Hai doanh nhân bị bắt oan, gần 20 năm chờ lời xin lỗi

Từ vụ việc tranh chấp dân sự bị hình sự hóa khiến cho 2 doanh nhân đất Bình Dương bị bắt oan. Sau 20 năm, Bộ Công an mới chính thức xin lỗi nhưng những gì mà họ đã mất đi thì không thể lấy lại. Nhiều người gây nên vụ án này đã chịu kỷ luật.

Hình sự hóa vụ tranh chấp dân sự

Tháng 9/2000, nội bộ Công ty gas Bình Dương, nằm trong khu công nghiệp Đồng An 1 (do Công ty Hưng Thịnh làm chủ đầu tư) xảy ra sự việc tranh chấp tài sản giữa những người góp vốn. Ông Nguyễn Viết Tạo (giữ chức Tổng giám đốc) đã tố cáo đến Ban chỉ đạo điều tra chuyên án Năm Cam và đồng bọn: những thành viên trong Hội đồng quản trị trong đó có hai ông: Bùi Mạnh Lân - (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Hưng Thịnh và Phạm Văn Hướng (Phó Chủ tịch kiêm Phó Tổng giám đốc) đã thuê các đối tượng là đàn em Năm Cam đến Công ty Gaz Bình Dương gây rối và chiếm giữ tài sản.

Ông Nguyễn Việt Thành khi đó là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phía Nam, đã đồng ý cho một số điều tra viên thuộc Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) – Công an tỉnh Tiền Giang do Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT – Công an tỉnh này là Nguyễn Văn Nên làm tổ trưởng, truy xét.

Hậu quả, cả nhóm 7 người liên quan trong đó có ông Hướng và Lân bị bắt điều tra hành vi “Gây rối trật tự công cộng”, lệnh tạm giam do Viện KSND tối cao phê chuẩn. Ngày 28/5/2003, hết thời hạn tạm giữ, Viện KSND tối cao đã từ chối phê chuẩn lệnh gia hạn tạm giam vì lý do ông Lân và Hướng không đồng phạm với các đối tượng trong vụ án này. Song, ông Nguyễn Việt Thành đã ghi ý kiến chỉ đạo cho Cơ quan CSĐT – Bộ Công an, tiếp tục bổ sung chứng cứ, xin Viện KSND tối cao phê chuẩn gia hạn tạm giam hai ông Lân và Hướng.

Ngày 11/6/2003, Viện KSND tối cao phê chuẩn lệnh tạm giam trong thời hạn 3 tháng đối với ông Lân, từ chối phê chuẩn giam ông Hướng. Từ cơ sở này, C16 cho ông Hướng tại ngoại và giao quyết định này cho ông Nên thực hiện. Tuy nhiên, gần 1 tháng sau, tức 7/7/2003, ông Nên mới chuyển quyết định này đến trại giam công an tỉnh và ông Hướng. Hành vi cố tình của ông Nên khiến ông Hướng phải chịu giam oan tổng cộng 60 ngày.

Ông Bùi Mạnh Lân (bên trái) và Phạm Văn Hướng nhận hoa và lời xin lỗi từ đại diện Bộ Công an

Ông Bùi Mạnh Lân (bên trái) và Phạm Văn Hướng nhận hoa và lời xin lỗi từ đại diện Bộ Công an

Tháng 8/2004, Viện KSND Tối cao ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra bị can. Hai ông Lân và Hướng liên tục có đơn khiếu nại oan sai đến các cơ quan chức năng. Năm 2010, Cục điều tra hình sự - Viện KSND Tối cao mới vào cuộc, xác định việc bắt khẩn cấp các ông Lân, Hướng là vi phạm quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Bởi lẽ việc tranh chấp, xô xát đã diễn ra trước đó gần 3 năm tại tỉnh Bình Dương; đồng thời ông Lân và ông Hướng không cư trú, làm việc tại tỉnh Tiền Giang nên việc ông Nên và tổ công tác của Công an tỉnh Tiền Giang “vươn tay” bắt người ở tỉnh Bình Dương là không đúng thẩm quyền.

Lời xin lỗi sau….gần 20 năm

Sau gần 20 năm, ngày 5/3 vừa qua, được sự ủy quyền từ Bộ Công an, thượng tá Đặng Trọng Cường - Phó chánh văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra đã trực tiếp đến trụ sở Công ty Hưng Thịnh để chính thức công khai xin lỗi hai ông Bùi Mạnh Lân và ông Phạm Văn Hướng.

