Hải đăng Bạch Long Vỹ: 'Viên ngọc' giữa trùng khơi

Hải đăng trên đảo tiền tiêu Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) - ngọn đèn biển sừng sững như tháp bút khổng lồ, cao 80m so với mực nước biển và chiếu sáng xa tới 20 hải lý. 25 năm qua, 'con mắt thần' giữa trùng khơi luôn vững vàng, kiêu hùng phát sáng, chỉ dẫn tàu bè đến với Bạch Long Vỹ an toàn.

Hải đăng Bạch Long Vỹ - ngọn đèn kiêu hùng giữa trùng khơi. Ảnh: Nguyễn Dịu.

Hải đăng Bạch Long Vỹ - ngọn đèn kiêu hùng giữa trùng khơi. Ảnh: Nguyễn Dịu.

Con mắt thần

Bạch Long Vỹ là đảo xa bờ nhất trong vịnh Bắc Bộ. Cách đất liền thành phố Hải Phòng chừng 130 km, khoảng 8 tiếng chạy tàu. Không chỉ có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, an ninh – quốc phòng biển của Việt Nam, mà nơi đây còn sở hữu cảnh sắc thiên nhiên tươi xanh, thanh bình.

Hải đăng trên đảo là một trong những địa điểm ưa thích của nhiều du khách khi đến Bạch Long Vỹ. Lên ngọn hải đăng, khách sẽ được phóng tầm mắt giữa mênh mông sóng nước, ngắm bình minh từ trên cao, thu gọn cảnh sắc toàn đảo, cảm nhận thiên nhiên tươi đẹp, trong lành.

Anh Đồng Văn Cường, Trạm trưởng Trạm hải đăng Bạch Long Vỹ cho biết: Ngọn hải đăng trên đảo Bạch Long Vỹ được xây dựng từ năm 1995, trên vị trí cao nhất thuộc đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng), do Tổng Công ty Đảm bảo An toàn Hàng hải phía Bắc đầu tư xây dựng và vận hành.

Ngọn hải đăng có chiều cao 23,5m, được chia làm chín tầng. Tháp cao tổng cộng hơn 100m so với mực nước biển. Ánh sáng đèn tín hiệu có thể quét xa với bán kính đến 22 hải lý vào ban ngày và 20 hải lý vào ban đêm.

Ngọn hải đăng này có tác dụng độc lập báo vị trí đảo Bạch Long Vỹ. Nó giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển vịnh Bắc Bộ định hướng và xác định vị trí của mình. Ngọn hải đăng sừng sững trên đảo, hoạt động suốt ngày đêm còn góp phần khẳng định và giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngôi nhà thứ hai

Với những người quản lý, hay công nhân của Tổng Công ty Đảm bảo An toàn Hàng hải phía Bắc đang vận hành cây đèn biển trên đảo Bạch Long Vỹ thì tháp đèn là ngôi nhà chung thứ hai của họ.

Khi đoàn công tác của chúng tôi đến với hải đăng, anh Đồng Văn Cường, Trạm trưởng đon đả đón chào. Thay một hướng dẫn viên du lịch, anh dẫn chúng tôi leo qua gần 100 bậc thang xoáy trôn ốc lên đỉnh ngọn hải đăng. Anh giới thiệu cho chúng tôi về cây đèn biển, với những thăng trầm, sóng gió trùng khơi một cách rành rọt, chi tiết.

Hải đăng sừng sững như tháp bút khổng lồ, có kiến trúc hình vòm độc đáo với những ô kính cường lực bao quanh. Ở đúng tâm của căn phòng là tổ hợp các chóa đèn phẳng to như cánh tủ, được gọi tim đèn với thiết kế hình khối lục lăng, cứ 2 mặt sáng lại có một mặt tối.

Anh Cường cho biết, những ngày trời quang mây tạnh, tàu biển cách xa Long Châu tới 30 - 40km vẫn nhìn thấy ánh sáng phát ra từ đảo. Việc thiết kế chóa đèn kiểu sáng - tối để ánh sáng chiếu ra kiểu chớp - tắt, tàu bè từ xa dễ quan sát hơn, tàu có cảm biến cũng sẽ dễ nhận ra hơn.

Từ đỉnh ngọn đèn nhìn xuống, đưa mắt về hướng Tây Nam đảo, sẽ thấy hiện lên rõ nét công trình quan trọng bậc nhất của Bạch Long Vỹ - âu cảng - được thiết kế như một viên kim cương nổi bật giữa trùng khơi. Từ khi được hoàn thành, đưa vào sử dụng, âu cảng đã biến hòn đảo xa xôi này thành nơi náo nhiệt với hàng trăm tàu, thuyền ra vào, neo đậu mỗi ngày.

Canh giữ hải đăng có trạm trưởng, trạm phó và các công nhân quản lý vận hành đèn luồng báo hiệu. Tất cả đều là người trong đất liền, ra đảo họ sống luôn trong thân đèn, ở khu vực khối đế, với các trang thiết bị cho cuộc sống ở mức vừa phải.

Công việc gác đèn cũng không quá phức tạp, chủ yếu là đảm bảo cho đèn luôn sáng vào mỗi đêm. Ban ngày, công nhân chia nhau bảo dưỡng các hệ thống như điện, ắc quy dự phòng, pin mặt trời hay thông tin liên lạc.

Tuy nhiên, vì là đảo tiền tiêu, Bạch Long Vỹ lắm giông bão, nên các công nhân gác đèn phải căng sức trực bão. Điện ở đảo phải dùng tiết kiệm, những lúc bão bùng, mất điện dài ngày, cả tập thể phải tìm mọi cách để tìm nguồn thay thế, tích trữ điện vào những bình ắc quy khổ lớn.

Khi được hỏi về cuộc sống, những khó khăn của người công nhân trực đèn trên biển, anh Cường cười nói: “Ở đây, anh em đoàn kết, bảo ban nhau làm việc vì mục đích chung. Đồ ăn, thức uống trên đảo có phần khó khăn, khan hiếm hơn đất liền. Nhưng anh em công nhân thay nhau tăng gia, cải thiện thêm. Điều mà anh em chúng tôi luôn thiếu đó là thiếu… người. Vì thế, bất kỳ dân đảo nào, không riêng gì chúng tôi, cứ thấy tàu cập bến là khấp khởi, vui mừng đón khách”.

Ngoài việc làm hướng dẫn viên du lịch, giới thiệu về ngọn hải đăng, về đảo Bạch Long Vỹ, anh Cường và đồng nghiệp luôn muốn được nghe khách tâm sự, kể những câu chuyện trong đất liền nơi có người thân mình ở đó.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/hai-dang-bach-long-vy-vien-ngoc-giua-trung-khoi-4067892-b.html