Hai đề xuất phát triển nông nghiệp hữu cơ của nữ doanh nhân ngành sữa

'Yêu cầu một nền nông nghiệp sạch, cung cấp thực phẩm sạch cho gần 100 triệu dân và xuất khẩu ra thế giới là thách thức lớn cho Nông nghiệp hữu cơ nhưng cũng đồng thời là cơ hội cho nông nghiệp hữu cơ vì có đầu ra tiềm năng'

Đó là nhận định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Hữu cơ quốc tế: “Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam- Phát triển và hội nhập” do Bộ NNPTNT phối hợp với Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam tổ chức. Diễn đàn thu hút hàng trăm đại biểu quốc tế và nhiều doanh nghiệp tâm huyết với sản xuất hữu cơ tại VN. Trong đó nổi bật là nữ doanh nhân ngành sữa- bà Thái Hương với 2 đề xuất để phát triển nông nghiệp hữu cơ

Thủ tướng Chính phủ và Lãnh đạo Bộ NNPTNT chủ trì diễn đàn

Tiềm năng và cơ hội cho nông nghiệp hữu cơ

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, sau 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc. “Từ nền sản xuất không đủ sản lượng cho tiêu dùng trong nước, đến nay chúng ta đã vươn lên trở thành nước có sức sản xuất hàng hóa nông nghiệp không chỉ đáp ứng cho nhu cầu của 93 triệu dân mà còn trở thành nước xuất khẩu lớn về nông sản với giá trị 32,14 tỷ USD vào năm 2016 và khoảng 36 tỷ USD trong năm nay, năm 2017”- Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về nông nghiệp hữu cơ, Bộ trưởng nêu thực tế, cùng với sự đa dạng nguồn tài nguyên sinh học, nhiều giống cây, con, đặc sản quý, ở khắp các vùng đất nước và nhất là các tỉnh miền núi với đất đai, nguồn nước sạch, khí hậu trong lành… là những tiền đề tốt để thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ phát triển trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chuỗi giá trị gia tăng cao, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đàn bò hữu cơ của trang trại bò sữa TH

Tuy nhiên, vấn đề quy hoạch sản xuất nông nghiệp hữu cơ và tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ là 2 điểm vướng mắc lớn nhất. Trong phát biểu đề dẫn Diễn đàn, ông TrầnThanh Nam- Thứ trưởng Bộ NNPTNT cũng nêu thực tế này và cho biết Bộ đang triển khai một số giải pháp phát triển nông nghiệp hữu cơ. Trong đó nhấn mạnh sẽ hoàn thiện hệ thống chính sách, tiêu chuẩn, qui chuẩn sản xuất, chế biến, chứng nhận chất lượng, công bố tiêu chuẩn áp dụng, ghi nhãn, lô gô, truy xuất nguồn gốc, thanh tra, giám sát liên quan đến nông nghiệp hữu cơ giúp người tiêu dùng an tâm khi sử dụng các sản phẩm đã có chứng nhận và đạt tiêu chuẩn.

Cũng theo Thứ trưởng Nam, dự kiến đầu năm 2018 Bộ sẽ trình Chính phủ Nghị định về sản xuất hữu cơ, trong đó hoàn thiện chính sách về vấn đề nói trên.

Nhìn từ góc độ vĩ mô, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định:“Yêu cầu một nền nông nghiệp sạch, cung cấp thực phẩm sạch cho gần 100 triệu dân và xuất khẩu ra thế giới là thách thức lớn cho Nông nghiệp hữu cơ nhưng cũng đồng thời là cơ hội cho nông nghiệp hữu cơ vì có đầu ra tiềm năng”

Cánh đồng rau hữu cơ FVF

Cần tiêu chuẩn và sự minh bạch

Đại diện cho giới doanh nhân tâm huyết với sản xuất hữu cơ, bà Thái Hương nhắc lại: Chính phủ đang yêu cầu sự liêm chính, công bằng, minh bạch… Theo bà, sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc gia, làm rõ các tiêu chí sản xuất, đó chính là sự minh bạch, liêm chính nhất, làm rõ thông tin hàng hóa từ nguồn gốc của nó để người tiêu dùng lựa chọn.

