Hai dự án ngành Công Thương thoát khỏi danh mục thua lỗ

Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa thông báo, việc xử lý 12 dự án yếu kém của ngành Công Thương đã có những chuyển biến rõ nét, trong đó có 2 dự án đang được xem xét đưa ra khỏi danh mục thua lỗ.

Dự án xơ sợi Đình Vũ báo lãi 6 tháng đầu năm 2018 là 65 tỷ đồng

Dự án xơ sợi Đình Vũ báo lãi 6 tháng đầu năm 2018 là 65 tỷ đồng

Đã nhìn thấy lãi

Nguồn tin của PLVN cho hay, trong việc xử lý các dự án yếu kém, Bộ Công Thương đã phân định ra 4 nguyên tắc lớn phải tuân thủ, bao gồm: Các dự án này phải được thực hiện trong nỗ lực giải quyết tồn tại nhưng phải trong khuôn khổ của luật pháp; phải đảm bảo đúng nguyên tắc thị trường, không có chuyện tiếp tục trợ cấp hoặc cấp thêm vốn từ ngân sách nhà nước; phải đảm bảo nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các chủ đầu tư, các doanh nghiệp; phải phù hợp với nội dung các cam kết hội nhập quốc tế.

Trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ (bao gồm Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 1 Hải Phòng, Nhà máy Thép Việt - Trung, Nhà máy Đạm Hà Bắc, Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 2 Lào Cai, Nhà máy Sản xuất đạm Ninh Bình, Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ) thì đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh bước đầu có hiệu quả tích cực (theo nghĩa không còn lỗ và đã có lãi).

Đó là Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 1 Hải Phòng, với lợi nhuận 8 tháng năm 2018 ước đạt 147,692 tỷ đồng, lãi năm 2017 là 15,15 tỷ đồng và Nhà máy Thép Việt - Trung lợi nhuận ước đạt 527,24 tỷ đồng trong 8 tháng năm 2018. Năm 2017, Nhà máy Thép Việt - Trung cũng đã lãi 411 tỷ đồng.

Theo đại diện Bộ Công Thương, căn cứ vào tiêu chí đề xuất của Bộ này, dự án muốn đưa ra khỏi danh sách thua lỗ phải được phê duyệt xong quyết toán dự án hoàn thành và không còn vướng mắc, tranh chấp với nhà thầu tại các hợp đồng EPC. Các dự án này cũng phải có kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và có lãi từ một năm trở lên, đồng thời phải có phương án sản xuất kinh doanh ổn định và có lãi trong các năm tiếp theo và không còn phát sinh nợ quá hạn tại các tổ chức tín dụng có quan hệ cho vay vốn đối với dự án...

Như vậy, Nhà máy DAP số 1 Hải Phòng và Nhà máy Thép Việt - Trung đã đáp ứng đủ tiêu chí mà Bộ đề ra. Do đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Bộ đang báo cáo Chính phủ để có biện pháp đưa ra khỏi danh mục 12 dự án thua lỗ.

“Đưa ra khỏi danh sách này không phải để lấy thành tích mà tạo điều kiện cho dự án này thật sự hòa nhập với đời sống cộng đồng kinh tế và có điều kiện khắc phục tồn tại một cách bền vững, nhưng phải đảm bảo 5 yếu tố mà Bộ đã nêu. Ví dụ không còn nợ quá hạn hay nợ của các tổ chức tín dụng”, Bộ trưởng Công Thương nói.

Một số dự án của PVN có “chuyển mình”

Ngoài 2 dự án trong diện dừng hoạt động do thua lỗ nhưng gần đây đã có lãi như đã nêu, 4 dự án còn lại từng bước khắc phục khó khăn, bao gồm: Nhà máy Đạm Hà Bắc lỗ 203 tỷ đồng, giảm lỗ 210 tỷ đồng so với cùng kỳ; Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 2 Lào Cai lỗ 110,78 tỷ đồng, giảm lỗ 324,82 tỷ đồng so với cùng kỳ; Nhà máy Sản xuất đạm Ninh Bình lỗ 701,845 tỷ đồng; Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) doanh thu thực hiện ước đạt 318,03 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 3,29 tỷ đồng.

Cũng theo số liệu của Bộ Công Thương, kết thúc 6 tháng đầu năm 2018, một số dự án của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) như xơ sợi Đình Vũ cũng đã báo lãi 65 tỷ đồng hay Dự án Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước đã khôi phục tất cả các trạng thái hoạt động thương mại và đang đợi cơ hội tham gia vào thị trường. Riêng Dự án Lọc hóa dầu Bình Sơn đã bắt đầu tham gia sản xuất và cung ứng cho xã hội các sản phẩm của mình và được chấp nhận.

Tuy nhiên, vẫn còn 3 dự án “nằm” bất động hoàn toàn là Dự án sinh học của Phú Thọ, Nhà máy Gang thép Thái Nguyên và Nhà máy giấy Phương Nam. Cả 3 dự án này hiện đang khá phức tạp vì có những vi phạm pháp luật ở nhiều khía cạnh và hiện đang được tiến hành điều tra, xem xét.

Theo lộ trình của Bộ Công Thương, năm 2018 và năm 2019 sẽ xử lý một cách tương đối toàn diện và triệt để những vấn đề tồn tại để đến năm 2020, chấm dứt hoàn toàn việc xử lý 12 dự án yếu kém.

Dự án DAP số 1 Hải Phòng dự kiến nâng công suất?

“Ông Nguyễn Văn Sinh - Tổng Giám đốc DAP số 1 Hải Phòng cho biết, sau khi tự thu xếp được nguồn vốn 500 tỷ đồng vào đầu năm 2018, về cơ bản Nhà máy đã cân đối được nguồn vốn lưu động để phục vụ sản xuất kinh doanh và trả các khoản nợ đến hạn, không có khó khăn đáng kể nào. Dư nợ vốn đầu tư còn 107,8 tỷ đồng đến hết tháng 6/2018 và theo kế hoạch, khoản vốn đầu tư trên sẽ được quyết toán trong năm 2018 (kể cả gốc và lãi). Dự kiến, tới đây, DAP số 1 Hải Phòng sẽ nâng thêm công suất để đảm bảo kế hoạch đã được phê duyệt”.

Nhật Thu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chuyen-llam-an/hai-du-an-nganh-cong-thuong-thoat-khoi-danh-muc-thua-lo-420934.html