Trước sự chứng kiến của đông đảo mọi người, thượng tá Cường nói: “"Đây là một bài học sâu sắc cho cơ quan điều tra, cần sâu sát và toàn diện hơn, không để xảy ra sai sót trong tương lai". Nhận hoa và nhận lời xin lỗi nhưng ông Lân nói sẽ từ chối nhận bồi thường của nhà nước. "Tôi không nhận bồi thường vì dù tiền bồi thường này lấy từ nguồn nào cũng là xuất phát từ tiền thuế của người dân. Với những gì gia đình tôi và doanh nghiệp phải chịu đựng trong gần 20 năm qua, có lẽ không có tiền bạc nào có thể đo đếm được" - ông Lân nói.

Còn ông Phạm Văn Hướng cho biết, không nặng nề số tiền bồi thường là bao nhiêu nhưng ông đề nghị cơ quan chức năng cần sớm giải quyết cho ông. Hai ông tiếp tục kiến nghị Bộ Công an và cơ quan chức năng không chỉ dừng lại ở việc xin lỗi mà cần tiếp tục xử lý trách nhiệm của những người đã bắt giữ người trái pháp luật theo đúng quy định của pháp luật.

Phía Văn phòng cơ quan cành sát điều tra Bộ Công an cho biết, khi điều tra vụ án "gây rối trật tự công cộng", Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã bắt tạm giam ông Lân tổng cộng 41 ngày, bắt tạm giam ông Hướng tổng cộng 63 ngày mà "không có lệnh hợp pháp". Vì thế hai ông Lân và Hướng thuộc trường hợp được xem xét giải quyết theo Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước nên chính thức tổ chức xin lỗi công khai với hai doanh nhân này. Còn số ngày ông Lân bị tạm giam 84 ngày (có phê chuẩn của viện kiểm sát) và 380 ngày bị câu lưu áp dụng biện pháp tố tụng thì ông Lân đã gửi đơn đề nghị viện kiểm sát nhân dân tối cao xin lỗi và bồi thường theo quy định.

Ngày 7/6/2011, Cục điều tra Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã quyết định khởi tố bị can và tiến hành khám xét đối với 3 người nguyên là sĩ quan công an thuộc Công an tỉnh Tiền Giang, trong đó có người là điều tra viên tham gia trong chuyên án Năm Cam, đối với hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Là luật sư tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các ông Bùi Mạnh Lân, Đỗ Cao Bằng và Phạm Văn Hướng - tôi không thể quên được những tháng ngày vất vả với hành trình tố tụng ngược xuôi kéo dài. Có thể sự mất tự do về thân thể của họ không đau đớn bằng việc Công ty cổ phần Hưng Thịnh - chủ đầu tư của các khu công nghiệp nổi tiếng trên địa bàn tỉnh Bình Dương bị mất đi những cơ hội kinh doanh và đóng góp cho sự phát triển của kinh tế - xã hội địa phương, danh dự, uy tín của những người chủ doanh nghiệp đang làm ăn chân chính bị chà đạp, xúc phạm và hoen ố.

Có thể thấy rõ việc điều tra vụ án này được xác định là không có căn cứ pháp luật và vượt quá thẩm quyền điều tra về mặt lãnh thổ, được thực thi bởi một số cá nhân thuộc Cơ quan điều tra Công an tỉnh Tiền Giang. Kết quả thẩm tra của Cục điều tra Viện Kiểm sát Nhân tối cao được đăng tải trên báo chí cho thấy, có quá nhiều vi phạm trong việc ra lệnh bắt khẩn cấp các cá nhân nêu trên và chậm trễ trong việc thực thi các quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn và trả tự do đối với họ.

Kể từ ngày vụ án được đình chỉ, nhưng những hệ lụy của những người bị đặt trong vòng tố tụng một cách oan ức, cùng với doanh nghiệp và gia đình của họ thật không thể lường hết được. Đến tận bây giờ, những người trong cuộc, cả ở phía bên này và phía bên kia của sự đối lập về quyền lợi, vẫn thi thoảng gặp nhau trên mỗi chặng đường đi. Họ tránh không muốn nhắc đến những ngày đau đớn, mặc dù vẫn biết khó có thể trở lại bình thường như ngày xưa nữa. Tôi vẫn hiểu, có cái gì mất đi mà có thể lấy lại được nguyên vẹn đâu, huống chi đó lại là thời gian và lòng người?

LUẬT SƯ PHAN TRUNG HOÀI

Gia Bảo

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/phap-luat/hai-doanh-nhan-bi-bat-oan-gan-20-nam-cho-loi-xin-loi-39165.html