Hai đích ngắm

Theo tờ Les Echos, cuộc chiến thương mại mà Tổng thống Mỹ Donald Trump khởi sự, ngoài Trung Quốc, còn có một đích ngắm khác, là gây áp lực để buộc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) - định chế thương mại lớn nhất của thế giới, với 164 thành viên, phải cải cách.

Tờ báo nhấn mạnh đến việc Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và cả Trung Quốc trong ít tháng gần đây bắt đầu có các nỗ lực đi theo hướng này, đa số có mục tiêu hạn chế các can thiệp của chính quyền vào thị trường, gây bất lợi cho các nước khác.

Có 3 cải cách chủ yếu được Les Echos nhắc đến. Thứ nhất là minh bạch hóa các khoản trợ giá của chính quyền cho doanh nghiệp. Cho đến nay, hơn một nửa quốc gia thành viên WTO không thông báo về trợ giá, do vậy các nước khác bị cho là khó đưa ra các biện pháp trả đũa tương xứng. EU đề nghị minh bạch hoàn toàn, quốc gia nào không cung cấp thông tin sẽ bị trừng phạt. Cải cách thứ hai là chống lại các ưu đãi dành cho doanh nghiệp nhà nước. EU, Mỹ, Nhật Bản, Canada và Mexico cùng chung quan điểm này. Một cải cách quan trọng khác mà EU và Mỹ cùng ủng hộ, là phải sửa đổi quy định của WTO để chấm dứt tình trạng nhiều quốc gia sở tại gây áp lực buộc các doanh nghiệp nước ngoài muốn vào kinh doanh phải chuyển giao công nghệ, bản quyền.

Giới quan sát nhấn mạnh, ngay từ khi tranh cử tổng thống Mỹ năm 2016, ông Donald Trump đã rầm rộ tuyên bố chống lại mậu dịch tự do, đề cao chủ nghĩa bảo hộ, khẳng định nước Mỹ trên hết. Từ khi vào Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ liên tục lên án WTO. Ông Donald Trump chủ trương thay thế cơ chế mậu dịch đa phương hiện nay bằng các hiệp định song phương mà Washington muốn thương thuyết lại theo hướng có lợi hơn cho Mỹ. Chuyên gia kinh tế Pháp Jean-Marc Siroen đặc biệt chú ý đến việc Washington viện dẫn điều khoản về an ninh quốc gia, biện minh cho việc đưa ra các sắc thuế mới. Tổng thống Mỹ đã dựa vào một điều khoản rất hiếm khi được Chính phủ Mỹ sử dụng - Điều 232 trong bộ luật về thương mại Trade Expansion Act năm 1962.

WTO cũng có điều khoản tương tự. Điều 21 trong thỏa thuận GATT (Hiệp định chung về thuế quan và mậu dịch), quy định là không quốc gia nào có thể bị ngăn cản đưa ra các quyết định cần thiết để bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia. Nhiều chuyên gia gọi đây là “chiếc hộp Pandora”, chiếc hộp bí hiểm, một khi đã mở ra, tai họa sẽ tràn ngập, không có cách vãn hồi. Cho đến nay, chưa bao giờ cơ quan trọng tài của WTO ra phán quyết về một vụ kiện tụng liên quan đến Điều 21, được ví với chiếc hộp Pandora này. Nỗi lo sợ của nhiều quốc gia là một khi quan điểm an ninh quốc gia được chấp nhận, đây là cú hích đầu tiên đẩy các quốc gia đi vào con đường chạy đua “chỉ vì mình”, với hệ quả là đủ loại sắc thuế mới mọc lên, làm tan vỡ hệ thống thương mại toàn cầu hiện nay. Khi thế giới bước vào một vòng xoáy trả đũa không dứt, dù WTO không biến mất, định chế này cũng chỉ còn là một chiếc vỏ không hồn.

MINH CHÂU

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/hai-dich-ngam-539201.html