đó có ông Nguyễn Văn Nghiêm (nguyên Chủ tịch UBKC hành chính xã Quang Khải giai đoạn 1950 - 1952).

Tại biên bản đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo Cục Người có công – Bộ LĐTB&XH, Thanh tra tỉnh Hải Dương, UBND huyện Tứ Kỳ và các Sở, Phòng ban liên quan với thân nhân các gia đình có đơn đề nghị suy tôn liệt sỹ tại xã Quang Khải ngày 28/6/2017, ông Nguyễn Duy Kiên, Phó Cục trưởng Cục Người có công cho biết, cần căn cứ các quy định của pháp luật để giải quyết vụ việc. Đối với 36 trường hợp này phải căn cứ vào lịch sử Đảng bộ xã. Cần xem xét lại việc xây dựng và phát hành cuốn lịch sử Đảng bộ xã Quang Khải làm căn cứ tháo gỡ vụ việc.

Biên bản này cũng nêu rõ ý kiến của ông Nguyễn Hữu Thắng, Trưởng ban Tuyên giáo huyện ủy Tứ Kỳ: “Cuốn lịch sử Đảng bộ xã không phải bất biến, nếu xét thấy cần phải chỉnh sửa bổ sung đảm bảo thông tin, nội dung chính xác hơn, Ban Tuyên giáo sẽ hướng dẫn Đảng ủy xã Quang Khải thực hiện. Việc chỉnh sửa bổ sung phải có căn cứ pháp lý, chứng cứ chứng minh…”

Còn ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Bí thư Đảng ủy xã Quang Khải – người trực tiếp biên soạn cuốn lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã cho hay, cuốn sách sẽ được tái bản và chỉnh sửa bổ sung này vào đầu năm 2019. “Sau khi thu thập hết các tài liệu hồ sơ, tư liệu lịch sử Đảng bộ xã Quang Khải và tiếp thu ý kiến góp ý, bổ sung từ hội nghị ở 3 thôn trong xã vào các ngày 15 -16/12/2017, tôi lập danh sách những người tham gia chính quyền, đoàn thể, LLVT xã Quang Khải thời kỳ 1945 – 1954, đồng thời đã đối khớp với cuốn Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Quang Khải 1930 – 2005 xuất bản năm 2007. Lần chỉnh sửa tái bản này chúng tôi sẽ xin ý kiến các ban ngành bổ sung” – ông Xuân cho biết.

Chia sẻ với PV, những thân nhân của 36 người này cho biết, nhiều năm qua, gia đình tốn nhiều công sức, gửi nhiều đơn đề nghị gửi đến các cấp không vì mục đích hưởng chính sách đãi ngộ mà mong muốn có được danh dự cho linh hồn người đã khuất và coi đây là niềm tự hào của con cháu, dòng họ.

Chính vì vậy đề nghị Bộ LĐTB&XH, Cục Người có công, tỉnh Hải Dương sớm xem xét nguyện vọng chính đáng của gia đình có người thân hy sinh cho sự nghiệp cách mạng, tạo niềm tin trong nhân dân, làm tròn bổn phận của thế hệ ngày hôm nay ghi công những người đã khuất.

Đức Anh

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/phap-luat/dieu-tra/hai-duong-can-som-xem-xet-giai-quyet-viec-suy-ton-36-liet-sy-o-huyen-tu-ky-42149