Hai điểm yếu đáng chú ý của quân đội NATO

Tờ Der Spiegel của Đức mới đây công bố một tài liệu mật bị rò rỉ của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), phơi bày những điểm yếu của liên minh quân sự này.

Tài liệu mang tên “Báo cáo về tăng cường năng lực răn đe và thế trận phòng thủ của liên minh” khẳng định hai điểm yếu đáng chú ý nhất của quân đội NATO hiện nay chính là cơ cấu tổ chức chỉ huy và năng lực hậu cần. Báo cáo đưa ra một vài số liệu nhằm minh họa cho sự “teo tóp” của quân đội NATO kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Theo báo cáo, trước khi Bức tường Berlin sụp đổ, quân đội NATO có 23.000 sĩ quan chỉ huy các cấp trong khi có tới hàng trăm nghìn binh lính Mỹ đóng quân tại châu Âu. Trong trường hợp xảy ra khủng hoảng, các chỉ huy quân sự có thể nhanh chóng huy động được cả binh lính và khí tài. Thế nhưng, tính đến năm 2011, số sĩ quan chỉ huy của quân đội NATO đã giảm xuống chỉ còn 13.000. Hiện tại, con số này chỉ còn 6.800 người đang làm việc tại 2 trung tâm chỉ huy ở Brunssum (Hà Lan) và Mons (Bỉ). “Các lãnh đạo quân sự cấp cao muốn thấy sự trở lại của cơ cấu tổ chức chỉ huy thời Chiến tranh Lạnh. Một tướng lĩnh NATO thừa nhận “năng lực của chúng tôi đã đã bị “thui chột” đi nhiều. Chúng tôi quên cả cách di chuyển quân”, báo cáo cho biết.

Binh lính NATO trong một cuộc tập trận tại Đông Âu. Ảnh: PressTV

Theo tờ Der Spiegel, lịch sử quân sự hàng nghìn năm qua cho thấy, thường thì những yếu tố ít được quan tâm như hậu cần lại đóng vai trò quan trọng đối với thành bại của một cuộc chiến. Thế nhưng, báo cáo chỉ ra rằng “NATO đã bị suy yếu về khả năng hỗ trợ hậu cần bảo đảm cho việc nhanh chóng triển khai quân tiếp viện”. Báo cáo cho rằng, quân đội NATO “phải có khả năng chi viện nhanh chóng cho một hay nhiều đồng minh đang bị đe dọa, tăng cường khả năng răn đe trong thời bình và trong các cuộc khủng hoảng, đồng thời tăng cường khả năng phòng thủ cho một hay nhiều đồng minh trước các cuộc tấn công”. Theo báo cáo, quân đội NATO cũng phải có khả năng huy động và duy trì binh lính, “không phân biệt bản chất, yêu cầu, địa điểm hay thời gian của sứ mệnh”. “Để có được năng lực đó, một cơ cấu tổ chức hậu cần dân sự/quân sự vững mạnh là cần thiết, bao gồm tuyến thông tin liên lạc từ Bắc Mỹ tới các khu vực biên giới phía Đông và Nam của vùng lãnh thổ NATO và các tuyến liên lạc trong toàn châu Âu”, báo cáo nhấn mạnh.

Báo cáo đã đưa ra một kết luận “sốc” rằng xét tới tình trạng hiện tại, “không có đủ niềm tin rằng ngay cả Lực lượng Phản ứng nhanh NATO (NRF) cũng có khả năng ứng phó nhanh chóng và lâu dài khi cần thiết”.

Đây không phải lần đầu tiên những điểm yếu của quân đội NATO bị phơi bày. Trước đó, trả lời tạp chí National Interest, Ian Brzezinski, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Tổng thống Mỹ George W. Bush cho biết huấn luyện cơ động với sự tham gia của hàng chục nghìn binh lính đến các nơi có nguy cơ trở thành “điểm nóng”, thực ra chính là một bộ phận cấu thành quan trọng trong kế hoạch quân sự thời Chiến tranh Lạnh của NATO. “NATO trước đây thường xuyên huấn luyện triển khai 50.000 binh lính khắp Đại Tây Dương và di chuyển quân khắp châu Âu. Đó vừa là để phô trương nhưng cũng vừa là cách bảo đảm rằng, mọi thứ đều hoạt động trơn tru. Thế nhưng, ngày nay, huấn luyện di chuyển của quân đội NATO có vẻ khá hạn chế. Các cuộc tập trận ít thường xuyên hơn và chủ yếu vẫn là sự tham gia của các lữ đoàn (mỗi lữ đoàn có khoảng 5.000 binh lính)”, ông Ian Brzezinski nhận xét.

Trong khi đó, bà Elisabeth Braw, nghiên cứu viên cấp cao không thường trú tại Hội đồng Đại Tây Dương-một trong những nhóm chuyên gia cố vấn có ảnh hưởng đến Mỹ và NATO về chính sách đối ngoại và địa chính trị, viết trên tạp chí National Interest rằng kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, quyền quyết định đối với các cuộc tập trận của NATO đã chuyển từ các chỉ huy quân sự sang Hội đồng Bắc Đại Tây Dương (Hội đồng NATO) dân sự, hoạt động với tốc độ “phi quân sự”. “Các chỉ huy quân sự từ lâu đã ý thức được những vấn đề gây ra bởi quy trình ra quyết định chậm chạp này, song những người ra quyết định chính trị lại luôn né tránh. Chỉ có trao thêm quyền lực cho các chỉ huy quân sự đối với các cuộc tập trận mới làm cho NATO hoạt động hiệu quả hơn”, bà Elisabeth Braw khẳng định.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/quan-su-the-gioi/khoa-hoc-quan-su/hai-diem-yeu-dang-chu-y-cua-quan-doi-nato-521616