Bà Thái Hương phát biểu tại Diễn đàn

Bà mong rằng Thủ tướng có chỉ đạo về việc ban hành bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn nói chung về sản xuất hàng hóa để hàng hóa Việt Nam đủ sức cạnh tranh với quốc tế. “Từ thực tế sản xuất, tôi thấy nếu sản xuất có tiêu chuẩn, có chứng nhận minh bạch thì cũng không phải xuất khẩu đâu, chỉ cần bán trong nước đã “cháy” hàng. Chúng tôi đang mở rộng sản xuất, sẽ cung cấp lượng sản phẩm hữu cơ lớn, trước mắt là phục vụ người dân Việt Nam, sau mới hướng đến xuất khẩu...”- bà khẳng định.

Tại Diễn đàn quốc tế này, bà cũng đề xuất với vai trò Tổng Giám đốc Ngân hàng Bắc Á, xin làm nhà tư vấn đầu tư, tư vấn tài chính để sản xuất sản phẩm hữu cơ cho lĩnh vực thảo dược.

Bà khẳng định: “Tôi đi trên con đường này 7 năm. Có dịp tôi cũng mời Thủ tướng và các chuyên gia, các doanh nghiệp tới thăm mô hình trồng dược liệu của tôi ở Nghệ An. Đó là mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng. Mô hình nhỏ thôi nhưng tôi sẽ nhân lên. Đó là mô hình giúp người dân sản xuất hữu cơ và bảo vệ rừng. Tôi định hướng cho người nông dân tập hợp thành nhóm sản xuất, thành hợp tác xã, tôi sẽ cung cấp giống cho họ. Người dân sẽ làm 2 việc: một là hái lượm thảo dược hữu cơ tư nhiên dưới tán rừng hoặc nhân giống, trồng dược liệu hữu cơ xung quanh bìa rừng… Doanh nghiệp chúng tôi sẽ liên kết thu.mua sản phẩm cho bà con, thực hiện khâu sơ chế, chế biến và phân phối sản phẩm ra đến chuỗi cuối cùng”

Bà cho rằng với vai trò tư vấn, bà sẽ “truyền lửa” để tạo ra một thế hệ các doanh nghiệp, các hợp tác xã sản xuất thảo dược/dược liệu dưới tán rừng để thảo dược trở thành sản phẩm hữu cơ mũi nhọn, thậm chí tạo ra vùng lưu trữ bảo tồn và phát triển thảo dược/dược liệu của Việt Nam, như định hướng của Thủ tướng nói về 5 vùng dược liệu của Việt Nam.

Trồng gấc hữu cơ tại trang trại Dược liệu TH (Yên Thành, Nghệ An)

Quan tâm tới các đề xuất này, Thủ tướng Chính phủ nhận định, nông nghiệp hữu cơ mang trọng trách cho tương lai, như vậy không thể phát triển theo phong trào ồ ạt, phổ cập hết thị trường mà phải phát triển bài bản. “Phải làm chặt chẽ, rõ ràng, có kiểm soát. Phải hình thành cho được một hệ sinh thái phát triển nông nghiệp hữu cơ, xây dựng văn hóa hữu cơ”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng chỉ rõ, không thể để tình trạng “rau hai luống, lợn hai chuồng”. Lắng nghe tiếng nói của DN, Thủ tướng yêu cầu Bộ NNPTNT sớm trình Nghị định về phát triển nông nghiệp hữu cơ, trong đó xây dựng tiêu chí chứng nhận hữu cơ bài bản, minh bạch. Thủ tướng nêu ví dụ: “Uống sữa TH có cảm giác an toàn vì quy trình sản xuất minh bạch, nếu chúng ta làm nhập nhằng, không minh bạch thì sản phẩm dư thừa vì người tiêu dùng không tin tưởng”

Tập đoàn TH áp dụng 2 hữu cơ tiêu chuẩn quốc tế Châu Âu và Mỹ tại trang trại rau FVF (14,7ha),Trang trại Dược liệu TH (20ha) và Trang trại bò sữa hữu cơ TH (328 ha). Cả 3 trang trại của tập đoàn TH đã được tổ chức Chứng nhận Quốc tế Control Union (Hà Lan) chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ nói trên. Với diện tích sản xuất hữu cơ có chứng nhận quốc tế lên tới hơn 360ha và các trang trại hữu cơ sẽ phát triển trong tương lai (tại Thái Bình, Sơn La, Hà Giang…), tập đoàn TH được đánh giá là đơn vị sản xuất hữu cơ quy mô lớn nhất Việt Nam

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/hai-de-xuat-phat-trien-nong-nghiep-huu-co-cua-nu-doanh-nhan-nganh-sua-n139592.html